Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ SỞ QUẢN LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY, NGƯỜI BÁN DÂM VÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

Căn cứ Nghị định số 114/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy (sau đây viết tắt là Nghị định số 114/2007/NĐ-CP);
Sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 8326/BGDĐT-HSSV ngày 08 tháng 8 năm 2007, Bộ Y tế tại Công văn số 5576/BYT-TTr ngày 09 tháng 8 năm 2007, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

a) Người làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy được hưởng phụ cấp theo hướng dẫn tại Thông này bao gồm:

Cán bộ, viên chức; người đang trong thời gian thử việc; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên và những người được điều động, biệt phái có thời hạn từ 03 tháng trở lên đến làm việc tại các cơ sở nêu trên (sau đây gọi chung là cán bộ, viên chức).

b) Cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy nêu tại điểm a khoản 1 này bao gồm:

- Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Điều 26 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

- Cơ sở tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại các địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cho phép thực hiện thí điểm theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội.

Các cơ sở quy định tại điểm b khoản 1 này bao gồm các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội; các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy (sau đây gọi chung là Trung tâm).

2. Đối tượng không áp dụng:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng;

b) Người được điều động, biệt phái có thời hạn dưới 03 tháng;

c) Người làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

II. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG

1. Địa bàn làm việc của cán bộ, viên chức để làm căn cứ thực hiện các chế độ phụ cấp tại Thông tư này được xác định theo địa điểm trú đóng của Trung tâm theo nguyên tắc sau:

a) Địa bàn làm việc ở vùng núi thực hiện theo quy định của Ủy ban Dân tộc;

b) Địa bàn làm việc ở vùng sâu, vùng xa thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng đối với ngành Y tế và ngành Giáo dục trên cùng địa bàn.

2. Cán bộ, viên chức thuộc chức danh quản lý Trung tâm, nhưng có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ về y tế, giáo dục, dạy nghề thì được tính hưởng phụ cấp ưu đãi y tế hoặc phụ cấp ưu đãi giáo dục.

3. Cán bộ, viên chức vừa thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi y tế, vừa thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục thì chỉ được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi cao nhất.

4. Phụ cấp ưu đãi y tế, phụ cấp ưu đãi giáo dục và phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, không trực tiếp làm chuyên môn y tế, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách và dạy nghề quy định tại Thông tư này, được tính trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

5. Cán bộ, viên chức không được tính hưởng các chế độ phụ cấp tại Thông tư này trong thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm các công việc của Trung tâm liên tục từ 03 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội;

- Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc không được làm các công việc của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

III. CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH

1. Phụ cấp thu hút đặc thù:

a) Cán bộ, viên chức quy định tại điểm a khoản 1 Mục I Thông tư này được hưởng phụ cấp thu hút đặc thù, mức tối thiểu 500.000 đồng/người/tháng.

b) Mức phụ cấp thu hút đặc thù cụ thể áp dụng đối với từng Trung tâm (một mức phụ cấp chung cho tất cả cán bộ, viên chức hoặc các mức phụ cấp khác nhau để ưu tiên cho một số chức danh hoặc nhóm chức danh có chuyên môn đào tạo phù hợp), do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trên cơ sở những căn cứ sau:

- Khả năng ngân sách của địa phương;

- Điều kiện làm việc khó khăn gian khổ, tính chất công việc phức tạp, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm và rủi ro cao;

- Địa bàn làm việc của cán bộ, viên chức tại Trung tâm (vùng đồng bằng, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn);

- Nội dung công việc, chuyên môn, nghiệp vụ cần khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ, viên chức yên tâm làm việc tại Trung tâm.

2. Phụ cấp ưu đãi y tế:

Phụ cấp ưu đãi y tế gồm 06 mức 70%, 60%, 50%, 40%, 35%, 30% được thực hiện như sau:

a) Cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc (phục vụ, cho ăn, uống thuốc), xét nghiệm đối với người nghiện ma túy, người bán dâm bị bệnh AIDS tại các Trung tâm có phân khu riêng biệt:

- Theo phân loại lâm sàng giai đoạn IV, được hưởng mức 70%;

- Theo phân loại lâm sàng giai đoạn III, được hưởng mức 60%;

Việc phân loại lâm sàng bệnh AIDS giai đoạn IV, giai đoạn III thực hiện theo quy định tại Quyết định số 06/2005/QĐ-BYT ngày 07 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV.

Trường hợp Trung tâm chưa phân khu riêng biệt theo giai đoạn lâm sàng thì thực hiện phụ cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 này.

b) Cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế (khám, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, tư vấn phục hồi tâm lý, thay đổi hành vi cho người nghiện ma túy, người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS) và cán bộ, viên chức trực tiếp làm công việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma túy, người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả việc quản lý, điều trị tại bệnh viện, truy bắt, can thiệp khi đánh nhau, xử lý kỷ luật, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh môi trường) tại các Trung tâm:

- Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, được hưởng mức 50%;

- Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã, được hưởng mức 40%;

c) Cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám bệnh và chẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy (bao gồm cả việc phục hồi sức khỏe, tâm lý, hành vi; tiêm và cấp phát thuốc) và cán bộ, viên chức trực tiếp phục vụ (trông coi, bảo vệ, vận chuyển, chăm sóc, cho ăn, uống thuốc, tắm giặt, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh môi trường và các công việc liên quan khác trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy) tại các Trung tâm:

- Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, được hưởng mức 35%;

- Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã, được hưởng mức 30%;

3. Phụ cấp ưu đãi giáo dục:

a) Phụ cấp ưu đãi giáo dục gồm 02 mức 50% và 40%, được áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm việc tại Trung tâm có các điều kiện sau:

- Đối với hoạt động dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách phải tổ chức các lớp học, có trang thiết bị, chương trình, tài liệu; cán bộ, viên chức được nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định;

- Đối với hoạt động dạy nghề phải tổ chức dạy nghề, có trang thiết bị thực hành; đảm bảo các điều kiện về môi trường, vệ sinh, an toàn lao động và đăng ký hoạt động dạy nghề; cán bộ, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo quy định về sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.

b) Căn cứ điều kiện nêu tại điểm a khoản 3 này, cán bộ, viên chức được hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục như sau:

Cán bộ, viên chức (kể cả hợp đồng thỉnh giảng) được phân công trực tiếp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả việc duy trì sinh họat nội vụ, theo dõi diễn biến tư tưởng, truy bắt, can thiệp khi đánh nhau, xử lý kỷ luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật) tại các khu, đội quản lý hoặc tại Trung tâm và cán bộ, viên chức được phân công dạy nghề cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS trong các hoạt động dạy nghề, lao động sản xuất tại các Trung tâm:

- Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, được hưởng mức 50%;

- Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã, được hưởng mức 40%;

4. Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý:

Cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, không trực tiếp làm chuyên môn y tế, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề tại Trung tâm, được hưởng mức phụ cấp ưu đãi như sau:

- Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, được hưởng mức 25%;

- Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã, được hưởng mức 15%.

5. Cách tính phụ cấp:

Các chế độ cấp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Mục III này, được tính theo công thức sau:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề 01 tháng = Mức lương tối thiểu chung X [Hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] X Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi được hưởng

IV. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CÁCH CHI TRẢ CÁC KHOẢN PHỤ CẤP

1. Đối với năm 2007, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp mức ngân sách địa phương chi cho các Trung tâm để thực hiện chế độ phụ cấp tại Thông tư này (đối với mức phụ cấp thu hút đặc thù tổng hợp theo mức 500.000 đồng/người/tháng) vào nhu cầu tăng lương của ngân sách địa phương và được xử lý bằng nguồn thực hiện tiền lương theo quy định.

Từ năm 2008, kinh phí chi trả chế độ phụ cấp theo quy định tại Thông tư này được đảm bảo bằng nguồn ngân sách địa phương; nguồn cung ứng dịch vụ, lao động sản xuất của Trung tâm; đóng góp của người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy và các nguồn thu hợp pháp. Đối với phần chi từ ngân sách địa phương được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm giao cho các Trung tâm.

2. Việc lập, tổng hợp, quyết định, giao dự toán, chấp hành và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp quy định tại Thông tư này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Khoản phụ cấp thu hút đặc thù được hạch toán vào mục 102, tiểu mục 02 theo chương, loại, khoản tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Khoản phụ cấp ưu đãi theo nghề được hạch toán vào mục 102, tiểu mục 08 theo chương, loại, khoản tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Khoản phụ cấp đối với cán bộ, viên chức hướng dẫn tại Thông tư này được trả cùng kỳ lương hàng tháng, không sử dụng để tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 12/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995.

Các chế độ phụ cấp quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày Nghị định số 114/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 08 tháng 8 năm 2007).

2. Đối với cán bộ, viên chức đã được hưởng phụ cấp điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy và phụ cấp đặc thù nghề đặc biệt quy định tại khoản 2 và khoản 3 mục II Thông tư liên tịch số 12/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995, thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến ngày 07 tháng 08 năm 2007 được tính hưởng phần chênh lệch cao hơn (nếu có) giữa phụ cấp ưu đãi y tế tính theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ theo hướng dẫn tại Thông tư này so với phụ cấp đã được hưởng (một hoặc cả hai phụ cấp) quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC nêu trên.

Các ví dụ cách tính phụ cấp ưu đãi theo nghề được hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHỈNH
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Hữu Thắng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP Chủ tịch nước;
- VP Quốc hội;
- VPTW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW của các tổ chức chính trị, xã hội;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các vụ, Cục, Ban, Viện, Thanh tra thuộc Bộ LĐTBXH;
- Lưu VP Bộ LĐTBXH, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Cục PCTNXH, Bộ LĐ-TB & XH (3), Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ (3), Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính (3)./.

 

PHỤ LỤC

CÁCH TÍNH MỨC PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 20/8/2007 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính)

Ví dụ 1. Hướng dẫn cách tính hưởng phần phụ cấp chênh lệch giữa phụ cấp ưu đãi y tế của Thông tư này so với Thông tư liên tịch số 12/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 12/7/2002 (theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ) như sau:

Ông Trần Văn A là Bác sỹ, trưởng phòng của Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đã xếp bậc 8, hệ số lương 4,65, ngạch bác sỹ và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,3 kể từ ngày 01/10/2004.

Do ông A đã được hưởng phụ cấp khám chữa bệnh cho người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2002/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 12/7/2002 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính với mức là 40%, nay theo quy định tại Thông tư nay, ông A đang chữa trị, chăm sóc cho đối tượng bị nhiễm HIV (chưa phải giai đoạn III và giai đoạn IV) nên được hưởng mức phụ cấp ưu đãi y tế là 50%. Như vậy ông A được hưởng phụ cấp chênh lệch (theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ) như sau:

- Từ ngày 01/10/2004 đến ngày 30/9/2005 (tính theo mức lương tối thiểu chung 290.000 đồng/tháng):

Mức tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi 1 tháng

= 290.000 đồng x (4,65 + 0,3) x (50% - 40%) = 143.550 đồng

- Từ ngày 01/10/2005 đến ngày 30/9/2006 (tính theo mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng):

Mức tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi 1 tháng

= 350.000 đồng x (4,65 + 0,3) x (50% - 40%) = 173.250 đồng

- Từ ngày 01/10/2006 đến ngày 07/8/2007 (tính theo mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng/tháng):

Mức tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi 1 tháng

= 450.000 đồng x (4,65 + 0,3) x (50% - 40%) = 222.750 đồng

- Từ ngày 08/8/2007 thôi được hưởng mức phụ cấp (cũ) 40% để hưởng mức phụ cấp (mới) 50% như sau:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng

= 450.000 đồng x (4,65 + 0,3) x 50% = 1.113.750 đồng

Ví dụ 2. Hướng dẫn cách tính hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục như sau:

Ông Nguyễn Văn B trực tiếp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS thuộc Phòng Quản lý giáo dục, Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh của thành phố Hồ Chí Minh (địa bàn trú đóng Trung tâm thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước) đã xếp bậc 6, hệ số lương 3,99, ngạch chuyên viên (Quản học viên), kể từ ngày Nghị định số 114/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 08/8/2007), ông Nguyễn Văn B được áp dụng mức phụ cấp ưu đãi giáo dục là 50%, tính cho 01 tháng như sau:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng

= 450.000 đồng x 3,99 x 50% = 897.750 đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC hướng dẫn chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/08/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc, Trần Văn Tá, Trần Hữu Thắng
  • Ngày công báo: 01/09/2007
  • Số công báo: Từ số 632 đến số 633
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản