Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2008/CT-UBND | Bến Tre, ngày 05 tháng 02 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC- CHỐNG THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Trong những năm qua, Bến Tre đã dành nguồn vốn Nhà nước rất lớn cho đầu tư xây dựng công trình, trong đó nguồn vốn Nhà nước đầu tư xây dựng phát triển công trình hạ tầng xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn. Hiệu quả mang lại của các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành góp phần quan trọng trong quá trình phát triển các đô thị và các khu công nghiệp của tỉnh, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo đà thuận lợi cho việc tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trên các lĩnh vực từ đô thị cho đến nông thôn. Bên cạnh những thành tựu to lớn về đầu tư xây dựng đạt được, công tác quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan: cân đối vốn chưa đáp ứng nhu cầu, giải tỏa mặt bằng chậm, dự án kéo dài, chậm đưa vào khai thác sử dụng; thiết kế chưa bám sát quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế - dự toán phải điều chỉnh nhiều lần; năng lực quản lý về đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chậm đổi mới theo Luật Xây dựng.
Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục kịp thời những hạn chế, tăng cường chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm một số công việc sau đây:
1. Quy hoạch xây dựng:
a) Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và cấp xã tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch xây dựng theo phân cấp, làm cơ sở quản lý các hoạt động xây dựng, triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí vốn cho công tác quy hoạch xây dựng của các ngành và địa phương.
b) Mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các sở: Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị tập trung rà soát các dự án đang triển khai về sự phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xử lý hoặc kiến nghị cấp trên xử lý những dự án đầu tư xây dựng không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Trường hợp xây dựng công trình trong khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt: cơ quan được giao quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp phải có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng công trình theo định hướng phát triển quy hoạch xây dựng của địa phương; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm cung cấp các thông tin chủ yếu về quy hoạch xây dựng để có cơ sở phục vụ thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công của báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
d) Quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được tổ chức công bố rộng rãi theo quy định của Luật Xây dựng để các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch biết, kiểm tra và thực hiện. Người có trách nhiệm công bố quy hoạch xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thực hiện hoặc thực hiện chậm việc công bố quy hoạch xây dựng theo quy định gây thiệt hại về kinh tế khi phải giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình.
2. Chủ trương đầu tư xây dựng công trình:
Việc đề xuất chủ trương đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; quy hoạch ngành, vùng; quy hoạch xây dựng. Chủ trương đầu tư phải thể hiện các nội dung: vị trí, diện tích đất sử dụng, quy mô, nguồn vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đề xuất chủ trương đầu tư, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các sở, ngành chuyên môn đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng do tỉnh quản lý.
3. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng:
a) Việc lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư; bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng; phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn; phải đánh giá một cách khách quan, thận trọng các phương án đề xuất đầu tư, đặc biệt xem trọng hiệu quả toàn diện; tránh tình trạng phân tích, đánh giá sơ sài rồi chọn phương án đầu tư không phù hợp; nghiêm cấm việc cắt xén hạng mục, hạ thấp kinh phí (hạ thấp suất đầu tư) nhằm tạo nên hiệu quả đầu tư giả tạo để được duyệt dự án, để sau đó điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.
b) Dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ; việc bố trí vốn đầu tư phải phù hợp với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, khả năng thực tế hoàn thành của dự án. Hạn chế việc bố trí dàn trải vốn đầu tư trong xây dựng. Đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, người quyết định đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, kiên quyết đảm bảo thời gian thực hiện dự án nhóm C không quá 2 năm và dự án nhóm B không quá 4 năm.
c) Các chủ đầu tư phải thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thực hiện đúng quy định thì kiên quyết không bố trí kế hoạch và ngừng cung cấp vốn đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định chi tiết công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng từ nguồn vốn Nhà nước để thống nhất thực hiện và công khai cho nhân dân tham gia giám sát.
4. Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng:
Việc lựa chọn nhà thầu phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch; lựa chọn nhà thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng với chi phí hợp lý. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện nghiêm một số nội dung sau đây:
a) Thông tin về đấu thầu phải thực hiện theo Điều 5 của Luật Đấu thầu. Thời hạn cung cấp thông tin về đấu thầu và thời gian trong đấu thầu phải được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành và lựa chọn nhà thầu xây dựng và Điều 31 của Luật Đấu thầu. Nghiêm cấm hành vi không tuân thủ các quy định về thông tin đấu thầu, thời gian trong đấu thầu dẫn đến số lượng nhà thầu tham gia bị hạn chế hoặc nhằm định hướng chỉ một số nhà thầu tham gia dẫn đến hình thức xin thực hiện chỉ định thầu.
b) Đấu thầu trong xây dựng công trình chỉ được thực hiện khi đã xác định được nguồn vốn để thực hiện. Nghiêm cấm chủ đầu tư không có năng lực theo quy định tại Điều 9 của Luật Đấu thầu làm bên mời thầu, trong trường hợp này chủ đầu tư phải thuê một tổ chức tư vấn hoặc một tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp có đủ năng lực và kinh nghiệm thay mình làm bên mời thầu. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình lựa chọn bên mời thầu.
c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành thực hiện Điều 12 của Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm tra hành vi sau: dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp hoặc cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết thực hiện hợp đồng; cấu kết, thông đồng giữa bên mời thầu với nhà thầu, giữa cơ quan quản lý nhà nước với bên mời thầu và với nhà thầu để thay đổi hồ sơ dự thầu, thông đồng với cơ quan thẩm định, thẩm tra làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; dàn xếp, thông đồng giữa hai hay nhiều nhà thầu để một nhà thầu trúng thầu trong cùng một gói thầu.
d) Việc phân chia dự án thành các gói thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu, bảo đảm quy mô gói thầu không quá nhỏ hoặc quá lớn làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
5. Khảo sát, thiết kế và lập dự toán xây dựng:
a) Chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu khảo sát, tư vấn giám sát khảo sát phải tổ chức thực hiện nghiêm quy trình, quy định về công tác khảo sát xây dựng. Chủ đầu tư bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, xác định sai nhiệm vụ khảo sát và các sai phạm khác gây thiệt hại do lỗi mình gây ra. Nhà thầu khảo sát chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về tính trung thực và tính chính xác của kết quả khảo sát; bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát hoặc vi phạm hợp đồng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
b) Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình phải thực hiện đúng nhiệm vụ thiết kế được người có thẩm quyền phê duyệt, được quyền từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ thiết kế; chỉ được nhận thầu thiết kế công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề thiết kế; bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây thiệt hại, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, an toàn công trình lân cận và môi trường. Trường hợp thiết kế không đảm bảo theo hợp đồng thì nhà thầu thiết kế phải thiết kế lại và chịu mọi chi phí, kể cả chi phí thẩm tra, thẩm định thiết kế. Các chủ đầu tư khi lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế phải chọn các đơn vị có năng lực và tư cách pháp nhân để thiết kế công trình thông qua việc xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất theo quy định của Luật Đấu thầu. Chủ đầu tư chỉ nghiệm thu sản phẩm thiết kế khi tư vấn thiết kế thực hiện đúng hợp đồng và nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt, sản phẩm thiết kế phải tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Các chủ đầu tư phải cụ thể hóa trong hợp đồng các hình thức xử phạt khi đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện không đảm bảo theo yêu cầu.
c) Trụ sở cơ quan, đơn vị đầu tư từ ngân sách nhà nước khi lập thiết kế xây dựng công trình mới hoặc sửa chữa cải tạo phải tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 và Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
d) Nhà thầu thiết kế có trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình xây dựng phù hợp với loại và cấp công trình xây dựng. Nhà thầu thiết kế chưa hoàn thành việc lập quy trình bảo trì công trình xây dựng thì xem như không đủ điều kiện để nghiệm thu sản phẩm thiết kế.
6. Khởi công, thi công, giám sát công trình xây dựng:
a) Về lễ khởi công: việc sử dụng kinh phí Nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành được thực hiện theo Quyết định số 226/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiêm cấm sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với những công trình không thuộc diện quy định cho phép.
b) Về thi công xây dựng: nhà thầu thi công xây dựng phải đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng; chịu mọi chi phí thiệt hại cho chủ đầu tư do việc chậm tiến độ gây ra, các nội dung xử lý phải được chủ đầu tư cụ thể hoá trong hợp đồng thi công xây dựng.
c) Về giám sát thi công xây dựng: chủ đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm giám sát tiến độ thi công xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng theo hợp đồng thi công xây dựng đã ký kết; chịu trách nhiệm về việc xin gia hạn hợp đồng vì những lý do chủ quan của chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công; chịu trách nhiệm khi nghiệm thu không đảm bảo chất lượng làm sai lệch kết quả nghiệm thu, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế, nghiệm thu chậm so với kế hoạch gây thiệt hại cho người sử dụng công trình. Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc bước kiểm tra sản phẩm thiết kế về chất lượng, khối lượng và sự an toàn. Nhà thầu thiết kế phải cử người thực hiện giám sát tác giả theo quy định.
7. Cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng:
a) Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư: phải phù hợp với danh mục dự án đầu tư được duyệt, tính chất, quy mô, tiến độ, yêu cầu của dự án đầu tư và khả năng ngân sách Nhà nước; việc thanh toán vốn đầu tư phải đúng khối lượng hoàn thành được nghiệm thu; việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và thẩm tra quyết toán công trình phải đúng quy định về quản lý vốn đầu tư. Nghiêm cấm ứng trước vốn đầu tư từ vốn Nhà nước cho dự án chưa được phê duyệt; nghiêm cấm việc chuyển nguồn vốn vay trong dự án đầu tư thành nguồn vốn Nhà nước cấp, trừ trường hợp có nguyên nhân khách quan được cấp có thẩm quyền cho phép. Đối với dự án đầu tư đã được phê duyệt và bố trí vốn nhưng chậm khởi công xây dựng thì phải điều chuyển vốn cho dự án đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
b) Tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải kịp thời lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, mọi trường hợp chậm trễ phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm tham gia thanh toán, quyết toán vốn đầu tư của dự án nhằm đảm bảo rằng việc giải ngân là phù hợp với kế hoạch vốn năm và tổng mức đầu tư được duyệt. Giao Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết công tác thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn Nhà nước để thống nhất áp dụng trên địa bàn tỉnh và công khai để nhân dân giám sát.
c) Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và những người có liên quan trong việc cấp phát vốn, thanh toán và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình sai quy định, không đảm bảo đủ vốn theo quy định làm chậm tiến độ xây dựng công trình do nguyên nhân chủ quan, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
8. Nghiệm thu, quản lý sử dụng công trình xây dựng:
a) Về nghiệm thu: công trình chỉ được nghiệm thu khi đảm bảo đủ điều kiện để nghiệm thu, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Đối với các công trình thuộc diện phải chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình phải thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.
b) Về quản lý sử dụng, bảo trì: công trình sau khi được nghiệm thu và đưa vào sử dụng phải được bảo trì theo quy định. Chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp do không thực hiện lập quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì công trình theo định kỳ được quy định tại Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng.
9. Tổ chức quản lý trong hoạt động xây dựng:
Tập trung rà soát từng cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng công trình để đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức, từ đó mạnh dạn sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ đảm bảo hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý từng bước mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn hoá cao. Giao Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn, sắp xếp lại các ban quản lý dự án theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp sắp xếp không được thì mạnh dạn đề xuất giải thể các ban quản lý dự án không đủ điều kiện năng lực.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các tổ chức và cá nhân liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng và thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 12/2004/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2Chỉ thị 06/2006/CT-UBND nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 3Chỉ thị 24/2005/CT-UBND về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 1Thông tư 11/2005/TT-BXD hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng do Bộ xây dựng ban hành
- 2Luật Đấu thầu 2005
- 3Nghị định 111/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng
- 4Quyết định 226/2006/QĐ-TTg quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 260/2006/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 147/1999/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 08/2006/TT-BXD hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 7Chỉ thị 12/2004/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 8Quyết định 147/1999/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Luật xây dựng 2003
- 10Chỉ thị 06/2006/CT-UBND nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 11Chỉ thị 24/2005/CT-UBND về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Chỉ thị 02/2008/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước- chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 02/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/02/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Cao Tấn Khổng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra