Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 94 /1998/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1998 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU SỐ 04/1998/QH10 NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1998

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 08 tháng 11 năm 1996; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26 tháng 12 năm 1991; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 5 tháng 7 năm 1993; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 04/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Thuế suất thuế nhập khẩu được quy định như sau:

1. Thuế suất đối với hàng nhập khẩu gồm thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt:

a) Thuế suất ưu đãi áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Thuế suất ưu đãi được quy định trong Biểu thuế nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Bộ Tài chính chủ trì cùng với Bộ Thương mại và các Bộ có liên quan căn cứ vào chính sách xuất, nhập khẩu, sự biến động về giá cả thị trường trong từng thời gian để điều chỉnh các mức thuế suất trong Biểu thuế nhập khẩu phù hợp với khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.

b) Thuế suất thông thường áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước không có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất cao hơn 50% (năm mươi phần trăm) so với thuế suất ưu đãi quy định tại điểm a, mục 1 của Điều này. Đối với những trường hợp đặc biệt cần quy định cao hơn hoặc thấp hơn 50% (nhưng không quá 70% so với thuế suất ưu đãi), sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính quy định cho từng trường hợp cụ thể đảm bảo phù hợp với chính sách và quan hệ thương mại trong từng thời kỳ nhất định.

c) Thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước mà Việt Nam và nước hoặc khối nước đó đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế hoặc để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới.

Thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu có đủ các điều kiện sau đây:

- Phải là những mặt hàng được quy định cụ thể trong thoả thuận và phải đáp ứng đủ các điều kiện đã ghi trong thoả thuận.

- Phải là hàng có xuất xứ tại nước có chung đường biên giới hoặc tại nước thuộc khối nước mà Việt Nam tham gia về thuế theo thoả thuận.

Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hoá quy định tại điểm a, b, c mục 1 của Điều này.

2. Thuế suất bổ sung quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật số 04/1998/QH10 ngày 20/5/1998 sẽ có quy định riêng.

Điều 2. Hàng xuất khẩu, nhập khẩu được xét miễn thuế quy định tại khoản 2, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 04/1998/QH10 được quy định chi tiết như sau:

1. Hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo được miễn thuế nhập khẩu theo danh mục hàng hoá nhập khẩu do Bộ Tài chính thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan quy định.

2. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của bên nước ngoài hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu theo các quy định tại Nghị định 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 62/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ ban hành quy chế đầu tư theo Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư trong nước theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước được miễn thuế nhập khẩu theo Điều 25 Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20 tháng 5 năm 1998.

4. Hàng là quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam và ngược lại, hàng mẫu được miễn thuế theo mức quy định của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính quy định thủ tục xét miễn thuế cụ thể đối với từng trường hợp quy định tại Điều này.

Điều 3. Kê khai nộp thuế

1. Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu phải kê khai, nộp tờ khai hàng xuất khẩu, nộp thuế xuất khẩu cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

2. Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép nhập khẩu phải kê khai, nộp tờ khai hàng nhập khẩu, nộp thuế nhập khẩu cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

Đối với một số cửa khẩu có lượng hàng nhập khẩu lớn; được phép mở thêm một số địa điểm làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá và thu thuế nhập khẩu. Tổng cục Hải quan thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định địa điểm làm thủ tục nhập khẩu được phép mở thêm.

Cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, làm thủ tục hải quan và thu thuế theo quy định của Nghị định này.

Điều 4. Kiểm hoá, tính thuế và thời hạn nộp thuế:

1. Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là ngày mà tổ chức, cá nhân đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan Hải quan. Thuế được tính theo thuế suất và giá tính thuế tại ngày đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Trong thời hạn tám (8) giờ làm việc, kể từ khi tiếp nhận Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cơ quan Hải quan phải thông báo chính thức cho đối tượng nộp thuế số thuế phải nộp.

Đối với một số mặt hàng có số lượng nhập khẩu mỗi lần lớn (như sắt, thép, phôi thép, xi măng, clinke, xăng dầu, phân bón ) và những mặt hàng bắt buộc phải có giám định tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Chính phủ trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam, thì thời hạn thông báo thuế được kéo dài nhưng không quá 3 ngày làm việc do Tổng cục Hải quan quy định cụ thể.

Đối với những mặt hàng bắt buộc phải có giám định tiêu chuẩn kỹ thuật mới xác định được mã số theo danh mục Biểu thuế, tình trạng cũ, mới của hàng hoá để đảm bảo chính xác cho việc tính thuế, thì thời hạn thông báo thuế được kéo dài quá 3 ngày, nhưng không quá 15 ngày làm việc.

Cơ quan giám định, cơ quan kiểm tra chất lượng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo hoàn thành thời gian giám định, kiểm tra chất lượng đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để cơ quan Hải quan thông báo thuế cho đối tượng nộp thuế.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính quy định cụ thể các cơ quan có thẩm quyền giám định, kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và quy định cơ quan quyết định cuối cùng trong trường hợp có khiếu nại.

3. Thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định như sau:

a) Đối với hàng xuất khẩu là mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp.

b) Đối với hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu là chín (9) tháng kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp.

Đối với các trường hợp đặc biệt do chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của các doanh nghiệp phải kéo dài hơn như đóng tàu, thuyền, chế tạo máy móc, thiết bị cơ khí thì thời hạn nộp thuế có thể được gia hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu do Bộ Tài chính quyết định từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp đã thực xuất khẩu hàng hoá được sản xuất bằng vật tư, nguyên liệu nhập khẩu trong thời hạn nộp thuế quy định trên thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng xuất khẩu. Nếu xuất khẩu hàng hoá ngoài thời hạn nộp thuế quy định thì đối tượng phải nộp thuế theo đúng quy định.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan Hải quan hàng hoá là vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Trường hợp các doanh nghiệp đã đăng ký và được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định của khoản này, nhưng tiêu thụ tại Việt Nam thì bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện được áp dụng thời hạn nộp thuế và trường hợp bị xử lý vi phạm quy định tại khoản này.

c) Đối với hàng kinh doanh tạm xuất, tái nhập hoặc tạm nhập, tái xuất là mười lăm (15) ngày kể từ ngày hết thời hạn cho phép tạm xuất, tái nhập hoặc tạm nhập, tái xuất.

Trường hợp thực tái nhập (đối với hàng tạm xuất tái nhập) hoặc thực tái xuất (đối với hàng tạm nhập tái xuất) trong thời hạn nộp thuế quy định thì không phải nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng tạm nhập hoặc tái xuất.

Bộ Thương mại quy định chung về thời hạn tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập.

Đối với các hình thức tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khác không phải là hình thức kinh doanh theo quy định của Bộ Thương mại thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo điểm a, d, đ khoản này.

d) Đối với hàng là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phương tiện vận tải nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho sản xuất của doanh nghiệp là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp.

đ) Đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu thì phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng. Trong trường hợp có sự bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp của các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động Ngân hàngtheo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, thì thời hạn nộp thuế là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan thu thuế về số thuế phải nộp. Bộ Thương mại chủ trì cùng với các Bộ có liên quan để quy định danh mục hàng tiêu dùng nhập khẩu quy định tại điểm này.

Quá thời hạn nộp thuế nêu trên mà đối tượng nộp thuế chưa nộp thì tổ chức bảo lãnh phải có trách nhiệm nộp thay cho đối tượng nộp thuế số tiền thuế đó.

Việc bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế, quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh, nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế được bảo lãnh thực hiện theo Điều 58, 59, 60 Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997.

Điều 5. Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì tuỳ theo từng hành vi và mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định tại khoản 5, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 04/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998 và các văn bản pháp luật khác về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1999. Những quy định khác về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)