Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TT-LB

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 62-CP NGÀY 08-5-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP VÀ CẤP PHÍ ĐI ĐƯỜNG ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN KHI ĐI HỌP VÀ TRONG THỜI GIAN HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:  Các ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Căn cứ điều 39 luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ngày 27-10-1962, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 62-CP ngày 8-5-1963 về chế độ phụ cấp và cấp phí đi đường đối với đại biểu Hội đồng nhân dân khi đi họp và trong thời gian họp Hội đồng nhân dân.
Liên Bộ hướng dẫn chi tiết thi hành quyết định nói trên như sau:

A. VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

1. Đối tượng được hưởng phụ cấp và mức phụ cấp:

Điều 1 quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân không phải là người ăn lương Nhà nước, trong thời gian họp hội nghị Hội đồng nhân dân cấp mình, hoặc họp Hội đồng nhân dân cấp dưới thuộc đơn vị đã bầu ra mình, được hưởng chế độ phụ cấp như sau:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn 0đ80 một ngày;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, khu, phố, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: 1đ00 một ngày;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 1đ50 một ngày;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân khu tự trị: 1đ80 một ngày”.

Hiện nay đại biểu Hội đồng nhân dân là người không ăn lương Nhà nước bao gồm những người thuộc các thành phần sau đây:

+ Xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp,

+ Tổ viên các tổ hợp tác tiểu thương,

+ Cán bộ cơ sở các thị trấn, thị xã, khu, thành phố,

+ Cán bộ và nhân viên các tổ chức giáo dục, y tế dân lập và các tổ chức dân lập khác,

+ Cán bộ xã, kể cả cán bộ Đảng, đoàn thể, chính quyền xã chuyên trách và không chuyên trách, có hưởng trợ cấp hay không hưởng trợ cấp,

+ Công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hay nghỉ việc vì mức sức lao động, hiện đang hưởng chế độ trợ cấp hưu trí hay chế độ trợ cấp mất sức lao động do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ,

+ Các nhân sĩ không hưởng lương do Nhà nước hay đoàn thể đài thọ,

+ Và các công dân thường khác không thuộc các thành phần nói trên.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc những thành phần trên đây không phải là những người do quỹ tiền lương đài thọ, cho nên đều là đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp nói trong quyết định số 62- CP của Hội đồng Chính phủ.

Những đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc các thành phần dưới đây không hưởng chế độ phụ cấp này:

- Cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan và các doanh xí nghiệp Nhà nước và công tư hợp doanh (xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, lâm nghiệp v.v…);

- Cán bộ công nhân viên Nhà nước được điều động công tác về các xã, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiêp, nhưng vẫn hưởng nguyên lương theo chế độ tiền lương do quỹ tiền lương Nhà nước đài thọ;

- Cán bộ, công nhân viên hoạt động trong các tổ chức Đảng, đoàn thể từ cấp huyện trở lên, đã được tổ chức này trả lương.

2. Cách thanh toán phụ cấp đối với những đại biểu không ăn lương Nhà nước:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn được hưởng phụ cấp về những ngày họp Hội đồng nhân dân cấp mình.

b) Đại biểu Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên được hưởng phụ cấp về:

- Những ngày họp Hội đồng nhân dân cấp mình;

- Những ngày họp Hội đồng nhân dân cấp dưới thuộc đơn vị đã bầu ra mình,

- Những ngày báo cáo trước cử tri.

Nếu vì lý do nào mà hội nghị Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên không khai mạc vào ngày ấn định và tạm hoãn một, hai ngày, trong khi đó các đại biểu thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ở nơi xa đã đến và bắt buộc phải ở lại để chờ họp, thì những đại biểu đó cũng được hưởng phụ cấp nói trên về những ngày phải chờ họp.

Ngày hội nghị hoặc ngày báo cáo trước cử tri mà không làm trọn cả ngày thì cũng tính là một ngày để trả phụ cấp cho đại biểu.

Phụ cấp được tính trả thẳng cho những đại biểu thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp, mỗi kỳ đại biểu đến họp Hội đồng nhân dân, hoặc mỗi lần đại biểu báo cáo trước cử tri.

Những người không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân, được mời dự hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp, đều không được hưởng chế độ phụ cấp này.

B. CHẾ ĐỘ CẤP PHÍ ĐI ĐƯỜNG – CÁCH THANH TOÁN

Theo những điều 2 và 3 quyết định số 62-CP, đại biểu Hội đồng nhân dân (ăn lương hay không ăn lương Nhà nước), từ cấp huyện trở lên đi họp Hội đồng nhân dân cấp mình hay cấp dưới thuộc đơn vị đã bầu ra mình, đi báo cáo trước cử tri, được hưởng cấp phí đi đường trong những ngày đi đường theo chế độ hiện hành áp dụng chung cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước đi công tác.

Tiền tầu xe, phụ cấp ăn đường của các đại biểu Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở lên, sẽ do Ủy ban hành chính cùng cấp đài thọ, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban hành chính có thể tạm ứng cho các đại biểu rồi sau thanh toán.

Phụ cấp và cấp phí đi đường đối với đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào do Ủy ban hành chính cấp ấy dự trù và thanh toán vào ngân sách địa phương mình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 
 


Đào Thiện Thi

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Lê Tất Đắc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02-TT-LB năm 1964 hướng dẫn Quyết định 62-CP về chế độ phụ cấp và cấp phí đi đường đối với đại biểu Hội đồng nhân dân khi đi họp và trong thời gian họp Hội đồng nhân dân do Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 02-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/01/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản