Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 163/2010/TTLT-BTC-BNV

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ DỰ THI TUYỂN VÀ PHÍ DỰ THI NÂNG NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nư­ớc và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về chế tuyển dụng sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010 về sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức như sau:

Điều 1. Đối tượng nộp phí

Đối tượng nộp phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức quy định tại Thông tư này là các thí sinh đủ tiêu chuẩn và được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thông báo dự thi tuyển hoặc dự thi nâng ngạch công chức, viên chức.

Điều 2. Mức thu

Mức thu phí dự thi tuyển, phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức thực hiện như sau:

STT

Nội dung thu

Mức thu

(đồng/thí sinh/lần dự thi)

I

Phí dự thi tuyển công chức, viên chức:

 

1

Dưới 100 thí sinh

260.000

2

Từ 100 đến dưới 500 thí sinh

200.000

3

Từ 500 thí sinh trở lên

140.000

II

Phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức:

 

1

Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương:

 

1.1

Dưới 50 thí sinh

1.400.000

1.2

Từ 50 đến dưới 100 thí sinh

1.300.000

1.3

Từ 100 thí sinh trở lên

1.200.000

2

Ngạch chuyên viên chính và tương đương:

 

2.1

Dưới 100 thí sinh

700.000

2.2

Từ 100 đến dưới 500 thí sinh

600.000

2.3

Từ 500 trở lên

500.000

3

Ngạch chuyên viên và tương đương:

 

3.1

Dưới 100 thí sinh

400.000

3.2

Từ 100 đến dưới 500 thí sinh

360.000

3.3

Từ 500 thí sinh trở lên

300.000

Điều 3. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng

1. Cơ quan tổ chức thi tuyển và thi nâng ngạch công chức, viên chức có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai tại nơi thu phí về đối tượng thu, mức thu theo đúng quy định tại Thông tư này. Khi thu tiền phải cấp biên lai thu phí (theo quy định của Bộ Tài chính) cho người nộp tiền (biên lai nhận tại cơ quan Thuế địa phương nơi cơ quan thu đóng trụ sở và được quản lý, sử dụng theo chế độ hiện hành).

b) Mở tài khoản tạm giữ tiền thu phí dự thi tuyển, dự thi nâng ngạch công chức, viên chức tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở chính; hàng ngày hoặc chậm nhất một tuần một lần phải lập bảng kê, gửi tiền phí đã thu được vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và phải quản lý chặt chẽ theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

2. Cơ quan thu phí dự thi tuyển, phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức được sử dụng số tiền phí dự thi tuyển, phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức thu được để trang trải các chi phí phục vụ công tác tổ chức thi theo nội dung sau đây:

a) Đối với thi tuyển công chức, viên chức bao gồm:

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về chỉ tiêu và điều kiện dự thi;

- Kiểm tra hồ sơ, nhập dữ liệu, gửi thông báo đến các đối tượng tham gia dự thi;

- Xét duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi tại Hội đồng thi của Bộ và của tỉnh;

- Biên soạn tài liệu thi, thuê hội trường, thuê giáo viên để tập huấn cho thí sinh, khai mạc kỳ thi;

- In, mua biên lai thu phí;

- Thuê phòng thi, tổ chức kỳ thi;

- Chi cho hoạt động của Hội đồng thi: họp Hội đồng, xây dựng đề thi và đáp án, coi thi, chấm thi, phúc tra bài thi...;

- Mua vật tư, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, mẫu biểu, thẻ đeo cho thành viên Hội đông thi, thành viên Ban tổ chức kỳ thi, thành viên Ban coi thi, thành viên Giám sát kỳ thi;

- Các công việc khác phục vụ trực tiếp cho công tác thi tuyển công chức, viên chức ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Đối với thi nâng ngạch công chức, viên chức bao gồm:

Ngoài những nội dung chi như quy định khi thi tuyển công chức, viên chức tại điểm a khoản 2 Điều này, còn được chi cho các nội dung sau:

- Chi cho đi lại, ăn ở của giảng viên và thành viên của Hội đồng thi;

- Các công việc khác phục vụ cho công tác thi nâng ngạch công chức, viên chức ở các Bộ và tỉnh theo phân cấp hiện hành.

3. Các cơ quan, đơn vị làm công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức, hàng năm phải lập dự toán thu chi phần phí thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức cùng với dự toán thu chi của cơ quan, đơn vị mình. Việc lập và chấp hành dự toán phải thực hiện theo đúng hướng dẫn theo quy định hiện hành. Việc quản lý thu, chi tiền thu phí phải thực hiện theo đúng chế độ tài chính hiện hành và tổng hợp vào báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của cơ sở theo phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai, dân chủ.

4. Cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thu và quản lý sử dụng phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức theo đúng quy định tại Thông tư này và Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC và Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2010 và thay thế Thông tư liên tịch số 101/2003/TTLT-BTC-BNV ngày 29/10/2003 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ thu và quản lý sử dụng phí dự tuyển và nâng ngạch công chức.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Thăng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP Ban CĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website chính phủ;
- HĐND, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Kho bạc NN và các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Website Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, VT Bộ Nội vụ. 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 163/2010/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức do Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 163/2010/TTLT-BTC-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/10/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Duy Thăng
  • Ngày công báo: 14/11/2010
  • Số công báo: Từ số 630 đến số 631
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản