Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 486-TCTK/CN

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1966

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN NGÀNH CỤ THỂ TRONG CÔNG NGHIỆP VÀ BẢNG MỤC LỤC NGÀNH NGHỀ CỤ THỂ TRONG CÔNG NGHIỆP

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Nghị định số 131-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục thống kê.
Căn cứ Nghị định số 82-CP ngày 03 tháng 6 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ về việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân và Thông tư số 51-TTg/CN cùng ngày của Thủ tướng Chính phủ giải thích nghị định nói trên.
Căn cứ Thông tư số 76-TTg/CN ngày 07 tháng 5 năm 1966 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp.
Sau khi đã thống nhất ý kiến với các cơ quan hữu quan.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp” và bảng “Mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp”.

Điều 2. - Bản “Quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp” và bảng “Mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp” nói ở điều 1 được áp dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong tất cả các cơ quan quản lý công nghiệp và các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu kinh tế.

Điều 3. - Bản “Quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp” và bảng “Mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp” nói ở điều 1 và điều 2 bắt đầu áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 1966. Các văn bản về phân ngành cụ thể trong công nghiệp đã ban hành trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. – Các Bộ, các Tổng cục, các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức việc phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra theo dõi các cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ quan quản lý công nghiệp và các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu kinh tế dưới quyền mình thi hành đúng đắn bản “Quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp” và bảng “Mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp” ban hành kèm theo quyết định này.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
 


 
Nguyễn Đức Dương

 

BẢN QUY ĐỊNH

VIỆC PHÂN NGÀNH CỤ THỂ TRONG CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 486-TCTK/CN ngày 2-6-1966 của Tổng cục Thống kê)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Xác định thế nào là ngành công nghiệp

Ngành công nghiệp là một ngành sản xuất vật chất, bao gồm các hoạt động:

- Khai thác của cải vật chất có sẵn trong thiên nhiên mà lao động của con người chưa tác động vào.

- Chế biến những sản phẩm đã khai thác và chế biến sản phẩm của nông nghiệp.

- “Hoạt động sản xuất công nghiệp còn bao gồm cả việc sửa chữa máy móc thiết bị và vật phẩm tiêu dùng”[1].

Như vậy là tất cả các hoạt động khai thác chế biến và sửa chữa nói trên không kể quy mô, hình thức như thế nào, không kể với loại công cụ lao động gì, hoặc bằng cơ khí hiện đại, nửa cơ khí, hoặc bằng công cụ thô sơ dựa vào sức lao động và sự khéo léo của chân tay người lao động là chính, đều xếp vào ngành công nghiệp.

Theo quy định trên thì ở miền Bắc nước ta hiện nay tất cả những đơn vị sản xuất không phân biệt quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, do trung ương quản lý hay do địa phương quản lý, không kể là xí nghiệp hiện đại hay hợp tác xã sản xuất thủ công v.v… nếu có các hoạt động sản xuất công nghiệp như đã nói trên đều xếp vào ngành công nghiệp.

2. Phân biệt ranh giới giữa ngành công nghiệp và một số ngành kinh tế khác.

a) Ngành công nghiệp khác với ngành nông nghiệp ở chỗ:

Ngành nông nghiệp kết hợp lao động của con người, với quá trình phát triển tự nhiên của sinh vật để tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Trong quá trình làm ra sản phẩm, sức lao động của con người chỉ làm tăng thêm sức dinh dưỡng của sản phẩm nông nghiệp chứ không làm thay đổi cơ cấu, tính chất, hình thái, công dụng của sản phẩm như trong ngành công nghiệp.

b) Ngành công nghiệp khác với ngành xây dựng cơ bản ở chỗ:

“Ngành xây dựng cơ bản có chức năng sản xuất ra tài sản cố định ở ngay địa điểm mà tài sản cố định đó sẽ páht huy tác dụng. Hoạt động của ngành này bao gồm việc xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, lắp thiết bị máy móc…” (1).

Ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác và chế biến, còn ngành xây dựng cơ bản thì chủ yếu là xây và lắp. Sản phẩm của ngành xây dựng cơ bản ở trên một địa điểm nhất định, địa điểm sản xuất đồng thời cũng là địa điểm tiêu dùng, địa điểm sản xuất thay đổi khi sản phẩm đã hoàn thành. Sản phẩm của ngành công nghiệp thì có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác, địa điểm sản xuất tương đối ổn định.

Sản phẩm của ngành xây dựng cơ bản sản xuất đơn chiếc, mỗi lần sản xuất lại phải thiết kế và thi công. Sản phẩm của ngành công nghiệp thì có thể sản xuất hàng loạt lớn, quy trình kỹ thuật sản xuất tương đối ổn định.

c) Ngành công nghiệp khác với ngành vận tải hàng hóa ở chỗ:

Ngành công nghiệp làm ra sản phẩm mới cho xã hội, còn ngành vận tải hàng hóa không làm ra sản phẩm mới cho xã hội mà chỉ làm tăng thêm giá trị của sản phẩm.

“Ngành vận tải hàng hóa có chức năng vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Lao động của ngành này tiếp tục hoàn thành quá trình sản xuất và tăng thêm giá trị của sản phẩm vật chất” ([2]).

d) Ngành công nghiệp khác với ngành thương nghiệp và ăn uống công cộng ở chỗ:

Ngành thương nghiệp không khai thác, chế biến hoặc sửa chữa sản phẩm của xã hội như ngành công nghiệp mà chỉ làm nhiệm vụ phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

“Ngành thương nghiệp có chức năng cung cấp, phân phối hàng tiêu dùng đến tay người tiêu dùng” (3).

Tuy nhiên… “trong ngành ăn uống công cộng có việc chế biến thức ăn ở các cửa hàng ăn uống là một hoạt động có tính chất công nghiệp, nhưng việc chế biến thức ăn ấy là để bán ngay tại chỗ cùng với những hàng hóa thực phẩm khác, cho nên hoạt động chủ yếu của ngành ăn uống công cộng là hoạt động thương nghiệp” (4).

e) Ngành công nghiệp khác với ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt ở chỗ:

Ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt không làm ra sản phẩm cho xã hội, mà chỉ phục vụ trực tiếp cho đời sống của con người. Ví dụ: các cơ sở cắt tóc, giặt là quần áo, nhiếp ảnh, trồng răng, vẽ truyền thần, khắc dấu, đánh máy thuê, thay thùng vệ sinh, các tổ chức phụ trách việc cung cấp điện nước, chăm sóc vườn hoa, v.v…. đều thuộc ngành phục vụ công cộng và phục vụ sinh hoạt mà không thuộc ngành công nghiệp.

3. Quy định một số trường hợp cụ thể để khỏi nhầm lẫn giữa ngành công nghiệp và một số ngành kinh tế khác.

Hiện nay, do tình hình sản xuất nước ta còn mang nhiều tính chất liên hiệp và kiêm doanh, nhiều ngành nghề đang trong quá trình hình thành và phát triển, cho nên đối với một số trường hợp cụ thể dễ nhầm lẫn phải quy ước để sắp xếp việc phân ngành cho thống nhất và thích hợp.

a) Giữa ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp:

Đánh cá nuôi ở ao, hồ, ruộng, ấp trứng, làm giá đậu, vắt sữa ở trại chăn nuôi, hoạt động của các trạm bơm nước, trạm máy kéo… đều xếp vào ngành nông nghiệp.

Nếu ở các trạm bơm nước, trạm máy kéo có phân xưởng (hoặc bộ phận) sửa chữa để làm các công việc sửa chữa vừa và sửa chữa lớn, ở các nông trường chăn nuôi có phân xưởng (hoặc bộ phận), chế biến sửa, xay xát gạo bằng máy nổ, bằng các công cụ cải tiến dùng sức nước sức gió có một số người chuyên trách, nghề mổ thịt trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng… có tổ chức chuyên trách mà sản phẩm làm ra là để bán, đều xếp vào ngành công nghiệp.

Trong các nông trường, các hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức các bộ phận đan lát, lò rèn, làn, gạch ngói, vôi, dệt chiếu, làm nón, dệt vải, khai thác gỗ, hoặc trong nông dân có người chuyên làm công việc như trên (làm thường xuyên hoặc làm theo mùa), sản phẩm làm ra chủ yếu là để bán, đều xếp vào ngành công nghiệp.

Các hoạt động của một số người chuyên đi nhặt nấm, lấy củi gánh, hái lá làm thuốc, đi câu cá, mò cua, bắt ốc để sinh sống, việc nông dân tiến hành chế biến sơ bộ những sản phẩm do họ làm ra (hoặc làm giúp cho những nông dân khác như xay thóc giã gạo, cán bông hạt ra bông xơ rồi đem bán… nay quy định xếp vào ngành sản xuất vật chất khác. Việc sản xuất phân hữu cơ (phân xanh, phân đất, phân chuồng, phân bắc…) có tổ chức chuyên trách cũng xếp vào ngành sản xuất vật chất khác.

Quy định như vậy là vì hiện nay các việc làm đó nhỏ nhặt, phân tán và việc chế biến quá đơn giản, hình thái sản phẩm làm ra không thay đổi mấy so với nguyên liệu ban đầu, nên không xếp vào ngành công nghiệp.

b) Giữa ngành xây dựng cơ bản và ngành công nghiệp:

Trong các công trường và công ty xây dựng cơ bản có tổ chức chuyên trách sản xuất gạch, ngói, bê-tông đúc sẵn, đá, sỏi, các phân xưởng sửa chữa thiết bị, v.v… (không phân biệt sản phẩm làm ra là để bán ra ngoài hay dùng trong nội bộ công trường, công ty), thì các tổ chức ấy đều xếp vào ngành công nghiệp.

Sửa chữa lớn hay mở rộng các công trình kiến trúc có tính chất xây dựng như hầm lò, bệ, đường dây điện… đều xếp vào ngành xây dựng cơ bản. Trừ trường hợp sửa chữa lớn lò hơi của nhà máy điện, lò nung của nhà máy xi-măng thì quy ước xếp vào ngành công nghiệp.

Trường hợp xí nghiệp công nghiệp sản xuất ra thiết bị máy móc và tự mình tiến hành lắp đặt các máy móc thiết bị đó (không kể là lắp đặt cho mình hay cho xí nghiệp khác) thì vẫn xếp vào ngành công nghiệp.

c) Giữa ngành vận tải hàng hóa và ngành công nghiệp:

Trong các xí nghiệp vận tải có các phân xưởng (hoặc bộ phận) làm các công việc sửa chữa vừa và sửa chữa lớn thiết bị máy móc thì xếp vào ngành công nghiệp. Trừ trường hợp chỉ chuyên sửa chữa nhỏ thì xếp chung vào ngành vận tải.

Các đoàn xe vận tải chuyên trách trong các xí nghiệp công nghiệp (hoặc trong các công ty liên hợp), làm nhiệm vụ vận tải trong dây chuyền sản xuất công nghiệp thì xếp vào ngành công nghiệp (ví dụ: vận tải trong dây chuyền sản xuất ở các mô, vận tải từ bãi I đến bãi II trong các lâm trường khai thác gỗ…).

Riêng các lâm trường khai thác gỗ không đủ phương tiện vận tải phải thuê các công ty vận tải bên ngoài, thì hoạt động của các công ty này xếp vào ngành vận tải hàng hóa, nhưng xí nghiệp khai thác gỗ vẫn tính chi phí vận tải đó vào giá thành của sản phẩm khai thác gỗ. Việc vận tải gỗ từ bãi II trở đi thì tính vào hoạt động của vận tải hàng hóa (bãi II là bãi gỗ thành phẩm, là nơi kết thúc quá trình sản xuất công nghiệp khai thác gỗ).

d) Giữa ngành thương nghiệp và ngành công nghiệ:

Trong các cửa hàng thương nghiệp có bộ phận làm tăng thêm phẩm chất của mặt hàng, sửa chữa hàng trước khi bán, việc pha chế thuốc tại các cửa hàng theo đơn thầy thuốc, việc pha chế nước mắm từ loại nước mắm có độ đạm cao ra loại nước mắm có độ đậm thấp để bán…đều xếp vào ngành thương nghiệp.

Trong các cửa hàng ăn uống công cộng có sản xuất một số thức ăn bán ngay tại chỗ và các lò bánh mì của các nhà ăn tập thể thì không xếp vào ngành công nghiệp mà xếp vào ngành thương nghiệp và ăn uống công cộng (đối với việc sản xuất thức ăn bán ngay tại chỗ) và xếp vào ngành mà nhà ăn tập thể đó phụ thuộc (đối với lò bánh mì của các nhà ăn tập thể).

Các tổ chức sản xuất chuyên nghiệp như tổ làm đồ gỗ, tổ pha tẩm và chế biến chè, sửa chữa đồng hồ, bút máy, máy khâu, xe đạp có tổ chức chuyên trách, sản xuất bún, bánh giò, bánh phở, bánh đa, bánh mì, thịt đông, ba-tê, xúc-xích, thịt nguội, nem, kem… để bán buôn, chế biến từ chượp ra nước mắm, in rô-nê-ô thuê, in ảnh hàng loạt để bán, xưởng in tráng phim, nghề làm sơn mài, chạm trổ v.v… đều xếp vào ngành công nghiệp.

Đối với những trường hợp dễ nhầm lẫn giữa ngành này với ngành khác mà chưa có quy định ở trên, khi sắp xếp vào ngành nào, cần thống nhất ý kiến với Tổng cục Thống kê và các chi cục thống kê tỉnh, thành phố.

II. NGUYÊN TẮC PHÂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÀNH CÔNG NGHIỆP THUỘC NHÓM A, CÔNG NGHIỆP THUỘC NHÓM B, CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC, CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN VÀ THÀNH TỪNG NGÀNH CỤ THỂ TRONG CÔNG NGHIỆP.

1. Nguyên tắc phân ngành công nghiệp thành công nghiệp thuộc nhóm A và công nghiệp thuộc nhóm B.

Công nghiệp thuộc nhóm A là công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, là cơ sở của tái sản xuất mở rộng. Công nghiệp thuộc nhóm B là công nghiệp sản xuất vật phẩm tiêu dùng. Chi công nghiệp thành công nghiệp thuộc nhóm A và công nghiệp thuộc nhóm B là để nghiên cứu các quan hệ giữa sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất vật phẩm tiêu dùng, đồng thời còn để nghiên cứu quan hệ giữa các ngành trong nội bộ công nghiệp thuộc nhóm A và các ngành trong nội bộ công nghiệp thuộc nhóm B. Khi sắp xếp các xí nghiệp công nghiệp và các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp vào công nghiệp thuộc nhóm A hay công nghiệp thuộc nhóm B, phải căn cứ vào công dụng kinh tế của sản phẩm do đơn vị đó sản xuất ra.

Đối với một đơn vị sản xuất vừa sản xuất tư liệu sản xuất, vừa sản xuất vật phẩm tiêu dùng, nếu giá trị sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là tư liệu sản xuất thì xếp đơn vị đó vào công nghiệp thuộc nhóm A, mặc dầu đơn vị đó có sản xuất vật phẩm tiêu dùng, ngược lại nếu giá trị sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là vật phẩm tiêu dùng thì xếp đơn vị đó vào công nghiệp thuộc nhóm B, mặc dầu có sản xuất ra tư liệu sản xuất. Ví dụ: một xí nghiệp có nhiệm vụ chủ yếu là khai thác gỗ, nhưng có làm cả việc chế biến đồ gỗ thì xí nghiệp đó được xếp vào ngành công nghiệp khai thác gỗ thuộc nhóm A mà không tách riêng phần chế biến gỗ để xếp vào công nghiệp chế biến gỗ để xếp vào công nghiệp chế biến gỗ thuộc nhóm B, một xí nghiệp cơ khí có nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất nông cụ, nhưng lại kiêm sản xuất một số đồ dùng trong gia đình như: nồi, soong, chảo, khóa cửa… thì vẫn xếp xí nghiệp này vào nhóm A, hoặc một xí nghiệp cơ khí khác chủ yếu là sản xuất máy móc thông tin liên lạc phục vụ đời sống nhân dân và phục vụ các ngành không sản xuất vật chất, nhưng đồng thời cũng có sản xuất vật chất, nhưng đồng thời cũng có sản xuất một số ít thiết bị kỹ thuật về điện và thỉnh thoảng có sản xuất một số máy móc và nông cụ phục vụ cho nông nghiệp, thì vẫn xếp xí nghiệp đó vào công nghiệp thuộc nhóm B.

Đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp mà nhiệm vụ sản xuất thường bị thay đổi hoặc không đựơc quy định rõ ràng thì căn cứ vào giá trị sản phẩm thực tế sản xuất ra hàng năm để sắp xếp cơ sở sản xuất đó vào nhóm A hay nhóm B. Ví dụ: một xí nghiệp công nghiệp mà đại bộ phận giá trị sản phẩm sản xuất ra trong những tháng đầu năm là vật phẩm tiêu dùng, đến những tháng cuối năm, đại bộ phận giá trị sản phẩm sản xuất ra lại là tư liệu sản xuất, thì sắp xếp như sau: Nếu tỉ lệ về giá trị của sản phẩm là tư liệu sản xuất trong năm đó chiếm nhiều hơn thì xếp xí nghiệp đó vào công nghiệp thuộc nhóm A, ngược lại thì xếp vào công nghiệp thuộc nhóm B. Do đó, một đơn vị sản xuất công nghiệp không nhất thiết cố định là thuộc nhóm A hay thuộc nhóm B trong một thời gian dài, khi nhiệm vụ sản xuất thay đổi, làm thay đổi công dụng kinh tế của sản phẩm do đơnvị đó sản xuất ra thì việc sắp xếp đơn vị đó vào nhóm A hay nhóm B cũng sẽ thay đổi.

Trên đây là nguyên tắc phân ngành công nghiệp theo nhóm A hay nhóm B đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp. Khi phân ngành công nghiệp theo nhóm A hay nhóm B đối với các loại sản phẩm công nghiệp thì phải căn cứ vào công dụng kinh tế của từng loại sản phẩm mà quy định.

Tuy nhiên, đối với một số ngành công nghiệp (như ngành thực phẩm và ngành dệt) sản phẩm làm ra chủ yếu là phục vụ cho tiêu dùng nhưng những sản phẩm đó có lúc còn phải qua một giai đoạn chế biến nữa mới tiêu dùng được, thì vẫn xếp vào công nghiệp thuộc nhóm B, như các ngành công nghiệp dệt vải, đánh cá, làm đường v.v… Đối với công nghiệp muốio, có hai trường hợp: sản xuất muối để ăn, xếp vào công nghiệp thuộc nhóm B, sản xuất muối dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp, xếp vào công nghiệp thuộc nhóm A. Công nghiệp giấy cũng chia ra hai trường hợp: giấy viết và in xếp vào công nghiệp thuộc nhóm B, giấy dùng để làm bao bì (giấy bao xi-măng, giấy bao gói) xếp vào công nghiệp thuộc nhóm A.

2. Nguyên tắc phân ngành công nghiệp thành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến.

Phân ngành công nghiệp thành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến, nhằm mục đích nghiên cứu các quan hệ cân đối giữa hoạt động khai thác và hoạt động chế biến trong sản xuất công nghiệp.

a) Ngành công nghiệp khai thác bao gồm tất cả các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, chuyên khai thác những của cải vật chất có sẵn trong thiên nhiên chưa có lao động của con người tác động vào.

Công nghiệp khai thác bao gồm: công nghiệp muối, công nghiệp thủy điện, công nghiệp khai thác quặng kim loại và á-kim, công nghiệp khai thác nhiên liệu, công nghiệp khai thác thực vật (gỗ, tre, nứa, lá, mây, song…) và một số ngành công nghiệp khai thác khác. Việc khai thác gỗ ở các rừng do người trồng cũng xếp vào ngành công nghiệp khai thác gỗ, việc thu hoạch cây công nghiệp do người trồng thì xếp vào ngành nông nghiệp. Công nghiệp khai thác bao gồm cả việc khai thác thủy sản, nhưng việc khai thác cá nuôi ở ao, hồ, sông ngòi thì xếp vào ngành nông nghiệp.

b) Ngành công nghiệp chế biến bao gồm tất cả các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp chuyên chế biến những sản phẩm của công nghiệp khai thác và sản phẩm của nông nghiệp. Ngoài ra công nghiệp chế biến còn bao gồm cả việc sửa chữa máy móc thiết bị và sửa chữa vật phẩm tiêu dùng.

Công nghiệp chế biến bao gồm: công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp chế biến nhiên liệu, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị máy móc, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến gỗ, tre, nứa, lá, mây, song, cói… công nghiệp sành, sứ, thủy tinh, đồ gốm, công nghiệp dệt, da, may, nhuộm, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ ngành y tế, văn hóa, giáo dục, và các ngành công nghiệp chế biến khác.

Đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp vừa khai thác vừa chế biến, nếu tỷ trọng về giá trị sản phẩm của phần khai khác lớn hôn thì xếp vào ngành công nghiệp khai thác, nếu tỷ trọng về giá trị sản phẩm của phần chế biến lớn hơn thì xếp vào ngành công nghiệp chế biến. Ví dụ: công ty than, xí nghiệp khai thác gỗ vừa khai thác vừa chế biến than và gỗ, nhưng tỷ trọng về giá trị sản phẩm của phần khai thác lớn hơn tỷ trọng về giá trị sản phẩm của phần chế biến nên những xí nghiệp đó xếp vào công nghiệp khai thác, xí nghiệp xi-măng có khai thác đá và chế biến xi-măng, nhưng tỷ trọng về giá trị sản phẩm chế biến xi-măng lớn hơn nên xếp xí nghiệp xi-măng vào ngành công nghiệp chế biến.

Đối với các xí nghiệp mà tỷ trọng giá trị sản phẩm khai thác và giá trị sản phẩm chế biến bằng nhau (không kể chế biến sản phẩm của bản thân xí nghiệp đã khai thác hay chế biến sản phẩm do xí nghiệp khác khai thác), nay quy ước xếp vào ngành công nghiệp chế biến. Quy ước xếp như vậy là căn cứ theo giai đoạn cuối cùng của dây chuyền sản xuất của xí nghiệp.

3. Nguyên tắc phân ngành cụ thể trong công nghiệp.

Việc phân ngành công nghiệp thành nhóm A và nhóm B, công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến là để nghiên cứu một cách tổng quát đặc điểm chung của kinh tế công nghiệp. Nhưng vì ngành công nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực kinh tế rộng lớn, bao gồm nhiều hình thái sản xuất, qua nhiều quá trình công nghệ phức tạp và khác nhau, do đó cần thiết phải phân ngành công nghiệp thành nhiều ngành cụ thể để nghiên cứu sâu hơn các chức năng kinh tế và chiều hướng phát triển kinh tế kỹ thuật của từng ngành, nhằm không ngừng nâng cao trình độ sản xuất và trình độ kế hoạch hóa của toàn ngành công nghiệp.

Việc phân ngành công nghiệp thành nhiều hay ít ngành cụ thể là tùy theo tình hình tài nguyên thiên nhiên của đất nước, tình hình phát triển sản xuất công nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật của nước nhà trong từng thời kỳ mà quy định. Trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Chính phủ trong Thông tư số 76-TTg/CN ngày 07-5-1966 đã quy định phân toàn bộ ngành công nghiệp nước ta thành 13 ngành công nghiệp lớn. Khi xếp một đơn vị cơ sở vào ngành này hay ngành khác trong 13 ngành công nghiệp lớn phải căn cứ vào ba đặc điểm chủ yếu sau đây:

- Công dụng kinh tế của sản phẩm sản xuất ra giống nhau.

- Nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm giống nhau.

- Tính chất và quá trình công nghệ giống nhau.

Nhưng các đơn vị cơ sở sản xuất công nghiệp được xếp vào cùng một ngành không nhất thiết phải giống nhau cả ba đặc điểm trên. Thông thường, trước hết căn cứ vào đặc điểm thứ nhất, nếu đặc điểm thứ nhất không phù hợp sẽ căn cứ vào đặc điểm thứ hai hoặc thứ ba.

Ví dụ: đối với các xí nghiệp khai thác than đá, than bùn, chế biến than đá, than quả bàng, than tổ ong… sản phẩm sản xuất ra đều để làm chất đốt, nên dựa vào đặc điểm “công dụng kinh tế của sản phẩm giống nhau” mà xếp chung các xí nghiệp ấy vào ngành “Công nghiệp khai thác và chế biến nhiên liệu”. Đối với các xí nghiệp đánh cá sông, cá biển, khai thác muối, xay xát gạo, mổ thịt, chế biến hoa quả, làm đường, mật… sản phẩm sản xuất ra đều để ăn, nên xếp chung các xí nghiệp ấy vào ngành “công nghiệp thực phẩm”. Đối với các xí nghiệp hóa chất, phân bón… lại dựa vào đặc điểm “tính chất và quá trình công nghệ giống nhau” mà xếp vào ngành “Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học”. Đối với các xí nghiệp chế biến gỗ, tre, nứa, lá, mây, song… dựa vào đặc điểm “nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm giống nhau” nên xếp vào ngành “Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sàn”. Đối với các xí nghiệp sản xuất diêm, bản thân nó không thể thành một ngành riêng nên cũng xếp vào ngành “Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản”, vì nguyên liệu chủ yếu để làm ra diêm là gỗ.

Đối với một số đơn vị cơ sở sản xuất công nghiệp bản thân nó không thể thành một ngành riêng, nhưng nếu xếp nó vào các ngành khác thì không thích hợp, do đó phải xếp chung vào một nhóm cuối cùng gọi là “các ngành công nghiệp khác”. Thí dụ: các xí nghiệp sản xuất xà phòng, sản xuất thuốc đông y, sản xuất đồ sắt tráng men, v.v… đều xếp vào “Các ngành công nghiệp khác”. Những cơ sở sản xuất công nghiệp làm ra nhiều loại sản phẩm khác nhau thì phải căn cứ vào đặc điểm của loại sản phẩm nào có tỷ trọng về giá trị lớn nhất để xếp vào ngành này hay ngànhk hác trong công nghiệp.

III. MƯỜI BA NGÀNH CÔNG NGHIỆP LỚN

1. Ngành công nghiệp điện lực.

Ngành công nghiệp điện lực là cơ sở sản xuất năng lượng của nền kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp điện lực bao gồm toàn bộ các xí nghiệp và các cơ sở sản xuất điện có công suất tổng cộng từ 5 kw trở lên và hoạt động tương đối thường xuyên.

a) Công nghiệp nhiệt điện và thủy điện:

- Công nghiệp nhiệt điện và sản xuất điện năng bằng phương pháp nhiệt như dùng tuyếc-bin hơi, máy đi-ê-den, máy lô-cô…

- Công nghiệp thủy điện sản xuất điện năng bằng phương pháp lợi dụng sức nước làm cho máy chạy phát ra điện.

b) Xí nghiệp điện trong lưới và xí nghiệp điện ngoài lưới:

- Xí nghiệp điện trong lưới là những xí nghiệp phát điện được nối liền với nhau bằng các đường dây tải điện. Các xí nghiệp điện trong lưới do một trung tâm điều khiển thống nhất việc sản xuất và phân phối.

- Xí nghiệp điện ngoại lưới là các xí nghiệp phát điện không có màng lưới đường dây nối liền với nhau. Mỗi xí nghiệp tự mình điều hòa sản xuất và phân phối điện cho nơi tiêu dùng.

c) Điện phụ thuộc là các xí nghiệp và cơ sở phát điện hoặc các máy phát điện không có hạch toán độc lập mà phụ thuộc vào một đơn vịk hác như xí nghiệp, công trường, nông trường, hợp tác xã, cơ quan, trường học, bệnh viện v.v…

2. Ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhiên liệu.

Ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhiên liệu gồm các xí nghiệp khai thác các loại chất đốt như than đá, và chế biến than luyện, than cốc…

Than cốc sản xuất trong các xí nghiệp khai thác than hoặc sản xuất than cốc độc lập tính vào ngành này, than cốc sản suất phụ thuộc vào xí nghiệp luyện kim thì không tính vào ngành này mà tính vào ngành “Công nghiệp khaithác và luyện kim đen” hoặc ngành “Công nghiệp khai thác và luyện kim màu”.

3. Ngành công nghiệp khai thác và luyện kim đen.

Ngành công nghiệp khai thác và luyện kim đen là cơ sở sản xuất nguyên liệu chủ yếu cho ngành “Công nghiệp chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại”.

Ngành công nghiệp khai thác và luyện kim đen bao gồm việc khai thác quặng kim loại đen như quặng sắt, quặng cờ-rôm, quặng măng-ga-ne… và việc luyện gang, luyện thép, cán thép…

4. Ngành công nghiệp khai thác và luyện kim màu.

Ngành công nghiệp khai thác và luyện kim màu bao gồm việc khai thác quặng kim loại màu như đồng, chì, thiếc, kẽm, ăng-ti-moan, và việc tinh luyện các kim loại màu kể trên…

5. Ngành công nghiệp chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại.

Ngành công nghiệp chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại là ngành công nghiệp có tác dụng quyết định đối với việc cải tạo kỹ thuật và trang bị kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Ngành này gồm có hai bộ phận:

a) Chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại:

- Máy móc và công cụ cho ngành sản xuất công nghiệp:

Chế tạo máy phát động lực: các loại máy móc và thiết bị dùng để chế biến các dạng năng lượng khác nhau thành cơ năng như nồi xúp-de và các thiết bị kèm theo, các loại động cơ máy nổ, tuyếc-bin chạy bằng sức nước, bằng động lực đốt trong…

Chế tạo máy móc kỹ thuật điện: máy phát điện, động cơ điện, máy biến thế, máy chỉnh lưu… việc sản xuất ắc-quy và pin thì thuộc ngành “Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học”.

Chế tạo máy công cụ cho ngành cơ khí: máy bay, máy bào, máy tiện, máy đánh bóng, máy cắt, máy mài, máy đột dập v.v…

Chế tạo máy móc cho ngành luyện kim: thiết bị cho lò cao, thiết bị cho lò luyện thép, máy cán thép v.v…

Chế tạo máy móc cho ngành hóa chất: nồi nghiền a-pa-tít, quả lô cán cao su, máy hấp săm lốp v.v…

Chế tạo máy móc cho các ngành công nghiệp nhẹ: máy móc cho công nghiệp giấy, công nghiệp dệt, công nghiệp thực phẩm v.v…

- Máy móc và công cụ cho ngành công nghiệp: máy kéo, máy bơm nước, máy tuốt lúa, lưỡi cày, bừa, cuốc xẻng, cào cỏ, xe cải tiến v.v…

- Máy móc và dụng cụ cho các ngành: y tế, văn hóa, nghiên cứu khoa học…

- Máy móc và sản phẩm bằng kim loại cho đời sống cá nhân và tập thể: máy thu thanh, quạt điện, bàn là, nồi niêu, soong chảo v.v…

b) Sửa chữa máy móc và sản phẩm bằng kim loại:

- Sửa chữa máy móc và dụng cụ cho các ngành sản xuất: công nghiệp, nông nghiệp xây dựng cơ bản, giao thông vận tải và các ngành sản xuất khác.

- Sửa chữa máy móc và dụng cụ bằng kim loại cho đời sống cá nhân và tập thể.

6. Ngành công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học.

Ngành công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học bao gồm các hoạt động:

- Khai thác quặng hóa học và sản phẩm hóa học: a-pa-tít, phốt phát, pi-rít, lưu huỳnh và các loại quặng hóa học khác.

- Chế biến các loại sản phẩm hóa học cơ bản như: a-xít sun-fu-ric, a-xít ni-tơ-ríc, xút cô-tic, cơ-lo lỏng, cơ-lo khí v.v…

- Chế biến các loại sản phẩm hóa học thông thường dùng cho sản xuất và đời sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tây chữa bệnh, đồ dùng bằng cao su, đồ dùng bằng nhựa, thuốc nhuộm, sợi hóa học v.v….

7. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm việc khai thác và chế biến vật liệu cho ngành xây dựng cơ bản:

- Khai thác vật liệu xây dựng: đá, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng khác.

- Chế biến vật liệu xây dựng: xi-măng, gạch, ngói, vôi, bê-tông đúc sẵn, gạch chịu lửa, vật liệu cách nhiệt, các chất dính dùng cho xây dựng và các loại vật liệu xây dựng khác… Vôi sản xuất dùng bón ruộng để cải tạo đất thì không thuộc phạm vi vật liệu xây dựng.

8. Ngành công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản.

Công nghiệp khai thác gỗ và lâm sản bao gồm: khai thác gỗ ở rừng thiên nhiên và rừng do người trồng, khai thác củi thước, tre, nứa, lá, mây, song, củ nâu v.v…

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bao gồm: xẻ gỗ, làm gỗ dán, chế biến các phương tiện, dụng cụ và sản phẩm bằng gỗ dùng cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải và các ngành sản xuất khác, chế biến than gỗ, chế biến các sản phẩm phục vụ cho đời sống như đồ dùng bằng gỗ, diêm, giấy, đồ đan bằng tre nứa, mây song, nón lá, áo tơi lá, chiếu cói, thảm cói và các đồ dùng bằng cói khác.

Sản phẩm củi thước và than gỗ là thuộc về chất đốt, nhưng không xếp vào ngành
”Công nghiệp khai thác và chế biến nhiên liệu” mà quy ước xếp vào ngành “Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản” vì hiện nay các xí nghiệp khai thác gỗ kiêm cả việc khai thác củi thước và sản xuất than gỗ, mặt khác xét về quá trình công nghệ thì khai thác củi thước và sản xuất than gỗ cũng tương tự như khai thác gỗ, tre, nứa v.v….

Cói là sản phẩm trồng trọt của nông nghiệp, không thuộc loại khai thác ở rừng, nhưng vì nguyên liệu cói cùng loại thảo mộc và quá trình chế biến tương tự như quá trình chế biến các sản phẩm bằng tre, nứa, lá, mây, song… nên xếp việc chế biến cói vào ngành này.

9. Ngành công nghiệp thủy tinh, sành sứ và đồ đá.

Ngành công nghiệp thủy tinh, sành sứ và đồ đá bao gồm việc khai thác nguyên liệu chủ yếu và chế biến các sản phẩm bằng thủy tinh sành sứ và đồ đá dùng cho sản xuất và đời sống:

- Khai thác các nguyên liệu như đất sét, cao-lanh, cát nấu thủy tinh và các nguyên liệu khác.

- Chế biến sản phẩm bằng thủy tinh, sành sứ dùng cho các ngành sản xuất như kính tấm, sứ cách điện, ống dành, sứ vệ sinh dùng cho ngành xây dựng, chai lọ dùng cho công nghiệp thực phẩm và dược phẩm, bình đựng a-xít cho công nghiệp hóa học, thủy tinh dùng cho công nghiệp đồ điện vv…

- Chế biến các sản phẩm bằng thủy tinh dùng cho công tác nghiên cứu khoa học như dụng cụ về quang học, dụng cụ thí nghiệm hóa học, và dùng cho đời sống như chai lọ, cốc chén, phích nước, v.v…

- Chế biến các sản phẩm bằng sành sứ và đá dùng cho đời sống như chum, vại, vò, chậu, ấm, chén, bát, đĩa, cối đá v.v…

10. Ngành công nghiệp dệt, da, may, nhuộm.

Ngành công nghiệp dệt, da, may, nhuộm gồm cả việc chế biến nguyên liệu và chế biến sản phẩm:

- Chế biến nguyên liệu: chế biến bông, sợi vải, sợi tơ tằm, sợi len, sợi gai, sợi đay, sợi lanh, chế biến lông, thuộc da v.v…. Việc chế biến sợi hóa học thuộc ngành “Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học”.

- Công nghiệp dệt: dệt các loại vải và lụa bằng sợi bông, sợi tơ tằm, sợi hóa học, sợi gai, sợi đay, sợi lanh, dệt len dạ, dệt kim v.v…

- Chế biến các sản phẩm bằng gai, đay dùng cho sản xuất và đời sống như lưới đánh cá, võng, thừng, chão, dây thuộc…

- Chế biến các sản phẩm bằng da thuộc và giả da dùng cho sản xuất và đời sống như dây cu-roa, giày dép, cặp, va-li v.v…

- Công nghiệp may gồm cả may sẵn để bán và may do cho từng người.

- Công nghiệp nhuộm gồm cả nhuộm vải mới là nhuộm lại đồ cũ…

11. Ngành công nghiệp thực phẩm.

Ngành công nghiệp thực phẩm gồm cả việc khai thác và chế biến thực phẩm:

- Công nghiệp khai thác thực phẩm: đánh cá biển và các loại hải sản khác như: tôm, moi, mực, hải sâm, sá sùng, rau câu… đánh cá sông và cá đồng những nơi tập trung, khai thác muối biển và muối mỏ…

- Công nghiệp chế biến thực phẩm gồm: xát gạo, xay bột, chế biến cá thịt hộp, hoa quả hộp, đường mật, bánh, mứt, kẹo sữa, chè, cà phê, thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, nước ngọt, nước mắm, mắm tôm, mắm cái, ma-di, xì dầu, dấm, các loại gia vị và các loại thực phẩm khác…

12. Ngành công nghiệp in và sản xuất các loại văn hóa phẩm.

Ngành công nghiệp và sản xuất các loại văn hóa phẩm gồm việc chế biến các sản phẩm dùng cho các hoạt động về văn hóa nghệ thuật, thể thao thể dục:

- In sách báo, tranh ảnh, tráng và in phim hàng loạt.

- Chế biến các loại văn phòng phẩm: bút, mực, thước kẻ, các dụng cụ văn phòng khác: công việc kẻ giấy…

- Chế biến các loại nhạc cụ bằng kim loại, gỗ, tr, da, nhựa (kể cả dĩa máy hát), các loại phụ tùng cho nhạc cụ…

- Chế biến các loại đồ chơi bằng kim loại, đất nung, gỗ, giấy, vải, xương, sừng.. (không kể các loại đồ chơi bằng cao su và nhựa đã ghi ở ngành “Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học”).

- Chế biến đồ mỹ nghệ theo phương pháp thêu ren, điêu khắc, chạm trổ, mài dũa, nắn, đan, nung và dùng các loại nguyên liệu vải, lụa, kim khí, gỗ, tre, nứa, mây, song, đất, đá, thạch cao, thủy tinh, xương, trai sừng, ngà v.v… Cần phân biệt đồ mỹ nghệ với đồ dùng thông thường: đồ mỹ nghệ chế tạo theo phương pháp thủ công tinh vi và phức tạp, giá trị về mỹ thuật cao hơn giá trị sử dụng, giá trị công chế biến chiếm phần lớn so với giá trị nguyên vật liệu trong một số sản phẩm.

- Chế biến dụng cụ thể thao thể dục bằng kim khí, gỗ, gai, đay, da… như xà đơn, xà kép, xà lệch, lưới bóng, bóng bằng da (bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ… không kể ruột bóng bằng cao su đã ghi ở ngành “Công nghiệp khai thác quặng hóa học và công nghiệp hóa học”).

13. Ngành công nghiệp khác.

Các ngành công nghiệp khác bao gồm các ngành công nghiệp còn lại chưa kể vào các ngành như trên:

- Công nghiệp khai thác gra-phit, mi-ca, đá sợi v.v..

- Công nghiệp chế biến một số sản phẩm phục vụ cho sản xuất như tinh dầu và hương liệu, dầu nhờn và dầu thảo mộc (trừ các loại dầu làm thức ăn đã ghi ở ngành “Công nghiệp thực phẩm”), làm bao bì dùng cho đóng gói sản phẩm (trừ các loại bao bì bằng gỗ đã xếp vào ngành khai thác và chế biến gỗ).

- Công nghiệp chế biến các sản phẩm dùng cho đời sống như các loại xà phòng, phấn sáp, các loại chất thơm, thuốc đông y, sắt tráng men, nước máy, nước đá v.v…

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Nguyễn Dức Dương


BẢNG MỤC LỤC

Ngành nghề cụ thể trong công nghiệp

(Ban hành cùng với bản quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp kèm theo Quyết định số 486-TCTK/CN ngày 02-6-1966 của Tổng cục Thống kê).

NGÀNH NGHỀ CỤ THỂ

NHÓM

PHỤC VỤ

I. NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN LỰC

 

 

a) Nhiệt điện

A

(1)

1. Điện trong lưới

A

(1)

Trong đó: điện phụ thuộc

A

(1)

2. Điện ngoài lưới

A

(1)

Trong đó: điện phụ thuộc

A

(1)

b) Thủy điện

A

(1)

1. Điện trong lưới

A

(1)

Trong đó: điện phụ thuộc

A

(1)

2. Điện ngoài lưới

A

(1)

Trong đó: điện phụ thuộc

A

(1)

II. NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN NHIÊN LIỆU

 

 

a) Khai thác than đá

 

 

1. Khai thác than đá

A

(1)

2. Khai thác than bùn

B

(6)

b) Chế biến nhiên liệu

 

 

1. Sản xuất than hòn gạch (briquette)

A

(3)

2. Sản xuất than cốc và nửa cốc

A

(1)

3. Sản xuất than quả bàng và than tổ ong

B

(6)

III. NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ LUYỆN KIM ĐEN

 

 

a) Khai thác quặng kim loại đen

 

 

1. Quặng kim loại có chất sắt

A

(1)

2. Quặng cơ-rôm

A

(1)

3. Quặng măng-ga-ne

A

(1)

b) Luyện kim loại đen

 

 

1. Luyện gang

A

(1)

2. Luyện thép

A

(1)

3. Luyện thép hợp kim

A

(1)

4. Cán thép

A

(1)

IV. NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ LUYỆN KIM MÀU

 

 

a) Khai thác quặng kim loại màu

 

 

1. Quặng kẽm

A

(1)

2. Quặng chì

A

(1)

3. Quặng thiết

A

(1)

4. Quặng an-ti-moan

A

(1)

b) Luyện kim loại màu

 

 

1. Luyện kẽm

A

(1)

2. Luyện chì

A

(1)

3. Luyện thiếc

A

(1)

4. Luyện an-ti-moan

A

(1)

V. NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO MÁY MÓC VÀ SẢN PHẨM BẰNG KIM LOẠI

 

 

a) Chế tạo máy móc và sản phẩm bằng kim loại.

 

 

1. Chế tạo máy móc công nghiệp:

A

(1)

- Máy phát động lực

A

(1)

- Máy móc thiết bị kỹ thuật điện

A

(1)

- Máy cái, máy công cụ cho ngành cơ khí

A

(1)

- Máy cho ngành khai thác luyện kim

A

(1)

- Máy cho ngành hóa chất

A

(1)

- Máy cho ngành công nghiệp nhẹ

A

(1)

- Máy cho ngành công nghiệp khác

A

(1)

2. Chế tạo máy móc và công cụ phục vụ cho ngành nông nghiệp

A

(1)

3. Chế tạo máy móc phục vụ cho ngành xây dựng cơ bản

A

(3)

4. Chế tạo máy móc cho ngành giao thông vận tải

A

(4)

5. Chế tạo máy phục vụ cho các ngành sản xuất khác

A

(5)

6. Chế tạo máy móc dụng cụ cho ngành y tế

B

(6)

7. Chế tạo máy thông tin vô tuyến điện và hữu tuyến

B

(6)

8. Chế tạo máy móc dụng cụ cho ngành văn hóa

B

(6)

9. Sản xuất sản phẩm bằng kim loại phục vụ cho đời sống

B

(6)

b) Sửa chữa máy móc và sản phẩm bằng kim loại

 

 

1. Sửa chữa cho các ngành sản xuất:

 

 

- Công nghiệp

A

(1)

- Nôngn ghiệp

A

(2)

- Xây dựng cơ bản

A

(3)

- Giao thông vận tải

A

(4)

- Các ngành sản xuất khác

A

(5)

2. Sửa chữa hàng tiêu dùng bằng kim loại

B

(6)

VI. NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC QUẶNG HÓA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA HỌC

 

 

1. Sản xuất các loại hóa chất cơ bản (kể cả khai thác nguyên liệu hóa chất)

A

(1)

2. Sản xuất các loại phân bón hóa học (kể cả khai thác nguyên liệu phân)

 

 

Trong đó: Phân lân

A

(2)

Phân đạm

A

(2)

3. Sản xuất các loại thuốc trừ sâu

A

(2)

4. Sản xuất các loại thuốc tây

B

(6)

5. Sản xuất các loại hóa chất khác như mực in, thuốc vẽ, sơn hóa học…

A

(1)

6. Sản xuất cao su tổng hợp và đồ dùng cao su…

 

(1)

- Sản phẩm bằng cao su dùng cho công nghiệp

A

(1)

- Sản phẩm, bằng cao su dùng cho nông nghiệp

A

(2)

- Sản phẩm bằng cao su dùng cho giao thông vận tải

A

(4)

- Sản phẩm bằng cao su dùng cho thể thao thể dục và đời sống

B

(6)

7. Sản xuất các sản phẩm bằng hóa chất phục vụ cho sinh hoạt

B

(6)

8. Sản xuất các loại đồ dùng và đồ chơi bằng nhựa

B

(6)

9. Sản xuất tơ nhân tạo

A

(1)

VII. NGÀNH CÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG

 

 

a) Khai thác vật liệu xây dựng

 

 

1. Khai thác đá

A

(3)

2. Khai thác cát, sỏi

A

(3)

b) Chế biến vật liệu xây dựng

 

 

1. Xi-măng

A

(3)

2. Gạch ngói, phi-brô xi-măng

A

(3)

3. Thạch cao và các vật liệu, các chất dính khác phục vụ cho xây dựng

A

(3)

4. Sản xuất vôi

 

 

Trong đó: Vôi dùng cho xây dựng

A

(3)

Vôi dùng cho nông nghiệp

A

(2)

5. Sản xuất sản phẩm chịu lửa, chịu chua, cách nhiệt

A

(3)

6. Sản xuất vật liệu xây dựng khác

A

(3)

VIII. NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN

 

 

a) Khai thác:

 

 

1. Khai thác gỗ

A

(1)

2. Khai thác tre, nứa, lá, mây, song, nâu…

A

(3)

3. Khai thác củi thước

B

(6)

b) Chế biến:

 

 

1. Xẻ gỗ

A

(1)

2. Gỗ dán

A

(3)

3. Chế biến gỗ dùng cho công nghiệp

A

(1)

Trong đó: thuyền đánh cá

A

(1)

4. Chế biến gỗ dùng cho nông nghiệp

A

(2)

5. Chế biến gỗ dùng cho xây dựng

A

(3)

6. Chế biến gỗ dùng cho giao thông vận tải

A

(4)

Trong đó: thuyền vận tải

A

(4)

7. Chế biến gỗ dùng cho các ngành sản xuất khác

A

(5)

8. Chế biến gỗ phục vụ cho sinh hoạt cá nhân và xã hội

B

(6)

Trong đó: sản xuất diêm

B

(6)

9. Chế biến bột giấy và sản xuất giấy

 

 

Trong đó: sản xuất giấy

B

(6)

sản xuất bột giấy

A

(1)

10. Chế biến than gỗ

A

(1)

11. Chế biến tre, nứa, lá, mây, song, dùng cho sinh hoạt cá nhân và xã hội

B

(6)

12. Chế biến các sản phẩm bằng cói

B

(6)

Trong đó: chiếu cói

B

(6)

IX. NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỦY TINH, SÀNH, SỨ VÀ ĐỒ ĐÁ

 

 

1. Sản xuất thủy tinh

 

 

Trong đó: dùng cho sản xuất

A

(5)

dùng cho đời sống

B

(6)

2. Sản xuất đồ sứ

 

 

Trong đó: dùng cho sản xuất

A

(5)

dùng cho đời sống

B

(6)

3. Sản xuất đồ gốm

B

(6)

4. Sản xuất đồ đá

B

(6)

5. Sản xuất cao-lanh

A

(1)

6. Khai thác các nguyên liệu khác

A

(1)

X. NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT, DA, MAY, NHUỘM

 

 

a) Công nghiệp dệt, nhuộm in hoa

 

 

1. Chế biến bông dùng cho công nghiệp

A

(1)

2. Chế biến sợi dùng cho công nghiệp

A

(1)

3. Kéo sợi tơ, kéo sợi len

A

(1)

4. Chế biến các loại sợi gai, đay và các loại nôgn sản khác

A

(1)

5. Dệt bằng sợi bông

 

 

Trong đó: Bằng máy

B

(6)

Bằng thủ công

B

(6)

6. Dệt bằng sợi tơ

 

 

Trong đó: Bằng máy

B

(6)

Bằng thủ công

B

(6)

7. Dệt bằng sợi len

B

(6)

Trong đó: Dệt bằng máy

B

(6)

Dệt bằng thủ công

B

(6)

Đan len

B

(6)

8. Chế phẩm bằng đay, gai và các loại sợi khác

 

 

- Sản phẩm bằng gai dùng cho sản xuất

A

(5)

- Sản phẩm bằng đay, gai dùng cho đời sống

B

(6)

9. Nhuộm in hoa vải, sợi và các sản phẩm khác

B

(6)

10. Sản phẩm lông vũ

A

(1)

b) Công nghiệp may mặc và đồ da

 

 

1. May mặc

B

(6)

2. Nghề làm mũ vải

B

(6)

3. Thuộc da các loại

A

(1)

4. Sản xuất đồ dùng bằng da

B

(6)

5. Sản xuất giầy da và giầy vải

B

(6)

XI. NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM

 

 

a) Khai thác

 

 

1. Đánh cá sông, cá biển bằng phương tiện cơ giới

B

(6)

2. Đánh cá sông, cá biển bằng thủ công

B

(6)

3 Khai thác muối

 

 

Trong đó: Muối dùng cho công nghiệp

A

(1)

Muối dùng để ăn

B

(6)

b) Chế biến lương thực, thực phẩm

 

 

1. Xát gạo bằng máy

B

(6)

2. Chế biến các loại bột

B

(6)

3. Chế biện cá và thủy sản

B

(6)

4. Chế biến nước mắm, mắm tôm, mắm cái

B

(6)

5. Mổ thịt và làm thịt hộp

B

(6)

6. Nghề làm đường, mật

B

(6)

Trong đó: Đường bằng máy

B

(6)

Đường bằng thủ công

B

(6)

7. Chế biến hoa quả

B

(6)

8. Chế biến các loại dầu và chất mỡ để ăn

B

(6)

9. Chế biến mứt, kẹo, bánh ngọt

B

(6)

10. Chế biến đậu phụ và các loại sản phẩm bằng đậu

B

(6)

11. Chế biến sữa và các loại sản phẩm bằng sữa

B

(6)

12. Chế biến chè

B

(6)

13. Chế biến thuốc lá

B

(6)

14. Chế biến thuốc lào

B

(6)

15. Chế biến các chất gia vịk hác

B

(6)

16. Chế biến các loại rượu, bia và nước ngọt

B

(6)

17. Chế biến các loại thực phẩm khác không nói ở mục trên

B

(6)

XII. NGÀNH CÔNG NGHIỆP IN VÀ SẢN XUẤT CÁC LOẠI VĂN HÓA PHẨM

 

 

1. In sách báo và tranh ảnh

B

(6)

2. Tráng phim và in phim ảnh

B

(6)

3. Sản xuất văn phòng phẩm

B

(6)

4. Sản xuất nhạc cụ và đồ chơi

B

(6)

5. Sản xuất mỹ nghệ

B

(6)

6. Sản xuất dụng cụ thể thao thể dục

B

(6)

XIII. CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHÁC

 

 

a) Ngành khai thác không nói ở mục trên

A

(5)

b) Ngành chế biến phục vụ cho sản xuất không kê ở trên

A

(5)

Trong đó: Tinh dầu và hương liệu

A

(5)

Dầu nhờn thảo mộc

A

(5)

b) Các ngành chế biến phục vụ đời sống không nói ở mục trên

B

(6)

Trong đó: Xà phòng các loại

B

(6)

Các loại phấn sáp nước hoa và các chất thơm khác

B

(6)

Thuốc đông y

B

(6)

Sắt tráng men

B

(6)

Nước máy và nước đá

B

(6)

Chú thích:

Các ký hiệu chia nhóm A, B ở cột 1 và các ký hiệu chia theo đối tượng phục vụ ở cột 2 trong bảng mục lục, cụ thể như sau:

- Ký hiệu chữ A chỉ nhóm sản xuất ra tư liệu sản xuất.

- Ký hiệu chữ B chỉ nhóm sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng.

- Ký hiệu chữ số nằm trong dấu () là chỉ đối tượng của ngành công nghiệp đó phục vụ:

(1) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho ngành công nghiệp.

(2) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho ngành nông nghiệp.

(3) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho ngành xây dựng cơ bản.

(4) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho ngành giao thông vận tải.

(5) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho các ngành sản xuất khác.

(6) Ký hiệu sản xuất phục vụ cho tiêu dùng cá nhân và xã hội.

Những ký hiệu trên cần được thi hành thống nhất để thuận lợi cho việc nghiên cứu, tổng hợp số liệu hiện nay và phù hợp với việc cơ giới hóa tính toán sau này.



([1]) Thông tư số 51-TTg ngày 3-6-1963 của Thủ tướng Chính phủ giải thích nghị định số 82-CP cùng ngày của Hội đồng Chính phủ về việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân.

(1) (2) (3) (4) Thông tư số 51-TTg ngày 3-6-1963 của Thủ tướng Chính phủ giải thích nghị định số 82-CP cùng ngày của Hội đồng Chính phủ về việc phân chia các ngành trong nền kinh tế quốc dân.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 486-TCTK/CN năm 1966 về bản quy định việc phân ngành cụ thể trong công nghiệp và bảng mục lục ngành nghề cụ thể trong công nghiệp do Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê ban hành

  • Số hiệu: 486-TCTK/CN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/06/1966
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Nguyễn Đức Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 17/06/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản