Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ CHĂM SÓC TRẺ EM
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 55 CT/TW của Ban Bí Thư Trung ương Đảng và thi hành Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền Thành phố, sự phối kết hợp các Ban, ngành đoàn thể cùng với sự nỗ lực cố gắng của ngành Dân số, Gia đình và Trẻ em (trước đây) và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố đã có nhiều kết quả tích cực. Thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP, Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đã được chuyển giao cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là sau khi Thủ đô được mở rộng đã đảm bảo tính liên tục. Các quyền cơ bản của trẻ em đã được bảo vệ, hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên công tác BVCS trẻ em trong thời gian qua và trước tình hình mới bộc lộ một số hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về BVCS trẻ em trước mắt đang gặp những khó khăn, vướng mắc, trong đó đáng chú ý là công tác thu thập dữ liệu về trẻ em, thực hiện việc cấp, phát, quản lý thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, chăm sóc và thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều bất cập. Tình hình tai nạn thương tích trẻ em có chiều hướng gia tăng, vi phạm các quyền của trẻ em chưa được xử lý kịp thời, công tác xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em còn chưa đồng bộ …
Năm 2009 và những năm tiếp theo để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 55 CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác BVCS trẻ em, thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Nghị định 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Ngăn ngừa và giải quyết trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, trẻ em bị xâm phạm tình dục”, Quyết định 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 – 2010”, các Chương trình của Thành ủy và UBND Thành phố về BVCSTE, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tổ chức chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Nghị định 13/2008/NĐ-CP, Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ về việc chuyển giao công tác BVCSTE thuộc ngành Lao động – TBXH quản lý. Các quận, huyện bố trí đủ cán bộ làm công tác BVCSTE trong phòng Lao động – TBXH. Tại các xã, phường công tác BVCSTE được xác định là công tác xã hội quan trọng, UBND xã, phường thị trấn bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để đảm đương công tác này.
2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về BVCS trẻ em với những nội dung cụ thể:
- Thu thập quản lý dữ liệu về trẻ em
- Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
- Thực hiện việc cấp, quản lý và đảm bảo quyền của trẻ em dưới 6 tuổi trong việc sử dụng thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
- Phối hợp với các ngành giám sát việc thực hiện các quyền của trẻ em; quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp trẻ em.
- Tổ chức huy động cộng đồng tham gia các hoạt động tập trung cao điểm bảo vệ chăm sóc trẻ em (ngày 1/6, tết trung thu, tháng hành động vì trẻ em).
- Xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp.
- Tham mưu xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn “Xã, phường phù hợp với trẻ em”
- Thực hiện các chương trình, đề án về BVCS trẻ em theo chương trình hành động vì trẻ em đến năm 2010.
Ở các xã, phường, các nhiệm vụ này đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND trên cơ sở tham mưu của cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.
3. UBND thành phố giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Xây dựng kế hoạch khảo sát toàn diện về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Đề án Bảo vệ chăm sóc và phát triển trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn của Thành phố; Chủ trì và phối hợp với các ngành chuẩn bị cho việc đánh giá Chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2005 – 2010 và xây dựng Chương trình hành động Vì trẻ em những năm tiếp theo; Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề án kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các xã, phường, thị trấn và hình thành mạng lưới BVCSTE đến thôn xóm, cụm dân cư trên địa bàn thành phố, trình UBND thành phố.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – TBXH nhằm thực hiện quản lý nhà nước về BVCS trẻ em, tổ chức triển khai và thực hiện các chương trình, đề án đã được phê duyệt về BVCS trẻ em trên địa bàn thành phố góp phần thực hiện đảm bảo đầy đủ các quyền của trẻ em.
- UBND các quận, huyện, thành phố Hà Đông và Sơn Tây chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý nhà nước vể BVCS trẻ em, có giải pháp cụ thể, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về BVCS trẻ em, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể tham gia các hoạt động BVCS trẻ em trên địa bàn.
Nhận được Chỉ thị này, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai tổ chức thực hiện đồng thời báo cáo kết quả định kỳ hàng năm về Sở LĐTBXH để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cùng các đoàn thể các cấp phối hợp, kết hợp cùng các ngành, các cấp thực hiện tốt việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 19/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dụng và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 36/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
- 3Quyết định 65/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- 5Nghị định 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- 6Chỉ thị 07/2008/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm của tỉnh Gia Lai
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2008 về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 06/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/11/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Đào Văn Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra