Hệ thống pháp luật

Điều 21 Thông tư 63/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 21. Đo sâu địa hình đáy biển bằng MBES

1. Thiết kế tuyến quét địa hình đáy biển:

a) Địa hình đáy biển phải được quét kín diện tích (100%) bề mặt địa hình;

b) Hướng của tuyến quét địa hình phải song song với hướng của đường đẳng sâu (vuông góc với hướng dốc của địa hình đáy biển khu vực cần đo vẽ); số lượng tuyến quét địa hình phụ thuộc vào độ sâu của khu vực đo vẽ và góc mở của từng máy (phải nêu cụ thể trong TKKT - DT);

c) Độ phủ giữa 2 dải quét liền kề không nhỏ hơn 5% độ rộng của dải quét nhỏ hơn trong 2 dải quét đó. Khi đó không phải thiết kế tuyến quét kiểm tra;

d) Khi 2 tuyến quét liền kề không phủ lên nhau (độ phủ 0% hoặc độ phủ nhỏ hơn 5%) thì phải thiết kế tuyến quét kiểm tra. Hướng của tuyến quét kiểm tra phải vuông góc với hướng của tuyến quét. Tổng chiều dài của các tuyến quét kiểm tra không được nhỏ hơn 5% tổng chiều dài các tuyến quét và phải được phân bố đều trên khu vực;

đ) Độ rộng của vệt quét phải căn cứ vào độ sâu trung bình, chất đáy của khu vực quét, hồ sơ kỹ thuật của MBES để chọn góc mở tối ưu nhất;

e) Thiết kế tuyến quét, tuyến quét kiểm tra trên hệ tọa độ VN-2000 hoặc chuyển toàn bộ thiết kế tuyến quét, tuyến quét kiểm tra sang hệ tọa độ WGS-84, nhập vào phần mềm dẫn đường tạo thành các đường chạy (theo tia trung tâm) phục vụ cho việc dẫn đường khi quét bề mặt địa hình đáy biển sao cho không bị hở diện tích và đảm bảo độ phủ theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Nếu thiết kế trên hệ tọa độ VN-2000 thì phải nhập 07 tham số chuyển đổi hệ tọa độ theo Quyết định số 05/2007/QĐ-BTNMT ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về sử dụng hệ thống tham số tính chuyển giữa Hệ tọa độ quốc tế WGS-84 và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000 vào phần mềm dẫn đường;

g) Số hiệu tuyến quét, số hiệu tuyến quét kiểm tra của các dải quét được đánh số từ 01 cho đến hết đối với từng loại tuyến trong cùng một khu vực đo vẽ và phải được quy định chi tiết trong TKKT - DT;

h) Đối với các khu vực ven các đảo lớn, khu vực có nhiều đảo, địa hình phức tạp thì trong TKKT - DT phải nêu cụ thể các quy định về hướng tuyến quét, độ rộng dải quét…dựa trên các quy định tại các Điểm b, c, d, đ Khoản này.

2. Quét địa hình đáy biển:

a) Sử dụng các MBES có độ chính xác ≤ ±((10cm+0,1% h); h là độ sâu tính bằng m) trở lên và phần mềm khảo sát địa hình đáy biển chuyên dụng để quét địa hình đáy biển;

b) Sử dụng máy đo tốc độ âm đặt tại đầu biến âm (SVP-SV Profiler hoặc tương đương) và kết nối với MBES, máy tính chuyên dụng, máy cải chính sóng…thành 01 hệ thống thiết bị đồng bộ để quét địa hình đáy biển;

c) Khi quét địa hình đáy biển phải tùy tình hình thực tế độ sâu của tia trung tâm để điều khiển tàu chạy sao cho đảm bảo nguyên tắc quét kín 100% bề mặt địa hình đáy biển và đảm bảo độ phủ giữa 2 tuyến liền kề theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

d) Trong quá trình quét địa hình đáy biển nếu phát hiện các đảo chìm, các chướng ngại vật dưới đáy biển, nguy hiểm hàng hải, cây ngập nước, đá ngầm phải ghi chép thuyết minh trong sổ quét địa hình đáy biển, nêu trong các báo cáo, mô tả rõ ràng vào sổ công tác để nội nghiệp biểu thị và ghi chú thuyết minh. Mẫu sổ quét địa hình đáy biển theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Các quy định về xác định tốc độ âm, thời gian đồng bộ trên hệ thống thiết bị đo biển, tín hiệu cải chính phân sai, góc cắt giữa tuyến quét và tuyến quét kiểm tra, khi hở diện tích quét chân bờ biển, chân các đảo theo quy định tại các Điểm c, d, đ, e, g Khoản 2 Điều 20 Thông tư này;

e) Kết quả quét bề mặt địa hình dạng số phải được lưu giữ dưới dạng tệp số liệu gốc theo định dạng của phần mềm sử dụng trên đĩa DVD.

3. Đánh giá độ chính xác quét địa hình đáy biển:

a) Việc đánh giá kết quả quét địa hình đáy biển căn cứ vào số liệu thu được trên phần diện tích phủ nhau giữa 2 dải quét liền kề hoặc số liệu thu được trên phần diện tích chồng nhau giữa dải quét và dải quét kiểm tra;

b) Khối lượng điểm đưa vào đánh giá độ chính xác theo quy định tại Khoản 6 Điều 6 Thông tư này. Trong TKKT - DT phải quy định cụ thể chiều dài cạnh ô vuông của các mắt lưới khi xuất điểm để đánh giá độ chính xác;

c) Các hạn sai được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Sử dụng MBES để đo sâu theo theo dải:

a) Khoảng cách giữa 2 hàng điểm rìa của 2 dải dữ liệu độ sâu liền kề khi đo sâu theo dải bằng MBES không được cách nhau quá 1cm trên bản đồ (tương ứng với 50m ở thực địa);

b) Hướng tuyến (tính theo tia trung tâm) đo sâu theo dải phải song song với hướng của đường đẳng sâu, hướng tuyến đo kiểm tra theo dải phải vuông góc với hướng tuyến đo sâu. Tổng chiều dài tuyến đo sâu kiểm tra theo dải không được ít hơn 10% tổng chiều dài tuyến đo sâu theo dải và phải được phân bố đều trên khu vực;

c) Việc thực hiện đo sâu, đo sâu kiểm tra, đánh giá độ chính xác phải theo các quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này và phải được nêu cụ thể trong TKKT - DT.

Thông tư 63/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:5000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 63/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: 16/01/2018
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH