BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ | Hà Nội , ngày 17 tháng 4 năm 2000 |
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;
Căn cứ Nghị định 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;
Đảm bảo thực hiện đúng Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, các luật thuế khác có liên quan và chính sách quản lý mặt hàng của Nhà nước;
Đảm bảo thực hiện đúng các Điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu mà Việt Nam đã ký kết hoặc công nhận;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
1. Xuất xứ của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được xác định trên cơ sở thực tế hàng hoá, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan.
2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Certificate of Origin, dưới đây gọi tắt là C/O) quy định tại Thông tư liên tịch này là chứng từ do cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp xác nhận xuất xứ của một lô hàng xuất khẩu hay nhập khẩu.
3. Nước xuất xứ hàng hoá là nước mà tại đó hàng hoá được sản xuất hoặc gia công, chế biến phù hợp với quy định về xuất xứ nêu tại Phụ lục kèm theo.
4. Nước thứ ba (nước lai xứ) là nước mà tại đó hàng hoá đi qua, tập kết, chuyển tải, chuyển khẩu, để chuyển đến nước nhập khẩu (kể cả hàng hoá làm thủ tục nhập khẩu vào nước này sau đó lại được tái xuất khẩu). Hàng hoá đi qua nước thứ ba không làm thay đổi xuất xứ nếu tại nước này chỉ thực hiện một số hoạt động giản đơn liên quan đến việc bảo quản hay đóng gói hàng hoá (Phụ lục kèm theo).
5. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia đã có hiệu lực có quy định khác với quy định tại Thông tư liên tịch này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
6. Người xuất khẩu, người nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của C/O xuất trình. Mọi hành vi gian lận về C/O của người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
II./ KIỂM TRA XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Việt Nam:
a) C/O thông thường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác cấp theo quy định của Pháp luật.
b) C/O đối với hàng hoá được hưởng ưu đãi theo các Hiệp định hoặc thoả thuận giữa Việt Nam và các nước, nhóm nước hoặc tổ chức kinh tế quốc tế do Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định cấp.
c) C/O cấp cho hàng hóa sản xuất tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Ban quản lý Khu công nghiệp hoặc Khu chế xuất cấp.
2. Yêu cầu có C/O trong các trường hợp sau:
a) Hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến các cam kết quy định trong các Điều ước quốc tế với các nước hoặc các tổ chức quốc tế mà Việt nam đã ký kết hoặc tham gia.
b) Đối với hàng hóa khác, nếu trong hợp đồng thương mại có điều khoản quy định phải có C/O.
a) Cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra C/O trong trường hợp nghi ngờ tính trung thực của C/O để lợi dụng chế độ ưu đãi đối với hàng hoá thuộc các cam kết dành ưu đãi cho nhau mà Việt Nam ký kết với các nước, nhóm nước hoặc các tổ chức kinh tế quốc tế.
b) Thủ tục kiểm tra được phối hợp thực hiện giữa cơ quan Hải quan và cơ quan có thẩm quyền cấp C/O.
a) Thời điểm xuất trình C/O là thời điểm Cơ quan Hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ hàng xuất khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.
b) Nếu tại thời điểm Cơ quan Hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ hàng xuất khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan mà người xuất khẩu chưa có C/O thì chấp nhận cho nợ C/O trong thời hạn 60 ngày tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong khi người xuất khẩu chưa có C/O để xuất trình, cơ quan Hải quan vẫn làm thủ tục xuất khẩu trên cơ sở người xuất khẩu có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ của lô hàng.
III./ KIỂM TRA XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
1. C/O phải nộp cho Cơ quan Hải quan trong các trường hợp sau:
a) Hàng hoá có xuất xứ từ những nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu hay về các chế độ quản lý khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các Hiệp định, thoả thuận quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước, nhóm nước hoặc các tổ chức kinh tế quốc tế mà người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó.
b) Những loại hàng hoá thuộc diện Nhà nước hoặc các Tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây nguy hại đến sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường.
2. Những trường hợp sau không phải nộp C/O:
a) Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ những nước không nằm trong danh sách các nước được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu của Việt Nam.
b) Hàng hoá nhập khẩu mà người nhập khẩu không có yêu cầu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu của Việt Nam.
c) Hàng nhập khẩu phi mậu dịch; hàng nhập khẩu tiểu ngạch; hàng nhập khẩu đã qua sử dụng; một số mặt hàng nông sản là hoa, quả tươi nhập khẩu từ các nước có biên giới đất liền chung với Việt Nam và những lô hàng nhập khẩu thương mại khác có tổng trị giá không vượt quá 60US$. Việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với các trường hợp này được căn cứ trên cơ sở thực tế hàng hóa, các chứng từ liên quan và Tờ khai hải quan do người nhập khẩu tự kê khai, nhưng cán bộ Hải quan phải ghi rõ căn cứ để xác định xuất xứ và nước xuất xứ vào Tờ khai hải quan, nếu không đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa thì tiến hành làm thủ tục hải quan theo chế độ quy định thông thường.
e) Hàng quá cảnh.
3. Thời điểm nộp C/O:
a) Thời điểm nộp C/O cho Cơ quan Hải quan là thời điểm Cơ quan Hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ hàng nhập khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.
b) Tại thời điểm làm thủ tục đăng ký Tờ khai hải quan nếu người nhập khẩu chưa có C/O nộp cho cơ quan Hải quan thì phải có văn bản đề nghị cho nộp chậm C/O. Trong thời gian chờ nộp bổ sung C/O, Cơ quan Hải quan sẽ làm thủ tục hải quan theo chế độ thông thường.
c) Thời điểm nộp văn bản đề nghị nộp chậm C/O là lúc đăng ký tờ khai hải quan. Thời gian cho nợ C/O tối đa là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
4. Thể thức và mẫu của C/O.
a) C/O nộp cho cơ quan Hải quan phải là bản chính và có đầy đủ các nội dung cơ bản như sau:
- Số phát hành C/O.
- Tên, địa chỉ người xuất khẩu; nước xuất khẩu.
- Tên, địa chỉ người nhập khẩu; nước nhập khẩu.
- Thông tin về vận tải hàng hóa (địa điểm xếp hàng lên phương tiện vận chuyển, nơi đến).
- Nhãn, mác; số và loại bao gói; mô tả hàng hóa.
- Trọng lượng.
- Xuất xứ của hàng hóa.
- Doanh nghiệp đề nghị xin cấp C/O (tên, ngày, tháng, năm xin cấp)
- Tổ chức cấp C/O (tên, ngày, tháng, năm cấp, dấu).
b) Trường hợp C/O không làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì phải kèm theo bản dịch có công chứng hoặc do giám đốc công ty ký đóng dấu và chịu trách nhiệm. Nếu trên C/O có sửa chữa, tẩy xoá thì cơ quan, tổ chức cấp C/O phải đóng dấu xác nhận việc sửa chữa, tẩy xóa này.
c) C/O phải do các cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của nước cấp C/O (Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan v.v..) hoặc các tổ chức khác được Nhà nước quy định (thông thường là Phòng Thương mại hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp). Trường hợp C/O do nhà sản xuất cấp thì phải có xác nhận của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước cấp có liên quan.
d) Ngày cấp C/O có thể trước hoặc sau ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải, nhưng phải phù hợp với thời gian quy định được phép nộp chậm C/O.
c) Một bản C/O có thể được cấp và xác nhận xuất xứ cho nhiều mặt hàng thuộc một lô hàng nhập khẩu và chỉ có giá trị đối với lô hàng này.
f) C/O cấp lại do mất mát, thất lạc thì trên bản C/O được cấp lại phải có dòng chữ " Sao y bản chính" bằng tiếng Anh " Certified true copy".
g) C/O xuất trình không đúng với thời gian quy định do các điều kiện bất khả kháng hoặc có lý do xác đáng, Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
h) C/O đã nộp cho Cơ quan Hải quan thì không được thay thế hoặc sửa đổi nội dung. Việc xem xét xuất xứ hàng hóa được căn cứ trên bản C/O đã nộp này. Trừ những trường hợp nhầm lẫn có xác nhận của tổ chức cấp C/O thì Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục chấp nhận C/O nộp bổ sung.
5. Kiểm tra C/O:
b) Trường hợp nghi ngờ tính trung thực của C/O thì cơ quan Hải quan yêu cầu chủ hàng cung cấp thêm các chứng từ để chứng minh. Thời gian cho phép để chủ hàng xuất trình thêm các chứng từ chứng minh C/O là 90 ngày tính từ ngày đăng ký tờ khai; Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục ưu đãi theo quy định sau khi chủ hàng xuất trình các chứng từ chứng minh được là C/O hợp lệ.
c) Đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ của các nước được hưởng quy chế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) khi làm thủ tục nhập khẩu nếu chủ hàng xuất trình C/O mẫu thông thường do tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp thì Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O đó và không kiểm tra đối chiếu tên tổ chức, mẫu dấu, chữ ký trên C/O.
6. Yêu cầu về C/O đối với hàng hoá nhập khẩu thông qua nước thứ ba:
a) Đối với hàng hoá được sản xuất tại một nước thuộc diện hưởng ưu đãi nhưng được nhập khẩu từ nước thứ ba cũng là nước được hưởng ưu đãi, Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O do nước thứ ba cấp.
b) Đối với hàng hoá có xuất xứ từ một nước thuộc diện hưởng ưu đãi nhưng được nhập khẩu từ nước thứ ba không được hưởng ưu đãi, Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O của nước thứ ba cấp kèm bản sao C/O của nước xuất xứ.
c) Trường hợp hàng hoá được bán qua nhiều nước rồi mới đến nước nhập khẩu thì nước cuối cùng từ đó hàng hoá đi đến nước nhập khẩu được xem như là nước thứ ba.
d) Việc mua bán thông qua nước thứ ba làm trung gian nhưng hàng hoá được vận chuyển thẳng (trực tiếp) từ nước sản xuất đến Việt nam không đi qua nước trung gian thì Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O của nước xuất xứ cấp với điều kiện phải phù hợp với các chứng từ như vận đơn, lược khai hàng hoá.
7. Các trường hợp khác:
a) Trường hợp người nhập khẩu có C/O cho cả một lô hàng, trong đó chỉ nhập một phần của lô hàng thì Cơ quan Hải quan chấp thuận C/O cấp cho cả lô hàng đó đối với phần hàng hoá nhập khẩu.
b) Trường hợp xuất xứ cộng gộp như các linh kiện, phụ tùng sản xuất tại nhiều nước khác nhau được lắp ráp ở một nước thì Cơ quan Hải quan chấp nhận C/O được cấp tại nước lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm đó. Việc công nhận nước lắp ráp là nước xuất xứ hàng hóa nếu hoạt động lắp ráp đó không thuộc các hoạt động giản đơn như quy định tại Phụ lục kèm theo;
c) Hàng tái nhập, hàng xuất khẩu bị trả về có xuất xứ từ Việt nam, nếu đã xuất trình C/O khi làm thủ tục xuất khẩu thì khi tái nhập, Cơ quan Hải quan chỉ cần đối chiếu bộ chứng từ hàng thực xuất trước đó với hàng hoá thực nhập, nếu đúng tên hàng, ký mã hiệu, quy cách phẩm chất thì Hải quan chấp nhận làm thủ tục tái nhập khẩu theo quy định, không yêu cầu phải có C/O.
8. Cơ quan Hải quan chỉ xem xét giải quyết những vướng mắc về xuất xứ hàng hóa trong thời gian 01 năm, tính từ thời điểm đăng ký Tờ khai hải quan.
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Mọi văn bản hướng dẫn trước đây có liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đều bãi bỏ (trừ các văn bản quy định xuất xứ hàng hóa thuộc các hiệp định hoặc thỏa thuận quốc tế đã được Việt Nam tham gia ký kết).
2. Cục Hải quan và Sở Thương mại các Tỉnh, Thành phố căn cứ các quy định trên để thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh thì thống nhất báo cáo về Tổng cục Hải quan và Bộ Thương mại để có chỉ đạo giải quyết.
Lương Văn Tự (Đã ký) | Nguyễn Ngọc Túc (Đã ký) |
1. Hàng hoá có xuất xứ thuần tuý:
Những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là những sản phẩm được gia công hay chế biến không có sự tham gia của nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc không rõ xuất xứ được gọi là hàng hoá có xuất xứ thuần tuý. Đó là những sản phẩm sau:
a) Các mặt hàng khoáng sản được khai thác từ lòng đất, từ trong vùng sông nước của nước đó hoặc trong lòng biển hoặc đại dương.
b) Các mặt hàng có nguồn gốc thực vật được trồng trọt trong nứơc này.
c) Các loại động vật được sinh ra và chăn nuôi tại nước này.
d) Các mặt hàng được chế biến từ những động vật sống trong nước này.
e) Các sản phẩm từ săn bắn và chài lưới được chế biến từ nước này.
f) Các sản phẩm từ việc đánh bắt trên biển và các sản phẩm khác khai thác từ biển có được trên các con tầu của nước này.
g) Các mặt hàng có được từ bong của các con tầu có chức năng chế biến của nước này, chỉ đối với các sản phẩm nêu ở mục (f).
h) Các sản phẩm khai thác từ lòng đất hoặc dưới lòng biển bên ngoài phạm vi lãnh hải của một nước, đã quy định rằng nước đó có quyền duy nhất khai thác trên vùng đất hoặc nằm sâu dưới lòng vùng đất đó.
i) Phế liệu và chất thải là kết quả của các hoạt động chế biến hoặc gia công và các mặt hàng không còn sử dụng được thu lượm trong nước này chỉ có thể dùng tái chế làm vật liệu ban đầu.
j) Các hàng hoá được sản xuất trong nước đó, chỉ từ các sản phẩm được nêu từ mục (a) đến (i) trên.
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy:
- Hàng hoá có xuất xứ không thuần túy là hàng hoá trong quá trình sản xuất hoặc gia công hay chế biến có thành phần nguyên vật liệu hoặc lao động của hai hay nhiều nước tham gia vào hoạt động tạo ra sản phẩm này.
- Hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý được công nhận có xuất xứ của nước thực hiện gia công hoặc chế biến cuối cùng nếu các sản phẩm làm ra tại nước đó không thuộc các thao tác đơn giản sau:
a) Các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).
b) Các công việc đơn giản như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.
c) i. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng;
ii. Việc đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.
d) Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.
e) Việc trộn đơn giản các sản phẩm, kể cả các thành phần khác nhau, nếu một hay nhiều thành phần cấu thành của hỗn hợp không đáp ứng điều kiện đã quy định để có thể được coi như có xuất xứ tại nơi thực hiện việc này.
f) Việc lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;
g) Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ a đến f;
h) Giết mổ động vật.
- 1Quyết định 01/2007/QĐ-BTM công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thương mại ban hành đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 2Thông tư liên tịch 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ bổ sung Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT/BTM-TCHQ hướng dẫn việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành
Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ hướng dẫn xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 17/04/2000
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
- Người ký: Lương Văn Tự, Nguyễn Ngọc Túc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: 02/05/2000
- Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực