Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 234-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1972

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ VỐN SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA XÍ NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiến tranh đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh bình thường của các xí nghiệp, trong đó có một số xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất, một số ngừng sản xuất, một số gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm; do đó trước mắt xí nghiệp không đủ tiền lương và không đủ vốn sản xuất, kinh doanh. Một số khuyết điểm của xí nghiệp về quản lý, nhất là lao động tiền lương cũng gây thêm khó khăn cho xí nghiệp.

Trước tình hình ấy, một mặt phải đề cao trách nhiệm của xí nghiệp và của cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp trong việc quản lý và sử dụng chặt chẽ lao động, tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh, mặt khác phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính, ngân hàng trong việc giải quyết kịp thời những khó khăn của xí nghiệp; cho nên Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ đã quyết định như sau:

1. Vấn đề then chốt là cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp (Bộ, nếu là xí nghiệp trung ương và Sở, Ty, nếu là xí nghiệp địa phương) phải trực tiếp chỉ đạo xí nghiệp lập kế hoạch lao động, quỹ lương và kế hoạch thu chi tài vụ hàng tháng trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch công tác hàng tháng của xí nghiệp.

Kế hoạch lao động phải nhằm sử dụng tốt nhất lực lượng lao động của xí nghiệp, bảo đảm mọi người đều có việc làm có ích, có năng suất lao động nhất định và phải định rõ:

- Số người lao động làm nhiệm vụ tiếp tục sản xuất (phải tính toán dựa vào định mức lao động và năng suất lao động trong điều kiện mới);

- Số người lao động thật cần thiết để làm các công việc thật cần thiết trong nội bộ xí nghiệp như sơ tán, phân tán xí nghiệp, làm hầm hào phòng tránh cho người và bảo vệ thiết bị, máy móc;

- Số người lao động làm nhiệm vụ sửa chữa lớn tài sản cố định, v.v…

- Số lao động đề nghị chuyển đi hoặc nhận thầu làm các nhiệm vụ khác như bảo đảm giao thông vận tải, đắp đê, hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, v.v…

Kế hoạch quỹ lương của xí nghiệp phải căn cứ vào số lao động có mặt trước ngày 30 tháng 06 năm 1972 hoặc trước ngày xí nghiệp bị địch bắn phá, trừ đi số lao động giảm do về hưu, về mất sức, đi học, đi bộ đội, đi ngành khác, v.v… Đối với lao động tuyển mới, phải có chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ duyệt mới được tuyển và quỹ lương chỉ được tính theo số lượng lao động tuyển được hàng tháng.

Cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải xét duyệt kế hoạch hàng tháng của xí nghiệp và phải gửi kế hoạch thu chi tài vụ, kế hoạch lao động quỹ lương hàng tháng của xí nghiệp đã được xét duyệt đến cơ quan Tài chính và cơ quan Ngân hàng để thẩm tra, giải quyết các nhu cầu vốn của xí nghiệp.

2. Về nguồn vốn (hoặc kinh phí) trả lương:

a) Công nhân, viên chức làm công việc gì thì về nguyên tắc là phải dùng nguồn vốn (hoặc kinh phí) của công việc ấy để trả lương. Cụ thể là dùng:

- Nguồn vốn lưu động để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sản xuất;

- Nguồn vốn xây dựng cơ bản (kể cả xây dựng cơ bản đặc biệt thời chiến) để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản;

- Nguồn vốn sửa chữa lớn để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sửa chữa lớn;

- Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp phát để đài thọ các khoản: lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ bảo quản thiết bị, máy móc ngừng sản xuất, lương công nhân, viên chức được tạm thời hưởng chế độ lương ngừng việc, phần chênh lệch giữa lương cấp bậc với công việc cũ cao hơn so với lương cấp bậc công việc mới, trợ cấp công nhân, viên chức được phép tạm thời nghỉ việc;

- v.v…

b) Căn cứ vào chế độ trả lương tạm thời trong thời chiến quy định trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 195-TTg ngày 07 tháng 07 năm 1972, xí nghiệp có trách nhiệm tiếp tục trả lương trong trường hợp công nhân, viên chức được huy động đi làm các công việc trong một thời gian ngắn bên ngoài xí nghiệp (như đắp đê, khắc phục hậu quả của chiến tranh, v.v…) theo lệnh của Bộ hay của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố.

Trường hợp công nhân, viên chức được điều động sang xí nghiệp, cơ quan khác sử dụng và quản lý thì đơn vị mới có trách nhiệm trả lương.

c) Xí nghiệp phải phấn đấu với mức cố gắng cao nhất để hoàn thành các kế hoạch hàng tháng xem đó là biện pháp cơ bản để xí nghiệp có đủ tiền trả lương.

Cơ quan tài chính phải giải quyết kịp thời các nhu cầu tiền lương (hoặc trợ cấp) thuộc phạm vi ngân sách đài thọ.

Cơ quan ngân hàng phải kiểm soát việc chi tiêu quỹ lương sản xuất, xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, v.v… theo mức thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hoặc khối lượng công việc có tính đến các yếu tố biến động do chiến tranh gây ra.

d) Xí nghiệp chỉ được dùng vốn lưu động để trả lương công nhân, viên chức làm nhiệm vụ sản xuất trong phạm vi quỹ lương sản xuất được duyệt. Xí nghiệp không được lấy vốn lưu động để chi các khoản lương khác.

Trường hợp xí nghiệp không có tiền hoặc thiếu tiền trả lương, Ngân hàng tạm thời cho xí nghiệp vay một kỳ hoặc hai kỳ lương. Sau đó xí nghiệp phải làm mọi việc cần thiết thuộc trách nhiệm của mình (như chuyển hướng sản xuất, điều chỉnh và sử dụng hợp lý lực lượng lao động, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, v.v…) để trả nợ ngân hàng; nếu xét không thể tự giải quyết được, xí nghiệp phải phân tích cụ thể nguyên nhân, báo cáo ngay cho cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp giải quyết.

3. Về vốn dự trữ vật tư, hàng hoá vượt định mức ở xí nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cải tiến và mở rộng hoạt động tín dụng theo hướng bảo đảm vốn cho xí nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nếu xí nghiệp thực sự có nhu cầu và có khả năng trả nợ.

Trước mắt, một số trường hợp dự trữ vật tư, hàng hoá vượt định mức ở xí nghiệp giải quyết như sau:

a) Trường hợp dự trữ thành phẩm ở xí nghiệp tạm thời vượt định mức do bên đặt hàng không thi hành hợp đồng kinh tế đã ký kết, chậm hay từ chối nhận hàng và trả tiền, thì xí nghiệp phải đưa ra Hội đồng trọng tài kinh tế xử lý, buộc bên đặt hàng phải nhận và trả tiền theo đúng các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Trong khi chờ đợi, Ngân hàng cho xí nghiệp vay vốn để tiếp tục sản xuất, nếu xét sản phẩm có thể bảo quản và tiêu thụ được.

Nếu bên đặt hàng sau khi nhận thanh toán tiền hàng, nhưng cần thiết phải gửi lại kho xí nghiệp mà xí nghiệp có đủ kho thì xí nghiệp có trách nhiệm bảo quản; chi phí bảo quản do bên đặt hàng đài thọ.

b) Trường hợp xí nghiệp sản xuất các mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc theo lệnh của Chính phủ, nhưng chưa ký được hợp đồng tiêu thụ, thì Ngân hàng cho xí nghiệp vay vốn để tiếp tục sản xuất, đồng thời xí nghiệp, cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp và các cơ quan Nhà nước có liên quan phải lo tổ chức ngay việc tiêu thụ.

Nếu sau một thời gian vẫn chưa tiêu thụ được mà sản phẩm ấy thuộc loại khó bảo quản, nếu tiếp tục sản xuất hoặc tăng dự trữ sẽ gây lãng phí thì Ngân hàng kiến nghị với Bộ chủ quản (đối với xí nghiệp trung ương) hoặc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương) để xét, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, thu hẹp hoặc đình chỉ sản xuất. Bộ chủ quản và Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có những xí nghiệp trên cần phải giải quyết ngay, nếu sau 1 tuần lễ nhận được kiến nghị của Ngân hàng mà không giải quyết thì Ngân hàng có thể tạm thời không cho vay sản xuất tiếp; đối với sản phẩm đã sản xuất, Ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay dự trữ cho đến khi giải quyết xong việc tiêu thụ.

Nếu sản phẩm có thể bảo quản được mà xí nghiệp có nhiệm vụ tiếp tục sản xuất để dự trữ theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc theo lệnh của Chính phủ (như than, gỗ, cơ-rô-mít, máy móc cơ khí, v.v…) thì Ngân hàng cho vay vốn sản xuất và ngân sách cấp vốn dự trữ thành phẩm.

c) Trường hợp các tổ chức thương nghiệp hoặc cung ứng vật tư phải nhận hàng của các xí nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc theo lệnh của Chính phủ mà phải dự trữ vượt định mức thì Ngân hàng cho các tổ chức nói trên vay vốn để thanh toán với xí nghiệp. Sau khi cho vay, nếu xét thấy trong việc dự trữ này có chỗ không hợp lý, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, Ngân hàng cần phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý với cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp và các cơ quan Nhà nước có liên quan.

d) Trường hợp xí nghiệp phải chuyển hướng sản xuất, cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải kiểm tra lại tình tài chính xí nghiệp và cùng các cơ quan tài chính, Ngân hàng xác định lại nhu cầu vốn lưu động để thu hồi hoặc bổ sung vốn cho xí nghiệp theo đúng chế độ hiện hành. Trong khi chờ đợi làm các việc trên đây, Ngân hàng phải cho xí nghiệp vay vốn để kịp thời chuyển hướng sản xuất.

Đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm dự trữ theo kế hoạch sản xuất cũ, xí nghiệp phải tận dụng vào việc sản xuất mặt hàng mới hoặc tổ chức tiêu thụ; nếu không giải quyết được, Ngân hàng tạm thời kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời kiến nghị với Bộ chủ quản hoặc cơ quan cấp trên của xí nghiệp đó phải có biện pháp giải quyết kịp thời.

Các cơ quan chủ quản của xí nghiệp phải trực tiếp chỉ đạo xí nghiệp lập kế hoạch hàng tháng, xét duyệt chặt chẽ và kiểm tra, đôn đốc xí nghiệp thực hiện kế hoạch.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chỉ đạo hệ thống cán bộ tài chính, ngân hàng giải quyết kịp thời các nhu cầu vốn của xí nghiệp và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định trên đây.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị