LIÊN TỊCH BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/1999/TTLT-BVG-BLĐTBXH | Hà nội, ngày 29 tháng 7 năm 1999 |
Thực hiện điểm 2, điều 4, Quyết định số 137-HĐBT ngày 24/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và để thống nhất với Thông tư liên Bộ số: 06/TTLB ngày 10/7/1993 của liên Bộ Ban Vật giá Chính phủ và Bộ tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý giá những hàng hóa, dịch vụ được thực hiện chính sách trợ giá và đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao; sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính tại công văn số: 3232 TC/CSTC ngày1/7/1999. Liên tịch Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý giá các loại sản phẩm dụng cụ chỉnh hình được thanh toán bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn tài trợ của các dự án nước ngoài (gọi tắt là nguồn tài trợ) như sau:
1. Dụng cụ chỉnh hình là loại sản phẩm chuyên dùng để trợ giúp phục hồi hoặc thay thế một phần chức năng, hình dạng bộ phận cơ thể của người bị khuyết tật.
2. Dụng cụ chỉnh hình thuộc phạm vi điều chỉnh tại thông tư này là các loại sản phẩm có đủ các điều kiện sau đây:
a. Thuộc các loại sản phẩm:
- Chân giả, tay giả.
- Nẹp chỉnh hình, giầy dép chỉnh hình, áo chỉnh hình, máng đỡ....
- Các loại sản phẩm trợ giúp khác: Xe chuyên dùng cá nhân dành riêng cho người tàn tật, nạng....
- Các loại bán thành phẩm chuyên dùng để sản xuất, lắp ráp các loại sản phẩm dụng cụ chỉnh hình trên đây.
b. Được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để cung cấp cho người tàn tật sử dụng phục vụ sinh hoạt và lao động.
c. Được thanh toán bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn tài trợ.
3. Giá dụng cụ chỉnh hình do cơ quan thẩm quyền quyết định được sử dụng làm căn cứ để:
- Hạch toán chi phí sản xuất và tính toán hiệu qủa sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình.
- Thanh toán tiền dụng cụ chỉnh hình giữa bên đặt mua với cơ sở sản xuất.
- Quyết toán tài chính với ngân sách và với các dự án tài trợ nước ngoài.
4. Trình tự xây dựng, xét duyệt và phân cấp quản lý giá dụng cụ chỉnh hình được quy định cụ thể tại mục II Thông tư liên tịch này.
1. Nguyên tắc xây dựng giá dụng cụ chỉnh hình:
- Góp phần tăng cường quản lý, sử dụng hiệu qủa, đúng chế độ kinh phí ngân sách và tiền tài trợ của các dự án nước ngoài trong việc thực hiện chính sách xã hội đối với người tàn tật.
- Tuân thủ các quy định, các chế độ chính sách liên quan hiện hành.
- Phù hợp với tính chất, đặc điểm thực tế về tổ chức và hoạt động sản xuất dụng cụ chỉnh hình.
- Hoàn lại được các chi phí cần thiết, hợp lý để sản xuất, tiêu thụ dụng cụ chỉnh hình và phù hợp với mặt bằng giá cả thị trường.
2. Các khoản mục chi phí cấu thành và phương pháp xác định.
Giá dụng cụ chỉnh hình được xây dựng cho từng loại sản phẩm cụ thể, bao gồm các khoản mục chi phí cấu thành giá dụng cụ chỉnh hình và phương pháp xác định như sau:
a. Chi phí nguyên vật liệu: là chi phí về các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm để sản xuất một đơn vị sản phẩm dụng cụ chỉnh hình đảm bảo quy cách, chất lượng quy định. Chi phí nguyên vật liệu được tính như sau:
Vj = Σ Mvi . Gi
Vj: Chi phí nguyên vật liệu để sản xuất 01 đơn vị sản phẩm J
Mvi: Định mức nguyên vật liệu loại i để sản xuất sản phẩm j
Gi: Đơn giá nguyên vật liệu loại i, là giá mua thực tế theo hóa đơn của người bán hàng.
b. Chi phí tiền lương và bảo hiểm: là chi phí cho người lao động trực tiếp để sản xuất một đơn vị sản phẩm đảm bảo quy cách, chất lượng quy định, bao gồm tiền lương, bảo hiểm và các khoản chi khác để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định được tính vào chi phí sản xuất. Chi phí tiền lương được tính như sau:
Lj = Mlj . Glj . (1 + Hbh)
Lj: Chi phí tiền lương để sản xuất 01 đơn vị sản phẩm j
Mlj: Định mức lao động (giờ) để sản xuất sản phẩm j
Glj: Đơn giá lương giờ của công nhân chỉnh hình theo các chế độ, chính sách quy định hiện hành.
Hbh: Chi phí bảo hiểm các loại tính bằng tỷ lệ % tiền lương sản phẩm để đóng cho người lao động theo quy định.
c. Chi phí năng lượng: là chi phí về điện năng vận hành các máy móc,thiết bị trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm. Chi phí năng lượng được xác định như sau:
Nj = Σ ti . mi . Gn
Nj: Chi phí năng lượng để sản xuất 01 đơn vị sản phẩm J
ti: Thời gian sản xuất sản phẩm J được thực hiện trên loại máy i: Σ ti ≤ Mlj
mi = Công suất điện tiêu thụ của loại máy i
Gn: Đơn giá tiền điện
d. Chi phí khấu hao tài sản cố định: là chi phí để sửa chữa, khôi phục về mặt giá trị các tài sản cố định của xưởng chỉnh hình (máy, thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển....) tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Chi phí khấu hao tài sản cố định trong giá dụng cụ chỉnh hình được xác định như sau:
Kj = | Tổng mức trích KHTSCĐ trung bình hàng năm theo quy định | x Lj |
Tổng quỹ lương công nhân chỉnh hình |
Kj: Chi phí khấu hao TSCĐ phân bổ cho 01 đơn vị sản phẩm j
Lj: Chi phí tiền lương sản phẩm loại j
e. Chi phí quản lý: là các chi phí về hoạt động quản lý sản xuất và tiêu thụ dụng cụ chỉnh hình của xưởng chỉnh hình, bao gồm:
- Chi lương, bảo hiểm và các khoản chi khác theo quy định cho cán bộ quản lý.
- Chi điện, nước, xăng dầu, văn phòng phẩm, công tác phí, hội họp, khánh tiết...
- Chi dụng cụ, phụ tùng thay thế.
- Chi trang bị bảo hộ lao động.
- Chi khác phục vụ công tác quản lý và hoạt động của xưởng chỉnh hình.
Chi phí quản lý được tính như sau:
Qj = | Biên chế quản lý x Định mức chi hành chính đối với đơn vị sự nghiệp | x Lj |
Tổng quỹ lương công nhân chỉnh hình |
Qj: Chi quản lý phân bổ cho 01 đơn vị sản phẩm loại j
Lj: Chi phí tiền lương sản phẩm loại j
f. Chi phí thương phẩm cấp kèm dụng cụ chỉnh hình: là chi phí về các loại thương phẩm được mua trên thị trường (giầy, tất, băng bao mỏm cụt,....)được cấp kèm để sử dụng cùng với DCCH theo quy định. Khoản chi phí này đơn vị đặt hàng và cơ sở sản xuất thanh toán trực tiếp với nhau theo hóa đơn mua thực tế.
g. Chi phí đo trả dụng cụ chỉnh hình ngoại viện: là các chi phí cho việc cung cấp dụng cụ chỉnh hình tại địa phương nơi đối tượng cư trú, phục vụ các đối tượng không có điều kiện, khả năng tới lắp dụng cụ chỉnh hình tại các cơ sở sản xuất.
Khoản mục chi phí này chỉ áp dụng đối với các dụng cụ chỉnh hình được đo và trả tại các địa phương, trên cơ sở các chi phí về xăng, xe, lao động đi đo khám và trả dụng cụ chỉnh hình, đặc điểm địa bàn phục vụ, chế độ công tác phí hiện hành... để xác định phù hợp với nhu cầu thực tế từng đơn vị.
h. Lợi nhuận định mức: Tính trong giá dụng cụ chỉnh hình do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quyết định sau khi trao đổi với Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính.
i. Thuế giá trị gia tăng: áp dụng mức thuế suất 5% và thực hiện theo phương pháp khấu trừ thuế. Việc hạch toán thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Duyệt, ban hành giá dụng cụ chỉnh hình:
a. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các nguyên tắc xây dựng giá dụng cụ chỉnh hình, các khoản mục chi phí cấu thành và phương pháp xác định được quy định tại điểm 2 và 3, mục II Thông tư này hướng dẫn các cơ sở xây dựng giá, duyệt ban hành giá dụng cụ chỉnh hình và gửi Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính để cùng phối hợp theo dõi, kiểm tra thực hiện.
b. Đối với các dụng cụ chỉnh hình được thanh toán bằng nguồn tiền tài trợ thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng giá dụng cụ chỉnh hình, các khoản mục chi phí cấu thành và phương pháp xác định tại điểm 2 và 3, mục II Thông tư này và văn bản thỏa thuận ký với các tổ chức tài trợ nước ngoài để duyệt, ban hành giá dụng chỉnh hình thực hiện đối với các dự án.
c. Trong trường hợp giá cả thị trường có biến động hoặc các chế độ, chính sách liên quan có sự thay đổi thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ đề nghị của các đơn vị để xem xét, duyệt điều chỉnh giá dụng cụ chỉnh hình cho phù hợp và gửi Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính biết.
4. Trách nhiệm quản lý giá dụng cụ chỉnh hình:
a. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng giá các loại sản phẩm dụng cụ chỉnh hình.
- Duyệt, ban hành và quản lý giá dụng cụ chỉnh hình theo quy định tại thông tư này.
b. Ban Vật giá Chính phủ:
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá dụng cụ chỉnh hình.
c. ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Kiểm tra các cơ quan, cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình chấp hành chính sách giá, cơ chế quản lý giá và giá dụng cụ chỉnh hình.
- Quản lý, sử dụng hiệu qủa, đúng chế độ và thanh toán, quyết toán kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình theo quy định.
d. Các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình:
- Căn cứ các quy định của Nhà nước và Thông tư này lập phương án giá trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.
- Tiêu thụ dụng cụ chỉnh hình đúng chủng loại, số lượng, chất lượng theo chỉ định y học và không vượt quá mức giá được duyệt.
- Sử dụng, hạch toán các khoản mục chi phí cấu thành đúng với các quy định hiện hành.
- Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất dụng cụ chỉnh hình và quyết toán tài chính hàng năm với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các địa phương, cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG | TRƯỞNG BAN |
Thông tư liên tịch 04/1999/TTLT/BVG-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý giá các sản phẩm dụng cụ chỉnh hình được thanh toán bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn tài trợ của dự án nước ngoài do Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 04/1999/TTLT/BVG-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 29/07/1999
- Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyễn Đình Lưu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/08/1999
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực