Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 7 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH TRỊ GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH.
Thi hành chính sách công tư hợp doanh ở các tỉnh phía Nam theo chỉ thị 93/TTg ngày 3 tháng 12 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 1978 thành phố đã xây dựng được 151 xí nghiệp công tư hợp doanh gồm 800 nhà tư sản dân tộc sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… do các sở, ngành của trung ương, thành phố quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật.
Do hoạt động theo phương thức mua lại trả dần, nên các xí nghiệp công tư hợp doanh hoạt động không có hiệu quả, một số chủ cũ đã giao nộp tài sản để xuất cảnh, một số trốn ra nước ngoài nên nhiều cơ sở đã được chuyển sang quản lý theo chế độ quốc doanh.
Đến nay toàn thành phố còn lại 45 xí nghiệp công tư hợp doanh đang hoạt động, có một số xí nghiệp đã thí điểm hợp doanh chia lãi, trong số này có những xí nghiệp trong ngành giao thông vận tải, Nhà nước cho phép thực hiện công tư hợp doanh với thành phần tiểu chủ.
Chánh sách công tư hợp doanh lúc bấy giờ là thực hiện hợp doanh theo phương thức trả lãi cố định 8%, nếu là tiểu chủ cộng thêm 6%/năm và được trả xong vốn cho cổ đông tư nhân trong 12 năm 6 tháng và chuyển xí nghiệp công tư hợp doanh thành xí nghiệp quốc doanh.
Do áp dụng chánh sách mua lại trả dần có thời hạn và vốn của bên tư thường xác định quá thấp, hơn nữa mấy năm nay tình hình giá cả lại biến đổi theo chiều hướng tăng liên tục, đồng bạc bị mất giá quá nhanh, giá trị tài sản cố định trong khu vực công tư hợp doanh không được kịp thời điều chỉnh ít ra cũng phải tương đương với giá trị tài sản cố định của xí nghiệp quốc doanh, vì thế nên vốn hợp doanh ban đầu của cổ đông tư nhân dần dần đã trở thành vô nghĩa.
Sau khi có luật đầu tư của Nhà nước và tiếp đến quyết định 217, các Nghị định 27, 28, 29 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành đối với các thành phần kinh tế (trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải) nền kinh tế đang mở ra nhiều triển vọng mới; thành phần kinh tế tư bản Nhà nước cần kịp thời củng cố để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa dưới hình thức hợp doanh chia lãi.
Việc thực hiện chánh sách hợp doanh chia lãi cần thiết phải điều chỉnh trị giá tài sản cố định trong các xí nghiệp công tư hợp doanh.
Theo đề nghị của Ban Cải tạo công thương nghiệp thành phố, Ủy ban Vật giá thành phố, Sở Công nghiệp thành phố, Sở Tài chánh thành phố ;
Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương điều chỉnh giá trị tài sản cố định trong các xí nghiệp công tư hợp doanh hiện đang còn hoạt động, nhằm khuyến khích các nhà tư sản dân tộc tiếp tục đầu tư vốn, tay nghề kỹ thuật, khả năng tổ chức quản lý điều hành sản xuất kinh doanh cùng với Nhà nước tổ chức sản xuất, thực hiện chánh sách hợp doanh chia lãi.
Chủ trương điều chỉnh trị giá tài sản cố định trong các xí nghiệp công tư hợp doanh như sau :
1/ Điều chỉnh trị giá tài sản cố định trong xí nghiệp công tư hợp doanh tương đương như trị giá tài sản cố định trong xí nghiệp quốc doanh cùng loại, lấy đó làm cơ sở xác định phần giá trị tài sản còn lại theo thời điểm hiện nay.
Thực hiện Chỉ thị 118/CT của Hội đồng Bộ trưởng đến bước ba Hội đồng Bộ trưởng sẽ quy định lại trị giá tài sản của xí nghiệp quốc doanh, thì giá trị tài sản cố định mà bên tư trong các xí nghiệp công tư hợp doanh cũng được điều chỉnh tương đương như trị giá tài sản của xí nghiệp quốc doanh cùng loại.
2/ Mốc thời gian điều chỉnh trị giá tài sản công tư hợp doanh là cùng một thời gian điều chỉnh trị giá tài sản cố định quốc doanh. Sau này Nhà nước có điều chỉnh trị giá tài sản cố định quốc doanh lên thì trị giá tài sản cố định công tư hợp doanh cũng điều chỉnh lên tương đương.
Sau khi điều chỉnh trị giá tài sản cố định công tư hợp doanh nâng lên ngang trị giá tài sản cố định quốc doanh cùng loại sẽ thực hiện chánh sách hợp doanh chia lãi, có khấu hao cơ bản đúng thực chất của nó, có tích lũy không ngừng đổi mới thiết bị.
3/ Về đối sách xử lý các tồn tại trong quản lý xí nghiệp công tư hợp doanh:
(a) Đối với các cổ đông tư nhân tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh :
Sau khi điều chỉnh trị giá tài sản cố định cần có phương án chuyển ngay sang hoạt động theo phương thức hợp doanh chia lãi, phần lãi trước đây họ đã nhận, không trừ vào vốn hợp doanh. Từ khi thực hiện chánh sách hợp doanh chia lãi, không còn trả lãi cố định 8%/năm và nếu là tiểu chủ cộng thêm 6%/năm.
(b) Đối với các cổ đông tuy còn hợp doanh nhưng không tham gia hoạt động trong xí nghiệp, ra ngoài làm ăn riêng lẻ :
Sau khi điều chỉnh giá tài sản cố định theo chủ trương chung, vận động họ tiếp tục tham gia và đầu tư thêm vốn, kỹ thuật để chuyển sang phương thức hợp doanh chia lãi.
Trường hợp vận động họ không được thì Nhà nước mua lại tài sản để chuyển thành xí nghiệp quốc doanh, theo phương thức mua lại trả dần 8%/năm đến khi hoàn tất việc mua lại, hoặc trả theo phân kỳ từ 01 năm đến 3 năm.
Ủy ban nhân dân thành phố chỉ định một Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ thị này do đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp, giao thông vận tải… làm trưởng ban cùng với các ban ngành gồm có : Ban Cải tạo công thương nghiệp thành phố, các sở quản lý ngành, Ủy ban Vật giá thành phố, Sở Tài chánh thành phố, Ngân hàng Nhà nước thành phố tổ chức triển khai và chỉ đạo chặt chẽ việc điều chỉnh trị giá tài sản cố định từng xí nghiệp công tư hợp doanh, thực hiện hợp doanh chia lãi.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 26/CT-UB năm 1988 về việc điều chỉnh trị giá tài sản cố định trong các xí nghiệp công tư hợp doanh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 26/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/07/1988
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra