Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TUYÊN BỐ
VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC CÁ NHÂN, CÁC NHÓM VÀ CÁC TỔ CHỨC TRONG XÃ HỘI TRONG VIỆC THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI VÀ NHỮNG TỰ DO CƠ BẢN ĐÃ ĐƯỢC THỪA NHẬN RỘNG RÃI, 1998
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 53/144 ngày 9/12/1998).
Đại Hội đồng,
Tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở tất cả các nước trên thế giới,;
Đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và Nghị quyết 2200 A (XXI) về Công ước quốc tế về quyền con người, như những yếu tố cơ bản của những nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ rộng rãi các quyền con người và những tự do cơ bản và tầm quan trọng của các văn kiện quyền con người khác được thông qua trong khuôn khổ hệ thống Liên Hợp Quốc, cũng như những văn kiện ở cấp độ khu vực;
Nhấn mạnh rằng, tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế phải thực hiện, cùng nhau hoặc đơn lẻ, trách nhiệm thiêng liêng nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, bao gồm những phân biệt trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc chính kiến hay nguồn gốc xã hội hoặc quốc gia, của cải, dòng dõi hoặc những vị thế khác, và tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc đạt được sự hợp tác quốc tế để thực hiện trách nhiệm này theo Hiến chương;
Nhận thức vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, và công việc quý giá của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong việc đóng góp vào sự loại bỏ có hiệu quả tất cả những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản đối với các dân tộc và các cá nhân, kể cả liên quan đến những vi phạm phổ biến, trắng trợn và có hệ thống, như những vi phạm do chủ nghĩa A-pác-thai, do tất cả những hình thức phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, sự đô hộ hoặc chiếm đóng của ngoại bang, sự xâm lược hoặc những đe dọa đối với chủ quyền, thống nhất quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ và do sự khước từ thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc và quyền của mọi dân tộc thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và của cải;
Thừa nhận mối quan hệ giữa hòa bình và an ninh quốc tế và sự hưởng thụ quyền con người và những tự do cơ bản, và ghi nhớ rằng sự thiếu vắng hòa bình và an ninh quốc tế không thể thực hiện việc khước từ sự tuân thủ các quyền con người và tự do cơ bản;
Nhắc lại rằng, tất cả các quyền con người và những tự do cơ bản là phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan lẫn nhau và nên được thúc đẩy và thực hiện bằng một cách thức bình đẳng và công bằng không có thiên vị đối với việc thực hiện từng loại quyền hoặc tự do;
Nhấn mạnh rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản thuộc về các nhà nước;
Thừa nhận quyền và trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong xã hội đối với việc thúc đẩy sự tôn trọng và khuyến khích sự hiểu biết về quyền con người và những tự do cơ bản ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Tuyên bố:
Điều 1.
Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, trong việc thúc đẩy và phấn đấu cho việc bảo vệ và hiện thực hóa quyền con người và những tự do cơ bản ở cấp độ quốc tế và quốc gia.
Điều 2.
1. Mọi quốc gia có trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu về bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện tất cả quyền con người và những tự do cơ bản, chưa kể những điều khác, bằng cách thông qua những biện pháp có thể được xem là cần thiết để tạo ra tất cả những điều kiện cần trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và những lĩnh vực khác, cũng như sự bảo hộ pháp lý cần có để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong thẩm quyền tài phán của mình, một cách cá nhân và cùng với những người khác, có thể hưởng thụ những quyền và tự do đó trong thực tế.
2. Mọi quốc gia phải thông qua những biện pháp lập pháp, hành pháp hoặc những biện pháp khác có thể được xem là cần thiết để đảm bảo rằng những quyền và những tự do được nhắc đến trong Tuyên bố này được bảo hộ một cách có hiệu quả.
Điều 3.
Pháp luật quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và những trách nhiệm quốc tế khác của quốc gia đó trên lĩnh vực quyền con người và những tự do cơ bản là khuôn khổ pháp lý mà ở đó quyền con người và những tự do cơ bản phải được thực hiện và hưởng thụ, đồng thời, trong khuôn khổ đó, mọi hoạt động được đề cập đến trong Tuyên bố này liên quan đến việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện hiệu quả những quyền và tự do trên phải được tiến hành.
Điều 4.
Không có điều nào trong Tuyên bố này sẽ được giải thích nhằm làm phương hại đến hoặc làm trái những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc hoặc làm hạn chế hoặc hủy bỏ những điều khoản của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, cũng như những văn kiện quốc tế và những cam kết có liên quan khác trên lĩnh vực này.
Điều 5.
Vì mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản, mọi người có quyền, một cách cá nhân hoặc cùng với những người khác, ở cấp độ quốc gia và quốc tế:
1. Gặp gỡ hoặc hội họp một cách hòa bình;
2. Thành lập, gia nhập và tham gia vào các tổ chức, các hội hoặc các nhóm phi chính phủ;
3. Trao đổi thông tin với các tổ chức liên chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Điều 6.
Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác:
1. Được biết, tìm kiếm, có được và lưu giữ thông tin về quyền con người và những tự do cơ bản, kể cả có quyền tiếp cận thông tin về việc các quyền và tự do trên đây được thực hiện như thế nào trong hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp quốc gia;
2. In ấn, phát tán hoặc phổ biến đến những người khác quan điểm, thông tin và sự hiểu biết về quyền con người và những tự do cơ bản như đã được quy định trong các văn kiện nhân quyền hoặc những văn kiện quốc tế có liên quan khác;
3. Nghiên cứu, trao đổi, hình thành và giữ sự đánh giá về việc tuân thủ, cả về mặt luật pháp và thực tế, tất cả quyền con người và những tự do cơ bản và thông qua những hoạt động trên và những cách thức phù hợp khác, thu hút sự chú ý của công luận đối với những vấn đề này.
Điều 7.
Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, hình thành và trao đổi những quan điểm và nguyên tắc mới về quyền con người và bảo vệ sự chấp nhận về những quan điểm và nguyên tắc mới đó.
Điều 8.
1. Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, có sự tiếp cận hiệu quả, trên cơ sở không phân biệt đối xử, tham gia vào Chính phủ ở đất nước của người đó và vào việc điều hành các công việc của nhà nước.
2. Điều này bao gồm quyền chưa kể những quyền khác, trình lên các tổ chức, các cơ quan và các bộ phận hữu quan của chính phủ sự phê phán về công việc nhà nước và những đề xuất cho việc cải tiến hoạt động của các cơ quan tổ chức trên đồng thời thu hút sự chú ý đối với bất kỳ lĩnh vực công việc nào mà có thể làm phương hại hoặc cản trở đến sự thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền con người và những tự do cơ bản.
Điều 9.
1. Trong khi thực hiện các quyền con người và những tự do cơ bản, bao gồm cả sự thúc đẩy và bảo vệ quyền con người như đã được đề cập tại Tuyên bố này, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, được hưởng các biện pháp khắc phục hiệu quả và được bảo vệ trong trường hợp bị vi phạm những quyền đó.
2. Với mục đích đó những người mà cho là bị vi phạm các quyền và tự do có quyền khiếu kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu kiện về điều đó, và đơn khiếu kiện đó phải được nhanh chóng xem xét công khai tại một cơ quan xét xử có thẩm quyền và vô tư hoặc những cơ quan khác được thiết lập theo pháp luật, đồng thời có quyền có được từ cơ quan xét xử đó một phán quyết, phù hợp với pháp luật quy định việc bồi thường, kể cả bất kỳ quyền nào được hưởng bồi thường, khi đã có những vi phạm đối với quyền và những tự do của người đó, cũng như việc thực thi phán quyết và quyết định cuối cùng, mà không có những trì hoãn vô lý nào.
3. Với cùng mục đích trên, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, không kể đến những quyền khác:
a. Khiếu kiện về các chính sách và những hành vi của bản thân các quan chức và các cơ quan chính phủ liên quan đến những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản, bằng việc gửi đơn kiện hoặc những biện pháp phù hợp khác đến các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào khác được hệ thống pháp luật quốc gia quy định để những cơ quan này đưa ra quyết định về khiếu kiện mà không có sự trì hoãn vô lý nào;
b. Ttham dự vào các cuộc điều trần, các giai đoạn tố tụng và các phiên tòa công khai để hình thành một quan điểm về sự tuân thủ pháp luật quốc gia và những nghĩa vụ và những cam kết quốc tế có liên quan;
c. Được giúp đỡ và cung cấp sự trợ giúp pháp lý có chất lượng chuyên nghiệp hoặc sự tư vấn và trợ giúp khác thích hợp trong việc bảo vệ quyền con người và những tự do cơ bản.
4. Cùng mục đích đó và phù hợp với những văn kiện và những thủ tục quốc tế có liên quan, mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, tiếp cận mà không bị ngăn cản và giữ thông tin với những tổ chức quốc tế có thẩm quyền chung hoặc đặc biệt trong việc nhận và xem xét những khiếu kiện về những vấn đề về quyền con người và những tự do cơ bản.
5. Quốc gia phải tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và vô tư hoặc đảm bảo rằng một cuộc điều tra sẽ diễn ra bất kỳ khi nào có chứng cứ hợp lý để tin tưởng rằng một hành vi vi phạm nhân quyền và những tự do cơ bản đã xảy ra ở bất kỳ lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó.
Điều 10.
Không một ai phải tham gia vào, bằng hành động hoặc bằng sự im lặng không hành động do được yêu cầu phải làm như vậy, sự vi phạm các quyền con người và những tự do cơ bản và không một ai sẽ trở thành đối tượng của sự trừng phạt hoặc của bất kỳ hành động có hại nào vì đã từ chối thực hiện như vậy.
Điều 11.
Mọi người, một mình hoặc cùng với những người khác có quyền thực hành hợp pháp nghề nghiệp hoặc chuyên môn của người đó. Mọi người, do hậu quả từ việc thực hành nghề nghiệp của mình có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm, quyền con người và những tự do cơ bản của người khác thì phải tôn trọng những quyền và tự do đó và phải tuân thủ những tiêu chuẩn quốc gia, và quốc tế về nguyên tắc xử thế và đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn.
Điều 12.
1. Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, tham gia vào những hoạt động hòa bình chống lại những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản.
2. Các quốc gia phải tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo sự bảo vệ đối với mọi người, một mình hoặc cùng với những người khác, khỏi bất kỳ hành động bạo lực, sự đe dọa, trả thù, sự phân biệt bất lợi trong thực tế hoặc trong pháp luật, áp lực hoặc bất kỳ những hành vi tùy tiện nào khác như một hậu quả do người đó thực hiện hợp pháp các quyền được Tuyên bố này đề cập.
3. Trong mối liên quan đó, mọi người có quyền một mình hoặc cùng với những người khác, được bảo vệ một cách hiệu quả theo quy định của pháp luật trong khi hành động chống lại hoặc phản đối, thông qua những biện pháp hòa bình, những hoạt động và những hành vi, kể cả những hành động và hành vi do sự khinh suất, có thể quy cho quốc gia dẫn đến những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản cũng như những hành vi bạo lực gây ra bởi những nhóm hoặc những cá nhân ảnh hưởng đến sự hưởng thụ quyền con người và những tự do cơ bản.
Điều 13.
Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, yêu cầu, nhận và sử dụng những phương tiện cho những mục đích rõ ràng để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những tự do cơ bản thông qua những biện pháp hòa bình, phù hợp với Điều 3 của Tuyên bố này.
Điều 14.
1. Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành pháp hoặc những biện pháp thích hợp khác để thúc đẩy sự hiểu biết về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của tất cả mọi người thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó.
2. Những biện pháp như vậy phải bao gồm, chưa kể những biện pháp khác:
a. Việc công bố và phổ biến rộng rãi luật và những quy định quốc gia cũng như những văn kiện quốc tế cơ bản có liên quan;
b. Sự tiếp cận đầy đủ và công bằng đối với những văn kiện trên lĩnh vực quyền con người, kể cả những báo cáo định kỳ của các quốc gia trình lên các cơ quan được thành lập bởi những điều ước mà quốc gia đó là thành viên, cũng như biên bản tóm tắt về những cuộc thảo luận và những báo cáo chính thức của các tổ chức trên.
3. Các quốc gia phải đảm bảo và ủng hộ, khi thích hợp, việc thành lập và phát triển hơn nữa của các cơ quan quốc gia có tính độc lập vì sự thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những tự do cơ bản ở tất cả các lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đó, dù những cơ quan này có thể là thanh tra quốc hội, ủy ban nhân quyền hay bất kỳ hình thức tổ chức nào khác.
Điều 15.
Các quốc gia có trách nhiệm thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc giáo dục về quyền con người và những tự do cơ bản ở tất cả các cấp độ giáo dục và đảm bảo rằng tất cả những người có trách nhiệm đào tạo các luật sư, viên chức thực thi pháp luật, những thành viên của các lực lượng quân sự và công chức phải tính đến những nội dung giảng dạy quyền con người phù hợp trong chương trình đào tạo của họ.
Điều 16.
Các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ và những cơ quan có liên quan đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần làm cho công chúng nhận thức hơn nữa về những vấn đề liên quan đến quyền con người và những tự do cơ bản thông qua những hoạt động như giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về những quyền và tự do cơ bản đó để nâng cao hơn nữa, chưa kể những vấn đề khác, sự hiểu biết, khoan dung, hòa bình và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và giữa các nhóm tôn giáo, chủng tộc, có lưu ý đến những nền tảng khác nhau của những xã hội và những cộng đồng mà ở đó những nhóm tôn giáo và chủng tộc đó tiến hành những hoạt động của họ.
Điều 17.
Trong khi thực hiện những quyền và tự do cơ bản được đề cập trong Tuyên bố này, mọi người, hành động một mình hoặc cùng với những người khác, sẽ chỉ bị áp đặt những hạn chế phù hợp với những trách nhiệm quốc tế có liên quan và được xác định bởi luật pháp chỉ với mục đích đảm bảo sự thừa nhận và tôn trọng đúng đắn vì quyền và tự do của những người khác và đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Điều 18.
1. Mọi người có nghĩa vụ đối với và trong khuôn khổ cộng đồng mà chỉ ở trong cộng đồng ấy sự tự do và phát triển đầy đủ về nhân cách của người đó có thể thực hiện được.
2. Các cá nhân, các nhóm, các cơ quan và các tổ chức phỉ chính phủ đóng vai trò quan trọng và có trách nhiệm trong việc đảm bảo dân chủ, thúc đẩy quyền con người và những tự do cơ bản, đồng thời góp phần, đối với việc nâng cao và sự tiến bộ của những tổ chức, những định chế và những tiến trình dân chủ.
3. Các cá nhân, các nhóm, các cơ quan và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng và có trách nhiệm trong việc góp phần khi thích hợp, vào việc thúc đẩy quyền của mọi người trong một trật tự quốc tế và xã hội mà ở đó các quyền và tự do được nêu lên trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và những văn kiện quốc tế về quyền con người khác có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 19.
Không có điều nào trong Tuyên bố này sẽ được giải thích với hàm ý cho phép bất kỳ cá nhân; nhóm hoặc tổ chức nào của xã hội hoặc bất kỳ quốc gia nào quyền tham gia trong bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hủy các quyền và tự do được đề cập đến trong Tuyên bố này.
Điều 20.
Không có điều nào trong Tuyên bố này sẽ được giải thích với hàm ý cho phép các quốc gia ủng hộ và thúc đẩy những hoạt động của các cá nhân, các nhóm, các cơ quan hay các tổ chức phi chính phủ đi ngược lại những quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
- 1Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
- 2Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 1990
- 3Những bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người đang phải đối mặt với án tử hình, 1984
- 4Các Hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người, 1996
- 5Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS, 2001 "Khủng hoảng toàn cầu – hành động toàn cầu"
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Hiến Chương Liên hợp quốc 1945
- 3Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
- 4Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
- 5Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 1990
- 6Những bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người đang phải đối mặt với án tử hình, 1984
- 7Các Hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người, 1996
- 8Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS, 2001 "Khủng hoảng toàn cầu – hành động toàn cầu"
Tuyên bố về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức trong xã hội trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những tự do cơ bản đã được thừa nhận rộng rãi, 1998
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 09/12/1998
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra