Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP-NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-TT-LB

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1956 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

VỀ THỂ LỆ QUẢN LÝ TIỀN MẶT CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP

Để chấp hành nghị định số 169-TTg ngày 1-5-1952 và thông tư số 622-TTg ngày 27-11-1955 của Thủ Tướng Chính phủ về quản lý tiền mặt, Liên Bộ Công nghiệp,  Ngân hàng Quốc gia quy định biện pháp thực hiện việc quản lý tiền mặt đối với các xí nghiệp quốc doanh thuộc Bộ Công nghiệp, theo các điều mục sau đây:

MỤC I: MỞ TÀI KHOẢN VÀ TẬP TRUNG TIỀN MẶT VÀO NGÂN HÀNG

Điều 1: Tất cả các Cục, Phân Cục, Sở, các xí nghiệp quốc doanh, các phân xưởng thuộc Bộ Công nghiệp có kế toán tài chính độc lập đều phải mở tài khoản, gửi kinh phí tiền mặt và séc vào Ngân hàng.

Mỗi xí nghiệp, mỗi đơn vị có thể mở một hoặc nhiều tài khoản tuỳ theo tính chất hoạt động của mỗi đơn vị.

Điều 2: Các xí nghiệp lợi ích công cộng, các xí nghiệp sản xuất có thu nhập tiền mặt hay séc, hàng ngày phải nộp tất cả tiền mặt và séc đã thu được vào Ngân hàng, không được giữ tại quỹ quá mức đã định. Những xí nghiệp các thành phố lớn hoặc ở xa Ngân hàng trong vòng 10 cây số, phải nộp tiền thu hàng ngày vào Ngân hàng, chậm nhất là ngày hôm sau.

Đối với những xí nghiệp ở xa Ngân hàng ngoài 10 cây số, sẽ tuỳ theo xa gần và số tiền thu nhập hàng ngày mà Ngân hàng địa phương và xí nghiệp ấn định mức tiền và thời gian nộp.

Điều 3: Việc sắp xếp đóng gói bạc, dựa theo quy cách của Ngân hàng đã quy định.

Điều 4: Hàng quý và hàng tháng các xí nghiệp phải lập kế hoạch thu chi tiền mặt gửi cho Ngân hàng và cung cấp cho Ngân hàng các tài liệu về sản xuất và tiêu thụ để Ngân hàng có cơ sở thẩm tra lại kế hoạch tiền mặt của đơn vị cho chính xác. Kế hoạch tiền mặt phải làm đúng theo mẫu và các mục trong mẫu của Ngân hàng đã quy định.

Khi có những khoản chi tiêu bất thường chưa ghi vào kế hoạch thì đơn vị phải làm kế hoạch bổ sung gửi cho Ngân hàng.

MỤC II:THANH TOÁN BẰNG CHUYỂN KHOẢN VÀ CHUYỂN TIỀN

Điều 5: Mỗi khoản giao dịch mua bán giữa xí nghiệp với các công ty Mậu dịch quốc doanh, các cơ quan, đoàn thể, bộ đội hay giữa xí nghiệp với nhau đều phải thanh toán bằng chuyển khoản của Ngân hàng, nhất thiết không được cho nhau vay mượn, trả nợ, thanh toán bằng tiền mặt.

Để tiết giảm chi tiêu tiền mặt, tất cả các nguyên vật liệu, máy móc dụng cụ phải tranh thủ mua của Mậu dịch và xí nghiệp quốc doanh để thanh toán bằng chuyển khoản; trường hợp các xí nghiệp Nhà nước không có hàng mới mua ở ngoài.

Điều 6: Mỗi việc điều động vốn của Bộ, các Cục cho xí nghiệp hoặc từ xí nghiệp này cho xí nghiệp khác đều phải qua Ngân hàng, không được chuyển vận tiền mặt.

Ở những tỉnh mà Ngân hàng không có kho phát hành, các xí nghiệp được chuyển vận tiền mặt đến nơi đó hoặc từ nơi đó đi. Đến nơi, xí nghiệp phải gửi ngay số tiền mặt đó vào Ngân hàng để rút ra chi tiêu theo kế hoạch, không được giữ tại xí nghiệp.

Điều 7: Khi có những việc xin trích tài khoản thanh toán giữa các Cục, các xí nghiệp với nhau hay với cơ quan đơn vị khác có tài khoản ở Ngân hàng, Ngân hàng phải đảm bảo thanh toán nhanh chóng, chậm lắm là ngày hôm sau phải làm xong các thủ tục (trừ ngày nghỉ) và gửi giấy báo cáo cho các đơn vị hữu quan biết.

Điều 8: Mỗi khi các xí nghiệp xin trích tài khoản để chuyển tiền, Ngân hàng phải làm xong các thủ tục, chậm lắm là hết ngày hôm sau (trừ ngày nghỉ) phải gửi xong giấy chuyển tiền đi.

Khi nhận được giấy chuyển tiền đến cho các xí nghiệp, Ngân hàng phải ghi ngay vào tài khoản cho các xí nghiệp được hưởng và ngày hôm sau (trừ ngày nghỉ) phải gửi giấy "báo có" cho các xí nghiệp ấy.

Điều 9: Tuỳ theo điều kiện và sự thoã thuận của các cơ quan, xí nghiệp, Ngân hàng có thể ký hợp đồng với các xí nghiệp, cơ quan đương sự, đứng trung gian thanh toán nợ nần trong việc giao dịch mua bán với nhau để đảm bảo việc thanh toán được kịp thời, đẩy nhanh luân chuyển vốn của các xí nghiệp.

MỤC III: RÚT TIỀN MẶT VÀ MỨC TIỀN GIỮ TẠI QUỸ

Điều 10: Căn cứ vào kế hoạch thu chi tiền mặt và số tiền tồn khoản của mỗi xí nghiệp, Ngân hàng phải đảm bảo cấp phát tiền mặt cho các xí nghiệp trên nguyên tắc tiết kiệm tiền mặt đúng mức.

Các xí nghiệp dựa theo chế độ phát lương cho cán bộ, công nhân viên trong xí nghiệp mình và số người hiện diện mà rút tiền dần về dự chi, không rút quá mức. Số tiền lương của cán bộ công nhân viên đi công tác vắng lâu ngày thì chưa nên rút về đọng tại quỹ.

Điều 11: Để đảm bảo việc chi tiêu lặt vặt hàng ngày, các xí nghiệp được giữ tại quỹ một số tiền mặt, dự chi đúng trong 3 ngày đối với các xí nghiệp ở trong thành phố còn các xí nghiệp ở ngoài thành phố thì tuỳ theo ở xa hay gần Ngân hàng mà quy định mức giữ quỹ cho sát khỏi trở ngại đến hoạt động của xí nghiệp. Các xí nghiệp và Ngân hàng địa phương căn cứ vào phạm vi hoạt động và tình hình chỉ tiêu thực tế của mỗi xí nghiệp mà thảo luận với mỗi xí nghiệp ấn định mức cho hợp lý.

Điều 12: Ngân hàng có nhiệm vụ theo dõi kiểm tra tồn quỹ của các xí nghiệp. Trường hợp số tiền giữ tại quỹ lên quá mức đã quy định, Ngân hàng phải đôn đốc nộp. Khi đã đôn đốc nộp nhiều lần mà xí nghiệp không chịu thực hiện. Ngân hàng lập biên bản báo cáo lên trên (Ngân hàng trung ương, Bộ Công nghiệp) để giúp đỡ giải quyết.

Điều 13: Các xí nghiệp có trách nhiệm theo dõi mức tồn quỹ của xí nghiệp mình, không để đọng tiền mặt quá mức tại quỹ.

Các Cục thuộc Bộ Công nghiệp có trách nhiệm đôn đốc giúp đỡ các xí nghiệp thực hiện đúng đắn việc nộp tiền vào hoặc rút tiền ra, nhằm sử dụng và luân chuyển vốn Nhà nước một cách hợp lý và có lợi.

Điều 14: Khi có những khoản chi tiêu lớn bất thường, ngoài dự trù phải có sự thoả thuận của Ngân hàng mới được rút tiền mặt, nhất thiết không được dùng tiền mặt mới thu vào để chi ra, không qua Ngân hàng. Căn cứ theo đề nghị của đơn vị, Ngân hàng có thể xét và cấp phát trước khi có kế hoạch bổ sung để điều khiển lại kế hoạch.

Điều 15: Hàng tháng Ngân hàng phải gửi cho xí nghiệp bản sao kê tài khoản để tiện cho việc theo dõi tình hình thu chi và tồn khoản của xí nghiệp.

MỤC IV: THỜI HẠN LẬP VÀ GỬI KẾ HOẠCH

Điều 16: Thời hạn lập và gửi kế hoạch cho Ngân hàng quy định như sau:

1) Bộ Công nghiệp cung cấp cho Ngân hàng Trung ương những tài liệu và chi tiêu về sản xuất và tiêu thụ của các xí nghiệp thuộc Bộ (từng quý và năm). Các chi tiêu từng quý gửi  vào tuần kỳ 3 của tháng cuối quý trước.

2) Các xí nghiệp phải gửi đến Ngân hàng địa phương nơi chịu sự quản lý:

- Kế hoạch thu chi tiền mặt hàng tháng chia ra tuần kỳ 10 ngày một.

- Kế hoạch sản xuất từng quý chia ra từng tháng.

- Kế hoạch thu chi tiền mặt hàng tháng gửi vào ngày 25 tháng trước.

- Kế hoạch sản xuất từng quý gửi vào tuần kỳ 3 của tháng cuối quý trước.

Điều 17: Ngân hàng phải đảm bảo giữ bí mật cho các kế hoạch của xí nghiệp.

Điều 18: Chế độ quản lý tiền mặt là một pháp lệnh của Chính phủ, các Cục, các xí nghiệp và các chi nhánh Ngân hàng có trách nhiệm thi hành và coi đó là một kỷ luật tài chính.

Để cho việc thi hành thông tư này được thích hợp với tình hình nghiệp vụ, Bộ Công nghiệp và Ngân hàng Trung ương sẽ ra chỉ thị quy định những biện pháp cụ thể áp dụng những nguyên tắc đã nêu lên.

Các xí nghiệp, các chi nhánh Ngân hàng đặt kế hoạch cụ thể sát với hoàn cảnh từng nơi, từng xí nghiệp, đề ra nội quy công tác chi tiết được Ủy ban Hành chính địa phương thông qua để thi hành.

BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG NGHIỆP




Lê Thanh Nghị

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG
QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liện tịch 05-TT-LB năm 1956 thể lệ quản lý tiền mặt của các xí nghiệp quốc doanh thuộc Bộ Công nghiệp do Bộ công nghiệp - Ngân hàng Quốc gia ban hành

  • Số hiệu: 05-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 21/11/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp, Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Thanh Nghị, Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 06/12/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản