BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/1998/TTLT-VGCP-BCN | Hà Nội , ngày 28 tháng 12 năm 1998 |
Căn cứ Nghị định số 01/CP ngày 05/01/1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Vật giá Chính phủ và Nghị định số 74/CP ngày 1/11/1995 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Điều 8, Điều 9 của Luật Thương mại ngày10/5/1997;
Căn cứ Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) về quản lý giá;
Để ổn định thị trường sản xuất và kinh doanh thép, đưa việc quản lý giá thép vào nề nếp, ngăn chặn giá đột biến cao và tính trạng bán phá giá, trong điều kiện mặt hàng thép Nhà nước còn quản lý về giá bán và có chính sách bảo hộ cho sản xuất thép trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế;
Bộ Công nghiệp và Ban Vật giá Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch quy định về cơ chế quản lý giá bán thép như sau:
I/ ĐỊNH GIÁ GIỚI HẠN HÀNG CHUẨN THÉP
1/ Nhà nước quy định giá giới hạn tối đa và giá giới hạn tối thiểu (sau đây gọi tắt là giá giới hạn) hàng chuẩn thép theo cấp, tiêu chuẩn chất lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu (sau đây gọi tắt là hàng chuẩn thép). Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép được quyền quy định giá bán cụ thể cho từng sản phẩm, quy cách nắm trong phạm vị giới hạn Nhà nước quy định.
2/ Giá giới hạn hàng chuẩn thép được Nhà nước quy định thống nhất áp dụng trong cả nước hoặc theo từng khu vực sản xuất và tiêu thụ, và được điều chỉnh theo sự thay đổi của quan hệ cung cầu, sự biến động của chi phí sản xuất (tăng giảm 10% trở lên) và sự thay đổi về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
3/ Giá giới hạn tối đa hàng chuẩn thép theo cấp, tiêu chuẩn chất lượng được Nhà nước quy định trên cơ sở chi phí sản xuất (hoặc nhập khẩu) cộng với chi phí lưu thông cần thiết trong điều kiện trung bình xã hội và cân đối cung cầu của thị trường.
4/ Giá giới hạn tối thiểu hàng chuẩn thép theo cấp, tiêu chuẩn chất lượng được Nhà nước quy định trên cơ sở giá vốn để sản xuất trong điều kiện sản xuất kinh doanh trung bình của xã hội, nhằm chống bán phá giá cạnh tranh không lành mạnh.
5/ Danh mục hàng chuẩn thép được quy định giá giới hạn theo cấp, tiêu chuẩn chất lượng bao gồm những mặt hàng thép sản xuất và nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn Việt nam, có sản lượng lớn, thông dụng, cụ thể như sau:
+ Mặt hàng quy định giá giới hạn tối đa, tối thiểu :
+ Thép tròn trơn xây dựng: ặ 6mm đến ặ 10mm
+ Thép tròn vằn xây dựng: ặ 10 - ặ 32mm
+ Thép ống: - Mạ kẽm: ặ 15 đến ặ 40mm
- Đen: ặ 21 - ặ 40mm
+ Thép lá mạ kẽm dầy: 0,20 đến 0,80mm
+ Mặt hàng quy định giá tối đa:
- Thép tấm thường dầy: 4 - 10mm
- Thép lá đen dầy: 0,50 - 0,80mm
6/ Mức giá giới hạn tối đa và tối thiểu đối với các mặt hàng thép chuẩn nói trên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trên lãnh thổ Việt Nam.
1/ Bộ Công nghiệp:
Với chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành thép, Bộ Công nghiệp chỉ đạo kiểm tra việc đảm bảo cân đối cung cầu về thép trong cả nước nhằm bình ổn giá thép trên thị trường theo quy định của Nhà nước, tham gia với Ban Vật giá Chính phủ quy định giá giới hạn hàng chuẩn thép.
2/ Ban Vật giá Chính phủ:
+ Quy định giá giới hạn hàng chuẩn thép bao gồm giá giới hạn tối đa và giá giới hạn tối thiểu trên cơ sở xem xét phương án đề nghị của Tổng Công ty Thép Việt Nam.
+ Được quyền tổ chức đoàn kiểm tra định mức tồn kho hàng hoá của doanh nghiệp khi hàng hoá thuộc danh mục trên có dấu hiệu đột biến ngoài giá giới hạn quy định, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, quyết định phải nôp ngân sách Nhà nước phần chênh lệch giá do man khai các yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp hoặc thông báo cho cơ quan thuế xác định lại mức thuế phải nộp do đầu cơ tăng giá hoặc phá giá theo các quy định của pháp luật.
3/ Tổng Công ty Thép Việt Nam
+ Quyết định khung giá hoặc giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ chủ yếu, thống nhất giá xuất khẩu tối thiểu, nhập khẩu tối đa trong phạm vi Tổng công ty, trừ những sản phẩm và dich vụ do Nhà nước định giá.
+ Quyết định hoặc hướng dẫn các đơn vị thành viên quy định cụ thể giá bán lẻ, bán buôn các sản phẩm thép trong phạm vi giá giới hạn do Nhà nước quy định.
+ Quyết định hoặc hướng dẫn mức chiết khấu lưu thông hợp lý đối với từng sản phẩm cho các đơn vị thành viên để làm cơ sở quy định giá bán buôn các sản phẩm thép sản xuất và nhập khẩu.
+ Lập phương án đề nghị Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp quy định hoặc điều chỉnh kịp thời giá giới hạn trong điều kiện có biến đổi lớn về chi phí sản xuất hoặc cung cầu thay đổi.
4/ Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh thép trong cả nước:
+ Được quyền tự quy định giá bán sản phẩm trong phạm vi giá giới hạn Nhà nước quy định đối với mặt hàng chuẩn và giá mua, giá bán sản phẩm ngoài danh mục Nhà nước quy định giá.
+ Báo cáo tình hình sản xuất, lưu thông, dự trữ tồn kho, giá đang mua, bán theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá.
+ Chấp hành các biện pháp về kinh tế, hành chính theo luật pháp nhằm bình ổn giá.
1/ Ban Vật giá Chính phủ chủ trì cùng Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức kinh doanh thép trong cả nước về tình hình chấp hành cơ chế quản lý giá bán thép theo nội dung Thông tư này (kể cả các công ty hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
2/ Các quyết định về giá bán thép của các doanh nghiệp phải gửi về Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Công nghiệp.
3/ Tổng Công ty Thép Việt Nam có trách nhiệm theo dõi tình thình thực hiện giá bán thép của các đơn vị sản xuất kinh doanh, phát hiện kịp thời các sai phạm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
4/ Tất cả các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh thép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành cơ chế quản lý giá bán thép quy định tại Thông tư liên tịch này và các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về giá. Mọi trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc yêu cầu phản ánh kịp thời về Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp để xem xét xử lý và sửa đổi cho phù hợp.
Lê Huy Côn (Đã ký) | Lê Văn Tân (Đã ký) |
Thông tư liên tịch 08/1998/TTLT-VGCP-BCN quy định cơ chế quản lý giá thép do Ban VGCP-Bộ công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 08/1998/TTLT-VGCP-BCN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 28/12/1998
- Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Công nghiệp
- Người ký: Lê Huy Côn, Lê Văn Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/01/1999
- Ngày hết hiệu lực: 04/01/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực