Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/LB-TT

Hà Nội , ngày 02 tháng 6 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH SỐ 20/LB-TT NGÀY 2 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

Thi hành Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời về chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mọi sản phẩm, dịch vụ phải có định mức lao động và đơn giá tiền lương.

Những sản phẩm trọng yếu, sản phẩm đặc thù, sản phẩm do Nhà nước định giá trong các doanh nghiệp Nhà nước đơn giá tiền lương theo quy định của Nhà nước.

Các sản phẩm còn lại đơn giá tiền lương do doanh nghiệp quyết định nhưng phải theo hướng dẫn thống nhất và đăng ký với cơ quan Nhà nước.

Đơn giá tiền lương được xác định trên cơ sở định mức lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/LĐ-TT ngày 30/1/1982 của Bộ Lao động và các thông số tiền lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng không tính vào đơn giá tiền lương.

Khi có sự thay đổi về định mức lao động và tiền lương thì đơn giá tiền lương được xác định lại.

2. Quỹ tiền lương thực hiện gồm:

- Quỹ tiền lương tính theo đơn giá và kết quả sản xuất, kinh doanh;

- Quỹ tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng.

Riêng đối với các doanh nghiệp xác định đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm còn có quỹ tiền lương bổ sung cho thời gian không tham gia sản xuất theo chế độ của Nhà nước.

Tổng quỹ tiền lương nói trên là chi phí hợp lệ trong giá thành sản phẩm và phí lưu thông để trả công lao động, đồng thời làm căn cứ xác định lợi tức chịu thuế của doanh nghiệp.

3. Nhà nước không hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp thực hiện chế độ tiền lương mới. Việc trả lương phải theo kết quả sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước không được thấp hơn mức quy định hiện hành (kể cả thuế lợi tức); nộp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước thực hiện quản lý quỹ tiền lương gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh như sau:

- Đối với doanh nghiệp có lãi, trên cơ sở quỹ tiền lương theo đơn giá được duyệt, doanh nghiệp dự tính lợi nhuận thực hiện và có thể đưa phần quỹ tiền thưởng được trích từ lợi nhuận để lại vào đơn giá nội bộ trả lương cho người lao động để khuyến khích sản xuất, kinh doanh nhưng không được vượt quá 1,5 lần so với đơn giá tiền lương được duyệt và quyết toán với Nhà nước.

- Đối với doanh nghiệp không lỗ, thì doanh nghiệp chỉ trả lương tương ứng với mức độ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tiền thưởng (nếu có) chỉ được tính sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.

- Đối với doanh nghiệp bị lỗ (trừ trường hợp do Nhà nước định giá) thì doanh nghiệp chỉ trả lương tương ứng với mức độ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và phải có biện pháp cố gắng bảo đảm thu nhập của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

5. Đối với các công trình xây dựng do Nhà nước cấp vốn, doanh nghiệp phải soát xét tiết kiệm chi phí để có nguồn thực hiện tiền lương mới, Nhà nước không bổ sung thêm chi phí lương vào tổng mức vốn đầu tư xây dựng so với đơn giá dự toán đã được duyệt.

6. Quỹ tiền lương của doanh nghiệp Nhà nước được hình thành từ lợi nhuận còn lại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách và trích lập các quỹ theo quy định của Nhà nước, tối đa không quá 50% quỹ tiền lương thực hiện của doanh nghiệp.

7. Doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan Lao động, Tài chính (và cơ quan thuế) các nội dung sau:

- Đơn giá tiền lương (theo mẫu số 1) và thuyết minh phương pháp tính toán cụ thể;

- Tổng số lao động đang sử dụng, trong đó số đã ký hợp đồng lao động;

- Quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng và thu nhập khá có tính chất lượng (theo mẫu số 2).

II. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

1. Đơn giá tiền lương tính trên đơn vị sản phẩm (hoặc sản phẩm quy đổi)

Đơn giá tiền lương tính trên đơn vị sản phẩm được xác định bằng tổng các thông số a, b, c dưới đây:

a. Tiền lương theo đơn vị sản phẩm ở các nguyên công, công đoạn trong quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm (cá nhân hay tổ đội) bao gồm các tham số:

+ Hệ số và mức lương theo cấp bậc công việc.

+ Định mức lao động (định mức sản lượng, định mức thời gian);

+ Hệ số và mức phụ cấp lương các loại theo quy định của Nhà nước (nếu có) gồm: phụ cấp khu vực; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp làm đêm; phụ cấp thu hút; phụ cấp đắt đỏ và phụ cấp lưu động.

b. Tiền lương trả theo thời gian cho công nhân chính và phụ trợ ở những khâu còn lại trong dây chuyền công nghệ sản phẩm nhưng không có điều kiện trả lương theo sản phẩm, được phân bổ cho đơn vị sản phẩm, bao gồm các tham số:

+ Hệ số và mức lương theo cấp bậc công việc được xác định ở mỗi khâu công việc;

+ Định mức thời gian ở mỗi khâu công việc;

+ Hệ số và mức phụ cấp lương các loại như điểm a (nếu có).

c. Tiền lương của viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ, tiền lương chức vụ và phụ cấp chức vụ của lao động quản lý được phân bổ cho đơn vị sản phẩm, bao gồm các tham số:

+ Hệ số và mức lương bình quân của viên chức chuyên môn, nghiệp vụ thừa hành, phục vụ, tiền lương chức vụ;

+ Định mức lao động của viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ;

+ Hệ số và mức phụ cấp lương các loại như điểm a, kể cả phụ cấp chức vụ (nếu có).

2. Đơn giá tiền lương được tính trên tổng doanh thu trừ (-) tổng chi phí:

Đơn giá tiền lương được xác định theo công thức sau:

 

V kế hoạch

 

Kt1 =

 

 

 

(1)

 

Tổng doanh thu
Kế hoạch

-

Tổng chi phí kế hoạch
(không có tiền lương)

 

Trong đó:

Kt1: là đơn giá tiền lương

+ V kế hoạch: Là quỹ tiền lương kế hoạch tính theo chế độ của doanh nghiệp (không bao gồm tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng) được tính bằng tổng số lao động định biên hợp lý nhân với (x) tiền lương bình quân theo chế độ, kể cả hệ số và mức phụ cấp lương các loại như điểm a (nếu có).

+ Tổng doanh thu kế hoạch: Là tổng doanh thu kế hoạch bao gồm toàn bộ số tiền thu được về tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, kinh doanh, dịch vụ chính và phụ theo quy định của Nhà nước.

+ Tổng chi phí kế hoạch: Là tổng chi phí kế hoạch bao gồm toàn bộ các khoản chi phí hợp lệ; hợp lý trong giá thành sản phẩm và phí lưu thông (chưa có tiền lương) và các khoản phải nộp ngân sách theo quy định hiện hành của Nhà nước (trừ thuế lợi tức).

3. Đơn giá tiền lương tính trên lợi nhuận:

Đơn giá tiền lương được xác định theo công thức sau:

 

 

V kế hoạch

Kt1

=

 

 

 

P kế hoạch

Trong đó:

Kt1; V kế hoạch: Như giải thích ở công thức (1).

+ P kế hoạch: Là lợi nhuận kế hoạch xác định theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Đơn giá tiền lương tính trên doanh thu:

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không ổn định và không thể tính được đơn giá tiền lương theo một trong ba phương pháp như trên.

Đơn giá tiền lương được xác định theo công thức sau:

 

 

V kế hoạch

Kt1

=

 

 

 

Tổng doanh thu kế hoạch

Trong đó:

Kt1; V kế hoạch; Tổng doanh thu kế hoạch như giải thích ở công thức (1).

III. XÁC ĐỊNH QUỸ TIỀN LƯƠNG THỰC HIỆN VÀ QUỸ TIỀN THƯỞNG

1. Xác định quỹ tiền lương thực hiện:

Quỹ tiền lương thực hiện bao gồm (a + b)

a. Quỹ tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng.

b) Quỹ tiền lương thực hiện xác định theo đơn giá tiền lương (tính như quy định ở phần II) và kết quả sản xuất, kinh doanh như sau:


b1.

Quỹ tiền lương thực hiện theo đơn vị sản phẩm


=

Đơn giá tiền lương


x

Tổng sản phẩm hàng hóa thực hiện


+

Quỹ tiền lương bổ sung

Quỹ tiền lương bổ sung là quỹ tiền lương trả cho thời gian không tham gia sản xuất theo chế độ được hưởng lương cho công nhân (chính và phụ cấp) gồm: nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ lễ, nghỉ theo chế độ lao động nữ, hội họp, học tập và làm công tác xã hội...

b2.

Quỹ tiền lương thực hiện theo tổng doanh thu (-) tổng chi phí


=

Đơn
giá tiền lương


x

Tổng doanh thu thực hiện trừ (-) tổng chi phí thực hiện (chưa có tiền lương)

Tổng doanh thu thực hiện và tổng chi phí thực hiện đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm do các nguyên nhân khách quan, được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

b3.

Quỹ tiền
lương
thực hiện


=

Đơn
giá tiền lương


x


Lợi nhuận thực hiện

+ Lợi nhuận thực hiện để xác định quỹ tiền lương thực hiện theo lợi nhuận được tính theo công thức sau:

Tổng doanh thu
hiện thực

-

Tổng chi phí thực hiện
(chưa có tiền lương)

1 + Đơn giá tiềnlương

 

b4.

Quỹ
tiền lương thực hiện doanh thu


=

Đơn
giá tiền lương


x

Tổng
doanh thu
thực hiện

Tổng doanh thu thực hiện nói trên phải loại trừ yếu tố tăng, giảm do nguyên nhân khách quan.

2. Quỹ tiền lương của doanh nghiệp.

Quỹ tiền thưởng (kể cả của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng) được trích từ lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế lợi tức, thanh toán các khoản tiền phạt, công nợ... tối đa không quá 50% quỹ tiền lương thực hiện của doanh nghiệp. Ngoài quỹ tiền thưởng này, doanh nghiệp không được lấy bất kỳ nguồn nào khác để trả lương cho công nhân, viên chức.

Các chế độ tiền thưởng: tiết kiệm vật tư, chất lượng sản phẩm, sáng kiến, doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

IV. TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG GIÁM ĐỐC,PHÓ GIÁM ĐỐC, KẾ TOÁN TRƯỞNG

1. Tiền lương Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng được trả theo lương chức vụ của hạng doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993. Mức trả cụ thể như sau:

- Đối với doanh nghiệp có lãi, doanh nghiệp không lỗ và doanh nghiệp bị lỗ khi thực hiện chính sách kinh tế xã hội do Nhà nước quy đinh, tiền lương của các chức danh nói trên được trả bằng 100% tiền lương chức vụ.

- Doanh nghiệp bị lỗ, thì tiền lương của các chức danh nói trên được trả tương ứng theo mức độ thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

2. Tiền thưởng của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng được xác định hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, không quá 100% tiền lương chức vụ của chức danh đó. Riêng đối với doanh nghiệp bị lỗ thực hiện chính sách kinh tế xã hội do Nhà nước quy định thì tiền thưởng của các chức danh trên được xác định mức độ giảm lỗ. Khoản tiền thưởng này được tạm ứng hàng tháng hoặc hàng quý cùng kỳ với tiền thưởng của công nhân viên chức khác tuỳ theo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp nhưng mức tạm ứng không quá 50% tiền lương chức vụ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc quản lý đơn giá, tiền lương, tiền thưởng của các Bộ, ngành và địa phương.

2. Việc quản lý đơn giá tiền lương được phân cấp như sau:

+ Đối với sản phẩm trọng yếu, sản phẩm đặc thù, sản phẩm Nhà nước định giá (giá chuẩn hoặc giá giới hạn) do liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính phối hợp với Bộ chủ quản quyết định đơn giá tiền lương.

+ Đối với các sản phẩm, dịch vụ khác, tuỳ theo yêu cầu quản lý, Bộ, ngành, địa phương quy định danh mục và quyết định đơn giá tiền lương.

+ Đối với các sản phẩm, dịch vụ khác, tuỳ theo yêu cầu quản lý, Bộ, ngành, địa phương quy định danh mục và quyết định đơn giá tiền lương.

+ Các sản phẩm, dịch vụ còn lại, Giám đốc doanh nghiệp quy định đơn giá tiền lương và thực hiện đăng ký với Nhà nước.

Liên Bộ có quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu xây dựng lại đơn giá tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ đã phân cấp của các doanh nghiệp khi xét thấy không hợp lý.

3. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, xác nhận xét duyệt đơn giá tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ đã được phân cấp và báo cáo kết quả với liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính, để theo dõi kiểm tra.

4. Cơ quan quản lý đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng (Lao động - Tài chính cùng cơ quan Thuế) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kiểm tra, rà soát... đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng theo quy định tại Thông tư này.

5. Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng thông qua hợp đồng và thoả ước lao động tập thể, bảo đảm phân phối thu nhập cho người lao động theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

6. Việc xây dựng đơn giá tiền lương của năm 1993 được chia làm 2 giai đoạn: quý I/1993 đơn giá tiền lương được xây dựng theo Quyết định 317/CT và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước; Quý II/1993 trở đi được xây dựng theo quy định của Thông tư này.

Thông tư này thi hành từ ngày 1/4/1993, các quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Hồ Tế

(Đã ký)

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

DANH MỤC

SẢN PHẨM, DỊCH VỤ NHÀ NƯỚC XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

Số TT

Tên sản phẩm dịch vụ
(hoặc doanh nghiệp)

Chỉ tiêu duyệt
đơn giá tiền lương

1

Điện

Đơn giá tiền lương trên 1 KWh

2

Xi măng

Đơn giá tiền lương trên 1 tấn xi măng

3

Vận tải đường sắt

Đơn giá tiền lương trên 1 tấn hàng hoá/km, hành khách/km

4

Vận tải hàng không

Trên lợi nhuận

5

Dịch vụ bưu điện

Trên lợi nhuận

6

Phí lưu thông xăng dầu

Trên lợi nhuận

7

Hệ thống ngân hàng

 

 

+ Ngân hàng ngoại thương

Trên tổng thu trừ tổng chi

 

+ Ngân hàng công thương

Trên tổng thu trừ tổng chi

 

+ Ngân hàng đầu tư và phát triển

Trên tổng thu trừ tổng chi

 

+ Ngân hàng nông nghiệp

Trên tổng thu trừ tổng chi

 

+ Tổng công ty vàng, bạc, đá quý Việt Nam

Trên tổng thu trừ tổng chi (lãi gộp trừ tổng chi phí)

8

Tổng công ty kim khí

Trên lợi nhuận

9

Công ty xuất nhập khẩu dầu khí

Trên lợi nhuận

 

Bộ, ngành, UBND tỉnh (thành phố)

 

Mẫu số 1

Tên doanh nghiệp..........

 

Theo TT: 20/LBTT ngày 2/6/1993

ĐĂNG KÝ ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

NĂM 199....

1. Tên doanh nghiệp:.............................................

2. Địa chỉ: (1)..................................................

3. Phương pháp xác định đơn giá tiền lương (2)

- Trên đơn vị sản phẩm { } - Trên tổng doanh thu trừ (-)

- Tổng chi phí { } - Trên lợi nhuận { }

- Trên doanh thu { }

4. Đơn giá tiền lương được duyệt năm kế hoạch:

..............................................................

5. Cơ quan quyết định đơn giá tiền lương (nếu có) (3):

..............................................................

Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm đơn giá tiền lương trên được tính toán phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đúng theo chế độ quy định và hướng dẫn của Nhà nước.

Ngày... tháng... năm 199...

Giám đốc doanh nghiệp

Chú thích:

1. Ghi theo trụ sở chính, nơi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

2. Đánh dấu ở ô tương ứng với phương pháp đã dụng để tính đơn

giá tiền lương.

3. Ghi rõ số văn bản, ngày, tháng, năm và tên cơ quan quyết định đơn giá tiền lương nếu thuộc danh mục quy định đơn giá tiền lương nếu thuộc danh mục quy định theo phân cấp.

+ Mẫu này được lập thành 5 bản kèm theo thuyết minh số liệu tính toán đơn giá tiền lương (biểu 3a, 3b, 3c) cho từng phương pháp gửi cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính, Thuế, cơ quan chủ quản (nếu thuộc Trung ương quản lý).

Bộ, ngành, UBND tỉnh (thành phố)

 

Mẫu số 2

Tên doanh nghiệp................

 

Theo TT: 20/LBTT ngày 2/6/1993

BÁO CÁO QUỸ TIỀN LƯƠNG, QUỸ TIỀN THƯỞNG

NĂM............

Số TT


Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch (3)

Thực hiện

Ghi chú

I

Đơn giá tiền lương được duyệt đã đăng ký

 

 

 

 

II

Quỹ tiền lương

 

 

 

 

1

Quỹ tiền lương theo đơn giá được duyệt

 

 

 

 

2

Quỹ tiền lương của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng

 

 

 

 

3

Quỹ tiền lương bổ sung (1)

 

 

 

 

4

Tiền lương bình quân

 

 

 

 

III

Quỹ tiền thưởng

 

 

 

 

1

Quỹ tiền thưởng của công nhân viên chức

 

 

 

 

2

Quỹ tiền thưởng của Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng

 

 

 

 

3

Tiền thưởng bình quân 1 công nhân, viên chức của doanh nghiệp

 

 

 

 

IV

Thu nhập khác có tính lương

 

 

 

 

 

- Tổng số

 

 

 

 

 

- Bình quân 1 công nhân, viên chức

 

 

 

 

V

Tổng thu nhập bình quân 1 công nhân viên chức trong doanh nghiệp (2)

 

 

 

 

Ngày... tháng... năm 199...

Giám đốc doanh nghiệp

Chú thích:

(1) Quỹ tiền lương bổ sung chỉ có ở các doanh nghiệp thực hiện đơn giá tiền lương trên đơn vị sản phẩm.

(2) Bao gồm tiền lương, tiền thưởng và thu nhập khác có tính chất lương tính bình quân cho 1 công nhân, viên chức trong doanh nghiệp.

(3) Quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng và thu nhập khác có tính chát lương kế hoạch đăng ký cùng với đăng ký đơn giá tiền lương.

- Mẫu này được lập sau khi quyết toán quỹ tiền lương thực hiện của doanh nghiệp và gửi các cơ quan Lao động, Tài chính, Thuế, cơ quan chủ quản (nếu thuộc Trung ương quản lý) nơi đã đăng ký đơn giá tiền lương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 20/LB-TT năm 1993 hướng dẫn quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 20/LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 02/06/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Tế, Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản