Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 236-TTLT

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1983

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - TÀI CHÍNH SỐ 236-TTLT NGÀY 7 THÁNG 12 NĂM 1983 HƯỚNG DẪN VỀ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VỐN QUẢN LÝ VÀ SỬA CHỮA CẦU ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Nghị định số 10-HĐBT ngày 20-1-1982 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc phân loại đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ. Để tăng cường chế độ quản lý kinh tế tài chính đáp ứng yêu cầu sản xuất phù hợp với Quyết định số 166-HĐBT ngày 24-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành Giao thông vận tải, sau khi trao đổi với Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam, Liên Bộ Giao thông vận tải - Tài chính hướng dẫn và quy định chế độ quản lý, cấp phát vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Để tăng cường quản lý, phát huy kịp thời và có hiệu quả tiền vốn, nay nhập lại nguồn vốn trung, đại tu và duy tu bảo dưỡng đường bộ thành một nguồn gọi là vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ.

Tuy nhiên về tính chất công tác có hai loại công việc khác nhau: Sửa chữa thường xuyên (duy tu) và sửa chữa lớn (đại tu) làm theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Bộ Giao thông vận tải sẽ quy định và hướng dẫn cụ thể cách quản lý hai loại công việc này sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính.

Đối với những công trình, hạng mục công trình trên những tuyến đường hoặc lý trình có quy mô sửa chữa lớn như: Cải tạo kết hợp nâng cấp đường bộ, khôi phục hoặc làm mới cầu gỗ, cầu phao, cầu bán vĩnh cửu, cầu vĩnh cửu khẩu độ dưới 12m, bến phà, bến cầu phao (theo quy định ở chế độ quản lý sửa chữa đường ô tô 1963) thì phải có thiết kế dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt mới được phép đưa vào kế hoạch.

2. Nguồn vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ (bao gồm cả tiền thu cước qua phà, cầu phao) đều giao dịch thông qua Ngân hàng đầu tư xây dựng.

3. Tiền thu cước qua phà cầu phao dùng để sửa chữa bến phà, cầu phao, ca nô, phà. Nếu còn thừa mới dùng sửa chữa cầu đường theo kế hoạch Bộ Giao thông vận tải xét duyệt.

II- LẬP KẾ HOẠCH VỐN QUẢN LÝ VÀ SỬA CHỮA CẦU ĐƯỜNG BỘ

Hàng năm căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của cầu đường và yêu cầu của vận tải trên từng tuyến , khả năng cân đối và cung cấp vật tư của Nhà nước, năng lực thiết bị máy móc, lao động dùng vào công tác quản lý và sửa chữa cầu đường bộ, và xác định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho ngành quản lý sửa chữa cầu đường bộ, các cơ quan chủ đầu tư các công trình cầu đường bộ lập kế hoạch về yêu cầu vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ (có phân chia ra từng quý cho từng tuyến đường, lý trình v.v. . .) và kế hoạch khảo sát thiết kế dự toán cho các công trình phải lập từ năm trước (khảo sát thiết kế dự toán phải đi trước một bước) để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sửa chữa năm sau Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn việc phân cấp lập kế hoạch tổng hợp và xét duyệt kế hoạch nhu cầu vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ. kế hoạch này cần được tổng hợp và gửi cho cơ quan tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng cùng cấp theo phân cấp quản lý tài chính hiện hành và theo tiến độ làm kế hoạch của Nhà nước đã quy định. Cơ quan tài chính chỉ tổng hợp và trình duyệt kế hoạch nhu cầu về vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ khi nhận được của cơ quan quản lý giao thông cung cấp. Cơ quan tài chính có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan giao thông sau khi kế hoạch đã được phê duyệt và cấp đủ, kịp thời số vốn theo kế hoạch. Cơ quan giao thông phải đảm bảo những căn cứ về cấp phát vốn như quy định phần dưới đây của Thông tư này.

Khi lập kế hoạch nhu cầu vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ.

- Đối với các công trình, hạng mục công trình trên các tuyến đường hoặc lý trình mà công tác sửa chữa có quy mô lớn như nói ở điểm 1 mục I nêu trên thì phải có thiết kế dự toán hoặc khai toán được cấp có thẩm quyền xét duyệt mới được phép ghi vào kế hoạch.

- Đối với công trình, hạng mục công trình trên các tuyến đường lý trình mà quy mô sửa chữa nhỏ hơn, như quy định ở điểm 1 mục I nêu trên có thể ghi kế hoạch trong khi chưa có dự toán được duyệt. Nhưng chỉ được cấp phát vốn khi có dự toán được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Trước khi lập kế hoạch xin vốn đầu tư cho năm sau cơ quan chủ đầu tư phải có báo cáo tình hình khối lượng, chất lượng công trình thực hiện trong năm (chia theo từng tuyến, từng công trình, hoặc hạng mục công trình v.v. . .) tình hình lên xuống loại đường theo quy định của Bộ Giao thông vận tải để có cơ sở đánh giá được hiệu quả vốn đầu tư, đồng thời làm cơ sở lập kế hoạch vốn đầu tư năm sau.

Công trình thi công vượt dự toán hoặc dự toán công trình vượt chỉ tiêu kế hoạch trên 5% thì đơn vị phải xin điều chỉnh dự toán và bổ sung chỉ tiêu kế hoạch được duyệt mới được cấp phát và thanh toán cho phần được điều chỉnh và chỉ tiêu bổ sung đó.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch nếu có những nhu cầu mới phát sinh về vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ, cơ quan giao thông phải trao đổi ngay với cơ quan tài chính, Ngân hàng đầu tư xây dựng cùng cấp để tìm biện pháp giải quyết. Cơ quan tài chính và Ngân hàng đầu tư và xây dựng cùng cấp được phép từ chối mọi khoản chi tiêu không có trong kế hoạch được duyệt.

Trường hợp do thiên tai địch hoạ, hoả hoạn, gây ách tắc giao thông, đơn vị phải khẩn trương, thành lập Hội đồng xác định giá trị thiệt hại điện khẩn báo cho Bộ. Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng trung ương (đối với công trình do trung ương quản lý) cho Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng tỉnh, thành phố (công trình thuộc địa phương quản lý và lập biên bản báo cáo kịp thời cho cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan tài chính, Ngân hàng đầu tư vào xây dựng cùng cấp và được lấy vốn của những công trình khác đã được cấp hoặc vay vốn Ngân hàng để chi phí ứng cứu kịp thời cho việc lập lại trật tự an toàn giao thông, sau đó phải làm đầy đủ các thủ tục xin cấp phát toàn bộ giá trị thiệt hại để hoàn lại số vốn đã sử dụng đó theo quy định hiện hành.

III- CẤP PHÁT VỐN QUẢN LÝ VÀ SỬA CHỮA CẦU ĐƯỜNG BỘ

Vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ là nguồn vốn sự nghiệp kinh tế Bộ Tài chính và Sở Tài chính cấp phát bằng hạn mức kinh phí cho Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải mỗi quý hai lần qua Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam và các chi nhánh Ngân hàng đầu tư và xây dựng địa phương theo mục lục ngân sách loại 1 khoản 14 hạng 15.

Bộ Giao thông vận tải cấp phát bằng hạn mức kinh phí cho các Sở Giao thông vận tải và Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông khu vực qua Ban quản lý công tình mỗi quý hai lần (cầu đường và các công trình do trung ương quản lý).

1. Những căn cứ để cơ quan tài chính cấp phát vốn là:

- Kế hoạch nhu cầu về vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ năm, quý được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

- Dự toán các công trình phân chia theo từng tuyến đường, từng lý trình. . . được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

- Báo cáo thực hiện khối lượng và báo cáo quyết toán năm quý theo quy định:

+ Cấp phát kỳ một của quý kế hoạch phải có báo cáo nhanh thực hiện kế hoạch khối lượng và chỉ tiêu quý trước.

+ Cấp phát kỳ hai của quý kế hoạch phải có báo cáo quyết toán chính thức quý trước.

+ kế hoạch và kết quả thu quý trước về hoạt động sự nghiệp.

2. Căn cứ để Ngân hàng đầu tư và xây dựng thanh toán vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ cho các chủ đầu tư và đơn vị quản lý sửa chữa cầu đường bộ.

Đối với những đơn vị làm công tác quản lý và sửa chữa cầu đường bộ đã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế thì việc cấp vốn thanh toán của Ngân hàng đầu tư và xây dựng cho những đơn vị này. Theo nguyên tắc nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành (chia theo từng tuyến đường, lý trình, công trình, dự toán đã được cấp có thẩm quyền duyệt) trên cơ sở của hợp đồng kinh tế đã được ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu thi công.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, giữa 2 kỳ nghiệm thu thanh toán đơn vị nhận thầu (bên B) được sử dụng vốn lưu động định mức được duyệt (theo Thông tư 06-TT/LB ngày 14-7-1983 của Liên Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Các đơn vị sản xuất kinh doanh phải xúc tiến gấp lập kế hoạch định mức vốn lưu động trình cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp xét duyệt.

Trường hợp chưa giải quyết được vốn lưu động trong định mức thì đơn vị thi công được Ban quản lý công trình và Ngân hàng đầu tư xây dựng dùng số vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phát cho công trình đó để cho đơn vị thi công (bên B) tạm ứng. Khi thanh toán khối lượng nghiệm thu công trình hoàn thành bàn giao sẽ thu hồi lại.

Đối với những đơn vị làm công tác quản lý và sửa chữa cầu đường bộ chưa thực hiện chế độ hạch toán kinh tế thì Ngân hàng đầu tư và xây dựng cấp phát cho những đơn vị này theo chỉ tiêu kế hoạch và dự toán được duyệt.

Các đơn vị này cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm chuyển sang thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.

IV- QUYẾT TOÁN VÀ BÁO CÁO

1. Nguyên tắc chung về công tác quyết toán vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ.

Đơn vị hoặc cơ sở nào được cấp phát vốn thì đơn vị hoặc cơ sở đó phải có trách nhiệm gửi báo cáo và thanh quyết toán với cơ quan cấp vốn.

Các Sở Giao thông vận tải phải báo cáo quyết toán với Bộ Giao thông vận tải vốn thuộc hệ thống đường quốc lộ mà Bộ Giao thông vận tải đã phân cấp cho địa phương quản lý gửi báo cáo quyết toán cho Sở Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng cùng cấp vốn thuộc hệ thống đường tỉnh lộ địa phương quản lý.

Các chủ đầu tư quản lý nguồn vốn do trung ương trực tiếp cấp phát thì gửi báo cáo quyết toán cho Bộ Giao thông vận tải (hệ thống quốc lộ do Trung ương trực tiếp quản lý).

Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo quyết toán thuộc hệ thống đường quốc lộ) và gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng Trung ương.

2. Nội dung báo cáo quyết toán.

Báo cáo quyết toán phản ánh đầy đủ trung thực về toàn bộ hoạt động của công tác quản lý và sửa chữa cầu đường bộ, có thuyết minh và các biểu mẫu số liệu kèm theo, tổng hợp về số vốn được cấp phát, các khoản thu cước qua phà, cầu phao, thu khác (nếu có). Mặt khác cũng phải phản ánh được đầy đủ tình hình quản lý và sử dụng vốn.

Báo cáo quyết toán vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ phải phản ảnh được giá thành từng tuyến đường, lý trình công trình các loại, giá thành chi phí cho bến phà, cầu phao các loại so với kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

3. Thời gian gửi báo cáo quyết toán.

a) Các Sở Giao thông vận tải và đơn vị cơ sở.

Báo cáo nhanh hàng tháng gửi ngày 25 của tháng, báo cáo (số ước tình hình của tháng báo cáo và số liệu chính thức của tháng trước).

Báo cáo quyết toán quý gửi về cấp trên trước ngày 10 của tháng đầu quý sau.

Báo cáo quyết toán năm gửi về cấp trên trước ngày 15 tháng 2 năm sau.

b) Bộ Giao thông vận tải.

Tổng hợp báo cáo quyết toán quý gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng trung ương 45 ngày sau khi hết quý.

Tổng hợp báo cáo quyết toán năm gửi trước ngày 31 tháng 3 năm sau.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Căn cứ vào nội dung của Thông tư này Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn riêng về các nghiệp vụ chuyên môn thuộc ngành mình quản lý. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này các cấp các ngành hoặc các cơ quan đơn vị nào có vấn đề gì còn vướng mắc cần phản ảnh kịp thời để Liên bộ nghiên cứu xem xét sửa đổi cho phù hợp, góp phần bổ sung vào chế độ ngày thêm hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý công tác sửa chữa cầu đường bộ ngày một tốt hơn.

Lê Bá Thuỷ

(Đã ký)

Lê Khả

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 236-TTLT năm 1983 hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát vốn quản lý và sửa chữa cầu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 236-TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/12/1983
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Bá Thuỷ, Lê Khả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/1983
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản