Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2004/TTLB-BNV-BTC-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2004 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NỘI VỤ - TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 121/2003/NĐ-CP NGÀY 21/10/2003 CỦA CHÍNH PHỦ  VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 121/2003/NĐ-CP); sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng đẫn thực hiện như sau:

I. SỐ LƯỢNG CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

1. Đối với xã, phường, thị trấn có dưới 1.000 dân được bố trí không quá 17 cán bộ, công chức, bao gồm các chức danh sau:

1.1. Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy cấp xã);

1.2. Phó Bí thư Đảng ủy hoặc Thường trực Đảng ủy (nơi chưa có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng); Phó Bí thư Chi bộ xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy cấp xã); Chủ tịch Hội đồng nhân dân (do Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm);

1.3. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

1.4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

1.5. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

1.6. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc;

1.7. Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

1.8. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;

1.9. Chủ tịch Hội Nông dân;

1.10. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

1.11. Chỉ huy trưởng quân sự;

1.12. Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

1.13. Văn phòng - Thống kê;

1.14. Tư pháp - Hộ tịch;

1.15. Tài chính - Kế toán;

1.16. Địa chính - Xây dựng;

1.17. Văn hóa - Xã hội.

2. Xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo có từ 1.000 dân đến dưới 5.000 dân và xã đồng bằng, phường, thị trấn có dưới 10.000 dân, sau khi sử dụng cán bộ, công chức thuộc các chức danh nêu ở điểm 1 Mục I trên đây, được bố trí thêm 02 cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã trong số các chức danh: Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (theo quy định của Chính phủ nơi được bố trí 02 Phó Chủ tịch); Văn phòng - Thống kê; Văn hóa - Xã hội; Tư pháp - Hộ tịch, nhưng tổng số không quá 19 cán bộ, công chức.

3. Xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo có từ 5.000 dân trở lên cứ thêm 1.500 dân được bố trí thêm 01 cán bộ chuyên trách, công chức và xã đồng bằng, phường, thị trấn có từ 10.000 dân trở lên, cứ thêm 3.000 dân được bố trí thêm 01 cán bộ chuyên trách, công chức, sau khi đã sử dụng các chức danh nêu ở điểm 1 Mục I trên đây, được bố trí thêm cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã trong các chức danh: Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (theo quy định của Chính phủ nơi được bố trí 02 Phó Chủ tịch); Văn phòng - Thống kê; Văn hóa - Xã hội; Địa chính - Xây dựng; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch, nhưng tối đa không quá 25 cán bộ, công chức.

4. Việc bố trí thêm cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã tăng theo số dân:

Ở những nơi được bố trí cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã tăng thêm thì cùng một chức danh được bố trí từ 2 đến 3 cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đảm nhiệm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và hướng dẫn trên đây, quyết định những chức danh cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được bố trí thêm đồng thời hướng dẫn việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

II. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ

1. Nguyên tắc xếp lương đối với cán bộ chuyên trách cấp xã:

1.1. Hiện tại đang giữ chức vụ chuyên trách nào thì xếp lương theo chức vụ chuyên trách đó. Trường hợp được phân công kiêm nhiệm nhiều chức vụ chuyên trách thì được xếp lương theo chức vụ chuyên trách có mức lương cao nhất; khi không kiêm nhiệm chức vụ chuyên trách thì đảm nhận chức vụ chuyên trách nào xếp lương theo chức vụ chuyên trách đó.

1.2. Khi thôi giữ chức vụ chuyên trách thì được giữ nguyên (bảo lưu) mức lương và phụ cấp tái cử (nếu có) trong 6 tháng, sau đó làm công việc gì thì xếp lương theo công việc đó.

Trường hợp khi thôi giữ chức vụ chuyên trách mà làm công việc khác có mức lương cao hơn thì được xếp ngay vào mức lương cao hơn đó.

Trường hợp trước khi giữ chức vụ chuyên trách cấp xã đã là công chức cấp xã, khi thôi giữ chức vụ chuyên trách nếu trở về ngạch cũ thì thời gian giữ chức vụ chuyên trách được tính để xếp bậc lương thâm niên theo ngạch lương của công chức cấp xã.

2. Chuyển xếp vào hệ số mức lương chức vụ đối với cán bộ chuyên trách cấp xã (bao gồm cả chức vụ được bố trí thêm tăng theo số dân).

Căn cứ vào các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP thực hiện chuyển xếp vào hệ số mức lương chức vụ đối với cán bộ chuyên trách cấp xã như sau:

2.1. Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ cấp xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy xã): xếp hệ số 2,0 mức lương tối thiểu;

2.2. Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Chi bộ cấp xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy xã), Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân: xếp hệ số 1,9 mức lương tối thiểu;

2.3. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Thường trực Đảng ủy (nơi chưa có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc: xếp hệ số 1,8 mức lương tối thiểu;

2.4. Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ủy viên Uỷ ban nhân dân: xếp hệ số 1,7 mức lương tối thiểu.

3. Trường hợp công chức cấp xã được bầu giữ các chức vụ cán bộ chuyên trách quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, xếp lương theo chức vụ bầu cử có mức lương thấp hơn mức lương của công chức đã hưởng trước đó thì được hưởng lương chức vụ và bảo lưu hệ số chênh lệch giữa mức lương của công chức và mức lương chức vụ. Thời hạn bảo lưu hệ số chênh lệch thực hiện trong suốt thời gian giữ chức vụ bầu cử.

4. Cán bộ chuyên trách cấp xã nếu được tái cử cùng chức vụ hoặc được bầu giữ chức vụ khác trong số cán bộ chuyên trách thì từ tháng thứ 61 trở đi kể từ thời điểm được bầu giữ chức vụ lần đầu theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 09/1998/NĐ-CP) hoặc theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, được hưởng phụ cấp thêm 5% hàng tháng theo mức lương chức vụ hiện đang đảm nhiệm (sau đây gọi là phụ cấp tái cử); mức hưởng phụ cấp tái cử thêm 5% hàng tháng ổn định trong suốt thời gian tái cử.

III. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP (bao gồm cả công chức được bố trí thêm tăng theo số dân) được hưởng chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ như sau:

1. Nguyên tắc xếp lương đối với công chức cấp xã:

1.1. Công chức cấp xã tốt nghiệp đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đang đảm nhiệm, được xếp lương theo bảng lương hành chính, ngạch chuyên viên (mã số 01.003) như quy định đối với công chức ngạch chuyên viên từ cấp huyện trở lên.

1.2. Công chức cấp xã tốt nghiệp đào tạo trung cấp phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đang đảm nhiệm, được xếp lương theo bảng lương hành chính, ngạch cán sự (mã số 01.004).

Trường hợp được tuyển dụng lần đầu mà có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đang đảm nhiệm thì sau thời gian tập sự được xếp vào bậc 2 của ngạch cán sự (trong thời gian tập sự được hưởng theo phần trăm mức lương bậc 2 của ngạch cán sự).

l.3. Công chức cấp xã tốt nghiệp đào tạo sơ cấp phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đang đảm nhiệm, được xếp lương theo bảng lương hành chính, ngạch nhân viên văn thư (mã số 01.008).

1.4. Những đối tượng quy định tại điểm c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP đang công tác chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn theo quy định của chức danh hiện đang đảm nhiệm, được xếp hệ số mức lương bằng 1,09 so với mức lương tối thiểu đến ngày 31 tháng 12 năm 2006, sau đó nếu không đảm bảo tiêu chuẩn theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét cụ thể từng trường hợp để quyết định.

1.5. Công chức cấp xã nếu có sự thay đổi về bằng cấp chuyên môn do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì được xếp lương vào ngạch tương ứng với trình độ đào tạo mới; thời gian nâng bậc lương lần sau được tính từ thời điểm có bằng cấp mới. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý công chức phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc chuyển xếp lương theo quy định này.

2. Chuyển xếp vào ngạch, bậc lương chuyên môn đối với công chức cấp xã trước đó là cán bộ chuyên môn hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP:

Căn cứ vào thời gian công chức cấp xã đã được hưởng mức sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP tính cho đến ngày 01 tháng 11 năm 2003 (ngày được thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này) để chuyển xếp vào ngạch, bậc lương như sau:

2.1. Trường hợp công chức cấp xã được xếp lương theo ngạch chuyên viên:

a) Nếu có thời gian hưởng sinh hoạt phí (theo ngạch, bậc lương công chức) dưới 3 năm (dưới 36 tháng), thì giữ nguyên ngạch, bậc lương hiện hưởng; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày hưởng sinh hoạt phí.

b) Nếu có thời gian hưởng sinh hoạt phí (theo ngạch, bậc lương công chức) từ đủ 3 năm (đủ 36 tháng) trở lên, thì được xếp vào một bậc lương trên liền kề (nếu trong ngạch còn bậc) so với bậc lương hiện hưởng; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2003.

2.2. Trường hợp công chức cấp xã được xếp lương theo ngạch cán sự hoặc ngạch nhân viên văn thư:

a) Nếu có thời gian hưởng sinh hoạt phí (theo ngạch, bậc lương công chức) dưới 2 năm (dưới 24 tháng), thì giữ nguyên ngạch, bậc lương hiện hưởng; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày hưởng sinh hoạt phí.

b) Nếu có thời gian hưởng sinh hoạt phí (theo ngạch, bậc lương công chức) từ đủ 2 năm (đủ 24 tháng) trở lên, thì được xếp vào một bậc lương trên liền kề (nếu trong ngạch còn bậc) so với bậc lương hiện hưởng; thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2003.

3. Chuyển xếp vào ngạch, bậc lương chuyên môn đối với công chức cấp xã trước đó là cán bộ chuyên trách cấp xã:

3.1. Trường hợp trước khi giữ chức vụ chuyên trách cấp xã đã là cán bộ chuyên môn theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP hoặc công chức cấp xã theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP thì sau khi thôi giữ chức vụ chuyên trách được bảo lưu mức lương và phụ cấp tái cử (nếu có) theo quy định tại tiết 1.2, điểm 1, Mục II trên đây.

Sau thời hạn bảo lưu lương được xếp lương như sau:

a) Nếu không có sự thay đổi về bằng cấp chuyên môn được đào tạo thì căn cứ vào ngạch, bậc lương chuyên môn đã được xếp trước khi giữ chức vụ bầu cử và thời gian giữ chức vụ bầu cử để xếp vào bậc lương cho phù hợp với quy định về thời gian tính nâng bậc lương đối với công chức cấp xã quy định tại Thông tư này.

b) Nếu có sự thay đổi về bằng cấp chuyên môn do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì được xếp lương theo nguyên tắc quy định tại tiết 1.5, điểm 1, Mục III trên đây.

3.2. Trường hợp trước khi giữ chức vụ chuyên trách cấp xã chưa phải là cán bộ chuyên môn theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP hoặc chưa phải là công chức cấp xã theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP thì căn cứ vào bằng cấp chuyên môn hiện có chuyển xếp vào bậc khởi điểm theo trình độ đào tạo quy định tại điểm 1, Mục III trên đây (không phải qua thời gian tập sự), sau đó tính thời gian có bằng cấp chuyên môn để xếp vào bậc lương cho phù hợp như sau:

a) Trường hợp có bằng cấp chuyên môn được đào tạo trước khi giữ chức vụ bầu cử thì thời gian tính nâng bậc lương (sau bậc khởi điểm theo trình độ đào tạo) kể từ ngày giữ chức vụ bầu cử.

b) Trường hợp có bằng cấp chuyên môn được đào tạo trong khi giữ chức vụ bầu cử thì thời gian tính nâng bậc lương (sau bậc khởi điểm theo trình độ đào tạo) kể từ ngày có bằng cấp chuyên môn.

4. Chế độ tiền lương trong thời gian tập sự đối với công chức cấp xã: Công chức cấp xã đang trong thời gian tập sự được hưởng 85% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo chuyên môn của ngạch công chức được tuyển dụng; đối với công chức tập sự ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì trong thời gian tập sự được hưởng 100% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo chuyên môn của ngạch công chức được tuyển dụng. Thời gian tập sự không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương theo thâm niên.

5. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức cấp xã: Công chức cấp xã có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc cũ là 3 năm (đủ 36 tháng) đối với công chức được xếp ngạch chuyên viên và 2 năm (đủ 24 tháng) đối với công chức được xếp ngạch cán sự hoặc ngạch nhân viên văn thư; đồng thời đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định dưới đây trong suốt thời gian giữ bậc cũ thì được nâng 1 bậc lương (nếu trong ngạch còn bậc):

- Hoàn thành các nhiệm vụ được giao;

- Không bị một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc chịu hình phạt của Tòa án.

Trường hợp công chức cấp xã bị một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc chịu hình phạt của Toà án, thì thời gian nâng bậc lương bị kéo dài thêm một năm (đủ 12 tháng).

IV. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ BẢO HIỂM Y TẾ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VÀ CÔNG CHỨC CẤP XÃ

1. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và được thực hiện chế độ bảo hiểm y tế theo Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ, bao gồm các chế độ: chế độ trợ cấp ốm đau; chế độ trợ cấp thai sản; chế độ trợ cấp tai nạn lao động; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe và chế độ bảo hiểm y tế.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bằng 20% tiền lương hàng tháng bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp tái cử và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) của cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã; trong đó cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đóng bằng 5%, người sử lụng lao động (Uỷ ban nhân dân cấp xã) đóng bằng 15%.

Mức đóng bảo hiểm y tế bằng 3% tiền lương hàng tháng bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp tái cử và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) của cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã; trong đó cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đóng bằng 1%, người sử dụng lao động (Uỷ ban nhân dân cấp xã) đóng bằng 2%.

Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cấp Sổ bảo hiểm xã hội và phiếu khám, chữa bệnh theo quy định.

3. Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP nếu có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và còn thiếu không quá 5 năm tuổi đời để đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định không nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần và tự nguyện đóng tiếp tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức đóng bằng 15% tiền lương hàng tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội ở nơi cư trú cho đến khi đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng chế độ hưu trí.

4. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và sau đó được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này, thì thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP được cộng với thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

5. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần về bảo hiểm xã hội như sau:

5.1. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đóng bảo hiểm xã hội theo các mức tiền lương quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này, thì tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối, kể cả phụ cấp tái cử, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) để tính lương hưu hoặc trợ cấp một lần về bảo hiểm xã hội;

5.2. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức sinh hoạt phí của các chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này, thì tính bình quân các mức sinh hoạt phí và tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối để tính lương hưu hoặc trợ cấp một lần về bảo hiểm xã hội.

6. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, bệnh binh hạng 1 và hạng 2, được hưởng 100% mức lương theo chức danh của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP đến ngày 31 tháng 12 năm 2004, từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 hưởng 40% mức lương theo chức danh của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khi nghỉ việc không được tính hưởng bảo hiểm xã hội quy định tại Thông tư này.

7. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ thương binh các hạng, bệnh binh hạng 3 (trừ những người đang hưởng chế độ quy định tại điểm 6 Mục IV nêu trên), được hưởng 100% mức lương theo chức danh đang đảm nhiệm, được đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

8. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã có thời gian công tác và tham gia bảo hiểm xã hội theo Nghị đinh số 09/1998/NĐ-CP, nay theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP không còn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi nghỉ việc được giải quyết như sau:

8.1. Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, có thời gian công tác liên tục từ 15 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng của 15 năm đầu bằng 45% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ; sau 15 năm, cứ thêm một năm công tác và có đóng bảo hiểm thì được tính thêm 2% nhưng mức trợ cấp cao nhất không quá 75% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ;

8.2. Trường hợp chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội liên tục, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, mỗi năm công tác được hưởng một tháng sinh hoạt phí tính theo bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ việc;

8.3. Trường hợp đã đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội liên tục trở lên nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng tháng mà không hưởng trợ cấp một lần, có đơn tự nguyện chờ giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì được nghỉ chờ đến khi đủ 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại điểm 8.1 Mục IV nêu trên. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập đủ hồ sơ như người đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương quản lý, theo dõi và giải quyết trợ cấp hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời.

9. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2003 đến ngày 01 tháng 7 năm 2004 chưa xếp lương và đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, khi nghỉ việc được giải quyết chế độ theo điểm 8, Mục IV trên đây.

V. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ, CÁN BỘ Ở THÔN VÀ TỔ DÂN PHỐ

1. Cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ ở thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Điều 7 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP quy định số lượng và mức phụ cấp hàng tháng cho số cán bộ không chuyên trách nói trên, đảm bảo các yêu cầu sau đây:

2.1. Có nhu cầu cần thiết về công việc thì mới bố trí cán bộ làm việc;

2.2. Mức phụ cấp phải căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc và khả năng ngân sách của địa phương để chi trả cho phù hợp.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc và khả năng ngân sách địa phương để quy định mức phụ cấp của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi cho phù hợp đảm bảo tương quan với các chức danh cán bộ đoàn thể khác.

VI. NGUỒN KINH PHÍ ĐỂ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách làm việc ở xã, phường, thị trấn và cán bộ thôn, tổ dân phố do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

VII. KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 99/1998/TT-LT ngày 19 tháng 5 năm 1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và - xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

2. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 11 năm 2003.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư này; căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để hướng dẫn thực hiện. Quá trình thực hiện có vướng mắc đề nghị phản ảnh về liên Bộ để hướng dẫn bổ sung.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/05/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 11/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản