Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2000/TTLT-BGTVT-TCBĐ

Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 07/2000/TTLT-GTVT-BĐ NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THÔNG TIN BƯU ĐIỆN TRONG PHẠM VIBẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 02/12/1994;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 03 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;
Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về bưu chính và viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 167/1999/NĐ-CP ngày 26/11/1999 của Chính phủ về tổ chức quản lý đường bộ,
Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Bưu điện thống nhất hướng dẫn một số nội dung về việc xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ như sau:

I. QUI ĐỊNH CHUNG

1.1. Nguyên tắc chung là công trình thông tin bưu điện không xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ để tránh phải di dời công trình thông tin bưu điện khi sửa chữa, nâng cấp và mở rộng công trình giao thông đường bộ.

1.2. Công trình thông tin bưu điện chỉ được xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ khi đã được Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

1.3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông được ưu tiên sử dụng phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ để xây dựng công trình thông tin bưu điện nếu không ảnh hưởng lớn tới chất lượng công trình giao thông đường bộ và hoạt động vận tải trên đường bộ.

1.4. Tổ chức, cá nhân được Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cho phép xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi thực hiện; sau khi hoàn thành phải kịp thời khôi phục nguyên trạng công trình giao thông đường bộ. Đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc khôi phục nguyên trạng và chất lượng của công trình giao thông đường bộ.

1.5. Việc xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ ngoài việc thực hiện theo Thông tư này còn phải áp dụng Thông tư số 213/2000/TT-BGTVT ngày 31/5/2000 của Bộ giao thông vận tải.

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THÔNG TIN BƯU ĐIỆN TRONG PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

2.1. Trường hợp địa hình khó khăn, phức tạp, để tạo thuận lợi cho việc xử lý kỹ thuật khi xây dựng cũng như quản lý, khai thác và bảo quản, công trình thông tin bưu điện được phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông khi đi qua các vị trí sau đây:

a. Qua đô thị, khu đông dân cư: Công trình thông tin bưu điện đi trên hè phố, trong phạm vi từ mép mặt đường ra phía hành lang bảo vệ công trình đường bộ (vị trí cụ thể ghi trong văn bản đồng ý đã được thống nhất giữa cơ quan quản lý công trình giao thông và chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện).

b. Qua vách núi cao, vực sâu, mép sông, ao hồ đầm lầy: Công trình thông tin bưu điện được phép đi trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ. Công trình thông tin bưu điện là tuyến cáp treo thì vị trí chôn cột phải đảm bảo khoảng cách đến vai đường bằng chiều dài cột. Khi địa hình không cho phép đảm bảo yêu cầu trên thì vị trí chôn cột cụ thể sẽ do đơn vị quản lý trực tiếp công trình giao thông xem xét quyết định với mục đích vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng công trình thông tin bưu điện.

c. Qua sông, suối lớn:

- Thiết kế kỹ thuật cầu qua sông, suốt đủ đảm bảo để bố trí công trình thông tin bưu điện thì cho phép công trình thông tin bưu điện được kết hợp vào cầu. Trường hợp này phải có thiết kế kỹ thuật chi tiết và đã được cơ quan quản lý dự án hoặc cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận.

- Thiết kế kỹ thuật cầu qua sông, suối không đảm bảo để bố trí công trình thông tin bưu điện kết hợp thì cho phép xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình cầu (các yếu tố kỹ thuật của công trình thông tin bưu điện có liên quan đến an toàn công trình giao thông sẽ do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét giải quyết).

Các trường hợp trên chỉ được tiến hành xây dựng khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông xem xét và đồng ý bằng văn bản ngay từ khi lập dự án.

d. Trường hợp công trình thông tin bưu điện bắt buộc phải sử dụng phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ thì trước khi lập dự án công trình thông tin bưu điện, đơn vị thiết kế công trình thông tin bưu điện hoặc chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện phải lấy ý kiến thoả thuận của cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt, hai bên cùng tiến hành thị sát hiện trường, thống nhất bằng biên bản về vị trí, về các yêu cầu kỹ thuật đối với công trình thông tin bưu điện.

2.2. Thẩm quyền xem xét cho phép xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ:

Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét đồng ý bằng văn bản xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ do mình quản lý.

Cụ thể như sau:

Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý hệ thống quốc lộ; Cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý một số đoạn tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải giao; Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý một số đoạn tuyến, tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải giao.

- UBND cấp tỉnh trực tiếp quản lý các hệ thống đường tỉnh và đường đô thị. Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính) trực tiếp quản lý các đoạn tuyến quốc lộ mà Bộ Giao thông vận tải đã giao cho UBND cấp tỉnh các tuyến (hoặc đoạn) đường đô thị, đường tỉnh quan trọng.

- UBND cấp huyện quản lý đối với đường trong phạm vi huyện. Cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các đường tỉnh và đường đô thị được UBND cấp tỉnh giao; quản lý hệ thống đường huyện.

- UBND cấp xã quản lý đường xã trong phạm vi xã.

- Tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quản lý đường chuyên dùng của mình theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, có trách nhiệm xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền khi chủ công trình thông tin bưu điện đề nghị xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ và thông báo bằng văn bản với Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính sở tại.

Khi thi công các hạng mục ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ phải được Cục đường bộ Việt Nam cấp phép thi công đối với Quốc lộ; được Sở giao thông vận tải cấp phép thi công đối với các đường địa phương.

2.3. Khi đề nghị được xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ, chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình thông tin bưu điện cần xuất trình cho cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền các tài liệu sau:

- Công văn đề nghị của chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện.

- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật của công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ (đã được cấp có thẩm quyền duyệt).

- Hồ sơ thiết kế tổ chức thi công và biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho công trình giao thông khi thi công công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông.

- Bản cam kết của chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện gồm các cam kết:

+ Đảm bảo kịp thời khôi phục nguyên trạng và chất lượng của công trình giao thông đường bộ sau khi hoàn thành công trình xây dựng công trình thông tin bưu điện.

+ Đảm bảo trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo quản công trình thông tin bưu điện không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông đường bộ, nếu làm hư hỏng phải hoàn trả như cũ.

+ Khi công trình giao thông đường bộ được sửa chữa, mở rộng, cải tạo nâng cấp, chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện có trách nhiệm tiến hành gia cố hoặc di dời công trình thông tin bưu điện.

2.4. Thời hạn nghiên cứu xem xét trả lời đối với việc xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ không được quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ như đã nêu trên (Trừ trường hợp phải đi thị sát hiện trường).

2.5. Đơn vị xây dựng công trình thông tin bưu điện phải thi công theo thiết kế đã được phê duyệt và những nội dung ghi trong văn bản cho phép.

Trước khi thi công 15 ngày, đơn vị xây dựng công trình thông tin bưu điện phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ biết để phối hợp, tạo điều kiện và giám sát.

2.6 Công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ phải chịu sự giám sát, kiểm tra của đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ trong suốt quá trình thi công xây dựng cũng như quá trình thi công phục hồi nguyên trạng của công trình giao thông đường bộ.

2.7. Kinh phí thẩm định cho phép xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ và kinh phí giám sát của chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ được thanh quyết toán với chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện theo quy định hiện hành.

2.8. Sau khi thi công công trình thông tin bưu điện, chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình thông tin bưu điện có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng công trình giao thông đường bộ, đơn vị xây dựng công trình thông tin bưu điện và đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ phải tiến hành nghiệm thu chất lượng cũng như bàn giao lại mặt bằng công trình bằng văn bản cụ thể.

Để có sự phối hợp tốt công tác quản lý công trình thông tin bưu điện cũng như công trình giao thông đường bộ, chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện giao 01 bộ hồ sơ hoàn công có bình đồ, vị trí, kích thước của công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ cho cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ.

2.9. Khi công trình giao thông đường bộ hoặc công trình thông tin bưu điện có yêu cầu sửa chữa, nâng cấp cải tạo, mở rộng thì cơ quan quản lý công trình đó phải báo trước cho chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình kia với thời gian ít nhất 30 ngày.

Trường hợp không có khả năng di dời công trình thông tin bưu điện ra khỏi phạm vi yêu cầu thì chủ đầu tư công trình hoặc cơ quan quản lý công trình thông tin bưu điện phối hợp với cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ thống nhất biện pháp xử lý.

Trong trường hợp công trình hư hại do bất khả kháng, cần sửa chữa gấp thì đơn vị quản lý công trình đó phải kịp thời thông báo cho đơn vị quản lý công trình kia trong thời gian không quá 48 giờ để thống nhất biện pháp khôi phục.

Kinh phí di dời, khắc phục công trình thông tin bưu điện do chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện hoặc đơn vị quản lý công trình thông tin bưu điện chịu trách nhiệm.

Sau 30 ngày thông báo để sửa chữa nâng cấp, mở rộng công trình giao thông đường bộ và sau 01 ngày thông báo để sửa chữa hư hại công trình giao thông đường bộ do thiên tai gây ra mà chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện, đơn vị quản lý công trình thông tin bưu điện không có biện pháp khắc phục công trình thông tin bưu điện thì đơn vị thi công công trình giao thông đường bộ sẽ không chịu trách nhiệm về mọi hư hỏng của công trình thông tin bưu điện.

2.10. Khi có kế hoạch thực hiện các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ thì chủ đầu tư các công trình giao thông đường bộ sẽ thông báo cho chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình thông tin bưu điện để kết hợp thiết kế.

2.11. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định trong Thông tư này; gây cản trở trong quá trình thực hiện dự án công trình thông tin bưu điện; gây khó khăn cho công tác quản lý khai thác, sửa chữa, nâng cấp mở rộng công trình giao thông đường bộ; gây hư hại cho công trình giao thông đường bộ, công trình thông tin bưu điện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

3.2. Các quy định trước đấy của Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục Bưu điện trái với nội dung Thông tư này bị bãi bỏ.

3.3. Tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng và quản lý công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ, các đơn vị quản lý công trình giao thông đường bộ và các đơn vị khác có liên quan có trách nhiệm thực hiện nội dung Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải phản ánh về Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Bưu điện để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Nguyễn Huy Luận

(Đã ký)

Phạm Quang Tuyến

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 07/2000/TTLT-GTVT-BĐ hướng dẫn xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 07/2000/TTLT-BGTVT-TCBĐ
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/12/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Huy Luận, Phạm Quang Tuyến
  • Ngày công báo: 28/02/2001
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 18/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản