Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất, nhập khẩu; hàng hóa xuất, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí do Bộ Tài chính ban hành

Mục 2. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU, HÓA CHẤT, KHÍ XUẤT KHẨU, TÁI XUẤT

Điều 11. Địa Điểm làm thủ tục hải quan

1. Xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

2. Xăng dầu, hóa chất, khí tái xuất được thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tạm nhập chính lô xăng dầu, hóa chất, khí đó; hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi Thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí nhập khẩu, tạm nhập.

3. Xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất thực xuất ra nước ngoài qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Hồ sơ hải quan

1. Hồ sơ hải quan đối với xuất khẩu xăng dầu, hóa chất, khí:

a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC;

b) Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: 01 bản chụp;

c) Giấy chứng nhận đủ Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí hoặc văn bản có giá trị tương đương: 01 bản chụp;

d) Chứng thư giám định lượng (đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư này): 01 bản chụp.

đ) Hóa đơn thương mại: 01 bản chụp;

e) Văn bản nêu rõ nguồn gốc xăng dầu, khí xuất khẩu (nguồn do Thương nhân nhập khẩu hoặc mua của Thương nhân đầu mối nhập khẩu hoặc lấy từ nguồn sản xuất, pha chế xăng dầu, khí): 01 bản chụp;

g) Văn bản xác nhận của Bộ Công Thương về đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu: 01 bản chụp;

h) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu: 01 bản chính;

Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi các chứng từ quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm g, Điểm h Khoản này dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.

2. Hồ sơ hải quan đối với tái xuất xăng dầu, hóa chất, khí:

a) Ngoài các chứng từ phải nộp theo quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm h Khoản 1 Điều này, Thương nhân nộp bổ sung 01 bản chụp hợp đồng bán hàng, phụ lục hợp đồng (nếu có);

b) Trường hợp lô hàng tạm nhập được thực hiện trên tờ khai giấy theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì khi làm thủ tục tái xuất, người khai hải quan được thực hiện khai báo trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC;

c) Khi làm thủ tục tái xuất, thương nhân phải khai báo thông tin về số tờ khai tạm nhập, số thứ tự của dòng hàng trên tờ khai tạm nhập tương ứng với từng dòng hàng tái xuất để Hệ thống theo dõi trừ lùi; Hệ thống tự động thực hiện trừ lùi theo số lượng trên tờ khai tạm nhập tương ứng.

Một tờ khai tạm nhập có thể được sử dụng để làm thủ tục tái xuất nhiều lần; một tờ khai tái xuất hàng hóa chỉ được khai báo theo một tờ khai tạm nhập hàng hóa tương ứng. Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai tái xuất kiểm tra thông tin về tờ khai hải quan tạm nhập trên Hệ thống để làm thủ tục tái xuất.

Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì người khai hải quan phải khai cụ thể số tờ khai tạm nhập nào ô “Chứng từ đi kèm” của tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Điều 13. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất

1. Thực hiện thủ tục, công tác giám sát, quản lý hải quan theo từng loại hình tương ứng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư này.

2. Kiểm tra tình trạng khoang chứa xăng dầu, hóa chất, khí của phương tiện vận chuyển, nếu không có nghi vấn và đáp ứng Điều kiện niêm phong hải quan thì Thương nhân được bơm xăng dầu, hóa chất, khí vào phương tiện vận chuyển.

3. Sau khi Thương nhân kết thúc việc bơm xăng dầu, hóa chất, khí vào khoang chứa của phương tiện vận chuyển, công chức hải quan thực hiện niêm phong các khoang chứa của phương tiện vận chuyển theo quy định.

4. Trường hợp xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu khác với cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất để xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu, tái xuất cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất trong việc bàn giao, quản lý và giám sát quá trình vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất.

5. Trường hợp nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP khác với nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập trong việc bàn giao, quản lý và giám sát quá trình vận chuyển xăng dầu xuất khẩu, tái xuất.

Điều 14. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp mua xăng dầu, khí theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP

1. Thực hiện thủ tục, công tác giám sát, quản lý hải quan theo từng loại hình tương ứng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư này.

2. Đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu đường bộ:

a) Kiểm tra niêm phong hải quan bồn, bể, khoang chứa xăng dầu, hóa chất, khí của phương tiện vận tải. Trường hợp còn nguyên niêm phong thì thực hiện giám sát việc xuất hàng qua cửa khẩu, đảm bảo toàn bộ lô hàng phải được thực xuất qua biên giới (đối với trường hợp tái xuất qua cửa khẩu biên giới đất liền);

b) Trường hợp phát hiện niêm phong không còn nguyên vẹn hoặc có dấu hiệu vi phạm về sự thay đổi lượng, trọng lượng, chủng loại xăng dầu, hóa chất, khí, cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc Thương nhân giám định (đối với trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra có văn bản từ chối). Nếu kết quả giám định, đúng với bộ hồ sơ thì lập Biên bản xác nhận, thực hiện giám sát việc xuất hàng qua cửa khẩu. Nếu kết quả giám định xác định có thay đổi về lượng, trọng lượng, chủng loại thì lập Biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Khi phương tiện vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất quay về (trừ xuất khẩu, tái xuất bằng đường biển), công chức hải quan tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải nhập cảnh theo quy định nhằm phát hiện hàng nhập lậu hoặc xăng dầu, hóa chất, khí không xuất khẩu, tái xuất hết quay lại tiêu thụ trong nội địa.

3. Đối với xăng dầu, khí cung ứng (tái xuất) cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP: Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp thực hiện các công việc quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Lượng xăng dầu, hóa chất, khí của 01 (một) tờ khai xuất khẩu, tái xuất được vận chuyển trên 01 (một) hoặc nhiều phương tiện vận tải phải xuất hết trong 01 (một) lần qua một cửa khẩu hoặc cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP (trừ xăng dầu cung ứng cho máy bay được quy định tại Mục 10 Chương II Thông tư này).

Điều 15. Trách nhiệm của Thương nhân

1. Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.

2. Đảm bảo giữ nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan trong quá trình vận chuyển đến cửa khẩu xuất, đến các doanh nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Khoản 3, Điều 19, Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP.

3. Trường hợp xăng dầu, hóa chất, khí tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu nơi làm thủ tục tái xuất, Thương nhân chịu trách nhiệm vận chuyển đúng tuyến đường, đúng Điểm dừng, thời gian, cửa khẩu đã đăng ký với cơ quan hải quan và đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan. Thời gian vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí sau khi được bơm lên phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí tái xuất đến cửa khẩu tái xuất không quá 05 (năm) ngày.

Trường hợp vì lý do khách quan không thể vận chuyển hàng hóa đúng tuyến đường, thời gian thì Thương nhân phải có văn bản giải trình rõ nguyên nhân, biện pháp xử lý, khắc phục cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất biết để theo dõi, giám sát.

4. Cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác theo các tiêu chí của Hệ thống khai báo hải quan điện tử; đảm bảo tính chính xác, trung thực và nhất quán của hồ sơ hải quan với dữ liệu khai báo.

Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất, nhập khẩu; hàng hóa xuất, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 69/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 04/06/2016
  • Số công báo: Từ số 373 đến số 374
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH