Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 67/2010/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

- Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 cuả Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Căn cứ Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập;
- Căn cứ Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2005 của Chính phủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
- Căn cứ Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng;
- Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
- Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết việc thực hiện nội dung về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tế như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Về công tác tổ chức và cán bộ, Thông tư này quy định đối với việc thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức trực thuộc tổ chức khoa học và công nghệ

(KH&CN); việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức và miễn nhiệm lãnh đạo tổ chức KH&CN; việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức KH&CN.

2. Về quản lý tài chính và quản lý KH&CN, Thông tư này quy định đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác có tính chất như ngân sách nhà nước, bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn từ các Tổ chức phi chính phủ (NGO) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Các Viện xếp hạng đặc biệt (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), các Viện/Trung tâm/ Phòng thí nghiệm trọng điểm có tư cách pháp nhân theo quy định trực thuộc Viện xếp hạng đặc biệt, các Viện trực thuộc Bộ, các Trung tâm, đơn vị trực thuộc Viện/Trung tâm thành viên của Viện xếp hạng đặc biệt và các Viện trực thuộc Bộ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập.

2. Ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, các tổ chức, cá nhân khác (trực thuộc hoặc không trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý được áp dụng các nội dung tại Chương III của Thông tư này.

Chương II

CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ

Điều 4. Về tổ chức bộ máy

1. Cấp nào quyết định thành lập tổ chức KH&CN, đơn vị thuộc tổ chức KH&CN thì cấp đó có thẩm quyền sắp xếp, sáp nhập, giải thể tổ chức KH&CN, đơn vị thuộc tổ chức KH&CN đó.

2. Tổ chức KH&CN được tự quyết định thành lập mới đơn vị trực thuộc nếu đơn vị đó hoàn toàn tự đảm bảo về kinh phí hoạt động, tài sản, phương tiện, biên chế, cơ sở vật chất và được tự quyết định sắp xếp, sáp nhập, giải thể các đơn vị do tổ chức KH&CN tự thành lập. Thủ trưởng tổ chức KH&CN báo cáo xin ý kiến Bộ nếu việc thành lập đơn vị mới có những yếu tố khác với quy định này.

3. Trình tự thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức KH&CN được thực hiện theo quy định của Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ Quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước.

Điều 5. Về bổ nhiệm cán bộ

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu Giám đốc, Phó Giám đốc Viện xếp hạng đặc biệt; Viện trưởng/Giám đốc Phòng thí nghiệm trong điểm/Giám đốc Trung tâm trực thuộc Viện xếp hạng đặc biệt; Viện trưởng, Phó Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Giám đốc Viện xếp hạng đặc biệt được quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu các chức danh từ Trưởng Ban (có mức phụ cấp 0,9 trở xuống) và Phó Viện trưởng/Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm/Phó Giám đốc Trung tâm trực thuộc Viện đặc biệt và chịu trách nhiệm về quyết định đó;

3. Viện trưởng Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Đề xuất nhân sự và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu Phó Viện trưởng;

b) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị trực thuộc Viện và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

4. Viện trưởng/Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm/Giám đốc Trung tâm trực thuộc Viện xếp hạng đặc biệt:

a) Đề xuất nhân sự và trình Viện xếp hạng đặc biệt quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu Phó Viện trưởng/ Phó Giám đốc;

b) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và nghỉ hưu cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị trực thuộc và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

5. Trình tự, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định của Đảng và nhà nước về tổ chức cán bộ.

Điều 6. Về quản lý, sử dụng công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức KH&CN

1. Việc xác định đối tượng là công chức trong tổ chức KH&CN công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ Quy định những người là công chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

2. Thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền ký hợp đồng thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, bao gồm làm chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của đơn vị, đứng đầu nhóm nghiên cứu chuyên môn;

3. Những nội dung khác có liên quan, không quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo Quyết định số 3281/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao các tổ chức KHCN công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ.

Chương III

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Điều 7. Xây dựng dự toán

1. Các nhiệm vụ KH&CN phải được lập dự toán kinh phí theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó dự toán của các nhiệm vụ KH&CN phải được lập theo từng nội dung công việc và phân thành 2 loại: kinh phí khoán chi và kinh phí không khoán chi;

2. Nội dung chi để thực hiện nhiệm vụ KH&CN được áp dụng theo các quy định tại Thông tư Liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tài chính-Bộ Khoa học và Công nghệ về Hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư 44);

3. Định mức chi để thực hiện nhiệm vụ KH&CN về áp dụng định mức chi quy định tại Thông tư 44 và các định mức quy định tại các Quyết định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, bao gồm:

- Quyết định 166/QĐ-BNN-TC ngày 14 tháng 01 năm 2008 quy định về công tác phí hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực KH&CN;

- Quyết định 2284/QĐ-BNN-KHCN ngày 13 tháng 08 năm 2009 về định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời xây dựng dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực thú y sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước;

- Quyết định 2419/QĐ-BNN-KHCN ngày 26 tháng 08 năm 2009 về định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời xây dựng dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực chăn nuôi sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước;

- Quyết định 1345/QĐ-BNN-KHCN ngày 11 tháng 5 năm 2009 về định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời xây dựng dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

4. Đối với các lĩnh vực chưa có hệ thống định mức được cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các tổ chức KH&CN xây dựng định mức tạm thời, trình Bộ phê duyệt làm cơ sở xây dựng dự toán và thực hiện khoán chi;

5. Đơn giá tính dự toán, ngoài việc áp dụng định mức và đơn giá tại các Thông tư của các Bộ/Ngành, thống nhất một số mức chi như sau:

a) Đơn giá công lao động:

- Công lao động kỹ thuật được tính tối đa bằng tiền lương và các khoản phải đóng góp theo lương của 01 cán bộ khoa học ở bậc lương bình quân chung của khối cán bộ khoa học, với hệ số là 3,33. Công lao động kỹ thuật chỉ được tính cho số lao động hợp đồng tham gia thực hiện đề tài, dự án. Đối với cán bộ khoa học trong biên chế, hưởng lương của các tổ chức KH&CN nếu phải thực hiện các công việc của đề tài, dự án ngoài giờ thì được tính công ngoài giờ theo quy định;

- Đối với công lao động phổ thông, Thủ trưởng tổ chức chủ trì và chủ trì đề tài, dự án căn cứ giá cả thị trường ở từng khu vực phù hợp với từng thời điểm lập dự toán để xác định, mức chi tối đa bằng 80% công kỹ thuật;

- Đối với các công việc phải thuê chuyên gia trong nước áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 6 năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Quy định tiền lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện gói thầu tư vấn và áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước;

- Trường hợp cần thuê chuyên gia nước ngoài thì căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và khả năng kinh phí, thủ trưởng đơn vị chủ trì đề tài, dự án và cá nhân chủ trì đề tài, dự án quyết định mức chi theo hợp đồng thực tế thoả thuận với chuyên gia đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

b) Áp dụng hình thức “chuyên đề”:

- Khái niệm “chuyên đề” và mức chi cho 01 chuyên đề thực hiện theo Thông tư 44

- Mức chi cho 01 chuyên đề là phần thuê khoán chuyên môn (tiền công), không bao gồm phần chi về vật tư làm thí nghiệm

- Chủ trì đề tài, dự án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chuyên đề, bao gồm: xây dựng đề cương, giao nhiệm vụ, nghiệm thu nội dung, thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí của chuyên đề.

- Căn cứ nội dung của nhiệm vụ KH&CN, Thủ trưởng đơn vị chủ trì nhiệm vụ thẩm định và phê duyệt số lượng, loại chuyên đề và kinh phí cho các chuyên đề thuộc nhiệm vụ cấp cơ sở; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm định số lượng và loại “chuyên đề”, Vụ Tài chính thẩm định kinh phí “chuyên đề” cho các đề tài, dự án KH&CN cấp Bộ và trình Bộ phê duyệt.

c) Đối với các loại vật tư, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ có giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì giá này là cơ sở để lập dự toán; Đối với các loại vật tư, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ không có giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành Thủ trưởng tổ chức chủ trì và chủ trì đề tài, dự án căn cứ giá cả thị trường ở thời điểm lập dự toán để xác định đơn giá.

6. Dự toán chi đoàn ra, đoàn vào, tổ chức hội nghị, hội thảo thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2005 Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiếp khách trong nước và số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.Trên cơ sở thẩm định, xác nhận nội dung đoàn ra, đoàn vào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng đơn vị căn cứ theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện, đảm bảo không vượt mức trần đã được phê duyệt của các nội dung tương ứng trong Thuyết minh đề tài, dự án.

7. Nội dung chi được giao khoán và không được giao khoán

Nội dung chi được giao khoán và không được giao khoán thực hiện theo Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính-Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư 93).

8. Các nội dung, mức chi quy định tại Điều này là căn cứ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án. Dự toán kinh phí và phân bổ kinh phí được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt là mức tối đã để thực hiện đề tài, dự án.

Điều 8. Thẩm định và phê duyệt thuyết minh, dự toán

1. Danh mục nhiệm vụ KH&CN được lập hàng năm và Bộ trưởng phê duyệt trước 30/8.

2. Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tài chính thẩm định và phê duyệt thuyết minh tổng thể và dự toán các nhiệm vụ trước 30/11;

3. Đối với nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh mục, Thủ trưởng các tổ chức KH&CN là các Viện/Trung tâm trực thuộc Viện xếp hạng đặc biệt, các Viện trực thuộc Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt thuyết minh tổng thể và dự toán chậm nhất sau 01 tháng tính từ ngày Bộ phê duyệt danh mục.

4. Việc thẩm định và phê duyệt thuyết minh, dự toán được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Sử dụng kinh phí của đề tài, dự án

1.Thủ trưởng tổ chức KHCN chỉ đạo bộ phận quản lý tài chính của đơn vị thực hiện thủ tục kiểm soát chi, thanh toán theo dự toán chi tiết đã được phê duyệt (nội dung, khoản mục); cuối năm phải đối chiếu với Kho bạc Nhà nước, xác nhận sử dụng kinh phí.

2. Căn cứ các quy định hiện hành, Thủ trưởng đơn vị và Chủ nhiệm đề tài/dự án thực hiện đúng thẩm quyền về mua sắm nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, tài sản thiết bị (mua sắm, đấu thầu). Đối với phần hợp tác quốc tế trong đề tài, dự án phải phê duyệt dự toán, quyết toán riêng và tổng hợp vào dự toán, quyết toán chung của đề tài/dự án.

3. Về sử dụng kinh phí khoán:

a) Đối với các nội dung chi được giao khoán: Chủ nhiệm đề tài, dự án được chủ động áp dụng mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức quy định tuỳ theo chất lượng, hiệu quả công việc và phù hợp với quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan chủ trì;

b) Đối với các nội dung chi không được giao khoán: Chủ nhiệm đề tài, dự án thực hiện quản lý và chi tiêu theo các quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

Điều 10. Về điều chỉnh dự toán

1. Dự toán phải được điều chỉnh khi có sự thay đổi về nội dung, định mức, đơn giá hoặc do tác động khách quan như thiên tai, dịch bệnh,... dẫn đến thay đổi dự toán của các nội dung, khoản mục hoặc thay đổi cả Tổng dự toán;

2. Trường hợp phải điều chỉnh Tổng dự toán: Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, khi chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục thống kê công bố tăng từ 20% trở lên so với thời điểm dự toán được phê duyệt hoặc do tác động khách quan như thiên tai, dịch bệnh dẫn đến thay đổi Tổng dự toán từ 20% trở lên, Chủ nhiệm và tổ chức chủ trì có văn bản báo cáo Bộ giải trình và đề nghị điều chỉnh tổng dự toán. Thủ trưởng đơn vị chủ trì phê duyệt và báo cáo Bộ việc điều chỉnh tổng dự toán đối với nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính thẩm định, trình Bộ phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán các nhiệm vụ cấp Bộ.

3. Trường hợp không phải điều chỉnh Tổng dự toán, việc điều chỉnh dự toán chi tiết thực hiện cụ thể như sau:

a) Đối với phần kinh phí được giao khoán: Trong phạm vi tổng dự toán kinh phí được giao khoán, trên cơ sở đề xuất của chủ nhiệm đề tài, dự án, thủ trưởng cơ quan chủ trì được quyền quyết định điều chỉnh dự toán phần kinh phí giữa các nội dung chi theo yêu cầu thực tế của công việc.

b) Đối với phần kinh phí không được giao khoán: Trong trường hợp cần thiết, chủ nhiệm và tổ chức chủ trì được chủ động điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các nội dung chi với mức điều chỉnh tối đa 10%. Trường hợp điều chỉnh từ 10% trở lên chỉ được thực hiện sau khi xin ý kiến cơ quan phê duyệt đề tài, dự án;

4. Các cơ quan quản lý căn cứ vào phần điều chỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, tổng hợp với Phần thuyết minh đã phê duyệt trước đó để đánh giá và quyết toán tổng thể đề tài, dự án.

Điều 11. Về quyết toán nhiệm vụ KH&CN và xử lý số dư cuối năm

1. Việc quyết toán đề tài, dự án thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 93 và Quy chế quản lý đề tài, dự án KH&CN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Đối với công lao động: Hồ sơ quyết toán sau này là Hợp đồng lao động có đầy đủ thông tin cá nhân của người hợp đồng, chủ nhiệm đề tài, dự án ký chịu trách nhiệm và được Thủ trưởng tổ chức chủ trì xác nhận.

- Đối với “chuyên đề”: Hồ sơ quyết toán bao gồm: hợp đồng (hoặc bản giao nhiệm vụ) kèm theo đề cương-dự toán của chuyên đề, chứng từ chi trả cho người thực hiện chuyên đề (mức khoán gọn), các văn bản nghiệm thu của chủ nhiệm đề tài (hoặc của Thủ trưởng đơn vị), thanh lý và quyết toán kinh phí của chủ trì đề tài, dự án; tài liệu trong hồ sơ phải có xác nhận của tổ chức chủ trì.

2. Đề tài, dự án phải được quyết toán theo niên độ ngân sách năm. Điều kiện để được quyết toán: (i) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền về kết quả thực hiện các nội dung; (ii) Đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 93.;

3. Tổ chức chủ trì có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và xét duyệt quyết toán của chủ nhiệm đề tài, dự án để tổng hợp vào báo cáo quyết toán của đơn vị gửi cơ quan chủ quản theo quy định tại Thông tư 93.;

4. Số dư (dự toán, tạm ứng) của các đề tài, dự án đang trong thời gian thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt, được chuyển sang năm sau thực hiện tiếp, thủ tục chi tiết quy định tại Thông tư 108/2008/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm (sau đây gọi tắt là Thông tư 108);

5. Đối với nhiệm vụ kết thúc trong năm:

- Trường hợp thời hạn kết thúc trước ngày 30 tháng 9, phải nghiệm thu và quyết toán trước ngày 31 tháng 12 cùng năm; trường hợp đặc biệt có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét gia hạn và được xử lý cho phép chuyển nội dung và kinh phí chưa thực hiện sang năm sau;

- Trường hợp thời hạn kết thúc sau 30 tháng 9 đến trước ngày 31 tháng 12 của năm, thời gian hoàn thành việc nghiệm thu ở cấp quản lý xong trước ngày 31 tháng 12 và phải quyết toán trước ngày 25 tháng 01 năm sau để đảm bảo thời hạn xử lý số dư theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 108

Điều 12. Về sử dụng kinh phí tiết kiệm của đề tài, dự án

1. Kinh phí tiết kiệm là chênh lệch giữa tổng dự toán kinh phí được duyệt so với tổng kinh phí thực tế chi tiêu của đề tài, dự án đã được phê duyệt quyết toán;

2. Kinh phí tiết kiệm phải được tổ chức chủ trì phản ánh tại báo cáo quyết toán sau cùng của từng đề tài, dự án. Tổ chức chủ trì làm thủ tục nghiệm thu cấp cơ sở, tổ chức quyết toán tài chính đề tài, dự án và xác định số kinh phí tiết kiệm được trước ngày 31 tháng 12, lập bảng kê, báo cáo quyết toán với kho bạc nhà nước và đề nghị cho rút kinh phí được xác định là số kinh phí tiết kiệm.

3. Xử lý kinh phí tiết kiệm:

- Kinh phí tiết kiệm từ phần được giao khoán được sử dụng để khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện đề tài, dự án theo các quy định cụ thể tại Thông tư 93. Mức thưởng cụ thể cho từng cá nhân do cá nhân chủ nhiệm đề xuất thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định.

- Kinh phí tiết kiệm từ phần không giao khoán được trích vào Quỹ phát triển sự nghiệp. Trưởng hợp tổ chức chủ trì không có thì nộp ngân sách nhà nước.

Chương IV

QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 13. Sử dụng các sản phẩm của đề tài, dự án

1. Khi xây dựng Thuyết minh nhiệm vụ KH&CN, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm phải nêu rõ các sản phẩm phải thu hồi, bao gồm: loại sản phẩm, số lượng và chất lượng từng loại, thời gian và hình thức thu hồi. Khi Thuyết minh nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì cá nhân chủ nhiệm phải có trách nhiệm thực hiện những nội dung về thu hồi sản phẩm.

2. Việc sử dụng các sản phẩm của đề tài, dự án được quy định như sau:

- Nếu sản phẩm là tài sản trí tuệ thì việc sử dụng sản phẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ và các quy định pháp luật khác có liên quan;

- Nếu là sản phẩm vật chất và được tiêu thụ trên thị trường thì số chênh lệch (số thu sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết, hợp lệ) được phân phối theo các quy định tại Thông tư 93.

Điều 14. Quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án có sản phẩm trí tuệ (giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản, quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, phát minh sáng chế, v.v) có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ.

2. Trường hợp đề tài, dự án KH&CN có sản phẩm trí tuệ là giống cây trồng, phát minh sáng chế, quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nhưng không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì quy định như sau:

a) Tổ chức chủ trì được quyền chuyển giao, chuyển nhượng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản, phát minh sáng chế, quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đó cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ và hợp đồng thoả thuận giữa 2 bên;

b) Tổ chức chủ trì phân chia số tiền thu được do chuyển giao, chuyển nhượng sản phẩm trí tuệ áp dụng theo Điều 42 Luật Chuyển giao công nghệ.

Điều 15. Xử lý tài sản khi đề tài, dự án kết thúc

1. Việc xử lý tài sản được mua sắm bằng nguồn kinh phí của đề tài, dự án được thực hiện theo quy định tại Thông tư 93.

2. Khi nghiệm thu hoặc tổng hợp quyết toán đề tài/dự án kết thúc, cá nhân chủ nhiệm và tổ chức chủ trì có văn bản đề xuất với cơ quan quản lí phương án xử lý tài sản. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính xem xét xử lý;

3. Trường hợp kinh phí ngân sách nhà nước có tính chất hỗ trợ hoặc tổ chức chủ trì đã nộp ngân sách nhà nước kinh phí thu hồi từ các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ theo quy định, thì tài sản được hình thành từ nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước thuộc quyền quản lý của tổ chức chủ trì. Việc quản lý và sử dụng tài sản được thực hiện theo các quy định hiện hành;

4. Trường hợp tài sản được mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước thì tài sản là tài sản nhà nước; sau khi đề tài, dự án hoàn thành, nghiệm thu và quyết toán kinh phí, tài sản này được xử lý như sau:

- Nếu tổ chức chủ trì có nhu cầu sử dụng thì cơ quan chủ quản của tổ chức chủ trì xem xét quyết định ghi tăng tài sản cho tổ chức chủ trì;

- Điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị của nhà nước có nhu cầu sử dụng hoặc còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do nhà nước quy định;

- Tổ chức thanh lý hoặc bán đấu giá để thu tiền nộp ngân sách nhà nước.

Điều 16. Chế tài xử lý đối với các đề tài, dự án không hoàn thành

1. Đề tài, dự án không hoàn thành là đề tài, dự án thuộc một trong các loại sau đây:

a) Bị đình chỉ trong quá trình thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án do sai phạm hoặc không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ;

b) Có kết quả được đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt” tại Hội đồng nghiệm thu ở cấp quản lý đề tài, dự án và không được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thực hiện để hoàn chỉnh kết quả.

2. Việc xử lý đề tài, dự án không hoàn thành được quy định như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xác định đề tài không hoàn thành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chủ trì đề tài, dự án, tổ chức chủ trì lập báo cáo chi tiết toàn bộ quá trình thực hiện (nội dung hoạt động và sử dụng kinh phí) của đề tài, dự án; xác định rõ các nguyên nhân (chủ quan, khách quan) gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cá nhân chủ nhiệm và tổ chức chủ trì, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc đề tài không hoàn thành;

b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sau khi kiểm tra, xác định nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan dẫn đến việc các đề tài, dự án không hoàn thành để ra quyết định xử lý, cụ thể như sau:

- Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí của đề tài, dự án đã được cấp nhưng chưa sử dụng;

- Đối với phần kinh phí của ngân sách nhà nước đã sử dụng, được xử lý như sau:

+ Trường hợp do nguyên nhân chủ quan: Tổng mức thu hồi tối thiểu không thấp hơn 30% kinh phí ngân sách nhà nước cấp đã sử dụng cho đề tài, dự án;

+ Trường hợp do nguyên nhân khách quan: Tổng mức thu hồi tối đa không quá 10% kinh phí ngân sách nhà nước cấp đã sử dụng cho đề tài, dự án;

+ Mức thu hồi cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án xem xét quyết định, trong đó cá nhân chủ nhiệm nộp trả 70%, tổ chức chủ trì nộp trả 30% , tổ chức chủ trì có trách nhiệm thu phần nộp trả của cá nhân chủ nhiệm cộng với phần nộp trả của mình và nộp đủ một lần cho cơ quan quản lý, nếu tổ chức chủ trì không thu được phần giao nộp của cá nhân chủ nhiệm thì chịu trách nhiệm nộp trả thay cho cá nhân chủ nhiệm.

- Thời hạn hoàn trả trong vòng 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề tài, dự án có quyết định về việc nộp hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước.

- Tổ chức chủ trì tổng hợp tình hình thực hiện việc thu hồi kinh phí hoàn trả ngân sách nhà nước vào báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị mình gửi cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định;

c) Đối với đề tài hội đồng nghiệm thu của cấp có thẩm quyền xếp loại "không đạt":

- Cơ quan có thẩm quyền thông báo cho cá nhân chủ nhiệm, tổ chức chủ trì về kết quả “không đạt” và lý do hội đồng nghiệm thu đã nêu ra.

- Trong vòng 2 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả “không đạt”, cá nhân chủ nhiệm nếu thấy không thỏa đáng có thể giải trình bằng văn bản và có ý kiến của tổ chức chủ trì bằng văn bản.

- Trường hợp cá nhân chủ nhiệm có văn bản giải trình, cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định trong vòng 30 ngày từ ngày nhận văn bản giải trình.

- Khi cơ quan có thẩm quyền quyết định đề tài, dự án “không đạt” bằng văn bản, việc xử lý thu hồi kinh phí thực hiện như đề tài không hoàn thành do chủ quan nêu ở trên.

Điều 17. Quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN

1. Đối với nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt và giao cho tổ chức KH&CN thực hiện và các nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế hoặc được các tổ chức và cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ dưới các hình thức: hỗ trợ tài chính, hiện vật, cung cấp trang thiết bị, công nghệ (máy móc, bí quyết vận hành), vật tư (hàng hoá, giống cây, giống con và vi sinh vật), nghiên cứu phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp chuyên gia và đào tạo (các nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo hiệp định, thoả thuận koặc cam kết quốc tế về viện trợ) thì cá nhân, tổ chức chủ trì nhiệm vụ có trách nhiệm tuân thủ các quy định hiện hành cuả nhà nước về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định này).

2. Đối với nhiệm vụ hợp tác quốc tế do tổ chức KH&CN hoặc cá nhân tự xây dựng theo thỏa thuận với đối tác, thủ trưởng tổ chức KH&CN căn cứ hợp đồng với đối tác phê duyệt thuyết minh, dự toán đề tài dự án hợp tác quốc tế, thực hiện đóng góp các khoản thuế theo quy định hiện hành, báo cáo nội dung hợp tác cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác tổ chức và cán bộ, thẩm định và phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức cho các tổ chức KH&CN thuộc Bộ theo các quy định hiện hành của nhà nước.

2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Vụ Tài chính hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý tài chính, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ tài chính cho các tổ chức và cá nhân chủ trì theo các quy định hiện hành của nhà nước.

4. Vụ Hợp tác Quốc tế hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài theo quy định hiện hành của nhà nước.

5. Tổ chức KH&CN, cá nhân chủ nhiêm đề tài, dư án chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, các đơn vị báo cáo Bộ để bổ sung, sửa đổi.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Các Bộ: KH&CN, TC, Tư pháp, Nội vụ;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng - Bộ NN&PTNT;
- Các đơn vị KH&CN công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lưu: VT, Vụ TCCB, TC, PC, KHCN, HTQT.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 67/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 67/2010/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/11/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 30/11/2010
  • Số công báo: Số 706
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 06/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản