Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/TC-TCNH

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 76-TC/TCNH NGÀY 25-10-1995 QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ HOA HỒNG BẢO HIỂM

Thực hiện Nghị định số 100-CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm, nhằm tằng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Bộ Tài chính quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm được phép hoạt động của Việt Nam.

2. Hoa hồng bảo hiểm là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người đã đem lại dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tái bảo hiểm cho mình.

- Hoa hồng bảo hiểm bao gồm:

+ Hoa hồng đại lý: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho đại lý bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng đại lý.

+ Hoa hồng cộng tác viên: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho tổ chức cộng tác viên bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng cộng tác viên.

+ Môi giới phí: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho tổ chức môi giới bảo hiểm trên cơ sở thoả thuận giữa hai bên.

- Hoa hồng bảo hiểm còn bao gồm cả hoa hồng tái bảo hiểm là khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm trả cho doanh nghiệp bảo hiểm đã tái bảo hiểm cho mình trên cơ sở hợp đồng tái bảo hiểm.

3. Bộ Tài chính thống nhất quản lý tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm. Việc chi trả, hoạch toán hoa hồng bảo hiểm được thực hiện theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

4. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được chi trả hoa hồng bảo hiểm đúng đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm, phí tái bảo hiểm thực tế thu được.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm bao gồm:

a. Đại lý bảo hiểm: là những cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 19, Nghị định số 100-CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm tổ chức mạng lưới đại lý bảo hiểm của mình và đăng ký số lượng, danh sách đại lý với Bộ Tài chính theo quy định tại điểm 1, Mục II, Thông tư số 46-TC/CĐTC ngày 30-5-1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100-CP. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép chi trả hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý đã ký hợp đồng đại lý bảo hiểm.

b. Tổ chức cộng tác viên bảo hiểm: là một pháp nhân mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng cộng tác viên bảo hiểm.

c. Tổ chức môi giới bảo hiểm: là một pháp nhân đóng vai trò trung gian bảo hiểm giữa người có nhu cầu bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm để nhận được môi giới phí.

d. Doanh nghiệp bảo hiểm, trong trường hợp thu xếp hợp đồng tái bảo hiểm.

2. Không được trả hoa hồng bảo hiểm cho các đối tượng sau đây:

- Các tổ chức, cá nhân mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không được pháp luật cho phép hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

- Các tổ chức cá nhân trực tiếp mua bảo hiểm.

- Cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Mức chi hoa hồng bảo hiểm:

a. Mức chi hoa hồng bảo hiểm: thực hiện theo biểu tỷ lệ hoa hồng áp dụng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm. (Kèm theo Thông tư này)

Tỷ lệ hoa hồng quy định tại Thông tư này là tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi cho đại lý, tổ chức cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (trong trường hợp thu xếp hợp đồng tái bảo hiểm) khi thực tế đã đem lại dịch vụ bảo hiểm.

Căn cứ vào thực tiễn kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm có thể điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm áp dụng giữa các dịch vụ bảo hiểm trong cùng một nghiệp vụ bảo hiểm nhưng không được điều chỉnh hoa hồng bảo hiểm giữa các nghiệp vụ bảo hiểm.

b. Mức chi hoa hồng tái bảo hiểm:

- Mức chi hoa hồng tái bảo hiểm bắt buộc áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính về việc thực hiện chế độ tái bảo hiểm bắt buộc.

- Các trường hợp khác cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trên cơ sở hợp đồng tái bảo hiểm.

4. Chế độ hạch toán:

Chi hoa hồng bảo hiểm theo đúng quy định tại Thông tư này được coi là một khoản chi trong cơ cấu phí bảo hiểm và được hạch toán vào chi kinh doanh bảo hiểm.

5. Công tác kiểm tra:

Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện chế độ hoa hồng bảo hiểm cùng với việc kiểm tra giám sát các mặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm theo các quy định của pháp luật hiện hành.

III. KHOẢN THI HÀNH

Các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam phải tiến hành ngay việc rà soát lại chế độ hoa hồng bảo hiểm đang áp dụng tại đơn vị mình, sửa đổi lại và thực hiện đúng với quy định tại Thông tư này.

Mọi trường hợp vi phạm chế độ hoa hồng bảo hiểm quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành tuỳ theo mức độ vi phạm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1996. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã Ký)

BẢNG TỶ LỆ HOA HỒNG BẢO HIỂM TỐI ĐA ÁP DỤNG CHO CÁC LOẠI NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 76-TC/TCNH ngày 25 tháng 10 năm 1995 của Bộ Tài chính)

STT Nghiệp vụ Tỷ lệ hoa hồng (%)

1 Bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm

tai nạn con người 10

2 Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại 0,3

3 Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không 2

4 Bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự của tàu 2,5

5 Bảo hiểm trách nhiệm chung 4

6 Bảo hiểm hàng không 0,5

7 Bảo hiểm xe cơ giới 5

8 Bảo hiểm cháy 5

9 Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 5

10 Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 10

11 Bảo hiểm nông nghiệp 10

12 Các nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc 3

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 76/TC-TCNH-1995 quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 76/TC-TCNH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/10/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 16/08/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản