Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/1998/TTLT-BQP-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 17/1998/TTLT-BQP-BGTVT NGÀY 23 THÁNG 1 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 39/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI

Để tăng cường phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện Nghị định 39/CP, Chỉ thị 454/TTg ngày 5/7/1996 của Chính phủ, thống nhất trách nhiệm giữa các đơn vị Quân đội và các đơn vị ngành Đường sắt trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và vận dụng tốt các phương tiện, thiết bị, hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành Đường sắt đối với nhiệm vụ vận tải phục vụ yêu cầu Quốc phòng.Liên tịch bộ giao thông vận tải - bộ quốc phòng thống nhất hướng dẫn như sau:

1- Các đơn vị Quân đội đóng quân ở các khu vực có tuyến đường sắt đi qua phải chấp hành các quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt, thực hiện nghiêm việc tháo dỡ, giải toả những công trình vi phạm phạm vi giới hạn an toàn đường sắt (trừ những công trình Quốc phòng được Bộ Giao thông Vận tải cho phép tồn tại), đồng thời có trách nhiệm phối hợp với ngành Đường sắt và các lực lượng khác trên địa bàn tham gia bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường sắt, sẵn sàng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xẩy ra với ngành Đường sắt để góp phần hạn chế thiệt hai tài sản của Nhà nước, tài sản, tính mạng của nhân dân.

Thủ trưởng đơn vị quản lý của ngành Đường sắt chủ động đề xuất nhu cầu tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông đường sắt, thống nhất các biện pháp, tình huống cần phối hợp để chỉ huy đơn vị Quân đội chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tham gia ứng cứu và luyên tập bộ đội.

2- Người điều khiển phương tiện vận tải quân sự đường thuỷ, bộ (kể cả phương tiện cơ giới và phương tiện thô sơ) hoạt động trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt và đi qua cầu đường sắt, đường ngang phải chấp hành nghiêm quy tắc an toàn giao thông đường sắt.

3- Khi các đơn vị Quân đội có quân, hàng hoá trang thiết bị, khí tài vận chuyển trên đường sắt phải thực hiện đúng Thể lệ vận chuyển hàng hoá, hành khách hiện hành.

- Việc vận chuyển quân phải có kế hoạch, có địa điểm tập kết quân trước khi lên ga và rút quân ra khỏi ga để bảo đảm bí mật, an toàn.

- Phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ đi tàu chấp hành quy định, Thể lệ đi tàu của ngành Đường sắt. Tại các ga lên, xuống tàu; trên các toa chở bộ đội (quân số lớn, không cùng một đơn vị) phải có lực lượng kiểm soát Quân sự và chỉ huy hành quân để quản lý, hướng dẫn bộ đội, bảo đảm an toàn tuyệt đối và giữ nghiêm kỷ luật Quân đội.

- Việc vận chuyển trang bị, binh khí kỹ thuật có kích thước và trọng lượng lớn, dễ cháy, dễ nổ hoặc cần được bảo quản đặc biệt, phải có chỉ huy điều hành, phối hợp chặt chẽ với ngành Đường sắt, tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên ngành Đường sắt trong việc xếp dỡ, gia cố vận chuyển.

4- Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, Ngành có liên quan lập kế hoạch mua sắm thiết bị, toa xe chuyên dùng đường sắt để vận chuyển vũ khí đạn, trang bị, khí tài quân sự... báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong từng kỳ kế hoạch Nhà nước.

5- Bộ Giao thông Vận tải giao cho Liên hiệp Đường sắt Việt Nam với khả năng của mình ưu tiên đáp ứng các nhu cầu vận tải của Quân đội.

- Khi có nhiệm vụ đột xuất; nhiệm vụ chiến đấu, ngành Đường sắt cần huy động tối đa khả năng thiết bị phục vụ nhu cầu vận tải quân sự, phối hợp cùng các lực lượng Quân đội bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bộ đội, hàng hoá và trang bị được vận chuyển trên các toa xe của ngành Đường sắt.

- Do nhu cầu sẵn sàng chiến đấu, cần xếp, dỡ hàng quân sự; tổ chức cho bộ đội lên, xuống tàu ở các ga mà ngành Đường sắt quy định không được xếp, dỡ hàng hoá hoặc cho hành khách lên xuống, chỉ huy các đơn vị Quân đội cần trao đổi cùng với ngành Đường sắt thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện và ngành Đường sắt tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị Quân đội thực hiện kế hoạch vận chuyển tại các ga nói trên.

6- Các trường kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch nhận học viên do Quân đội gửi đào tạo; chọn học sinh, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Đường sắt vào phục vụ trong Quân đội theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.

7- Liên hiệp Đường sắt Việt Nam phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần biết khả năng vận tải đường sắt để xây dựng kế hoạch vận tải đường sắt phục vụ nhu cầu hàng năm của Quân đội, đồng thời lập kế hoạch huy động phương tiện toa xe, trang thiết bị của ngành Đường sắt bảo đảm nhu cầu quốc phòng trong thời chiến.

8- Chỉ huy các đơn vị quân đội, Thủ trưởng các đơn vị của ngành Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung cần sửa đổi, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam và Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần thống nhất báo cáo lãnh đạo hai Bộ xem xét giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.

Đào Đình Bình

(Đã ký)

Nguyễn Trọng Xuyên

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 17/1998/TTLT-BQP-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định 39/CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt đối với quân đội do Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 17/1998/TTLT-BQP-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 23/01/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Đào Đình Bình, Nguyễn Trọng Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 22/02/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản