Chương 4 Văn bản hợp nhất 4529/VBHN-BTP năm 2018 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật luật sư do Bộ Tư pháp ban hành
TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA LUẬT SƯ
Điều 20. Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư[6]
1. Chậm nhất 30 ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam về Đề án tổ chức Đại hội; phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật (nếu có).
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư. Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến bằng văn bản về Đề án tổ chức Đại hội; phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật (nếu có) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt Nam và kết quả thẩm định của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xem xét phê duyệt hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung Đề án tổ chức Đại hội. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung Đề án tổ chức Đại hội, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Đề án tổ chức Đại hội đã được sửa đổi, bổ sung.
3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Đề án tổ chức Đại hội được phê duyệt, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải triệu tập Đại hội theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Quá thời hạn nêu trên, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư không tổ chức Đại hội mà không có lý do chính đáng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, đình chỉ hoạt động của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư và thành lập Ban tổ chức Đại hội. Ban tổ chức Đại hội có nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đoàn luật sư theo Đề án tổ chức Đại hội đã được phê duyệt.
Điều 21. Phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư[7]
1. Nội dung phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư bao gồm:
a) Kết quả bầu Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư;
b) Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường để bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ nhiệm, thành viên Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật và bầu mới hoặc bầu thay thế Chủ nhiệm, bầu bổ sung thành viên Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư;
c) Nghị quyết thông qua nội quy Đoàn luật sư.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc Đại hội, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả Đại hội kèm theo biên bản Đại hội, Nghị quyết Đại hội và các văn bản khác liên quan đến nội dung Đại hội là biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của Chủ nhiệm, các thành viên Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư, nội quy Đoàn luật sư. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả Đại hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc Nghị quyết Đại hội.
3. Kết quả bầu cử bị từ chối phê chuẩn trong các trường hợp sau đây:
a) Quy trình, thủ tục bầu cử không bảo đảm tính hợp lệ, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam;
b) Chức danh lãnh đạo được bầu không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
4. Nghị quyết Đại hội bị từ chối phê chuẩn trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội theo quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam;
b) Quy trình, thủ tục thông qua Nghị quyết không bảo đảm tính hợp lệ, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
5. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo về việc từ chối phê chuẩn kết quả Đại hội, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải tổ chức lại Đại hội theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Điều 22. Chế độ báo cáo, gửi các quy định, quyết định, nghị quyết của Đoàn luật sư
1. Hàng năm, Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam, đồng gửi Sở Tư pháp báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư. Thời hạn, kỳ báo cáo thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp.
Ngoài việc báo cáo theo định kỳ hàng năm, Đoàn luật sư báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định, quyết định, nghị quyết của Đoàn luật sư trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 22a. Bãi nhiệm thành viên Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư[8]
1. Thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; xâm hại lợi ích của Đoàn luật sư;
b) Không chấp hành yêu cầu, quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư sau khi được nhắc nhở bằng văn bản;
c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Chủ nhiệm Đoàn luật sư bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết nhiệm kỳ mà không điều hành Ban Chủ nhiệm tổ chức Đại hội, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm, báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn luật sư theo quy định của Luật luật sư trong 02 năm liên tục; không gửi các quy định, quyết định, nghị quyết liên quan đến việc tổ chức Đại hội của Đoàn luật sư cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc Đại hội.
3. Trong trường hợp tất cả thành viên Ban chủ nhiệm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc Chủ nhiệm Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban tổ chức Đại hội, sau khi có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ban tổ chức Đại hội có nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đoàn luật sư để thực hiện việc bãi nhiệm, bầu mới, bầu bổ sung hoặc bầu thay thế và thực hiện các nhiệm vụ khác theo Đề án tổ chức Đại hội đã được phê duyệt.
Điều 23. Giải thể Đoàn luật sư
1. Đoàn luật sư bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ ba luật sư thành viên của Đoàn luật sư;
b) Không tổ chức lại Đại hội theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 của Nghị định này;
c) Hoạt động của Đoàn luật sư vi phạm nghiêm trọng pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Trong trường hợp Đoàn luật sư bị giải thể theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giải thể Đoàn luật sư sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Việc thành lập lại Đoàn luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật luật sư.
Mục 2. LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Điều 23a. Phối hợp xây dựng Đề án Đại hội nhiệm kỳ, Đề án Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam[9]
1. Chậm nhất 60 ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, Liên đoàn luật sư Việt Nam gửi Bộ Tư pháp Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp có ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
3. Đề án tổ chức Đại hội, phương án xây dựng nhân sự bầu mới hoặc bầu thay thế, bổ sung Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam được trình cơ quan có thẩm quyền sau khi có văn bản thống nhất ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 24. Phê duyệt Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam
1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ. Hồ sơ gồm có:
a) Văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ;
b) Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ;
c) Báo cáo kết quả Đại hội; kết quả bầu Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam;
d) Nghị quyết Đại hội.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phê duyệt Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam bị từ chối phê duyệt trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung trái với quy định của Hiến pháp, Luật luật sư, các luật, bộ luật, pháp lệnh có liên quan và Nghị định này;
b) Quy trình, thủ tục thông qua Điều lệ không bảo đảm tính hợp lệ, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam bị từ chối phê duyệt thì Hội đồng luật sư toàn quốc phải tổ chức thực hiện việc sửa đổi nội dung Điều lệ hoặc tổ chức lại Đại hội để thông qua Điều lệ theo quy định của pháp luật.
5. Khi có sự sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ sửa đổi, bổ sung được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi Bộ Tư pháp văn bản đề nghị kèm theo Điều lệ sửa đổi, bổ sung; biên bản thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung, Nghị quyết Đại hội.
Việc phê duyệt Điều lệ sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định của Điều này.
Điều 25. Chế độ báo cáo, gửi các quy định, quyết định, nghị quyết của Liên đoàn luật sư Việt Nam
1. Hàng năm, Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của luật sư, Đoàn luật sư trong phạm vi toàn quốc và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Thời hạn, kỳ báo cáo thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp.
Ngoài việc báo cáo theo định kỳ hàng năm, Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ; báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
2. Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp các quy định, quyết định, nghị quyết của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 25a. Bãi nhiệm Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam[10]
1. Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình; xâm hại lợi ích của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;
b) Không chấp hành yêu cầu, quy định, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc sau khi đã nhắc nhở bằng văn bản;
c) Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
2. Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết nhiệm kỳ mà không điều hành Hội đồng luật sư toàn quốc tổ chức Đại hội, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
c) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm, báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư Việt Nam theo quy định của Luật luật sư trong 02 năm liên tục; không gửi các quy định, quyết định, nghị quyết liên quan đến việc tổ chức Đại hội của Liên đoàn luật sư Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc Đại hội.
Văn bản hợp nhất 4529/VBHN-BTP năm 2018 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật luật sư do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 4529/VBHN-BTP
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 26/11/2018
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1099 đến số 1100
- Ngày hiệu lực: 26/11/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh[2]
- Điều 2. Cơ sở đào tạo nghề luật sư
- Điều 3. Trợ giúp pháp lý của luật sư
- Điều 4. Nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư
- Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư
- Điều 6. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 7. Điều lệ công ty luật
- Điều 8. Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 9. Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 10. Đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 11. Thay đổi người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 12. Hợp nhất công ty luật
- Điều 13. Sáp nhập công ty luật
- Điều 14. Chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh
- Điều 15. Chuyển đổi văn phòng luật sư thành công ty luật
- Điều 16. Thuê luật sư nước ngoài làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư
- Điều 17. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân[5]
- Điều 18. Mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự
- Điều 19. Thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng
- Điều 20. Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, phương án xây dựng Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư[6]
- Điều 21. Phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư[7]
- Điều 22. Chế độ báo cáo, gửi các quy định, quyết định, nghị quyết của Đoàn luật sư
- Điều 23. Giải thể Đoàn luật sư
- Điều 24. Phê duyệt Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam
- Điều 25. Chế độ báo cáo, gửi các quy định, quyết định, nghị quyết của Liên đoàn luật sư Việt Nam
- Điều 26. Tên gọi của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 27. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
- Điều 28. Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài
- Điều 29. Ngôn ngữ sử dụng và hợp pháp hóa lãnh sự
- Điều 30. Đăng báo, thông báo về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 31. Phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 32. Hợp nhất công ty luật nước ngoài
- Điều 33. Sáp nhập công ty luật nước ngoài
- Điều 34. Chuyển đổi chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 35. Chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam
- Điều 36. Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài
- Điều 37. Thủ tục đăng ký hoạt động của chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 38. Tạm ngừng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài
- Điều 39. Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài
- Điều 40. Thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài
- Điều 41. Thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài
- Điều 42. Thông báo về việc luật sư nước ngoài vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam