Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137-HĐBT | Hà Nội , ngày 27 tháng 4 năm 1992 |
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để chuyển công tác quản lý giá phù hợp với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần ổn định đời sống nhân dân;
Căn cứ kết luận của Hội đồng Nhà nước tại phiên họp ngày 21 và 22 tháng 2 năm 1992 xem xét dự án Pháp lệnh về giá;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước;
QUYẾT ĐỊNH
I- DANH MỤC HàNG HOÁ, DịCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ CHUẨN VÀ GIÁ GIỚI HẠN
Điều 1. Nhà nước định giá chuẩn:
1. Điện, cước thư, cước điện thoại, điện báo trong nước;
3. Tài nguyên nhượng bán hoặc cho thuê;
4. Đất cho thuê;
5. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho thuê hoặc bán.
Điều 2. Nhà nước định giá giới hạn:
1. Giá tối đa hàng chuẩn: xăng dầu, kim loại, urê, xi măng, giấy in báo, cước vận chuyển bằng đường sắt, đường biển đối với lương thực từ Nam ra Bắc, phân bón từ Bắc vào Nam và một số hàng hoá quan trọng đưa lên miền núi, giá giới hạn mua vào và bán ra các mặt hàng thuộc danh mục dự trữ quốc gia.
2. Giá tối thiểu mua thóc, giá tối đa bán gạo tại các thị trường trọng điểm khi có biến động giá;
3. Giá tối đa nước máy tại các thành phố, khu công nghiệp;
4. Giá xuất khẩu tối thiểu bằng ngoại tệ: gạo, dầu thô, giá nhập khẩu tối đa bằng ngoại tệ, xăng dầu, urê;
5. Giá để tính thuế đối với đất;
6. Giá để tính thuế một số hàng nhập khẩu;
7. Tỷ giá giữa đồng ngân hàng Việt Nam và đồng ngoại tệ.
Điều 3. Nhà nước quy định cơ chế quản lý giá đối với:
1. Công trình xây dựng cơ bản thuộc sở hữu Nhà nước;
2. Tài sản cố định thuộc sở hữu Nhà nước nhượng bán;
3. Giá tài sản cố định áp dụng trong cơ chế bảo toàn vốn;
4. Cước bưu chính viễn thông quốc tế.
Điều 4. Thẩm quyền của các ngành, các cấp trong việc quản lý và quy định giá:
1. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:
a) Quy định cơ chế quản lý giá đối với: công trình xây dựng cơ bản và giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, cước bưu chính viễn thông quốc tế;
b) Quyết định giá điện, cước thư, cước điện thoại và điện báo trong nước;
c) Quyết định giá giới hạn xăng ô-tô, dầu diêzen, dầu mazut, dầu hoả.
2. Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước:
a) Được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền ban hành một số quyết định giá những mặt hàng ghi tại khoản 1 của Điều này.
b) Thẩm định các phương án giá do các Bộ quản lý ngành hàng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
d) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện giá hàng hoá và dịch vụ do Hội đồng Bộ trưởng quy định.
e) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá theo các quy định hiện hành.
3. Các Bộ quản lý ngành hàng:
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ mình quản lý lập phương án giá trình Bộ và đồng gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước (đối với hàng hoá và dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ và Uỷ ban Vật giá Nhà nước).
b) Đối với mặt hàng thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá, thì Bộ quản lý ngành hàng lập phương án giá trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, sau khi có ý kiến thẩm định của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
4. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố:
a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết định giá hàng hoá, dịch vụ do cấp có thẩm quyền ở Trung ương quy định áp dụng tại địa phương.
b) Quyết định giá nước máy tại các thành phố, khu công nghiệp và giá một số ít hàng hoá, dịch vụ khác ngoài thẩm quyền định giá của trung ương, mà địa phương thấy cần thiết phải chỉ đạo giá sau khi thống nhất ý kiến về danh mục những hàng hoá, dịch vụ này với Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Điều 5. Cơ quan có thẩm quyền định giá chuẩn và giá giới hạn có trách nhiệm:
1. Phê duyệt giá đúng thời hạn theo quy định của Nhà nước.
2. Định lại giá chuẩn, giá giới hạn khi chi phí sản xuất biến động từ 5% đến 10% hoặc quan hệ cung cầu có thay đổi, cần thiết phải định lại giá.
Điều 6. Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức xã hội khác được nhận phương án giá có liên quan, tham gia thảo luận khi xác định mức giá và phê duyệt giá.
II- BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI.
Điều 7. NHà nước thực hiện các biện pháp kinh tế để bình ổn giá cả thị trường xã hội, phấn đấu từng bước kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. áp dụng các biện pháp có hiệu lực nhằm trước hết bình ổn giá lương thực, và tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam với các ngoại tệ mạnh.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước chịu trách nhiệm thu nhập, phân tích và thông báo kịp thời diễn biến giá cả thị trường trong nước và ngoài nước, đề xuất các giải pháp bình ổn giá, điều chỉnh mặt bằng giá và quan hệ tỷ giá cho phù hợp với sự thay đổi của giá quốc tế.
Điều 8. Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hàng hoá thuộc danh mục bình ổn giá ghi tại Điều 7 và khoản 1 Điều 2 có trách nhiệm:
1. Báo cáo tình hình sản xuất, lưu thông, dự trữ tồn kho, giá đang mua bán theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá;
2. Chấp hành các biện pháp về kinh tế, hành chính theo luật pháp nhằm bình ổn giá.
Điều 9. Khi hàng hoá thuộc danh mục bình ổn giá có dấu hiệu đột biến về giá, cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá được quyền:
1. Kiểm soát định mức tối đa tồn kho hàng hoá của doanh nghiệp theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng;
2. Kiểm soát các yếu tố hình hành giá, nhất thiết phải nộp vào ngân sách Nhà nước phần chênh lệch do man khai các yếu tố hình thành giá hoặc thông báo cho cơ quan thuế xác định lại mức thuế phải nộp do đầu cơ tăng giá.
III- ĐĂNG KÝ GIÁ, HIỆP THƯƠNG GIÁ, NIÊM YẾT GIÁ.
Điều 10. Tổ chức thực hiện thí điểm hình thức đăng ký giá những hàng hoá, dịch vụ (không duyệt giá) của các doanh nghiệp có kinh doanh với khối lượng lớn, chi phối giá cả thị trường nhưng không thuộc diện Nhà nước định giá. Trong năm 1992, tổ chức đăng ký giá đối với phân lân, thuốc trừ sâu thông dụng, bông, thuốc kháng sinh thông dụng, vật liệu nổ, cước cảng biển.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quy định thủ tục, hồ sơ đăng ký giá và chủ trì cùng phối hợp với các Bộ quản lý các cơ sở kinh doanh các sản phẩm nói trên trong việc tổ chức thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để mở rộng hình thức đăng ký giá đối với các mặt hàng quan trọng khác.
Điều 11. Cơ quan quản lý Nhà nước về giá của Trung ương và tỉnh và thành phố được quyền tổ chức hiệp thương giá trong các trường hợp:
1. Khi đơn vị kinh doanh đề nghị cơ quan quản lý giá tổ chức hiệp thương do không thoả thuận được mức giá ký hợp đồng;
2. Khi cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện đơn vị kinh doanh có hành động lợi dụng thế độc quyền hoặc liên minh độc quyền để tăng giá hoặc hạ giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác, người tiêu dùng và Nhà nước.
Trong trường hợp đã tổ chức hiệp thương, mà các bên vẫn chưa thoả thuận được mức giá thì cơ quan quản lý giá ban hành quyết định giá để phục vụ kịp thời sản xuất, lưu thông. Sau một thời gian thực hiện nếu thấy cần thiết thì tổ chức lại việc hiệp thương giá.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước ban hành qui chế hiệp hương giá, hướng dẫn các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp thực hiện.
Điều 12. Các doanh nghiệp phải niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá tại cửa hàng phù hợp với chủng loại, quy cách chất lượng, trọng lượng, số lượng để mua bán được thuận lợi. Đối với những hàng hoá, dịch vụ khác, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết giá theo giá do doanh nghiệp tự định.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo viêc tổ chức thực hiện niêm yết giá đối với hàng công nghiệp bán tại cửa hàng thuộc các trung tâm thương nghiệp thành phố, thị xã và giá mua nông sản, thực phẩm của dân (lương thực, cà phê, bông, chè...) phù hợp với phẩm chất, quy cách từng mặt hàng tại các điểm mua.
Điều 13. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Hội đồng Bộ trưởng trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã Ký) |
- 1Quyết định 28/VGCP-TLSX năm 1995 về giá bán điện do Trưởng Ban vật giá Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 02/LB-VGCP-GTVT năm 1995 về việc quản lý cước phí vận tải và cước phí cảng sông do Ban vật Giá Chính Phủ - Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành
- 3Thông tư liên tịch 04/1999/TTLT/BVG-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý giá các sản phẩm dụng cụ chỉnh hình được thanh toán bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn tài trợ của dự án nước ngoài do Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định 137-HĐBT năm 1992 về quản lý giá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 137-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/04/1992
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 27/04/1992
- Ngày hết hiệu lực: 14/01/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra