Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/1998/TTLT/BTC/NHNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 102/1998/TTLT/BTC-NHNN NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 95/1998/QĐ/TTG NGÀY 18-5-1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XỬ LÝ THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II

Thi hành Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II; Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và thống nhất với các thành viên Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ thuộc các Bộ, ngành Trung ương; Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn những vấn đề xử lý, thanh toán và hạch toán kế toán công nợ giai đoạn II như sau:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

- Các bên có nợ phải thu, phải trả đã kê khai xác nhận nợ, hoặc chưa kê khai nhưng đã được đối chiếu, xác nhận của chủ nợ và người mắc nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đề án thanh toán công nợ giai đoạn II là đối tượng thi hành Thông tư này.

- Xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II căn cứ vào quy định của: Tổng thanh toán nợ giai đoạn II, Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, Pháp luật tại thời điểm phát sinh nợ và Thông tư này.

- Bảo lãnh của tổ chức và cá nhân cho doanh nghiệp, tổ chức Kinh tế - Xã hội để vay vốn, mua bán trả chậm vật tư, hàng hoá theo Điều 4 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào xác nhận bảo lãnh, hỗ trợ thanh toán khi đến hạn, quy định như sau:

+ Nếu là tổ chức xã hội và pháp nhân kinh tế, phải có chữ ký chức danh của người được giao nhiệm vụ, con dấu của tổ chức và pháp nhân kinh tế đó.

+ Các trường hợp khác trách nhiệm thuộc về cá nhân.

B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ QUÁ HẠN THEO

Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

1. Phạm vi xử lý và thanh toán nợ.

Bao gồm công nợ phải thu, phải trả đã quá hạn của các doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp đang hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản) của Ngân sách, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, dự trữ Quốc gia, các tổ chức xã hội, kinh tế tập thể, cá thể đã được kê khai xác nhận, hoặc đã được đối chiếu xác nhận của chủ nợ và người mắc nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), hướng dẫn của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và các ngành có liên quan về thanh toán công nợ giai đoạn II.

Các khoản nợ phát sinh bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng và hiện vật do mua bán vật tư, hàng hoá, cung ứng dịch vụ, vay trả tín dụng, góp vốn liên doanh liên kết đã thành nợ quá hạn, các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước nhưng chưa nộp, nợ thóc dự trữ Quốc gia. Nếu các đơn vị và tổ chức trong nước nợ là ngoại tệ, vàng trừ đồng Rúp được quy về USD "Đô la Mỹ" để thanh toán theo tỷ giá USD và giá vàng tại thời điểm kê khai nợ (30-4-1991), tỷ giá quy đổi ra đồng Việt Nam là 7.900 đồng/USD (Thông tư số 57/TTN.94 ngày 30-6-1994 của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 235/TTg ngày 11-5-1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổng thanh toán nợ giai đoạn II).

2. Đối tượng xử lý, thanh toán nợ:

a. Nợ phải thu, phải trả của các đối tượng có nợ lẫn nhau đối với:

- Doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động mã số là loại 10.

- Doanh nghiệp Nhà nước ngừng hoạt động, giải thể, phá sản mã số là loại 80.

- Tài chính mã số là: 70, 71, 72, 73.

- Dự trữ Quốc gia.

- Ngân hàng mã số là loại: 60, 61, 62, 63, 64.

- Kinh tế tập thể, tư nhân, đoàn thể và đối tượng khác mã số là loại: 20, 30, 40, 50, 90.

b. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và các đơn vị, tổ chức xã hội có nợ phải thu, phải trả đối với các đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước loại (10-80), Tài chính, Ngân hàng, Dự trữ Quốc gia và Doanh nghiệp của Đảng.

c. Nợ phải thu phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước loại (10-80) đối với nước ngoài.

Những khoản nợ thóc Dự trữ Quốc gia mà các đơn vị vay cứu đói theo Quyết định số 83/CT ngày 20-3-1990, Quyết định số 348/CT-349/CT ngày 01-10-1990, Quyết định số 168/CT ngày 25-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và các Quyết định số 538 - 539 - 540 - 541/TTg năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về vay cứu đói cũng thuộc đối tượng thực hiện theo Thông tư này.

II. CĂN CỨ ĐỂ XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II.

Căn cứ Thông tư liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 12/TT-LB ngày 21-8-1992 và Công văn số 278/TTN-93 ngày 22-10-1993 của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương; Để có cơ sở xem xét xử lý thanh toán phải có:

1. Hồ sơ xử lý, thanh toán nợ:

- Hợp đồng kinh tế, phụ lục hợp đồng kinh tế, hợp đồng liên doanh liên kết, khế ước vay Ngân hàng, các chứng từ liên quan đến xuất nhập vật tư, hàng hoá và các giấy tờ cam kết khác.

- Thẻ xác nhận nợ đã có chữ ký đóng dấu xác nhận của người mắc nợ và Ban thanh toán nợ kiểm tra xác nhận, hoặc bản đối chiếu nợ được chủ nợ, người mắc nợ xác nhận.

Đối với các thẻ được lập trên cơ sở Quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế Nhà nước hoặc bản án của Toà án đã có hiệu lực Pháp luật thì doanh nghiệp phải sao Quyết định phán quyết của Trọng tài kinh tế Nhà nước hoặc Toà án nhân dân kèm theo.

- Kế hoạch và thực hiện phân phối vật tư hàng hoá.

- Báo cáo nguyên nhân không thu, không trả được nợ có biên bản xác nhận nguyên nhân phát sinh nợ của Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối với doanh nghiệp Trung ương phải có thêm xác nhận của Ban thanh toán nợ của các Bộ, ngành (là chủ quản doanh nghiệp).

- Biên bản xác nhận do thiên tai, địch hoạ của chính quyền cấp xã và bảng kê tổng hợp do cấp huyện.

- Quyết định giải thể, ngừng hoạt động, phá sản và phương án xử lý tài sản doanh nghiệp giải thể, do Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ chủ quan phê duyệt.

- Đối với các Hợp tác xã giải thể:

+ Xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thị về việc Hợp tác xã đã tự tan rã, không còn tồn tại Ban quản lý Hợp tác xã.

+ Xác nhận về hiện trạng tài sản của Hợp tác xã (tài sản sở hữu tập thể).

Ngoài các hồ sơ quy định chung, các khoản nợ của Ngân hàng phải có thêm các loại hồ sơ sau:

- Quyết định khoanh nợ vay Ngân hàng cho các đối tượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Đối với nợ của tư nhân đã chết, mất tích: Giấy chứng tử, hoặc xác nhận đã chết của cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tuyên bố mất tích của Toà án, nếu bỏ trốn khỏi địa phương có chứng nhận của Công an xã.

- Đối với các khoản vay có thế chấp tài sản phải có văn bản chứng minh Ngân hàng đã tận thu tài sản thế chấp để thu nợ quy ra giá trị thực thu được.

- Báo cáo quyết toán 3 năm của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động nhưng thua lỗ.

- Quyết định khoanh nợ vay Ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động theo từng nguyên nhân đã được phân tích trước đây. - Nợ vay Ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động, quá hạn do các nguyên nhân khách quan chưa được xử lý: lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư liên tịch Tài chính - Ngân hàng số 03/1997/TTLT/NHNN/BTC ngày 22-11-1997 (nếu các khoản nợ này chưa được xử lý khi thực hiện Thông tư liên tịch trên). Hồ sơ phải được phân loại, sắp xếp, tổng hợp và xác nhận của Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố, có phương án đề nghị xử lý theo 4 hình thức: xoá nợ, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển thành vốn cấp.

- Cơ quan Tài chính nợ Ngân hàng:

+ Văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, hoặc Tỉnh uỷ, Thành uỷ đối với cơ quan Tài chính địa phương về việc vay vốn Ngân hàng Thương mại hoặc Ngân hàng Nhà nước để chi lương, chi Bảo hiểm xã hội thay cho phần Ngân sách,...

+ Văn bản xác nhận của Sở Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh về khoản vay nêu trên đã được sử dụng để chi lương, chi Bảo hiểm xã hội...

- Những quyết định xử lý nợ của cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn, cấp chính quyền, cơ quan luật pháp đối với những món nợ do nguyên nhân chủ quan gây ra.

- Các văn bản về bảo lãnh, xác nhận thanh toán, hỗ trợ khi gặp khó khăn của các cấp chính quyền, Đảng và cơ quan chuyên môn.

- Các văn bản yêu cầu thực hiện theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh, thanh toán và vay nợ phân phối vật tư hàng hoá trả chậm.

- Các quyết định cho xoá nợ đối với các khoản nợ đã được kê khai. Những hồ sơ trên liên quan đến món nợ nào đơn vị phải chứng minh bằng bản chính, nếu bản sao phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp quận, huyện trở lên hoặc Công chứng Nhà nước, lệ phí công chứng theo lệ phí hành chính.

2. Văn bản phân tích xác nhận nguyên nhân phát sinh nợ:

Những đối tượng nêu ở Mục I, điểm 2 ở trên được xử lý theo từng nguyên nhân phát sinh nợ; Các Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Công văn số 278/TTN-93 ngày 22-10-1993 của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương để phân tích, phân loại nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra nợ quá hạn.

2.1. Do cơ chế chính sách thay đổi, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tư nhân, cá thể vay không còn khả năng tự trả nợ do doanh nghiệp Nhà nước khác chiếm dụng đã bị giải thể, ngừng hoạt động, phá sản không còn khả năng trả nợ.

2.2. Do thiên tai, địch hoạ.

2.3. Do tư nhân, cá thể nợ đã chết hoặc mất tích, chạy trốn, đi tù không còn tài sản, mà người thừa kế tài sản không còn khả năng thanh toán (những trường hợp trên phải có hồ sơ pháp lý của cơ quan Thi hành án và chính quyền địa phương) xác nhận.

Những trường hợp phát sinh trên được xử lý sau khi đã thực hiện đủ các bước theo hướng dẫn, phải được Ban thanh toán nợ các cấp xác nhận, cơ quan Tài chính - Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, sau đó trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý. Cấp ra quyết định là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp và tổ chức thuộc địa phương), Bộ quản lý kinh tế ngành sau khi thống nhất bằng văn bản với Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc Trung ương).

2.4. Nguyên nhân chủ quan.

- Do tham ô lợi dụng, cố ý làm trái.

- Do mua bán lòng vòng từ nguồn vốn đi chiếm dụng.

- Do vi phạm nguyên tắc chế độ tài chính, thể lệ tín dụng.

- Khai khống và xác nhận nợ khống.

- Thành lập doanh nghiệp không đúng chức năng, không đủ điều kiện dẫn đến phát sinh nợ.

- Giải thể nhưng khi thực hiện thanh lý tài sản không đúng quy định theo Quyết định số 315/HĐBT ngày 01-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư số 25TC/TCDN ngày 15-5-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/CP ngày 28-8-1996 quy định việc thành lập, chia tách, sát nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước.

- Giả mạo giải thể để xù nợ.

- Do móc ngoặc cấu kết giữa chủ nợ và người mắc nợ, làm môi giới cho các cấp bảo lãnh.

- Nợ phát sinh không phù hợp với hợp đồng kinh tế và phụ lục hợp đồng kinh tế.

- Bảo lãnh không đúng thẩm quyền.

Trong quá xử lý, thanh toán những khoản công nợ quá hạn phát sinh do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp được áp dụng theo Thông tư Liên ngành số 05/TTLN ngày 21-8-1992 của Toà án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư Pháp và Trọng tài Kinh tế Nhà nước hướng dẫn giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện tổng thanh toán nợ. Trước tiên tận thu mọi nguồn của người mắc nợ, số chênh lệch không thu được xử lý như sau:

+ Doanh nghiệp loại 10 là chủ nợ được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh.

+ Giao cho cơ quan Thi hành án tiếp tục thu hồi đối với người mắc nợ nộp cho Ngân sách địa phương.

III. XỬ LÝ, THANH TOÁN VÀ HẠCH TOÁN NỢ.

a. Doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động loại 10 có nợ:

1. Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải thu, phải trả đối với doanh nghiệp loại 10 được thanh toán bình thường: Nếu bên có nợ phải trả chưa có khả năng trả ngay, hai bên tiến hành thương lượng cam kết thoả thuận thời gian trả hết nợ và phương án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải thu, phải trả đối với doanh nghiệp loại 80 thì xử lý như sau:

2.1. Nợ phải thu: Số nợ thực thu của doanh nghiệp theo phương án xử lý tài sản của doanh nghiệp giải thể căn cứ Quyết định số 315/HĐBT ngày 01-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư số 25/TC/TCDN ngày 15-5-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/CP ngày 28-8-1996 quy định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Số chênh lệch không thu được do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp loại 10 được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh (tối đa 3 năm).

Nếu do nguyên nhân chủ quan quy trách nhiệm cho cá nhân phải thanh toán cho doanh nghiệp.

2.2. Nợ phải trả: Số nợ phải trả nhưng không có đối tượng để trả, được bù trừ số phải thu không thu được, số còn lại hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp loại 10.

3. Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải thu, phải trả Ngân sách:

3.1. Nợ phải thu:

- Các khoản trợ cấp hoặc cấp bù theo chế dộ quy định trong thời kỳ bao cấp của các cấp Ngân sách chưa cấp đủ, Ngân sách địa phương thanh toán cho doanh nghiệp địa phương; Ngân sách Trung ương thanh toán cho doanh nghiệp Trung ương quản lý. Chủ nợ phải có bảng kê từng khoản cấp bù để cơ quan Tài chính xem xét thanh toán.

- Các khoản nộp thừa Ngân sách được trừ vào khoản nộp kỳ sau; Số nộp thừa có xác nhận của cơ quan Thuế, doanh nghiệp được trừ vào khoản nộp kỳ sau đến khi hết nợ (nếu là thuế xuất nhập khẩu cơ quan Hải quan xác nhận).

- Nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành trong kế hoạch, ngoài kế hoạch chưa được cấp phát, doanh nghiệp lập các hồ sơ gồm có: Thẻ xác nhận nợ, báo cáo khối lượng xây dựng hoàn thành, quyết toán công trình hoàn thành, nguồn vốn đã sử dụng, Quyết định xây dựng ngoài kế hoạch. Nếu dùng các khoản phải nộp Ngân sách để xây dựng được ghi thu, ghi chi. Lệnh ghi thu, ghi chi thuộc doanh nghiệp địa phương do Sở Tài chính lập; Doanh nghiệp Trung ương do Bộ Tài chính lập căn cứ vào hồ sơ xử lý nợ của doanh nghiệp có xác nhận của Ban thanh toán nợ và Quyết định của cấp có thẩm quyền. Nếu dùng nguồn vốn của các đối tượng khác, doanh nghiệp phải lấy khấu hao của tài sản cố định đã dùng, quỹ đầu tư phát triển, nguồn vốn khác để trả nợ, nếu thiếu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương) và Bộ quản lý kinh tế ngành (đối với doanh nghiệp Trung ương) cấp phát. Nếu Ngân sách địa phương, Bộ ngành Trung ương không cân đối được, báo cáo Bộ Tài chính nghiên cứu cấp hỗ trợ phần chênh lệch. Nếu doanh nghiệp được Ngân sách hỗ trợ cấp vốn, doanh nghiệp hạch toán tăng vốn Ngân sách cấp và thực hiện nộp tiền sử dụng vốn cho Nhà nước.

- Các khoản Ngân sách bảo lãnh và nhận trả nợ thay doanh nghiệp (khoản bảo lãnh thanh toán) hoặc hỗ trợ khi khó khăn, nhận trả nợ thay khi điều động tài sản của doanh nghiệp: Nếu là doanh nghiệp địa phương do Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết. Nếu là doanh nghiệp Trung ương do Ngân sách Trung ương giải quyết. Nếu Ngân sách địa phương mất cân đối thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

3.2. Nợ phải trả Ngân sách:

- Các khoản chưa nộp Ngân sách bao gồm: Các loại thuế, khấu hao cơ bản, chênh lệch giá, lợi nhuận, tiền bán hàng nhập khẩu theo Nghị định thư, vay Ngân sách, doanh nghiệp phải tìm mọi nguồn để nộp Ngân sách, nếu không nộp được báo cáo nguyên nhân cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (doanh nghiệp địa phương) và Bộ Tài chính (doanh nghiệp Trung ương) để xem xét xử lý:

+ Nếu đã dùng vào việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản, bổ sung vốn lưu động, được Ngân sách cấp cho doanh nghiệp bằng phương pháp ghi thu, ghi chi, doanh nghiệp hạch toán giảm các khoản phải nộp Ngân sách, tăng vốn Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, căn cứ vào lệnh ghi thu, ghi chi của cơ quan Tài chính để hạch toán.

+ Nếu dùng để trợ cấp cho cán bộ công nhân viên doanh nghiệp trong lúc khó khăn, hạch toán giảm phần phải nộp Ngân sách, tăng phần Ngân sách cấp và chi cho các đối tượng trợ cấp (phải có bảng kê và ký xác nhận của người được trợ cấp).

- Khoản ứng tiền của Ngân sách mua hàng xuất khẩu để trả nợ nước ngoài, lấy ngoại tệ lập quỹ dự trữ Nhà nước, hoặc mua hàng dự trữ lưu thông, do biến động giá cả, tỷ giá, nếu có chênh lệch thiếu phải có xác nhận của cơ quan Tài chính, Ban thanh toán nợ cấp tỉnh, hoặc Bộ quản lý kinh tế ngành thì được xoá nợ phần chênh lệch do nguyên nhân trên.

- Số hàng hoá, vật tư còn tồn kho, doanh nghiệp không cần dùng, hoặc kém mất phẩm chất, doanh nghiệp được thanh lý và nộp Ngân sách số thực thu. Việc thanh lý thực hiện công khai, bán đấu giá theo chế độ hiện hành.

4. Doanh nghiệp loại 10 có nợ Ngân hàng:

4.1. Nợ phải thu: Nếu Ngân hàng có nợ doanh nghiệp, Ngân hàng thanh toán ngay, hoặc trừ vào số phải trả Ngân hàng.

4.2. Nợ phải trả: Doanh nghiệp phải tìm nguồn để trả nợ Ngân hàng phần gốc; lãi tín dụng đã kê khai hoặc chưa kê khai mà hạch toán ngoài bảng được Ban thanh toán nợ và Ngân hàng xác nhận, cho xoá nợ lãi. Nếu chưa trả được nợ gốc doanh nghiệp có thể thương lượng với Ngân hàng để thoả thuận thời gian trả hết nợ.

Những trường hợp được chuyển thành vốn Ngân sách cấp đảm bảo: Số vốn còn đang được sử dụng trong sản xuất kinh doanh nhưng chưa có khả năng trả nợ, đã dùng vào xây dựng cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Sau khi có sự kiểm tra của cơ quan Tài chính và Ngân hàng, được cân đối trong bảng quyết toán sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mới được chuyển vốn vay thành vốn cấp. Ngân hàng làm thủ tục chuyển vốn, doanh nghiệp hạch toán giảm nợ vay Ngân hàng, tăng vốn Ngân sách cấp, thực hiện nộp tiền sử dụng vốn cho Nhà nước từ khi có lệnh chuyển vốn vay thành vốn Ngân sách cấp.

5. Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải trả dự trữ Quốc gia.

Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải trả dự trữ Quốc gia thì xử lý theo Điều 13 và Điều 14 và Điều 19 của Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, nếu các doanh nghiệp loại 10 có nợ nhưng không được xoá nợ, số nợ vẫn tồn tại được ghi tăng vốn Nhà nước cấp cho doanh nghiệp (giải quyết như khoản nợ Ngân sách) giảm nợ dự trữ Quốc gia.

6. Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải thu, phải trả đối với các thành phần kinh tế khác và tổ chức kinh tế - xã hội.

6.1. Nợ phải thu: Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải thu đối với các thành phần kinh tế khác và tổ chức Kinh tế - Xã hội, các đối tượng này vẫn tồn tại phải tìm mọi nguồn để trả nợ gốc cho các doanh nghiệp loại 10. Nếu các đối tượng này cố tình không trả nợ, doanh nghiệp báo cáo Ban thanh toán nợ các cấp (hồ sơ bao gồm như quy định tại Mục II, điểm a) áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 21-8-1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp và Trọng tài Kinh tế Nhà nước. Đối với các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh và các tổ chức kinh tế khác, sau khi tận thu nếu còn chênh lệch không thu được, doanh nghiệp loại 10 được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh. Số chưa thu được doanh nghiệp lập hồ sơ chuyển cho cơ quan Thuế địa phương tiếp tục thu, nộp cho Ngân sách địa phương.

6.2. Nợ phải trả: Doanh nghiệp loại 10 có nợ phải trả đối với các thành phần kinh tế khác và tổ chức kinh tế - xã hội thì phải tìm mọi nguồn để trả nợ gốc sòng phẳng các món nợ cho các đối tượng trên.

7. Doanh nghiệp loại 10 có nợ nước ngoài:

- Doanh nghiệp tự vay, tự trả hoặc mua trả chậm vật tư, hàng hoá phải tự lo nguồn để trả nợ nước ngoài theo nguyên tệ, nếu không trả được nợ, doanh nghiệp báo cáo nguyên nhân cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu là doanh nghiệp địa phương), Bộ, ngành (nếu là doanh nghiệp Trung ương) xem xét:

+ Nếu là nguyên nhân khách quan thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành hỗ trợ trả nợ, nếu không có nguồn báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

+ Nếu do nguyên nhân chủ quan thì truy cứu trách nhiệm cá nhân, tận thu mọi nguồn, số chênh lệch trừ vào lãi sau thuế của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp thực hiện vay, mua bán vật tư, hàng hoá của nước ngoài theo kế hoạch và chỉ đạo của Nhà nước, nếu phần còn nợ không trả được, Nhà nước nhận nợ để trả thay cho chủ nợ nước ngoài.

b. Doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể loại 80 có nợ phải thu, phải trả.

1. Nợ phải thu đối với:

- Doanh nghiệp loại 10 không phải trả, hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh.

- Doanh nghiệp loại 80: xoá nợ.

- Tài chính: được coi 1 khoản nộp Ngân sách.

- Dự trữ Quốc gia như khoản thu Ngân sách.

- Ngân hàng: khoản không phải trả của Ngân hàng là khoản thu của Ngân hàng.

- Kinh tế tập thể, tư nhân, đoàn thể và đối tượng khác: giao cho cơ quan Thuế thu hồi nộp Ngân sách.

2. Nợ phải trả đối với:

- Doanh nghiệp loại 10 xử lý như khoản phải thu không thu được của doanh nghiệp (loại 10) quy định tại Mục III, phần a, điểm 2, tiết 2.1 ở phần trên.

- Doanh nghiệp loại 80 xoá nợ.

- Tài chính: xoá nợ.

- Dự trữ Quốc gia: như khoản thu Ngân sách (xoá nợ).

- Ngân hàng được thu nợ theo phương án xử lý tài sản của doanh nghiệp giải thể theo Quyết định số 315/HĐBT ngày 01-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Thông tư số 25TC/TCDN ngày 15-5-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/CP ngày 28-8-1996 quy định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước và Điều 7 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ. - Kinh tế tập thể, tư nhân, đoàn thể và đối tượng khác: lấy nguồn giá trị thanh lý tài sản để trả nợ; số còn thiếu Ban thanh lý, cơ quan chủ quản của đơn vị tìm nguồn trả nợ gốc thay người mắc nợ. Nếu không có nguồn cơ quan ra quyết định thành lập giải thể báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

- Số nợ nước ngoài cơ quan ra quyết định thành lập, giải thể có trách nhiệm lo trả nợ thay cho doanh nghiệp:

+ Nếu không có nguồn trả nợ thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (doanh nghiệp địa phương), Bộ trưởng Bộ quản lý kinh tế ngành (doanh nghiệp Trung ương) báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

+ Nếu do nguyên nhân chủ quan phải quy trách nhiệm cá nhân và tuỳ theo mức độ gây thất thoát để xử lý hành chính, kinh tế, pháp luật.

c. Xử lý thanh toán nợ của Ngân hàng.

1. Nợ phải trả:

1.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước có nợ phải trả doanh nghiệp loại 10 và các đối tượng khác cho bù trừ số phải thu của từng đối tượng, số còn lại Ngân hàng thanh toán ngay cho các đối tượng trên.

1.2. Đối với Ngân hàng Thương mại có nợ phải trả doanh nghiệp loại 10 và các đối tượng khác được xử lý như doanh nghiệp loại 10 có nợ phải trả.

2. Nợ phải thu đối với:

2.1. Các doanh nghiệp loại 80 và loại 20, 30, 40, 50, 90 đã giải thể và ngừng hoạt động:

Nợ phải thu của Ngân hàng được khoanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với loại 80 và loại 20, 30, 40, 50, 90 đã giải thể, hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể, tư nhân chết, bỏ trốn (không còn người trả nợ) được giải quyết:

- Doanh nghiệp loại 80 tận thu theo phương án trả nợ của doanh nghiệp giải thể áp dụng Quyết định số 315/HĐBT ngày 01-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Thông tư số 25/TC/TCDN ngày 15-5-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/CP ngày 28-8-1996 quy định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Số chênh lêch không thu được thực hiện theo Điều 7 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các đối tượng là loại 20, 30, 40, 50, 90 đã giải thể, ngừng hoạt động, thực hiện tận thu toàn bộ tài sản của tập thể, cá nhân, tổ chức xã hội, những người thừa kế tài sản của đơn vị và người mắc nợ theo Luật định. Số còn lại không thu được Ngân hàng Thương mại được xử lý theo điểm 1-2 Điều 7 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Số nợ của cá nhân người mắc nợ chưa trả cho Ngân hàng được chuyển giao cho Sở Tài chính tiếp tục thu hồi nộp Ngân sách địa phương.

2.2. Doanh nghiệp loại 10 và loại 20, 30, 40, 50, 90 đang hoạt động:

- Nợ phải thu đối với doanh nghiệp loại 10:

+ Loại doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liền, không có khả năng khắc phục, Ngân hàng đề nghị Toà án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản. Sau khi thực hiện phá sản doanh nghiệp theo Luật, nếu còn số chênh lệch không thu được thì sẽ xử lý theo điểm 1-2 Điều 7 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Loại doanh nghiệp được sắp xếp và tổ chức lại có hướng phát triển, những món nợ đã được khoanh và chưa được khoanh nhưng do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo điểm 2 Điều 9 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Thương mại phải báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước số dư nợ tiền vay Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm xử lý nợ để Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính thẩm định và quyết định được chuyển vốn vay thành vốn Ngân sách cấp. Số không được chuyển thành vốn Ngân sách cấp, tiếp tục được khoanh nợ gốc trong 3 năm tiếp theo.

2.3. Nợ phải thu do nguyên nhân chủ quan của người mắc nợ:

- Do cố ý lừa đảo chụp giật, tham nhũng, Ngân hàng lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Pháp luật xử lý.

- Do sử dụng vốn sai mục đích vay, người mắc nợ phải tận thu mọi nguồn để trả nợ kể cả việc bán tài sản được mua sắm bằng nguồn vốn vay. Nếu những tài sản được mua sắm bằng vốn vay phát huy được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh (có lãi) Ngân hàng Thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét cho xử lý theo điểm 2 Điều 9 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành chính, kinh tế, pháp luật đối với những người, tổ chức vi phạm cơ chế quản lý, tín dụng của Nhà nước.

2.4. Nợ phải thu do nguyên nhân chủ quản của Ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại thực hiện theo tiết 1 mục A phần II Thông tư liên tịch số 03/1997/TTLT/NHNN-BTC ngày 22-11-1997 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn xử lý nợ quá hạn của các Ngân hàng quốc doanh qua chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng sau thanh tra là phải tận thu các nguồn của người vi phạm, số còn lại quy trách nhiệm cá nhân (kể cả các cán bộ lãnh đạo) để xử lý theo Pháp luật, số nợ sau xử lý không thu hồi được, trừ vào lợi nhuận sau thuế của các Ngân hàng Thương mại.

2.5. Nợ của cơ quan Tài chính địa phương vay Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại: theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chi trả lương và bảo hiểm xã hội... được giảm số phải nộp Ngân sách của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại.

3. Các khoản nợ do bảo lãnh:

- Các khoản vay cho đơn vị trong nước, bảo lãnh vay vốn, thanh toán đến hạn trả nhưng người được bảo lãnh chưa trả và không có khả năng trả, Ngân hàng bảo lãnh phải trả nợ ngay cho chủ nợ và yêu cầu người được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc với Ngân hàng.

- Các khoản vay nước ngoài và trong nước theo chỉ định của Nhà nước đã đến hạn nhưng Ngân hàng chưa có khả năng trả nợ thay, Ngân hàng Thương mại tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định riêng.

- Nợ vay Ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động đã quá hạn do nguyên nhân khách quan chưa được khoanh nợ, Ngân hàng Thương mại báo cáo Ban thanh toán nợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương cho xử lý xoá nợ theo điểm 1-2 Điều 9 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nợ do bảo lãnh của cơ quan chủ quản, cấp chính quyền, cấp uỷ Đảng: người bảo lãnh phải trả nợ thay cho đơn vị, nếu không thanh toán được nợ, báo cáo nguyên nhân cho Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

4. Nợ phải thu của Ngân hàng chưa được quy định trong Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, đang được theo dõi tại Ngân hàng Nhà nước như:

- Nợ phải thu từ các doanh nghiệp vay Ngân hàng Nhà nước đã giải thể trước khi thành lập các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, không bàn giao về Ngân hàng Thương mại.

- Nợ phải thu từ các Hợp tác xã tín dụng vay trước năm 1990 đã giải thể hoặc tự tan rã.

- Nợ vay thanh toán nợ giai đoạn I và II (vốn mồi): bao gồm nợ được khoanh và chưa được khoanh.

Các món nợ trên thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/1997/TTLT/NHNH-BTC ngày 22-11-1997 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn xử lý nợ quá hạn của các Ngân hàng quốc doanh qua chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng sau thanh tra.

5. Các khoản Ngân hàng Thương mại bảo lãnh đã trả nợ thay cho doanh nghiệp vay vốn, thực hiện hợp đồng mua bán đến nay doanh nghiệp được bảo lãnh không trả được nợ, các Ngân hàng báo cáo Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phân loại báo cáo Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương, Bộ Tài chính để trình Chính phủ cho hướng xử lý.

Các doanh nghiệp chưa làm thủ tục nhận nợ, nay phải nhận nợ với Ngân hàng bảo lãnh số đã được thanh toán nợ cho mình.

Các khoản bảo lãnh của các Ngân hàng Thương mại theo chỉ định, thực hiện chủ trương của Chính phủ để các doanh nghiệp vay vốn hoặc bảo lãnh thanh toán. Ngân hàng đã trả nợ thay, sau khi đã tận thu nợ, số còn lại không thu được Ngân hàng Thương mại tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

d. Nợ phải thu, phải trả của dự trữ Quốc gia.

Xử lý như những khoản nợ Ngân sách, ngoài ra lưu ý thêm một số điểm sau:

1. Dự trữ Quốc gia có nợ phải thu của doanh nghiệp loại 10 được xử lý như mục III, điểm a, tiết 5 nêu ở trên.

2. Dự trữ Quốc gia có nợ phải thu doanh nghiệp loại 80, sau khi tận thu theo phương án thanh lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ theo Quyết định số 315/HĐBT ngày 01-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư số 25/TC/TCDN ngày 15-5-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/CP ngày 28-8-1996 quy định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Chi Cục dự trữ báo cáo Ban thanh toán nợ địa phương và Cục Dữ trự Quốc gia cho xoá nợ số còn lại.

3. Dự trữ Quốc gia có nợ phải thu đối với các thành phần kinh tế khác và tổ chức kinh tế - xã hội:

3.1. Các đối tượng này vẫn tồn tại phải có trách nhiệm trả nợ gốc cho Dự trữ Quốc gia. Nếu các đối tượng cố tình không trả nợ thì Chi Cục dự trữ báo Ban thanh toán nợ các cấp (hồ sơ bao gồm như quy định tại Mục II, điểm 1) để áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 21-8-1992 của Toà án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp và Trọng tài Kinh tế Nhà nước.

3.2. Các khoản nợ thóc dự trữ Quốc gia của các thành phần kinh tế khác:

Đối với đơn vị loại 20, 30, 40, 50, 90 có nợ dự trữ Quốc gia nay đã ngừng hoạt động, giải thể cơ quan thành lập các tổ chức đó có trách nhiệm trả nợ thay, nếu con nợ không trả được nợ, cơ quan thành lập đơn vị phải báo cáo nguyên nhân cho Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét xử lý theo Điều 15 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

3.3. Các khoản nợ thóc hoặc nợ ứng tiền mua thóc mà con nợ bị bắt nay chưa xét xử, hoặc bỏ trốn (phải có xác nhận của cơ quan Công an quận, huyện). Chi Cục dự trữ được chuyển số nợ cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giao cho cơ quan điều tra (công an tỉnh, thành phố) tiếp tục điều tra và thu hồi nộp Ngân sách địa phương.

3.4. Đối với khoản nợ thóc do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay Quỹ dự trữ Quốc gia sau trận bão lũ năm 1989 và những năm sau để trợ cấp cho dân và khôi phục các công trình công cộng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm thu hồi để trả nợ cho Cục dự trữ Quốc gia, số không thu hồi được thì thực hiện theo Điều 17 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Chi Cục dự trữ báo cáo Ban thanh toán nợ địa phương và Cục dự trữ Quốc gia hồ sơ gồm:

- Khoản trợ cấp cho dân: đơn vị trợ cấp lập danh sách của từng hộ dân được trợ cấp, số lượng thóc, hoặc số tiền trợ cấp quy ra thóc, địa chỉ từng hộ được trợ cấp, xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường, xã và Phòng Tài chính quận, huyện.

- Khoản vay thóc dự trữ Quốc gia sử dụng để khôi phục các công trình công cộng: Phải kê khai danh mục các công trình công cộng được khôi phục, số tiền được quyết toán sau khi công trình đã khôi phục, số lượng thóc tương ứng với số tiền đã quyết toán (thóc tính theo giá khi quyết toán công trình) có xác nhận của Sở Tài chính tỉnh.

3.5. Khoản nợ thóc mà người mắc nợ đã chết phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường, xã về đối tượng nợ đã chết là người thừa kế không còn tài sản để trả nợ, Chi Cục dự trữ lập hồ sơ báo cáo Ban thanh toán nợ địa phương xin xoá nợ.

3.6. Khoản nợ do ứng tiền mua thóc, vay thóc dự trữ Quốc gia trong các năm 1988-1990 mà đơn vị đã trả đủ tiền ứng trước hoặc đã trả một phần bằng lượng, số nợ còn lại đã trả đủ bằng tiền (thời gian trả từ 30-4-1991 trở về trước) tính theo giá mua thóc tại thời điểm vay mà vẫn còn nợ thì cho phép xoá nợ. Những khoản đã thanh toán bằng tiền và hiện vật trước Thông tư này đều không được tính lại.

4. Giá thóc để xử lý thanh toán thực hiện theo Điều 19 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Cục dự trữ Quốc gia tổng hợp các khoản đã được xử lý thanh toán trên có thẩm trả của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương báo cáo Bộ Tài chính ra quyết định giảm vốn dự trữ.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chủ nợ, người mắc nợ, bảo lãnh và người thừa kế (người lãnh đạo đương nhiệm của đơn vị) là đối tượng chịu trách nhiệm thanh toán nợ giai đoạn II theo Thông tư này.

Trường hợp hai bên chủ nợ và người mắc nợ còn vướng mắc không thanh toán và xử lý được nợ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức khác cùng bàn bạc với cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban thanh toán nợ cùng cấp kiến nghị với cấp trên biện pháp giải quyết. Cơ quan quyết định hoặc được uỷ quyền thành lập doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trong việc xử lý thanh toán nợ của các doanh nghiệp do mình ký quyết định thành lập.

Những trường hợp giữa các cơ quan quản lý không thống nhất giải quyết việc xử lý thanh toán nợ, các Bộ ngành, Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các chủ nợ và người mắc nợ thuộc phạm vi quản lý của mình, khẩn trương phân tích, phân loại và giải quyết dứt điểm việc xử lý thanh toán nợ giai đoạn II theo quy định trên đây. Các trường hợp không quy định trong Thông tư này được xử lý theo chế độ hiện hành.

3. Ban thanh toán nợ các cấp xem xét, xử lý kịp thời và thanh toán nợ theo Thông tư này. Việc quyết định xử lý, thanh toán nợ phải làm việc theo chế độ tập thể.

Ban thanh toán nợ các cấp xem xét một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra.

Mọi tổ chức và cá nhân giả mạo chứng từ, lợi dụng việc xử lý, thanh toán nợ làm thất thoát tài sản Nhà nước, mưu lợi cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Hàng tháng Ban thanh toán nợ các cấp báo cáo kết quả thanh toán, xử lý nợ giai đoạn II cho Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương để báo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc các địa phương, bộ, ngành báo cáo kịp thời với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo Tổng thanh toán nợ Trung ương để nghiên cứu bổ sung.

Nguyễn Văn Giàu

(Đã ký)

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 102/1998/TTLT/BTC/NHNN hướng dẫn Quyết định 95/1998/QĐ-TTg về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II do Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 102/1998/TTLT/BTC/NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 18/07/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu, Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: 20/10/1998
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 02/08/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản