Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 3 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BÁN LƯƠNG THỰC MỘT GIÁ VÀ BÙ GIÁ LƯƠNG THỰC
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 4.
- Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng về cung cấp lương thực tại thành phố. Theo phương án và đề nghị của Công ty lương được sự nhất trí của Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị việc bán lương thực thống nhất một giá theo giá đảm bảo kinh doanh và bù giá vào kỳ lương cho các đối tượng hưởng chế độ bù giá lương thực như sau :
I.- ĐỐI TƯỢNG :
- Tất cả cán bộ công nhân viên, học sinh các trường đại học, Trung học chuyên nghiệp và lực lượng thanh niên xung phong.
- Các đối tượng thuộc diện chánh sách: hưu trí, nghỉ mất sức lao động, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng …
- Diện ăn theo, diện trợ cấp khó khăn thường xuyên của cán bộ công nhân viên, của đối tượng diện chánh sách. Riêng đối với lực lượng vũ trang vẫn bảo đảm bằng hiện vật theo giá bán lẻ ổn định theo quyết định số 42a và 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
II.- GIÁ BÁN LƯƠNG THỰC VÀ MỨC CẤP BÙ :
1) Công ty lương thực thành phố đảm nhận việc bán thống nhất một giá, theo giá bảo đảm kinh doanh (giá mua + thặng số thương nghiệp).
2) Mức cấp bù giá gạo :
- Đảm bảo mức cấp bù theo tiêu chuẩn định lượng của Nhà nước đã quy định cho các đối tượng nói trên. Riêng 1 suất ăn theo và những suất trợ cấp khó khăn thường xuyên của cán bộ công nhân viên, diện chính sách, lực lượng vũ trang (nếu có) thì bù theo tiêu chuẩn định lượng bình quân 10kg/tháng/suất.
- Mức cấp bù tiền chênh lệch giá gạo hàng quý do Hội đồng bù giá thành phố (Tài chánh, Công ty lương thực, Ủy ban Vật giá) đề nghị và Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt.
- Mức bù giá gạo trong tháng 3/1987 là 45,8đ/kg (50đ- 4,20đ/kg).
III.- BIỆN PHÁP, PHƯƠNG THỨC CẤP BÙ VÀ HẠCH TOÁN :
1) Để bảo đảm nguồn lương thực, ổn định giá cả và cấp bù giá gạo kịp thời đúng chế độ, Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho các ngành chức năng.
a) Công ty lương thực thành phố :
- Phải bám sát quyết định 117/HĐBT về chỉ tiêu lương thực của Trung ương giao cho thành phố với giá chỉ đạo ổn định của Nhà nước và các nguồn lương thực khác để tổ chức ký hợp đồng, tiếp nhận bảo quản vận chuyển về thành phố, bảo đảm cung cấp đủ lương thực cho cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố.
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu để bàn giao việc theo dõi biến động về nhân khẩu, về tiêu chuẩn định lượng cung cấp hàng tháng của các đối tượng được hưởng chế độ cung cấp lương thực theo giá chỉ đạo ổn định Nhà nước, để giúp cho ngành tài chánh có cơ sở tiếp tục giải quyết cấp bù chính xác, kịp thời.
- Hàng tháng Công ty lương thực đảm bảo nguồn tiền bù giá lương thực, chuyển cho ngành tài chính thành phố dưới hình thực tạm nộp ngân sách về chênh lệch giá và lãi chế biến lương thực, để ngành tài chánh có đủ nguồn tiền cấp bù. Khi có quyết toán sẽ thanh toán lại giữa hai ngành.
b) Ngành tài chánh thành phố :
- Trực tiếp làm nhiệm vụ xét duyệt tiền cấp bù giá gạo theo tiêu chuẩn định lượng để quy định cho từng đối tượng được kịp thời hàng tháng (cố gắng giải quyết cấp bù tiền mặt một lần cho diện hưu trí, mất sức, suất ăn theo và diện trợ cấp khó khăn thường xuyên của cán bộ công nhân viên).
- Chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tiếp nhận việc bàn giao nhiệm vụ quản lý xét duyệt cấp bù giá lương thực của ngành lương thực.
c) Ngành Ngân hàng thành phố : phải có biện pháp giải quyết tiền mặt bảo đảm cho các đối tượng lãnh tiền bù giá được kịp thời.
d) Ủy ban Nhân dân các quận, huyện : có trách nhiệm chỉ đạo và bố trí người cho các Phòng Tài chánh để tiếp tục giải quyết cấp bù giá hiện nay được nhanh chóng.
2) Về hạch toán :
- Tất cả các cơ quan hành chánh sự nghiệp (không có thu) thì được ngân sách cấp bù (kể cả cơ quan trung ương tại địa bàn thành phố).
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh thành phố, quận, huyện thì hạch toán vào giá thành phí lưu thông kể từ tháng 4-87 trở đi.
- Các đơn vị sự nghiệp có thu lấy thu bù chi nếu thiếu thì ngân sách cấp bổ sung kinh phí kể từ tháng 4-87 trở đi.
- Các đơn vị thuộc khối trung ương chưa hạch toán vào giá thành và phí lưu thông thì ngân sách cấp bù.
- Lao động tiểu thủ công nghiệp và vùng rau chuyên canh có quan hệ hợp đồng kinh tế với Nhà nước khoản bù giá gạo này được hạch toán vào giá thu mua và giá gia công từ tháng 1-87 trở đi.
IV- THỜI GIAN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1) Giao cho ngành tài chánh và Công ty lương thực thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan đơn vị thực hiện kịp thời.
2) Các sở ban ngành thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị này.
3) Thời gian thực hiện :
- Các sở ban ngành và các cơ quan đơn vị chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai và bắt đầu thực hiện từ tháng 3-1987 trở đi.
Để giúp công nhân viên chức có tiền kịp mua gạo tháng 3/87 Công ty lương thực thành phố và ngành tài chánh ứng trước một phần tiền bù giá tháng 3 trong khi chờ lập các thủ tục điều chỉnh.
- Quá trình triển khai và thực hiện có gì vướng mắc các cơ quan đơn vị cần phản ảnh về Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố để chỉ đạo kịp thời.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 08/CT-UB năm 1987 về việc bán lương thực một giá và bù giá lương thực do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 08/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/03/1987
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Khắc Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra