Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ NỘI VỤ - BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ LÂM NGHIỆP – TỔNG CỤC HẢI QUAN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 03/TTLN

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC VÀ TIN BÁO TỘI PHẠM

Để thi hành các quy định của Luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm, để các cơ quan bảo vệ pháp luật nắm được tình hình, có kế hoạch chủ động phòng ngừa và kịp thời đấu tranh, không bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Tố giác và tin báo về tội phạm là những thông tin về tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự do công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (gọi tắt là người, cơ quan, tổ chức) cung cấp cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết, do các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên hoặc do người phạm tội tự thú.

- Tố giác và tin báo về tội phạm có thể được thể hiện bằng các hình thức thông tin.

2. Cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tố giác có tin báo về tội phạm nêu trong thông tư này bao gồm: cơ quan điều tra của lực lượng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (bao gồm cả Viện kiểm sát quân sự). Quân đội nhân dân; các cơ quan khác trong lực lượng ANND, CSND, QĐND, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

+ Việc tiếp nhận và giải quyết các tố giác và tin báo về tội phạm phải tuân theo những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự. Nếu xét thấy không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì phải báo hoặc chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó: không được vì bất cứ lý do gì mà từ chối việc tiếp nhận giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm. Mọi trường hợp không làm hoặc làm trái các quy định về tiếp nhận giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm phải được xem xét, quy trách nhiệm rõ ràng.

3. Các cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm có trách nhiệm trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã cung cấp tin. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, người cung cấp tin yêu cầu giữ bí mật thì phải giữ bí mật cho họ.

4. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm của cơ quan nói ở điểm 2 mục I của thông tư này.

II. NHIỆM VỤ TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC VÀ TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM:

1. Cơ quan điều tra:

+ Đối với tố giác và tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình, được quy định trong các điều 9, 12, 15, 18 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự thì cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Quân đội nhân dân phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự.

+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và các tố giác và tin báo khác về tội phạm do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân giao cho.

+ Những tố giác và tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

+ Các cơ quan điều tra thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về tình hình tiếp nhận và các quyết định giải quyết hoặc chuyển việc đó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Viện kiểm sát nhân dân:

- Khi nhận được tố giác và tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm:

+ Chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

+ Yêu cầu khởi tố hoặc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

- Thông báo kết quả giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm đã được xử lý hoặc chưa được giải quyết cho các cơ quan, tổ chức, người đã cung cấp tin cho Viện kiểm sát nhân dân.

- Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm thống kê tổng hợp tình hình kết quả giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm.

3. Các cơ quan khác trong lực lượng ANND, CSND, QĐND, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

+ Các cơ quan khác trong lực lượng ANND, CSND, QĐND, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các tố giác và tin báo về tội phạm đối với những tội thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình, quy định trong các điều 10, 13, 16, 27, 28, 29 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.

+ Nếu là vụ việc phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra thì chuyển đến Cơ quan điều tra giải quyết. Khi Cơ quan điều tra có yêu cầu thẩm tra, xác minh thì theo chức năng được giao mà thực hiện các yêu cầu đó.

4. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Tố giác và tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Tố giác và tin báo về tội phạm nếu chưa rõ thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì Viện kiểm sát ghi nhận, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

III. THỦ TỤC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC VÀ TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM:

1. Tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm:

+ Các Cơ quan điều tra có trách nhiệm tổ chức thường trực để tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp.

+ Trường hợp công dân, cơ quan, tổ chức đến tố giác và báo tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra (hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), phải ghi nhận nguồn tin, trực tiếp giải quyết những tin thuộc thẩm quyền của mình; nếu tin đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình thì sau khi tiếp nhận tin cần hướng dẫn người báo tin đến đúng cơ quan có thẩm quyền để báo tin, nếu xét việc này không gây khó khăn cho người báo tin hoặc không làm ảnh hưởng đến việc điều tra, xác minh, ngăn chặn ngay tội phạm; trường hợp cần phải ngăn chặn ngay tội phạm thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời.

+ Trường hợp nhận được tố giác và tin báo về tội phạm qua đơn thư thì phải tiếp nhận và đăng ký vào sổ để giải quyết.

+ Khi công dân trực tiếp đến tố giác và báo tin về tội phạm thì phải tiếp nhận và ghi vào sổ (nếu là tin quan trọng thì có thể ghi âm, ghi hình, chụp ảnh… bí mật) đồng thời lập biên bản có chữ ký của người đến báo tin.

+ Trường hợp người phạm tội đến tự thú, thì ghi lời tự thú vào sổ, lập biên bản ghi lời khai sơ bộ (có chữ ký của người đến tự thú), sau đó báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

+ Mọi trường hợp phân loại và giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm đều phải do thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định.

2. Thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm:

+ Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm có trách nhiệm thông báo cho công dân, cơ quan, tổ chức đã báo tin biết: kết quả giải quyết hay đã chuyển tin đến cơ quan, đơn vị nào giải quyết.

3. Những điều kiện đảm bảo việc tiếp nhận giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm:

+ Các Cơ quan điều tra (của lực lượng Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) phải tổ chức thường trực để tiếp nhận đầy đủ và giải quyết mọi tố giác và tin báo về tội phạm. Trụ sở tiếp nhận phải đặt ở địa điểm thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết. Các cơ quan khác trong lực lượng ANND, CSND, QĐND, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần phân công người tiếp nhận và giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm.

+ Các ngành nêu trong thông tư này áp dụng thống nhất các loại mẫu biểu, sổ sách: “Tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm”; Mẫu “Thống kê tố giác và tin báo về tội phạm”; “Thông báo kết quả giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm”; “Chế độ thông tin, thông báo giữa các ngành”.

+ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì cùng với các ngành hữu quan tổ chức nghiên cứu thống nhất các biểu mẫu nói trên để các ngành ban hành thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

+ Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có nhiệm vụ thông báo tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hàng ngày (đ/v cấp Huyện, Thị), hàng tháng (đ/v cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương) và hàng quý (đ/v cấp TW qua họp liên ngành). Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải có sổ ghi chép cụ thể, chính xác và có trách nhiệm thông báo tình hình chung trong các cuộc họp giao ban.

+ Thủ trưởng các cơ quan khác trong lực lượng ANND, CSND, QĐND, đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tổng hợp số vụ đã khởi tố và không khởi tố thông qua việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm gởi đến Cơ quan điều tra của ngành mình theo định kỳ (tháng quý năm). Cơ quan điều tra từng ngành có trách nhiệm tổng hợp gởi đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

+ Thủ trưởng cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân biết việc tiếp nhận giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm ở cơ quan, đơn vị mình.

+ Viện kiểm sát nhân dân chịu trách nhiệm tổng hợp số vụ phạm tội hình sự thuộc phạm vi địa phương mình thông qua việc tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm để báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tổng hợp số liệu chung trong cả nước. Báo cáo này thực hiện theo chế độ báo cáo thống kê hình sự liên ngành quy định tại Quyết định 06/LN (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm).

+ Căn cứ thông tư này, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm những vấn đề cụ thể để các đơn vị trong ngành mình thực hiện.

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Hà Mạnh Trí

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỦ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC





Phạm Tâm Long

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LÂM NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên ngành 03/TTLN năm 1992 hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo tội phạm do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng - Bộ Lâm nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 03/TTLN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 15/05/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Hà Mạnh Trí, Phạm Tâm Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản