BỘ THƯƠNG BINH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 82-TB/TT | Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 1958 |
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH
Kính gửi: Ủy ban Hành chính các liên Khu, khu, thành phố, tỉnh
Để thi hành Nghị định số 124-TTg ngày 25-02-1958 của Thủ tướng Chính phủ về thể lệ trợ cấp ra trại, Bộ giải thích và ấn định những chi tiết thi hành như sau:
1) Về khoản trợ cấp về địa phương:
Điều 2 Nghị định nói trên quy định: “Thương binh ở trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng được hưởng một khoản trợ cấp bằng 6 tháng sinh hoạt phí lĩnh trong thời gian ở trại.
Sinh hoạt phí gồm có tiền ăn, tiền tiêu vặt và tiền may mặc. Tiền may mặc ấn định là 6.000 đồng 1 tháng”.
Như vậy là tiền trợ cấp đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
A. – Thương binh ở trại huấn luyện:
- Chiến sĩ: (20.000 + 4.000 + 6.000đ) x 6 = 180.000 đồng
- Tiểu đội: (20.000 + 5.000 + 6.000đ) x 6 = 186.000 -
- Trung đội: (20.000 + 6.000 + 6.000đ) x 6 = 192.000 -
- Đại đội: (20.000 + 7.500 + 6.000đ) x 6 = 201.000 -
- Cán bộ Trung cấp: (26.000 + 9.000 + 6.000đ) x 6 = 246.000 -
B. – Thương binh ở trại an dưỡng:
- Chiến sĩ: (24.000 + 4.000 + 6.000đ) x 6 = 204.000 đồng
- Tiểu đội: (24.000 + 5.000 + 6.000đ) x 6 = 210.000 -
- Trung đội: (24.000 + 6.000 + 6.000đ) x 6 = 216.000 -
- Đại đội: (24.000 + 7.500 + 6.000đ) x 6 = 225.000 -
- Cán bộ Trung cấp: (30.000 + 9.000 + 6.000đ) x 6 = 270.000 -
Không có xuất trợ cấp riêng cho Thương binh ở trại Điều dưỡng, vì trong khi anh em còn đang điều dưỡng thì không giải quyết ra trại, khi anh em đã bình phục rồi, thì chuyển về trại Huấn luyện hay An dưỡng tùy trường hợp, rồi sẽ giải quyết ra trại sau.
Khoản trợ cấp trên đây chỉ thi hành đối với những thương binh ở quân đội chuyển về hay từ miền Nam tập kết ra, chưa về địa phương lần nào, và đối với những thương binh tuy đã về địa phương rồi, nhưng vì đời sống rất khó khăn được nhận trở lại trại, nay xin về địa phương xây dựng cơ sở mới.
Còn đối với những thương binh đã về địa phương rồi, nhưng vì vừa qua đã nhận về trại không đúng, nay anh em trở về cơ sở cũ làm ăn (cả thương binh miền Nam và miền Bắc), thì không cấp phát khoản trợ cấp nói trên, vì anh em chưa thoát ly lâu, căn bản cơ sở chưa có gì thay đổi lớn. Tuy nhiên, để giúp đỡ anh em một phần trong công việc sản xuất, các Ty Thương binh có thể trợ cấp cho anh em khi ra trại một số tiền bằng từ 01 đến 03 tháng sinh hoạt phí, tùy theo hoàn cảnh cụ thể từng anh em. Trước đây Bộ có quy định thương binh miền Nam trở về cơ sở cũ có thể được trợ cấp từ 01 đến 06 tháng, mỗi tháng 60 cân thóc, nay bãi bỏ quy định này.
2) Về khoản trợ cấp cho vợ con của thương binh.
Điều 3 Nghị định nói trên quy định: “Thương binh có con cùng ở trại và được hưởng phụ cấp con, nếu về địa phương thì được hưởng thêm 06 tháng phụ cấp con”. Phụ cấp con của thương binh cùng ở trại với thương binh là 8.000 đồng 01 tháng, vậy 06 tháng phụ cấp con là 48.000 đồng.
Nếu thương binh chức vụ ở quân đội ta là cán bộ Đại đội trở lên, có con và được hưởng phụ cấp con (4.800 đồng 1 tháng) thì tuy con không ở trại, khi về địa phương cũng được lĩnh 06 tháng phụ cấp con là 28.800 đồng.
Đối với vợ (là người miền Nam) của thương binh miền Nam, ở trại cùng đi sản xuất với chồng, thì thi hành theo như quy định trong Thông tư số 1000-TTg ngày 09-08-1956 của Thủ tướng Chính phủ đối với cán bộ và đồng bào miền Nam được hướng dẫn về sản xuất ở nông thôn, cụ thể là được trợ cấp trong thời gian từ 03 đến 06 tháng, mỗi tháng 20.000 đồng.
3) Về khoản trợ cấp cho nữ thương binh đang có thai:
Điều 4 Nghị định nói trên quy định: “Nữ thương binh đang có thai, nếu ra trại, được lĩnh khoản phụ cấp về sinh đẻ theo chế độ đã quy định đối với nữ thương binh ở trại và được trợ cấp thêm 02 tháng sinh hoạt phí”. Hiện nay khoản trợ cấp về sinh đẻ cho nữ thương binh ở trại là 12.000 đồng và 5 thước vải. Vậy là 1 nữ thương binh, cấp bậc cũ ở quân đội là chiến sĩ, nếu đang có thai mà về địa phương thì ngoài khoản trợ cấp về địa phương là 180.000 đồng, được lĩnh thêm: 12.000 đồng + 5 thước vải + 60.000 đồng (2 tháng sinh hoạt phí) = 72.000 đồng và 5 thước vải.
4) Về khoản tiền xe tàu và tiền ăn đi đường:
Khoản này thi hành theo như thể lệ hiện hành về công tác phí.
Trường hợp có gia đình đi theo để cùng được cấp tiền xe tầu và tiền ăn đi đường là: Gia đình cùng ở trại với thương binh (gia đình thương binh miền Nam), hay gia đình ở gần trại, nay cùng thương binh trở về nơi cư trú cũ. Còn nếu là trường hợp gia đình ở địa phương lên đón thương binh về thì không trợ cấp.
5) Về khoản trợ cấp đi sản xuất tập đoàn:
A. – Điều 6 Nghị định nói trên quy định: “Thương binh ở trại đi sản xuất tập đoàn (vì không có cơ sở sản xuất) ngoài những khoản trợ cấp theo chế độ chung của thương binh, được hưởng thêm chế độ của các tập đoàn, quy định đối với cán bộ ra ngoài biên chế theo điều 10 Nghị định số 594-TTg ngày 11-12-1957 của Thủ tướng Chính phủ…”
Chế độ của các tổ chức tập đoàn quy định đối với cán bộ ra ngoài biên chế nói trong điều 10 Nghị định số 594-TTg ngày 11-12-1957 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
“a) Trợ cấp: Nếu khoản tiền trợ cấp thôi việc không đủ sinh sống đến khi có thể tự túc được, thì sẽ trợ cấp thêm, nhằm giúp người đi sản xuất tập đoàn có đủ tiền ăn trong 06 tháng nếu làm sản xuất nông nghiệp, trong 03 tháng nếu làm sản xuất thủ công nghiệp, mỗi tháng mỗi người 25.000 đồng. Thí dụ:
Một người đi sản xuất nông nghiệp được trợ cấp thôi việc là 78.000 đồng thì được cấp thêm là: 150.000 đồng – 78.000 đồng = 72.000 đồng.
Một người đi sản xuất thủ công nghiệp được trợ cấp 50.000 đồng, thì được trợ cấp thêm là: 75.000 đồng – 50.000 đồng = 25.000 đồng.
b) Giúp vốn: Để giúp anh chị em xây dựng cơ sở sản xuất, sẽ tùy tính chất nghề nghiệp và hoàn cảnh của từng tập đoàn mà cho mượn thêm vốn bằng tiền và bằng dụng cụ (nếu có dụng cụ), mỗi người từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Khoản cho mượn này giao cho tập đoàn chịu trách nhiệm phân phối và đương sự phải trả lại trong hạn từ một năm đến hai năm kể từ ngày vay mượn, trả một lần hoặc nhiều lần”.
Đối với thương binh, thì chỉ cần thi hành khoản b “giúp vốn” mà không cần thi hành khoản a “trợ cấp”, vì thực tế anh em đều được lĩnh 06 tháng sinh hoạt phí, mỗi tháng từ 30.000 đồng trở lên nghĩa là quá mức trên rồi.
B. – Để tích cục giúp đỡ anh em thương binh đi sản xuất tập đoàn, tiến tới tự túc một cách chắc chắn, điều 6 Nghị định nói trên có quy định: “Đặc biệt đối với những thương binh đi sản xuất tập đoàn, nếu xét thời gian quá 06 tháng mới tự túc được, thì có thể giúp đỡ thêm cho mỗi thương binh một khoản trợ cấp tính bằng nửa suất sinh hoạt phí từ 03 đến 06 tháng và một bộ quần áo. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương binh sẽ quy định những thể lệ trợ cấp kể trên”. Để thi hành điều khoản trên đây, Bộ quy định chi tiết thi hành như sau:
Bình thường; nếu sản xuất nông nghiệp thì sau 06 tháng có thể tự túc được, nếu sản xuất thủ công nghiệp thì sau 03 tháng có thể tự túc được, anh em thương binh đều được lĩnh phụ cấp thương tật và phụ cấp sản xuất tương đối thích hợp với khả năng lao động bị giảm sút đi, cho nên nếu có gặp khó khăn về sản xuất, thì thời gian hoàn toàn tự túc chỉ có thể kéo dài đến gâp đôi mức bình thường và tối đa, vì vậy Bộ quyết định:
a) Những anh em đi sản xuất tập đoàn thủ công nghiệp thì không thuộc phạm vi quá 06 tháng mới tự túc được, nên không được lĩnh thêm khoản trợ cấp nói trên.
b) Những anh em đi sản xuất tập đoàn nông nghiệp thì đều được lĩnh thêm khoản trợ cấp nói trên, nhưng để chiếu cố thích đáng đến từng hoàn cảnh, Bộ quy định cụ thể như sau:
- Nếu đi sản xuất ở các khu vực phải mất nhiều công sức vào việc khai phá đất đai, thì được lĩnh thêm 1 khoản trợ cấp bằng một nửa suất sinh hoạt phí trong 06 tháng (hay là 03 tháng sinh hoạt phí) và 1 bộ quần áo. Thí dụ: Nếu thương binh cấp bậc cũ ở quân đội là chiến sĩ thì được lĩnh:
30.000đ x 6 | = 90.000 đồng và 1 bộ quần áo. |
2 |
- Nếu đi sản xuất ở những nơi đất đai đã thuần thục, không phải hay rất ít phải khai phá (thí dụ như ruộng lúa trước đây đồng bào vẫn cày cấy nay giao lại cho anh em thương binh) thì được lĩnh thêm 1 khoản trợ cấp bằng một nửa suất sinh hoạt phí trong 03 tháng (hay một tháng rưỡi sinh hoạt phí) và 1 bộ quần áo. Thí dụ: Nếu thương binh cấp bậc cũ ở quân đội là chiến sĩ thì được lĩnh
30.000đ x 3 | = 45.000 đồng và 1 bộ quần áo. |
2 |
1 bộ quần áo gồm 1 quần, 1 áo, 1 quần lót, 1 áo lót, trị giá tương đương với quần áo may cho Thương binh ở trại, cấp bằng tiền hay hiện vật tùy theo hoàn cảnh.
Như vậy là thương binh đi sản xuất nông nghiệp thì tùy theo điều kiện sản xuất, được trợ cấp một số tiền bằng 09 tháng sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo, hay bằng 07 tháng rưỡi sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo, lĩnh làm 2 lần:
- Lần đầu, khi ra trại là 06 tháng sinh hoạt phí.
- Lần sau, vào tháng thứ 7, kể từ ngày ra trại, là 03 tháng sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo hay 1 tháng rưỡi sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo.
Về thể thức cấp phát thì khi anh em ra trại, cấp ngay 06 tháng sinh hoạt phí, đồng thời cấp cho mỗi anh em giấy biên nhận được lĩnh thêm 03 tháng sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo hay 01 tháng rưỡi sinh hoạt phí và 1 bộ quần áo, đến tháng thứ 7, khi cấp phát khoản này thì thu lại giấy biên nhận.
Quy định như trên là nhằm giúp đỡ anh em Thương binh sản xuất trong vòng từ 09 tháng đến 1 năm, 06 tháng đầu thì cấp toàn vẹn sinh hoạt phí, còn từ tháng thứ 7 trở đi thì cấp thêm 1 bộ quần áo và một nửa sinh hoạt phí; vì sau 06 tháng sản xuất anh em đã có thu hoạch rồi, tuy chưa thể hoàn toàn tự túc ngay được. Ngoài khoản trợ cấp trên đây, không có khoản cấp phát nào khác nữa.
Những dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, những bệnh binh, quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ, hiện nay ở trại, nếu về địa phương thì cũng được hưởng các khoản trợ cấp như trên. Ví dụ:
- Một bệnh binh, cấp bậc cũ ở quân đội là chiến sĩ, nếu về địa phương được lĩnh trợ cấp ra trại 180.000 đồng và tiền xe tàu, tiền ăn đi đường về địa phương.
- Một nữ bệnh binh, cấp bậc cũ ở quân đội là chiến sĩ, đang có thai, nếu về địa phương được lĩnh 2 khoản tiền nói trên và được cấp thêm khoản tiền trợ cấp về sinh đẻ là 72.000 đồng và 5 thước vải.
7) Ngày thi hành các khoản trợ cấp mới:
Theo như quy định trong Nghị định số 124-TTg ngày 25-02-1958 của Thủ tướng Chính phủ, thì những thể lệ về trợ cấp trên đây thi hành từ ngày ban hành Nghị định này, tức là từ ngày 25-02-1958.
Những anh em ra trước ngày đó đều lĩnh theo chế độ cũ.
Những anh em ra sau ngày đó, nếu vẫn lĩnh theo chế độ cũ, thì được truy phát theo thể lệ mới.
Yêu cầu các khu, tỉnh nắm vững tinh thần và nội dung những thể lệ mới về trợ cấp trên đây để thi hành cho được đúng đắn.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH |
- 1Thông tư 8091-TB/TBFV năm 1959 về việc thanh toán phụ cấp thương tật cho thương binh, dân quân du kích bị thương tật do Bộ Nội Vụ ban hành.
- 2Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 1Chỉ thị 1000-TTg năm 1956 về việc bổ sung chế độ đối với cán bộ, đồng bào miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 124-TTg năm 1958 sửa đổi điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh và dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật ban hành kèm theo Nghị định 980 do Thủ Tướng ban hành
- 3Thông tư 8091-TB/TBFV năm 1959 về việc thanh toán phụ cấp thương tật cho thương binh, dân quân du kích bị thương tật do Bộ Nội Vụ ban hành.
Thông tư 82-TB/TT năm 1958 thi hành Nghị định 124-TTg về thể lệ trợ cấp ra trại cho thương binh dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ do Bộ Thương Binh ban hành
- Số hiệu: 82-TB/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/03/1958
- Nơi ban hành: Bộ Thương binh
- Người ký: Vũ Đình Tụng
- Ngày công báo: 24/09/1958
- Số công báo: Số 34
- Ngày hiệu lực: 29/03/1958
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực