Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 74/2015/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương III

TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

MỤC 1. CẤP CỨU NGƯỜI BỊ NẠN, PHÒNG VỆ ĐỊA ĐIỂM TAI NẠN

Điều 16. Tổ chức cấp cứu người bị nạn

1. Lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn phải:

a) Tổ chức sơ cứu ngay người bị nạn. Căn cứ vào tình hình thực tế, đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc huy động khẩn cấp người, phương tiện đưa nạn nhân đến nơi gần nhất có cơ sở y tế để cấp cứu;

b) Cùng với việc tổ chức cấp cứu người bị thương, cử người trông coi nạn nhân và bảo vệ tài sản.

2. Khi có người bị thương trong ga hoặc trên tàu giao xuống ga thì nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga tổ chức việc cấp cứu người bị nạn.

Điều 17. Tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn

1. Khi tai nạn xảy ra trên đường sắt đô thị, lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn (nếu đoàn tàu vận hành ở chế độ lái tự động không có lái tàu) phải báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu của Trung tâm điều hành vận tải đường sắt đô thị đó tổ chức phòng vệ khu vực xảy ra tai nạn và nhân viên điều độ chạy tàu báo cho các đoàn tàu phía sau dừng tàu.

2. Lái tàu, nhân viên hỗ trợ an toàn sau khi báo cáo tình hình tai nạn cho nhân viên điều độ chạy tàu phải tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn, đặt pháo phòng vệ với khoảng cách đặt pháo từ 200 m đến 500 m, trấn an tinh thần cho hành khách trên tàu.

MỤC 2. BÁO TIN VỀ TAI NẠN

Điều 18. Trình tự báo tin khi xảy ra tai nạn

1. Lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn phải báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu.

2. Nhân viên điều độ chạy tàu phải báo ngay cho các nhà ga hai đầu khu gian, doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành đường sắt đô thị.

3. Doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành đường sắt đô thị phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Ủy ban nhân dân nơi gần nhất tại địa điểm xảy ra tai nạn (trong trường hợp xảy ra tai nạn chết người và trong các trường hợp cần sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các cấp) và các đơn vị có liên quan;

b) Cơ quan công an nơi gần nhất.

4. Sở Giao thông vận tải phải báo cáo ngay cho Bộ Giao thông vận tải trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường sắt đô thị nghiêm trọng trở lên.

Điều 19. Biện pháp báo tin

1. Khi xảy ra tai nạn, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp, thông qua các phương tiện thông tin, liên lạc hoặc gặp trực tiếp để báo tin về tai nạn đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.

2. Trong trường hợp các cá nhân quy định tại Điều 18 của Thông tư này không thể liên lạc được với một trong số các tổ chức, cá nhân có liên quan thì yêu cầu tổ chức, cá nhân mình đã liên lạc được cùng phối hợp, hỗ trợ trong việc báo tin cho tổ chức, cá nhân còn lại.

Điều 20. Nội dung thông tin phải báo tin

1. Nội dung thông tin ban đầu về tai nạn phải kịp thời, chính xác và bao gồm một số nội dung chính như sau:

a) Địa điểm xảy ra tai nạn (km, khu gian, xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố);

b) Thời gian xảy ra tai nạn;

c) Số người chết, số người bị thương;

d) Sơ bộ trạng thái hiện trường, phương tiện bị tai nạn, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng;

đ) Các thông tin quan trọng khác liên quan đến vụ tai nạn mà người báo tin có thể cung cấp.

2. Ngoài việc báo tin ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, nhân viên điều độ chạy tàu phải lập báo cáo tai nạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo tai nạn được gửi cùng Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn tới các cơ quan chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Thông tư này.

3. Doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành đường sắt đô thị phải tổ chức bộ phận thường trực, thiết lập số điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận và báo cáo kịp thời thông tin về sự cố, tai nạn giao thông trên đường sắt đô thị và công khai số điện thoại, số fax, địa chỉ hộp thư điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 21. Xử lý tin báo về tai nạn

Mọi tổ chức, cá nhân khi nhận được tin báo về tai nạn hoặc yêu cầu phối hợp, hỗ trợ trong việc báo tin phải tìm mọi biện pháp để thực hiện theo đề nghị và báo lại cho người đề nghị (nếu được), đồng thời phải triển khai thực hiện ngay các công việc, biện pháp nghiệp vụ theo quy định nếu vụ tai nạn thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình. Nếu vụ tai nạn không thuộc phạm vi, trách nhiệm giải quyết của mình thì tiếp tục báo tin về vụ tai nạn cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.

MỤC 3. LẬP HỒ SƠ BAN ĐẦU VỤ TAI NẠN

Điều 22. Lập hồ sơ ban đầu vụ tai nạn

1. Hồ sơ vụ tai nạn do cơ quan công an có thẩm quyền lập. Cùng với việc bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, báo tin tai nạn, lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn phải có nghĩa vụ báo cáo chính xác tình hình hiện trường với Trung tâm điều hành vận tải đường sắt đô thị.

2. Báo cáo vụ tai nạn do lái tàu hoặc nhân viên hỗ trợ an toàn lập, bao gồm:

a) Biên bản vụ tai nạn (theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Báo cáo của nhân viên đường sắt đô thị có liên quan (theo Mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Biên bản bàn giao nạn nhân, tài sản và các giấy tờ có liên quan.

3. Báo cáo vụ tai nạn được gửi cho các cơ quan có thẩm quyền như sau:

a) 01 bộ gửi cho cơ quan công an cấp quận, huyện nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt đô thị trong vòng 12 giờ, kể từ khi tai nạn xảy ra;

b) 01 bộ gửi cho Sở Giao thông vận tải;

c) 01 bộ gửi cho doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành đường sắt đô thị.

Thông tư 74/2015/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 74/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1219 đến số 1220
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH