Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76-TTG/CN

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1966

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN NGÀNH CỤ THỂ TRONG CÔNG NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 82-CP ngày 03-6-1963 về việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra thông tư số 51-TTg ngày 3-6-1963 giải thích nghịđịnh số 82-CPcủa Hội đồng Chính phủ, đồng thời Tổng cục Thống kê đã ra văn bản số 559-TCTK ngày 26 tháng 9 năm 1963 để hướng dẫn việc sắp xếp các tổ chức, đơn vị và cơ quan vào các ngành trong nền kinh tế quốc dân theo nghị định và thông tư nói trên, nhưng việc phân chia các ngành kinh tế quốc dân thành từng ngành cụ thể thì chưa có văn bản ban hành chính thức.

Mấy năm vừa qua, việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp căn bản là phù hợp với tình hình sản xuất công nghiệp của nước ta, nhưng việc sắp xếp từng đơn vị sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp vào các ngành nghề cụ thể của công nghiệp thì chưa được thống nhất giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương. Do đó, những số liệu thống kê kế hoạch và hạch toán chưa được thống nhất, chưa làm cơ sở vững chắc cho công tác nghiên cứu kinh tế, công tác tổ chức quản lý và các mặt công tác nghiệp vụ khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ thấy cần thiết giao cho Tổng cục Thống kê nghiên cứu và ban hành “Quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp” kèm theo thông tư này.

Việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp nhằm:

1. Phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường chất lượng công tác tổ chức quản lý công nghiệp của các Bộ, Tổng cục, các ngành ở trung ương và các địa phương.

2. Đáp ứng nhu cầu của công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân nói chung và kế hoạch hóa nền sản xuất công nghiệp nói riêng.

3. Thống nhất việc hạch toán trong công tác kế hoạch, thống kê và giữa các loại hạch toán kế toán, hạch toán thống kê và hạch toán nghiệp vụ.

4. Tăng cường tính thống nhất và chính xác của số liệu thống kê, kế toán và hạch toán, làm cơ sở tốt cho công tác nghiên cứu đánh giá tình hình phát triển sản xuất, xác định phương hướng tổ chức sản xuất, nghiên cứu quan hệ lý lệ giữa các ngành nghề trong công nghiệp…

Nguyên tắc phân ngành phải thống nhất lấy đơn vị cơ sở để sắp xếp. Đơn vị cơ sở có thể là xí nghiệp công nghiệp độc lập hay phụ thuộc, hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp hay thủ công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc thủ công nghiệp khác.

Khi xếp một đơn vị cơ sở vào ngành này hay ngành khác cần căn cứ vào sự liên quan giữa ba đặc điểm chủ yếu sau đây là:

a) Công dụng kinh tế của sản phẩm sản xuất ra giống nhau.

b) Nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm giống nhau.

c) Tính chất và quá trình công nghệ giống nhau, để xếp những cơ sở đó cùng ngành hay khác ngành.

Nội dung phân ngành trong công nghiệp bao gồm việc phân chia toàn bộ ngành công nghiệp ra ngành:

a) Công nghiệpkhai thác và công nghiệp chế biến.

b) Công nghiệpthuộc nhóm A và công nghiệp thuộc nhóm B.

c) 13 ngành công nghiệp lớn:

1. Công nghiệp điện lực.

2. Công nghiệp khai thác và chế biến nhiên liệu.

3. Công nghiệp khai thác và luyện kim đen.

4. Công nghiệp khai thác và luyện kim màu.

5. Công nghiệp chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại:

- Chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại.

- Sửa chữa máy móc và sản phẩm bằng kim loại.

6. Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học.

7. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

8. Công nghiệp khai thác chế biến gỗ và lâm sản.

9. Công nghiệp thủy tinh, sành sứ và đồ đá.

10. Công nghiệp dệt, da, may, nhuộm.

11. Công nghiệp thực phẩm.

12. Công nghiệp in và sản xuất các loại văn hóa phẩm.

13. Các ngành công nghiệp khác.

Danh mục của từng ngành nghề cụ thể trong mỗi ngành lớn sẽ nói rõ trong bảng “mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp” do Tổng cục Tống kê ban hành.

Bản quy định này được áp dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong tất cả các cơ quan quản lý công nghiệp và các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý thủ trưởng các Bộ, các Tổng cục, các ngành, Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố có trách nhiệm thi hành đúng đắn thông tư này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 76-TTg/CN-1966 quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 76-TTg/CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/05/1966
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 22/05/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản