ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 4 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CON TÔM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Vừa qua việc tranh mua tranh bán con tôm xuất khẩu đã diễn ra rất quyết liệt ở cả khu vực, đã đẩy giá tôm lên rất nguy hại. Tại thành phố, mặc dầu UBND Thành phố đã nhiều lần chỉ đạo đấu tranh quản lý kềm giữ giá, thậm chí có lúc cấm mua tôm tại thành phố, nhưng trên thực tế con tôm vẫn tiếp tục lưu thông về thành phố và nơi này không mua nơi khác lại mua. Đến nay, ngoài ngành thủy sản và xuất nhập khẩu mua tôm, còn các quận huyện, các xí nghiệp đông lạnh trung ương, các công ty, trạm của các tỉnh, thành phố bạn đóng tại thành phố Hồ Chí Minh và các ngành không có chức năng kinh doanh cũng mua tôm tại thành phố để xuất khẩu.
Riêng phần thành phố, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chủ yếu do liên doanh liên kết với các tỉnh và sản xuất đánh bắt, nuôi trồng của thành phố. Mua tôm trôi nổi về thành phố chỉ chiếm 1/10 trong giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng con tôm của thành phố. Thế nhưng giá cả tăng do tranh mua tranh bán đã không giữ nổi.
Thi hành chỉ thị của Thường vụ Hội đồng bộ trưởng, thành phố Hồ Chí Minh cùng với Bộ Hải sản đã nhiều lần họp ban chỉ đạo việc quản lý thị trường con tôm tại thành phố, đấu tranh chống tranh mua tranh bán con tôm từ trong nội bộ XHCN một cách nghiêm ngặt, và đấu tranh cải tạo xóa tư thương tranh mua tranh bán con tôm tại thành phố.
UBND Thành phố chỉ đạp một số biện pháp thực hiện như sau :
1. Kể từ ngày ra chỉ thị này, cấm tất cả các cơ quan, đơn vị không có chức năng kinh doanh, các công ty xí nghiệp chế biến thủy hải sản không được trực tiếp mua tôm. Các công ty xuất nhập khẩu, các trạm giao dịch các tỉnh, thành phố đóng trên địa bàn thành phố, các quận huyện không có sản xuất đánh bắt nuôi trồng con tôm tại thành phố… đều phải chấm dứt thu mua con tôm trên địa bàn thành phố. Nay giao cho Công ty thủy sản xuất khẩu thuộc Sở Thủy sản thành phố làm đầu mối duy nhất quản lý thu mua con tôm còn lưu thông về thành phố.
2. Công ty thủy sản xuất khẩu thuộc Sở Thủy sản thành phố nghiên cứu các biện pháp thật hợp lý trên cơ sở quy luật lưu thông mặt hàng hải sản trên địa bàn mà phân công giao nhiệm vụ cho vài xí nghiệp đông lạnh trực tiếp mua và thanh toán tiền theo giá quy định, theo chỉ đạo của Công ty thủy sản xuất khẩu thuộc Sở Thủy sản.
- Ở một số chợ đầu cầu con tôm còn lưu thông về đây, Công ty thủy sản, Ban chỉ đạo quản lý thị trường cùng với UBND quận huyện và phường sở tại bàn kế hoạch quản lý thu mua tại đây; không tổ chức trạm thu mua riêng mà sử dụng tổ chức đã cải tạo của phường hoặc quận để quản lý thu mua.
Công ty thủy sản xuất khẩu (trực thuộc Sở Thủy sản) không được tổ chức ra một trạm nào cả lưu động hoặc cố định trên địa bàn thành phố để mua tôm.
- Các quận huyện của thành phố có ngư trường nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản (Duyên Hải, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 8…) được tiếp tục tổ chức quản lý thu mua các loại thủy hải sản của địa phương mình tự sản xuất ra; cấm ngặt các đơn vị này không được tổ chức thu hút tôm các nơi khác chạy về quận huyện để thu mua.
- Con tôm đã tổ chức quản lý thu mua được cần có sự điều chỉnh phân bố cho các xí nghiệp đông lạnh của thành phố và trung ương để đáp ứng một phần nguồn nhiên liệu cho xí nghiệp gia công sản xuất, chế biến: Những đơn vị nắm được nhiều tôm phải điều hòa phân phối cho đơn vị không có nguyên liệu để chế biến, không để công nhân thất nghiệp.
- Về sử dụng kim ngạch từ nguồn quản lý con tôm được thỏa thuận phân chia như sau: làm nghĩa vụ với trung ương 20%, 10% dành cho xí nghiệp đông lạnh, 70% là của thành phố.
3. Giá cả thu mua tại thành phố được quy định như sau: lấy giá mua bình quân tại gốc của các tỉnh cộng 5% (phí lưu thông) làm giá mua tại thành phố. Cấm triệt để mọi hình thức độn giá để nâng giá mua thu hút con tôm chạy về thành phố.
Về mức giá cụ thể, giao cho Công ty thủy sản, Hội đồng quản trị thủy hải sản thành phố cùng bàn với Ủy ban Vật giá thành phố làm khung giá từng thờoi gian cho phù hợp.
Giá cả được quy định thống nhất thì mọi đơn vị, mọi tổ chức, các quận huyện phải triệt để chấp hành, mọi vị phạm đều bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định chung của Nhà nước.
4. Cải tạo quản lý thị trường, xóa thương lái đường dài tổ chức đi mua tranh tôm các tỉnh đưa về thành phố.
- Cấm các đầu nậu, thương lái đường dài tổ chức mua tôm từ các tỉnh hoặc mua tại thành phố. Công ty thủy sản, các xí nghiệp đông lạnh cùng với quận huyện, Ban quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế nắm lại cụ thể lập danh sách quản lý chặt chẽ họ. Quản lý tại nơoi mà lâu nay đã sử dụng họ, quản lý tại khu phố nơi họ cư trú, giao cho phường, xã quản lý, đồng thời các đội công tác quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế tổ chức theo bám hộ để kịp thời trừng trị nếu họ còn tiếp tục hoạt động. Trong số này có một số có tay nghề kỹ thuật chế biến thì xem xét sử dụng từng người nhưng phải quản lý chặt chẽ.
- Đối với các tiểu thương còn mang tôm về thành phố cần lập danh sách cụ thể để quản lý họ, những xí nghiệp có quan hệ phải chịu trách nhiệm quản lý họ.
- Các thương lái còn chạy đi các tỉnh để mua tôm đem về thành phố, các tỉnh bắt và trừng trị theo luật pháp, có thông báo cho thành phố tiếp tục xử lý và quản lý tại gốc.
5. Về tổ chức triển khai thực hiện :
- Nay giao cho Sở Thủy sản, Công ty thủy sản thành phố chịu trách nhiệm tổ chức quản lý thu mua, cải tạo thị trường con tôm thành phố, đồng thời để phối hợp chặt các ngành, địa phương trong công tác này, cho phép thành lập Hội đồng quản lý, cải tạo thu mua phân phối con tôm trên địa bàn thành phố, thành phần gồm có:
+ Ban thường trực :
- Đại diện Sở Thủy sản.
- Đại diện Tổng Công ty XNK thành phố.
- Đại diện Ban cải tạo CTN thành phố.
+ Các ủy viên phối hợp :
- Đại diện Ủy ban Vật giá thành phố.
- Đại diện Ban Quản lý thị trường thành phố.
- Đại diện Cảnh sát kinh tế.
- Đại diện Văn phòng UBND Thành phố (Khối PPLT)
- Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải
- Ủy ban nhân dân quận 1.
Hội đồng quản lý này do đại diện Sở Thủy sản thành phố làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch là đại diện Tổng Công ty xuất nhập khẩu. Hội đồng quản lý có trách nhiệm, phối hợp với các ngành liên quan để triển khai thực hiện có kết quả sự chỉ đạo của UBND Thành phố về vấn đề này; thông qua hoạt động mà đề xuất kịp thời cho UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo có kết quả cuộc đấu tránh quản lý con tôm trên địa bàn thành phố.
- Ủy ban nhân dân các quận huyện, phường xã phải kiên quyết quản lý trên địa bàn về các mặt:
+ Quản lý thương lái tại địa bàn và nơi cư ngụ.
+ Quản lý các đơn vị không được phép mua tôm xuất khẩu mà còn vi phạm, kể cả các đơn vị cung ứng hàng xuất khẩu quận, huyện mình.
+ Kiểm tra kiểm soát việc thực hiện của các ngành chức năng trong việc thi hành các chỉ thị này của UBND Thành phố.
- Công an thành phố, Ban chỉ đạo cải tạo công tác thương nghiệp, Ban quản lý thị trường, Ủy ban vật giá, Ngân hàng thành phố phối hợp chặt chẽ trong Hội đồng quản lý để hỗ trợ cho Sở Thủy sản thực hiện có kết quả chỉ thị này, đồng thời với chức năng của mình triển khai công tác nghiệp vụ để bảo đảm quản lý và đấu tranh có kết quả.
Đây là một công tác khó khăn phức tạp, đề nghị các cấp, các ngành triển khai cho thông suốt trong nội bộ và có biện pháp cụ thể trong thực hiện, theo dõi sát để kịp thời chỉ đạo.
Các chỉ thị, quyết định, thông báo trước đây trái với chỉ thị này đều không có giá trị.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 08/CT-UB năm 1986 về việc tổ chức quản lý thị trường con tôm trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 08/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/04/1986
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Võ Danh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/04/1986
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực