BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 8091-TB/TBFV | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1959 |
VỀ VIỆC THANH TOÁN PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT CHO THƯƠNG BINH, DÂN QUÂN DU KÍCH BỊ THƯƠNG TẬT
Kính gửi: Ủy ban hành chính các Khu Tự trị, thành phố, tỉnh.
Ít lâu nay, một số địa phương, cơ quan còn lúng túng trong việc thanh toán phụ cấp thương tật cho anh em thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật: có nơi Ủy ban Hành chính huyện trả phụ cấp thương tật cho cả những anh em hiện đang công tác tại các cơ quan; có nơi lại không thanh toán cho những anh em đã về gia đình, đi làm giáo viên dân lập, làm phù động, hợp đồng với mức thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu (27đ30); có cơ quan không làm dự toán để trả phụ cấp cho những anh em thương binh công tác ở cơ quan mình,v.v…
Tình trạng như trên đã gây nhiều khó khăn cho việc dự toán, quyết toán tài chính, cho việc theo dõi cấp phát, làm cho anh em thương binh phải tốn công đi lại chờ đợi nhiều và đồng thời cũng dễ có hiện tượng nhầm lẫn, lợi dụng – như có thương binh đang công tác tại cơ quan mà lĩnh cả phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất ở Ty Tài chính địa phương…
Để thống nhất việc thi hành, đảm bảo cấp phát được chính xác, thuận tiện. Bộ hướng dẫn việc thanh toán phụ cấp thương tật cho anh em thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật như sau:
1. Đối với thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật còn tại ngũ.
Đơn vị phụ trách trả phụ cấp thương tật cho anh em, rồi lập bảng kê kèm theo chứng từ chuyển về Cục Tài vụ để tập trung thanh toán với Bộ Nội vụ.
Cơ quan, xí nghiệp có thương binh công tác phụ trách phụ cấp thương tật (gồm cả tem thương binh) cho anh em, theo cách thức như sau:
- Nếu là cơ quan hành chính, sự nghiệp ở Trung ương cũng như ở các địa phương, thì cơ quan dự trù kinh phí coi như một phụ khoản về lương (ghi ở mục II tiết 5 bản quy định mục tiết dự toán năm 1959) để trả phụ cấp thương tật cho anh em, rồi quyết toán với tài chính.
- Nếu là cơ quan kinh doanh (như doanh xí nghiệp, công, nông, lâm trường…) thì cơ quan ứng trước trả phụ cấp thương tật cho anh em, rồi sau từng quý hay 2, 3 quý tùy theo số lượng thương binh nhiều hay ít, sẽ lập bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán với cơ quan tài chính địa phương (kể cả doanh, xí nghiệp của địa phương và doanh, xí nghiệp Trung ương hiện đóng ở địa phương đó).
Những anh em này được lĩnh cả phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất. Ủy ban Hành chính huyện, thị xã phụ trách việc thanh toán phụ cấp cho những anh em thuộc địa phương mình, gồm có:
a) Những anh em về sản xuất hay về an dưỡng với gia đình.
b) Những anh em đi sản xuất ở các tập đoàn sản xuất (công nông nghiệp, tiểu thủ công) làm nghề tự do.
c) Những anh em đã về sản xuất hay an dưỡng với gia đình, rồi đi làm giáo viên dân lập, đi học ở các trường văn hóa, trường chuyên nghiệp, đi làm khoán, phù động, hợp đồng cho các cơ quan, xí nghiệp,v.v… chi tiết việc trả phụ cấp thương tật đối với số anh em này, đã được quy định trong công văn số 2538-TB4 ngày 18/6/1958 và bản hướng dẫn công tác phụ cấp thương tật cho cán bộ huyện đính kèm công văn số 771-TB4 ngày 15/4/1959 của Bộ Thương binh, cụ thể như sau:
- Những anh em đã về địa phương sản xuất rồi đi làm phù động, hợp đồng, làm khoán cho các cơ quan, xí nghiệp (không nằm trong biên chế), thì trong năm đầu, bất kỳ thu nhập nhiều hay ít, anh em đều được hưởng cả phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất và lĩnh ở Ủy ban Hành chính huyện hay thị xã. Nhưng kể từ năm thứ 2, nếu cơ quan xí nghiệp còn sử dụng anh em và nếu thu nhập hàng tháng của anh em bằng hay cao hơn mức tối thiểu (27đ30), thì bắt đầu từ tháng thứ 13 trở đi, anh em chỉ hưởng phụ cấp thương tật như những thương binh là cán bộ trong biên chế mà không hưởng phụ cấp sản xuất nữa và lúc đó anh em lĩnh phụ cấp thương tật tại cơ quan anh em làm việc.
- Những anh em đã về địa phương sản xuất rồi đi làm giáo viên các trường dân lập, mà lương hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu (27đ30) thì được hưởng cả phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất. Nhưng nếu lương hàng tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu thì anh em chỉ được hưởng phụ cấp thương tật, mà không được hưởng phụ cấp sản xuất nữa.
- Đối với những anh em đã về địa phương rồi, đi học ở các trường văn hóa, trường chuyên nghiệp, thì dù được cấp học bổng toàn phần (20 đồng hay 22 đồng) hay 1/2 suất ấy trong toàn năm hay chỉ trong niên học, cũng vẫn được hưởng cả phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất.
Đề nghị các Ủy ban phổ biến và hướng dẫn rộng rãi cho các huyện, thị xã, các cơ quan trong địa phương mình thi hành.
Trong khi thi hành, nếu có khó khăn trở ngại gì hoặc gặp những trường hợp cụ thể nào khác, đề nghị các Ủy ban kịp thời phản ảnh về Bộ để nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Nghị định 131-TTg năm 1958 về việc ấn định phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất hay an dưỡng hàng tháng của thương binh, bệnh binh, dân quân du kích và thanh niên xung phong bị thương tật do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư 82-TB/TT năm 1958 thi hành Nghị định 124-TTg về thể lệ trợ cấp ra trại cho thương binh dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ do Bộ Thương Binh ban hành
- 3Thông tư 52-TTLB năm 1956 về thể thức thanh toán phí tổn làm chân tay giả cho thương binh do Bộ Tài chính và Bộ Thương binh ban hành
- 1Nghị định 131-TTg năm 1958 về việc ấn định phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất hay an dưỡng hàng tháng của thương binh, bệnh binh, dân quân du kích và thanh niên xung phong bị thương tật do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư 82-TB/TT năm 1958 thi hành Nghị định 124-TTg về thể lệ trợ cấp ra trại cho thương binh dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ do Bộ Thương Binh ban hành
- 3Thông tư 52-TTLB năm 1956 về thể thức thanh toán phí tổn làm chân tay giả cho thương binh do Bộ Tài chính và Bộ Thương binh ban hành
Thông tư 8091-TB/TBFV năm 1959 về việc thanh toán phụ cấp thương tật cho thương binh, dân quân du kích bị thương tật do Bộ Nội Vụ ban hành.
- Số hiệu: 8091-TB/TBFV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/12/1959
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Phan Kế Toại
- Ngày công báo: 31/12/1959
- Số công báo: Số 51
- Ngày hiệu lực: 15/01/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định