Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/CT-UB-KT

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 02 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH "HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP HIỆN ĐẠI HÓA VỚI CHI PHÍ THẤP, TẠO ƯU THẾ CẠNH TRANH TỔNG HỢP VÀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU" NĂM 2000 - 2003.

Để chuẩn bị khẩn trương cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố hội nhập với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định của Chính phủ Việt Nam đã ký kết hoặc sẽ ký kết song phương, đa phương và khu vực ; Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các Doanh nghiệp và các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu để phát huy mạnh mẽ nội lực, triển khai các giải pháp đổi mới công nghệ với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong năm 2000, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai chương trình 8 điểm hỗ trợ doanh nghiệp như sau :

1. Tổ chức các ngày chào hàng thiết bị và công nghệ mới do các đơn vị nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp thành phố tạo ra trong 10 năm qua (chợ thiết bị và công nghệ). Năm 2000 tổ chức chào hàng thiết bị và công nghệ trong các lĩnh vực : chế biến thực phẩm, nhựa-cao su, dệt-may-da và bảo vệ môi trường. Các ngày chào hàng thiết bị và công nghệ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ (theo nhu cầu).

2. Thiết kế, chế tạo một số thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến, với chi phí thấp so với giá nhập khẩu nhằm đáp ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tương đối nhiều, ưu tiên cho 5 lĩnh vực : chế biến thực phẩm, dệt-may-da, nhựa-cao su, cơ khí nông nghiệp và cơ khí tiêu dùng. Danh mục các thiết bị cần chế tạo cho các doanh nghiệp (Hội nghề nghiệp), Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu phối hợp đề xuất.

3. Sản xuất quạt điện và xe đạp chất lượng cao để xuất  khẩu và đáp ứng thị trường trong nước :

Trên cơ sở kết quả điều tra chất lượng quạt điện và xe đạp sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 1999, sự phối hợp tự nguyện giữa các doanh nghiệp, cơ quan  quản lý Nhà nước (Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Sở Công nghiệp) và trường Đại học Kỹ thuật, triển khai trong 2 năm 2000 - 2001 chương trình sản xuất quạt điện và xe đạp chất lượng cao.

4. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại ISO 9000 và HACCP :

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, chủ yếu là ISO 9000 (Tiêu chuẩn quốc tế 9000) cho sản xuất công nghiệp và HACCP (Phân tích độc hại và giám sát điểm tới hạn) cho sản xuất thực phẩm. Mỗi doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố, năm 2000 ưu tiên phần lớn kinh phí cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sau : Cơ khí chế tạo, sản xuất phần mềm, chế biến thực phẩm, nhựa-cao su,   dệt-may-da, vật liệu xây dựng, xe đạp, quạt điện và du lịch.

5. Chương trình nâng cao kiến thức "Doanh nghiệp thành phố         Hồ Chí Minh tham gia AFTA 2003" :

Tổ chức huấn luyện 6 chuyên đề (6 ngày) :

1. AFTA,

2. Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng,

3. Sở hữu công nghiệp,

4. Tiếp thị,

5.Thông tin Khoa học công nghệ và kinh tế,

6. Hiện đại hóa với chi phí thấp và cạnh tranh bằng ưu thế tổng hợp, cho

2.000 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2000. Tiếp tục triển khai chương trình nâng cao kiến thức cho 1000 Giám đốc (1999 - 2003) đang phối hợp với Đại học Kinh tế (chương trình 10 tháng).

6. Liên kết tiếp thị xuất khẩu cho các doanh nghiệp :

Trung tâm Phát triển Ngoại thương và Đầu tư, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Sở Thương mại phối hợp với các doanh nghiệp (Hội nghề nghiệp) xây dựng và triển khai chương trình liên kết tiếp thị xuất khẩu cho các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh theo hướng : tổ chức huấn luyện tiếp thị xuất khẩu, tổ chức hội chợ hàng xuất khẩu (quy mô nhỏ, theo nhu cầu khách hàng) tại thành phố Hồ Chí Minh cho các nước có quan tâm, giới thiệu doanh nghiệp và hàng xuất khẩu trên mạng Internet và mua bán qua mạng, tổ chức khảo sát thị trường và chào hàng ở nước ngoài, liên kết quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài cho các nhóm doanh nghiệp cùng ngành. Năm 2000 ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực : Cơ khí chế tạo, sản xuất phần mềm, thực phẩm chế biến, nhựa-cao su, dệt-may-da, vật liệu xây dựng,  xe đạp, quạt điện và du lịch.

7. Triển khai chương trình kích cầu  để đổi mới công nghệ, thiết bị và khai thác quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp :

Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vay vốn để đổi mới công nghệ, thiết bị, di dời nhà xưởng ra khu công nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất được vay vốn từ chương trình kích cầu thông qua đầu tư với lãi suất 6%/năm. Các dự án  giảm thiểu ô nhiễm môi trường được vay vốn với lãi suất 1,5%/năm.

8. Tổ chức thực hiện :

Mọi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều có thể tham gia chương trình này.

Phân công Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thiện Nhân chịu trách nhiệm chỉ   đạo triển khai chương trình này.

Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường là cơ quan thường trực, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thương mại và Trung tâm Phát triển Ngoại thương và Đầu tư   triển khai chương trình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường triển khai chương trình này đến các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của mình.

Hàng tháng sẽ tiến hành giao ban giữa Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và các quận-huyện, doanh nghiệp để đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện chương trình này, thông báo tình hình mới và nghe phản ánh của các doanh nghiệp, quận-huyện, phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Kinh phí đầu tư cho các loại dự án được sử dụng từ kinh phí hoạt động hàng năm của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, chương trình kích cầu  thông qua đầu tư của thành phố, quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và ngân sách thành phố.

Danh mục dự án do các chủ đầu tư đề nghị vay vốn từ chương trình kích cầu thông qua đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Chủ tịch   Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi lập dự án. Danh mục dự án do các chủ đầu tư đề nghị vay vốn từ quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường do Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt chủ trương đầu tư trước khi lập dự án.

Trên cơ sở kết quả thực tế triển khai chương trình năm 2000, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo việc triển khai giai đoạn 2001 - 2003./.

 

Nơi nhận :
- Bộ trưởng Bộ Khoa học-CN và MT
- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
- Bộ trưởng Bộ Thương mại
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ
- TT/TU - TT/HĐND.TP
- Các Thành viên UBND.TP
- Giám đốc các Sở-Ngành thành phố
- Chủ tịch UBND các Quận-Huyện
- Các Tổng Công ty của TP 
- Đại học Quốc gia TP.HCM, ĐH Kinh tế,
- ĐH Kỹ thuật - Hiệp Hội công thương TP
- Liên đoàn LĐ.TP - Đoàn TNCS HCM/TP
- Báo SGGP, Người LĐ, Tuổi trẻ, Đài TH.TP,
  Đài TNND.TP, Thời Báo KT Sàigòn
- VPUB : CPVP, các Tổ NCTH
- Lưu   

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH 




Võ Viết Thanh

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/2000/CT-UB-KT triển khai chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu" năm 2000 - 2003 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 04/2000/CT-UB-KT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/02/2000
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản