TUYÊN BỐ
VỀ BẢO VỆ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VÀ XUNG ĐỘT VŨ TRANG, 1974
(Được thông qua theo Nghị quyết 3318 (XXIX) ngày 14/12/1974 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).
Đại Hội đồng,
Xét khuyến nghị của Hội đồng Kinh tế và Xã hội trong Nghị quyết 1861 (LVI) ngày 16/5/1974,
Bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những nỗi đau khổ của phụ nữ và trẻ em thường dân trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp và xung đội vũ trang trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự quyết, giải phóng và độc lập dân tộc. Họ thường là nạn nhân của những hành động vô nhân đạo và chịu những thiệt hại nghiêm trọng,
Nhận thức về nỗi đau khổ của phụ nữ và trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi phải chịu sự đàn áp, xâm lăng, chế độ thuộc địa, chế độ phân biệt chủng tộc, sự cai trị và kiểm soát của ngoại bang,
Lo ngại sâu sắc trước thực tế rằng, bất chấp sự lên án rộng rãi và rõ ràng, nhưng chế độ thuộc địa, phân biệt chủng tộc, sự cai trị và kiểm soát của ngoại bang vẫn tiếp tục buộc nhiều dân tộc phải nằm trong gông xích của chúng, đàn áp dã man các phong trào giải phóng dân tộc, và gây những mất mát nặng nề và những nỗi đau khổ không kể xiết đối với những dân tộc dưới sự cai trị của chúng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Đau buồn trước thực tế rằng, các cuộc tấn công dã man vào các quyền tự do cơ bản và nhân phẩm của con người vẫn đang được thực hiện, và rằng, sự cai trị thuộc địa của ngoại bang và sự phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục vi phạm luật nhân đạo quốc tế,
Nhắc lại những quy định trong những văn kiện của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong thời bình và chiến tranh,
Nhắc lại, trong số những văn kiện quan trọng khác, các Nghị quyết 2444 (XXIII) ngày 19/12/1968, Nghị quyết 2597 (XXIV) ngày 16/12/1969, Nghị quyết 2674 (XXV) và Nghị quyết 2675 (XXV) ngày 09/12/1970 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về tôn trọng các quyền con người và những nguyên tắc cơ bản cho việc bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang, cũng như Nghị quyết 1515 (XLVIII) ngày 28/5/1970 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, trong đó Hội đồng đề nghị Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc xem xét khả năng soạn thảo một Tuyên bố về việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp hoặc chiến tranh;
Nhận thức trách nhiệm về vận mệnh của thế hệ đang phát triển và về vận mệnh của các bà mẹ, những người đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, trong gia đình và đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái,
Ghi nhớ sự cần thiết phải có sự bảo vệ đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em thường dân,
Trịnh trọng thông qua Tuyên bố về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp và xung đột vũ trang, và kêu gọi tất cả các Quốc gia thành viên thực hiện nghiêm túc Tuyên bố này:
1. Các cuộc tấn công và ném bom vào dân thường, gây ra sự đau khổ không kể xiết, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em những thành viên dân thường dễ bị tổn thương nhất, phải bị cấm, và những hành động như vậy phải bị lên án.
2. Việc sử dụng các loại vũ khí hóa học và vi khuẩn trong các hoạt động quân sự cấu thành một trong những vi phạm trắng trợn nhất Nghị định thư Geneva năm 1925, các Công ước Geneva 1949, và những nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế; và gây ra những mất mát nặng nề cho dân thường, trong đó có cả những phụ nữ và trẻ em không được bảo vệ; và phải bị lên án mạnh mẽ.
3. Tất cả các Quốc gia thành viên cần chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Nghị định thư Geneva 1925 và các Công ước Geneva 1949, cũng như các văn kiện luật quốc tế khác liên quan đến việc tôn trọng các quyền con người trong các cuộc xung đột vũ trang. Những văn kiện này quy định những đảm bảo quan trọng cho việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
4. Các quốc gia liên quan trong các cuộc xung đột vũ trang, hoạt động quân sự ở các lãnh thổ nước ngoài hoặc các hoạt động quân sự ở các lãnh thổ hiện vẫn dưới sự cai trị thuộc địa cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm tránh cho phụ nữ và trẻ em khỏi những tàn phá của chiến tranh. Cần thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo việc cấm các biện pháp như xử tử, tra tấn, các biện pháp trừng phạt, đối xử vô nhân đạo và bạo lực, đặc biệt đối với bộ phận dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
5. Mọi hình thức đàn áp, đối xử dã man và vô nhân đạo đối với phụ nữ và trẻ em, kể cả việc bỏ tù, tra tấn; bắn giết bắt bớ hàng loạt, trừng phạt tập thể, phá hủy nhà ở và bức đoạt nhà ở do những kẻ gây chiến thực hiện trong các hoạt động quân sự hoặc ở những lãnh thổ bị chiếm đóng cần bị coi là tội phạm.
6. Phụ nữ và trẻ em dân thường và 1à đối tượng trong những hoàn cảnh xảy ra tình trạng khẩn cấp và xung đột vũ trang trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự quyết giải phóng và độc lập dân tộc hoặc đang sống trong những lãnh thổ bị chiếm đóng, phải được bảo vệ không bị tước đoạt mất nơi ở, lương thực, trợ cấp y tế hoặc các quyền mà không ai có thể tước đoạt khác, phù hợp với những quy định của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Tuyên bố về quyền trẻ em hoặc các văn kiện luật quốc tế khác.
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Tuyên bố của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em 1959
- 3Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, 1966
- 4Công ước về trấn áp việc buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác, 1949
- 5Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ, 1952
- 6Công ước về vị thế của người tị nạn, 1951
- 7Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
Tuyên bố về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp và xung đội vũ trang, 1974
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 14/12/1974
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1900
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực