Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 32/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 09 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỐNG NHỨT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, MUA BÁN VÀNG BẠC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Căn cứ quyết định số 139/CT ngày 24 tháng 5 năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quí;

Căn cứ tình hình thực tế về kinh doanh vàng bạc của các thành phần kinh tế trên địa bàn;

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1/ Phối hợp hoạt động giữa Công ty kinh doanh vàng bạc thuộc Ngân hàng thành phố và Công ty vàng bạc, đá quí thành phố.

Công ty kinh doanh vàng bạc thuộc Ngân hàng thành phố và Công ty vàng bạc, đá quí thành phố phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu xã hội và ổn định thị trường vàng bạc; tính toán lượng hàng cần thiết bảo đảm kinh doanh; chủ động lập đề án và kế hoạch kinh doanh; cùng phối hợp với các ngành chức năng trong việc chống bọn đầu cơ buôn lậu lũng đoạn giá vàng. Quá trình hoạt động phải hết sức chú trọng thông tin trao đổi, phù hợp. Khai thác khả năng chế biến, gia công cho nước ngoài; thống nhứt kế hoạch tập hợp, sử dụng, đào tạo thợ kỹ thuật.

2/ Chấn chỉnh việc nhập vàng :

Ngoài Công ty kinh doanh vàng bạc thuộc Ngân hàng thành phố (thực hiện theo quy chế của Ngân hàng Nhà nước) và Công ty vàng bạc đá quí thành phố, các đơn vị sản xuất và xuất nhập khẩu không được phép nhập vàng. Việc nhập vàng theo kế hoạch của thành phố hoặc trong trường hợp đột xuất thật cần thiết do Ủy ban nhân dân thành phố chỉ định.

3/ Về việc cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, hộ kinh tế cá thể được kinh doanh vàng bạc theo quy định tại điều 4 và điều 5 quyết định số 139/CT.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao lưu của khu vực và cả nước, dân cư đông đúc, các hoạt động mua bán kinh doanh đa dạng và phức tạp; vì vậy việc cho phép các đối tượng nêu trên mua bán vàng bạc phải được quy hoạch phù hợp với nhu cầu xã hội nhằm hạn chế tiêu cực và thực hiện được sự quản lý Nhà nước trên địa bàn. Với sự thỏa thuận của đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực I; Ủy ban nhân dân thành phố thành lập một Ban chỉ đạo về hoạt động kinh doanh vàng bạc thành phố do Ngân hàng Nhà nước khu vực I làm cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân thành phố chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh, mua bán và thực hiện sự quản lý Nhà nước về vàng bạc trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo về hoạt động vàng bạc thành phố gồm các đồng chí sau đây :

- Đ/c Lê Khắc Bình, Phó Chủ tịch/thường trực Ủy ban nhân dân thành phố - Trưởng Ban,

- Đ/c Nguyễn Văn Trữ, Giám đốc Ngân hàng khu vực I - Ủy viên thường trực

- Đ/c Lê Minh, Phó Văn phòng UBND.TP - Ủy viên

- Đ/c Nguyễn Thành Sang, Chủ nhiệm UBVG.TP - Ủy viên

- Đ/c Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Cty vàng bạc đá quí TP - Ủy viên

- Đ/c Đặng Ngọc Chi, Giám đốc Cty kinh doanh vàng bạc thành phố - Ủy viên

Ban chỉ đạo được trưng dụng một số chuyên viên am hiểu hoạt động kinh doanh vàng bạc để theo dõi tình hình, nghiên cứu giúp việc cho Ban.

Ban chỉ đạo cùng Ủy ban nhân dân quận, huyện quy hoạch mạng lưới cửa hàng vàng bạc trên từng địa bàn quận huyện và toàn thành phố gồm cả quốc doanh và tư nhân. Căn cứ vào quy hoạch đã thống nhứt, Ban chỉ đạo cùng Ủy ban nhân dân quận, huyện xét đơn xin thành lập cửa hàng vàng bạc của tư nhân. Những đơn xin lập cửa hàng vàng bạc tư nhân sau khi Ban chỉ đạo thành phố thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy phép kinh doanh.

Cửa hàng vàng bạc tư nhân chịu sự quản lý Nhà nước theo điều 5 quyết định số 139/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cụ thể như sau :

a) Phải đăng ký vốn bằng hiện kim tối thiểu.

b) Ký quỹ một phần vốn bằng hiện kim. Trong khi chờ hướng dẫn của Ngân hàng Trung ương, tạm thời ấn định mức ký quỹ cho mỗi cửa hàng vàng bạc tư nhân là 10 lượng vàng 10 tuổi. Quản lý số vàng ký quỹ, bảo đảm trả đủ khi chủ hộ không còn kinh doanh yêu cầu nhận lại số vàng đã ký quỹ do Ngân hàng Nhà nước khu vực I đảm nhận và trả lãi suất vàng ký gởi là 1%/tháng cho chủ hộ. Ngân hàng Nhà nước khu vực I cho quận huyện vay lại trong phạm vi 50% số vàng ký quỹ với lãi suất 2%/tháng để quận huyện tăng thêm vốn cho sản xuất, kinh doanh. Ủy ban nhân dân quận huyện chỉ định đơn vị đầu mối để nhận vay khoản vốn này.

c) Có cửa hàng, cửa hiệu địa chỉ rõ ràng.

d) Đăng ký nhãn hiệu.

e) Đăng ký tuổi vàng 24K, tuổi vàng 18K.

g) Có chuyên môn kỹ thuật.

h) Chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện mua bán có hóa đơn, có sổ sách kế toán theo quy định của Bộ Tài chánh, phải tôn trọng khung giá thống nhứt và chịu sự kiểm tra kiểm soát của Nhà nước.

Ở quận huyện thành lập Hội đồng xét đơn xin đăng ký kinh doanh do cửa hàng vàng bạc quận, huyện làm thường trực để tiếp nhận đơn. Ủy ban nhân dân quận huyện xem xét và đề nghị với Ban chỉ đạo thành phố để cấp giấy phép kinh doanh. Ủy ban nhân dân quận huyện có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng quận huyện thực hiện sự quản lý Nhà nước đối với tư nhân kinh doanh vàng bạc.

4/ Căn cứ chỉ thị này, các ngành các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện. Kể từ 01-11-1989, các đơn vị và cá nhân không có giấy phép kinh doanh không được phép hoạt động, nếu vẫn tiếp tục kinh doanh sẽ bị xử lý theo điều 7 quyết định số 139/CT ngày 24/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/CT-UB năm 1989 về việc thống nhứt hoạt động kinh doanh, mua bán vàng bạc trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 32/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/09/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Khắc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản