Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 29/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 6 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THÁO DỠ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VI PHẠM LỘ GIỚI VÀ HÀNH LANG AN TOÀN HỆ THỐNG TRUYỀN TẢI ĐIỆN VÀ CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Hiện nay tình hình xây dựng vi phạm lộ giới, hành lang an toàn hệ thống truyền tải điện và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố khá phổ biến và rất nghiêm trọng. Với gần 12.000 điểm vi phạm hành lang an toàn điện, trong đó có hàng ngàn điểm vừa vi phạm lộ giới xây dựng đô thị, vừa vi phạm hành lang an toàn điện như: nhà cửa xây bao ôm cột điện, nằm dưới đường điện trung thế - hạ thế, đườngđiện khu vực chui qua nhà, xây bao trạm biến điện v.v…

Để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng đô thị, đặc biệt là đảm bảo an toàn lưới điện và tính mạng của nhân dân (kể cả người vi phạm), tạo một bước chuyển biến mới trong việc thực hiện chỉnh trang đô thị theo quy hoạch và chấp hành pháp luật của Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1- Tất cả các công trình của cơ quan, đơn vị nhà nước và nhân dân xây dựng vi phạm lộ giới, hành lang an toàn hệ thống truyền tải điện và vi phạm các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố đều phải tự tháo dỡ trong thời hạn ngắn nhất.

2- Giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng, Sở Điện lực, Sở Giao thông công chánh, Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức rà soát, kiểm tra và côngbố các trường hợp công trình vi phạm, lập biên bản vi phạm và chỉ định rõ những chỗ vi phạm phải tháo dỡ.

Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Xây dựng ra quyết định tháo dỡ, quy định thời hạn chủ công trình phải tháo dỡ. Trước khi ra quyết định. Sở Xây dựng trao đổi thống nhứt với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Sở Điện lực và Sở Giao thông công chánh. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quyết định trên địa bàn mình phụ trách. Trường hợp các chủ công trình không tự giác chấp hành việc tháo dỡ, Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế tháo dỡ theo luật định. Chủ công trình phải chịu mọi phí tổn và thiệt hại cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ.

Công an thành phố, Sở Điện lực, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chánh và các ngành chức năng có trách nhiệm hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc tổ chức và thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm.

3- Sở Giao thông công chánh, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ công trình trong việc tu sửa vỉa hè, đường ống cấp thoát nước, thiết kế xây dựng, xác định lộ giới tại các tuyến đường có công trình đã tháo dỡ.

4- Sở Văn hóa thông tin, các cơ quan thông tin, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tuyên truyền sâu rộng, kịp thời chỉ thị này để các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức và nhân dân thông suốt chủ trương của thành phố tự giác thực hiện, từng bước lập lại trật tự xây dựng đô thị trên toàn thành phố.-

 

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/CT-UB năm 1993 về việc tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm lộ giới và hành lang an toàn hệ thống truyền tải điện và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 29/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/06/1993
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản