Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 126/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ NGUYÊN TẮC, TRÌNH TỰ, PHƯƠNG PHÁP LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH CẤP PHÁT NGOẠI TỆ THUỘC QUYỀN SỦ DỤNG CỦA THÀNH PHỐ

Hàng năm quỹ ngoại tệ thuộc quyền sử dụng của thành phố là có hạn, gừ đó việc xét duyệt kế hoạch cấp phát cũng như việc sử dụng ngoại tệ phải chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm đáp ứng đúng các nhu cầu về nhập khẩu (tiền ngạch) các loại vật tư kỹ thuật, thiết bị phụ tùng hết sức cần thiết của sản xuất và đời sống trong điều kiện Nhà nước chua bảo đảm trang trải đủ và đồng bộ.

Trước mắt, trong năm 1980, Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số vấn đề về nguyên tắc, trình tự về xét duyệt và cấp phát quỹ ngoại tệ thuộc quyền sử dụng của thành phố như sau :

I- NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT NGOẠI TỆ.

Do nguồn ngoại tệ thuộc quyền sử dụng của thành phố có hạn, trước nhu cầu to lớn và đa dạng của các ngành, phải có sự chọn lựa giải quyết ưu tiên cho từng phương án phát triển xét thấy có hiệu xuất đầu tư cao, thời gian sinh lợi sớm hoặc có khả năng tạo sức bật mới cho đơn vị được cấp phát. Cụ thể :

1. 40% ngoại tệ dành cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu tại chỗ và xuất khẩu tiểu ngạch (có một phần dành cho xuất khẩu đại ngạch) kể cả nhập khẩu hàng hóa đối lưu để mở rộng và khuyến khích thu mua hàng xuất khẩu trong và ngoài thành phố. Cách phân phối tổng số 40% là ngành nào, cơ sở nào đóng góp nhiều cho xuất khẩu sẽ được phân phối ưu tiên hơn.

2. 30% ngoại tệ dành cho việc nhập khẩu vật tư kỹ thuật, phụ tùng, thiết bị hết sức cần thiết và đầu tư chiều sâu vào các phương án phát triển của các ngành sản xuất then chốt của thành phố đang gặp khó khăn.

3. 20% ngoại tệ dành cho nhập khẩu bổ sung cho các ngành dịch vụ công cộng của thành phố có quan hệ trực tiếp đến đời sống nhân dân (như điện, nước, y tế, vệ sinh phòng dịch, vận tải công cộng...).

4. 10% còn lại dành cho Ủy ban Kế hoạch thành phố cân đối cho các nhu cầu nhập khẩu đột xuất chưa ước tính trước được.

II- ĐỊNH KỲ XÉT CẤP NGOẠI TỆ.

Trong năm 1980, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xét duyệt cấp phát ngoại tệ nhập khẩu vào 4 kỳ hạn nhứt định là :

- Tháng 1/1980

- Tháng 4/1980

- Tháng 7/1980

- Tháng 9/1980

1. Các sở, ban, ngành của thành phố phải tập hợp nhu cầu nhập khẩu cả năm 1980 cho mình gởi đến Ủy ban Kế hoạch thành phố chậm nhất là ngày 20-12-1979 có ghi rõ thứ tự ưu tiên và thuyết minh mục đích sử dụng.

Chú ý : Không được ghi trùng lắp các mặt hàng đã được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt nhập theo đơn hàng năm 1979 mà hàng chưa về kịp.

2. Ủy ban Kế hoạch thành phố căn cứ tồn qũy ngoại tệ của thành phố và khả năng kết hối từng quý năm 1980, dựa vào nguyên tắc ưu tiên cấp phát nói ở điều 1, định ra khối lượng ngoại tệ cấp phát cho mỗi quý có dự kiến phân bổ cho từng ngành, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

3. Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ họp với các ngành có liên quan, xét duyệt từng hạng mục nhập khẩu và thông báo chính thức gởi đến các cơ quan chấp hành.

III- CÁC MỐI LIÊN HỆ VÀ TRÁCH NHIỆM.

1. Đơn vị được cấp phát ngoại tệ có trách nhiệm lập đơn hàng nhập khẩu chính xác, đầy đủ, thuận tiện cho việc giao dịch đối ngoại. Đối với các đơn hàng nhập phụ tùng máy móc chuyên dùng phải có sự cân nhắc kỹ để tránh yêu cầu nhập những thứ quá vụn vặt, kỹ thuật lạc hậu làm mất thời giờ, công sức và phí tổn tìm kiếm khó nhập khẩu được đồng bộ, hạn chế tác dụng của việc nhập khẩu bổ sung đối với hoạt động sản xuất của đơn vị.

2. Chủ hàng phải quan hệ chặt chẽ với cơ quan kinh doanh nhập khẩu được chỉ định thực hiện đơn hàng nhập khẩu để cùng bàn bạc giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong quá trình thăm dò thị trường về quy cách hàng hóa, số lượng, thời gian điều hàng về cũng như giao nhận và thanh toán.

3. Đơn vị chủ hàng và cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về đơn hàng đề nghị nhập. Trường hợp có lý do chánh đáng cần thay đổi quy cách hàng nhập, phải có văn bản chính thức của đơn vị chủ hàng đề nghị, có thủ trưởng cấp trên xác nhận (giống như thủ tục của việc lập đơn hàng) và gởi gấp đến Ủy ban Kế hoạch thành phố. Căn cứ vào yêu cầu mới của chủ hàng, Ủy ban Kế hoạch bàn với cơ quan nhập khẩu xem xét kỹ thấy có khả năng sẽ thuận cho chuyển đổi nhưng phải với điều kiện :

- Không được tăng hơn số ngoại tệ đã được duyệt, nếu quá tổng số ngoại tệ được duyệt cho đơn vị thì phải được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

- Kiến nghị sửa đổi đơn hàng nhập phải gởi sớm, khi đơn hàng trước chưa thực hiện.

4. Chủ hàng phải làm các thủ tục cần thiết về việc xin cấp vốn tài chánh đủ để nhận và đưa vào sản xuất vật tư nhập khẩu và phải báo cáo rõ ràng kết quả sử dụng số vật tư nhập khẩu đó lên Ủy ban nhân dân thành phố. Trước mắt, Ủy ban Kế hoạch thành phố có trách nhiệm đôn đốc các chủ hàng đã được cấp phát ngoại tệ để nhập hàng năm 1978 và 1979 làm báo cáo gởi Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 01/1980 về kết quả kinh tế sử dụng vật tư, hàng hóa và thiết bị đã nhập.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 126/CT-UB năm 1979 về nguyên tắc, trình tự, phương pháp lập và xét duyệt kế hoạch cấp phát ngoại tệ thuộc quyền sử dụng của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 126/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/12/1979
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản