Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 251-CT | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1982 |
Để bảo đảm sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, viên chức công tác dài hạn ở Cam -pu-chia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 350-TTg ngày 3-11-1979. Đến nay, để đáp ứng với sự phát triển của tình hình và tạo điều kiện cho anh chị em công tác tốt hơn, căn cứ đề nghị của các ngành có liên quan, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định bổ sung một số chính sách, chế độ sau đây,
1. Khoản phụ cấp đặc biệt nói ở điểm 1, phần I của Chỉ thị số 350-TTg ngày 3-11-1979 của Thủ tướng Chính phủ nay được quy định bằng 45% mức lương chính tính theo Quyết định số 134-HĐBT ngày 17-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
Đối với những cán bộ công tác ở miền núi thực sự có khó khăn, hoặc vùng thiếu an ninh thì phụ cấp đặc biệt bằng 60% mức lương chính nói trên.
Trưởng Đoàn chuyên gia ở Cam-pu-chia có trách nhiệm quy định cụ thể những vùng coi là miền núi có khó khăn, vùng thiếu an ninh theo tinh thần bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các vùng và phù hợp với tình hình an ninh từng nơi, từng lúc.
2. Được để lại tem phiếu thực phầm (hoặc sổ mua hàng thay tem phiếu) cho gia đình sử dụng để mua hành theo định lượng quy định của Nhà nước; nơi nào cấp bù bằng tiền thay tem phiếu thì cũng cấp bù bằng tiền vào tiền lương theo Quyết định số 134-HĐBT ngày 17-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
Các cơ quan, địa phương có cán bộ, công nhân đi công tác ở Cam-pu-chia có trách nhiệm tiếp tục làm tem phiếu thực phẩm, hoặc sổ mua hàng, hoặc cấp phát thay tem phiếu cho anh chị em .
3. Khi có quyết định đi công tác dài hạn ở Cam- pu-chia, mỗi cán bộ, công nhân được cấp một lần một số tiền để mua một quần, một áo sơ mi; một màn cá nhân, một đôi dép nhựa theo giá bán lẻ của Nhà nước, hoặc có thể mua những thứ đồ dùng khác thay những mặt hàng trên đây mà người đi công tác thấy cần thiết, nhưng tổng số tiền trợ cấp không quá 800 đồng. (Nếu giá cả những mặt hàng này có thay đổi nhiều thì Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức nói trên cho phù hợp).
4. Người đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia được cung cấp đủ 5m vải mỗi năm theo giá cung cấp .
Để tránh khó khăn trong việc sử dụng phiếu vải, cơ quan tài chính cấp bù bằng tiền cho anh chị em theo giá bán lẻ của Nhà nước. Cơ quan, đơn vị cấp phát tiền lương có trách nhiệm dự trù và cấp phát khoản bù tiền vải này cho anh chị em.
II. VỀ TIỀN ĂN, TIỀN TIÊU VẶT, CÔNG TÁC PHÍ, NGHỈ PHÉP, BỒI DƯỠNG, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
1. Trước mắt, đoàn chuyên gia sử dụng quỹ tiền Riel do bạn cung cấp để cấp phát tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng tháng cho cán bộ, công nhân đi công tác dài hạn . Mức tiền ăn và tiêu vặt do đoàn chuyên gia căn cứ vào tình hình cung cấp tiền. Riel của bạn để tạm thời quy định. Người đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia phải trả lại công quỹ số tiền ăn bằng tiền Việt Nam theo mức 64 đồng đối với cán bộ A, B; 48 đồng đối với cán bộ C; 36 đồng đối với các cán bộ, công nhân, viên chức khác. Hàng tháng cơ quan, đơn vị cấp phát lương cho người đi công tác ở Cam-pu-chia có trách nhiệm khấu trừ số tiền ăn nói trên vào tiền lương của cán bộ, công nhân viên và nộp vào ngân sách Nhà nước.
Phần cấp phát bằng tiền Riel trên đây nhằm bảo đảm cho cán bộ mua tại chỗ lương thực, một số mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau... thay thế cho việc cung cấp, vận chuyển từ trong nước sang.
Nghiêm cấm cán bộ, công nhân, viên chức Việt Nam lưu hành tiền Việt Nam trên đất Cam-pu-chia.
Các Bộ Lao động, Tài chính, Nội thương, Lương thực cùng với đoàn chuyên gia cần thường xuyên theo dõi tình hình giá cả trên đất bạn và chế độ cung cấp ở trong nước để điều chỉnh hoặc đề nghị chủ tịch Hội đồng bộ trưởng điều chỉnh kịp thời chế độ cấp phát tiền ăn, tiền tiêu vặt và chế độ trả lại công quỹ bằng tiền Việt Nam.
2. Khi đi công tác trên đất bạn, cán bộ, chuyên gia được thanh toán công tác phí bằng tiền Riel. Mức tiền và chế độ thanh toán do Bộ Tài chính cùng với đoàn chuyên gia quy định trong thời gian đi công tác ở trong nước thì công tác phí được tính bằng tiền Việt Nam theo chế độ chung và do đoàn chuyên gia thanh toán.
Để bảo đảm điều kiện đi lại thuận tiện, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục hàng không dân dụng cần quy định chế độ ưu tiên bán vé cho anh chị em đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia, kể cả đi lại trong nước và sang Cam-pu-chia.
3. Hàng năm , cán bộ, chuyên gia được về nước nghỉ phép năm 1 lần trong thời gian là 1 tháng (không kể thời gian đi về); những ngày đi đường được thanh toán như đi công tác ở trong nước và do đoàn chuyên gia thanh toán.
4. Chế độ bồi dưỡng nâng cao trình độ:
Các ngành, các cơ quan trung ương và địa phương có cán bộ, công nhân, viên chức sang giúp Cam-pu-chia cần có kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn (khoảng 1 tháng) để giúp anh chị em nắm được tình hình chung ở trong nước và những kinh nghiệm thực tế về chuyên môn của ngành, của địa phương.
Bên cạnh việc giáo dục thường xuyên về tư tưởng, chính sách đoàn chuyên gia có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo từng loại cán bộ, chuyên gia bằng cách tổ chức các lớp học tập trung tại chỗ, hoặc giới thiệu và cử cán bộ, chuyên gia về theo học các trường, lớp học lý luận, chuyên môn, văn hoá, các trường đại học , trung học, đào tạo công nhân ở trong nước hoặc ngoài nước.
Các ngành có trường đại học , trung học, dạy nghề cần có chế độ ưu tiên tiếp nhận cán bộ, công nhân đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia được thi, tuyển vào học ở các trường; Bộ Lao động và các ngành, các địa phương cần sắp xếp công việc làm đối với cán bộ, nhân viên đã hoàn thành nhiệm vụ công tác ở Cam-pu-chia trở về, kể cả việc cho đi học và lao động nước ngoài.
5. Chế độ chăm sóc sức khoẻ:
Bộ Y tế nghiên cứu và quy định hợp lý các tuyến điều trị, điều dưỡng cho cán bộ đi công tác ở Cam-pu-chia, khi phải về nước điều trị, điều dưỡng.
Những cán bộ, chuyên gia nào cần được nghỉ hàng năm có bồi dưỡng (ở trong nước hoặc ngoài nước) do Đoàn chuyên gia lập danh sách và bàn với cơ quan có trách nhiệm ở trong nước để sắp đặt kế hoạch theo tinh thần ưu tiên cho những anh chị em công tác ở Cam-pu-chia đi nghỉ hoặc điều dưỡng.
6. Viện Huân chương cần nghiên cứu những hình thức khen thưởng thích hợp để tặng những địa phương, đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong việc làm nghĩa vụ quốc tế và xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam -Cam-pu-chia.
Những cán bộ, công nhân, viên chức công tác ở Cam-pu-chia vi phạm kỷ luật của Đảng và Nhà nước cần được xử lý nghiêm minh và kịp thời.
III. VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI CÔNG TÁC DÀI HẠN Ở CAM-PU-CHIA
1. Trong thời gian công tác trên đất bạn, Đoàn chuyên gia có trách nhiệm quản lý người sang công tác ở Cam-pu-chia về mọi mặt, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện mọi chính sách, chế độ về lao động và nhân sự.
2. Nhứng cán bộ, công nhân, viên chức được điều từ các cơ quan trong nước đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia thì về biên chế, tiền lương và các quyền lợi khác của cán bộ đó vẫn do cơ quan cũ chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện như khi người đó ở trong nước. Trường hợp đơn vị công tác cũ ở trong nước bị giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm giao những nhiệm vụ này cho một cơ quan khác kế thừa.
Biên chế của cán bộ đi công tác ở Cam-pu-chia được tính ngoài biên chế và quỹ tiền lương của ngành, địa phương do cấp trên giao cho ngành, địa phương.
Khi cán bộ, công nhân, viên chức đi Cam-pu-chia được điều về nước công tác thì cơ quan, hoặc địa phương cũ quản lý cán bộ đó có trách nhiệm bố trí công tác.
Các ngành, các địa phương có trách nhiệm quản lý và thi hành các chính sách, chế độ có liên quan đến gia đình anh chị em đi công tác dài hạn ở Cam-pu-chia.
Đối với cán bộ sang công tác ở Cam-pu -chia để làm từng việc cụ thể trong một thời gian ngắn; những công nhân sang Cam-pu-chia làm công tác xây dựng cơ bản, giúp về kỹ thuật trong một thời gian ngắn thì không áp dụng chế độ này. Bộ Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu và ban hành sớm chế độ đối với những cán bộ, công nhân, viên chức nói trên.
Bộ Giao thông vận tải và các ngành có nhiều công nhân sang giúp Cam-pu-chia cùng với các ngành liên quan nghiên cứu chế độ riêng cho công nhân đi xây dựng và sản xuất ở Cam -pu-chia và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cùng với các ngành liên quan có trách nhiệm trình chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định các chế độ đối với lực lượng vũ trang hoạt động ở Cam-pu-chia.
2. Chế độ này có giá trị thi hành kể từ ngày ký ban hành, riêng điểm 1, phần I (trợ cấp đặc biệt) thì thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 1982; điểm 2, phần I thì thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 1982. Thời gian từ nay đến hết tháng 12 năm 1982, nơi cấp tem phiếu thì sử dụng hết tem phiếu, nơi không có tem phiếu thì thi hành như điểm 2, phần I của chỉ thị này; điểm 1 và 2, phần II (tiền ăn, tiền tiêu vặt và công tác phí) thi hành từ ngày 1 tháng 6 năm 1982.
3. Các chế độ trái với những điều quy định trong Chỉ thị này đều bãi bỏ.
4. Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trưởng Đoàn chuyên gia ở Cam-pu-chia có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
Chỉ thị 251-CT năm 1982 vbổ sung chính sách, chế độ đối với cán bộ, công nhân viên chức ở Campuchia do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 251-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/09/1982
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 19
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra