Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6093-PL

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1957

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN CHUYỂN SANG CÁC CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

-Các ông Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương
-Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh

Nghị định 250-TTg ngày 12-6-1957 của Thủ tướng phủ đã ban hành bản điều lệ quy định về chính sách đối với quân nhân phục viên : Điều 3 của Nghị định đã ghi “các điều khoản ban hành trước đây trái với bản điều lệ nói trên đều bãi bỏ ”.

Để thi hành bản điều lệ ấy, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 111- NĐ ngày 22-6-1957 quy định những khoản trợ cấp cho quân nhân phục viên, thi hành từ 01-7-1957. Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Lao động đã ra Thông tư số 29-TT/LB ngày 03-10-1957 quy định những điều áp dụng cụ thể đối với quân nhân phục viên được chuyển sang công tác tại cơ quan chính quyền và toàn thể.

Bộ Nội vụ giải thích thêm một số điểm quy định trong Thông tư 29-TT/LB ngày 03-10-1957 để giúp các cấp, các ngành thi hành được chu đáo.

I. – VẤN ĐỀ LƯƠNG CỦA QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN SANG CÔNG TÁC TẠI CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN ĐOÀN THỂ TRƯỚC 01-7-1957

Trước đây, theo chính sách Hội đồng Chính phủ thông qua và phổ biến cho các cấp, các ngành trong công văn số 1450-P4A ngày 12-8-1955 của Thủ tướng phủ thì vấn đề lương của quân nhân phục viên chuyển ngành đã được quy định:”quân nhân phục viên chuyển sang các cơ quan chính quyền, xí nghiệp doanh nghiệp quốc gia được sắp xếp vào các thang lương hiện thi hành ở những nơi ấy ”. Điều 13 chương II của bản điều lệ ban hành theo Nghị định 250-TTg ngày 12-6-1957 cũng quy định :”để tránh về sự thay đổi sinh hoạt một cách đột ngột, người quân nhân phục viên được chuyển sang công tác tại cơ quan chính quyền và đoàn thể được tiếp tục hưởng lương bằng số sinh hoạt phí và phụ cấp sau cùng trong quân đội trong thời hạn 6 tháng (sinh hoạt phí của quân nhân gồm có tiền gạo, tiền thức ăn, củi, muối, phụ cấp tiêu vặt, phụ cấp thâm niên và tìên quân trang cho những tháng quân trang đã hết hạn) thời hạn 6 tháng này cũng là thời hạn để người quân nhân phục viên bồi dưỡng về nghiệp vụ và chuyên môn trong công tác mới. Sau thời hạn này người quân nhân phục viên sẽ được xếp vào ngạch bậc của ngành công tác để hưởng lương mới.”

Như thế là theo chính sách trước đây cũng như theo bản điều lệ mới ban hành, quân nhân phục viên chuyển công tác sang các cơ quan chính quyền, đoàn thể đều sắp xếp vào các thang lương hiện thi hành ở những nơi ấy và sắp xếp vào bậc lương nào thì hưởng theo bậc lương ấy; khi sắp xếp ngạch bậc phải “căn cứ vào khả năng của quân nhân phục viên là chính, đồng thời phải chiếu cố thích đáng đến thành tích, quá trình đấu tranh cách mạng và cấp bậc của người ấy khi còn ở quân đội. (Điều 14 của bản điều lệ )”.

Điều quy định trên đây là dựa trên nguyên tắc “làm việc gì hưởng lương theo việc ấy ”. Sinh hoạt phí hay lương bổng định ra theo yêu cầu đãi ngộ đối với từng loại công việc, thí dụ sinh hoạt phí của quân nhân là dựa trên yêu cầu luyện tập và công tác của quân nhân, lương bổng của ngành nào là dựa trên yêu cầu công tác của ngành đó. Khi người quân nhân chuyển ngành, công tác đã thay đổi, thì tùy theo công tác mới, được đài thọ mức lương tương xứng với đức tài và lịch sử đấu tranh trong tương quan của ngành công tác đó, mức này có thể cao hoặc thấp hơn mức sinh hoạt phí.

Đối chiếu với sự quy định nhắc trên thì Thông tư số 42-TT/LB ngày 17-12-1956 cho quân nhân phục viên chuyển công tác sang các cơ quan khác khi xếp lương thấp hơn mức lương tạm thời đã hưởng trong thời gian 6 tháng theo chế độ bộ đội, được hưởng trợ cấp chênh lệnh cho bằng mức lương ấy, là không đúng nên cần bãi bỏ.

Sở dĩ chính sách quy định cho quân nhân phục viên chuyển ngành được tiếp tục hưởng lương bằng số sinh hoạt phí và phụ cấp sau cùng trong quân đội trong thời hạn 6 tháng là để tránh sự thay đổi đột ngột về sinh hoạt trong thời gian đầu, hết 6 tháng thì hưởng lương ở ngành công tác mới. Đó là lý do chính cần bãi bỏ khoản trợ cấp chênh lệch do Thông tư 42-TT/LB quy định.

Mặt khác cần bãi bỏ khoản phụ cấp chênh lệch vì :

Quân nhân phục viên chuyển sang công tác tại các cơ quan chính quyền, đoàn thể có người chuyển trước, người chuyển sau, vì chế độ trước đây quy định có khác nhau nên cùng một chức vụ, thâm niên ở bộ đội khi xếp lương có trợ cấp chênh lệch thì mức lương thực tế chênh lệch khác nhau quá đáng.

Cùng một bậc lương như nhau nếu quân nhân phục viên được phụ cấp chênh lệch thì thực tế lương cao hơn lương những cán bộ, nhân viên cùng bậc ở cơ quan.

Tóm lại việc bãi bỏ khoản trợ cấp chênh lệch do Thông tư 42-TT/LB quy định là căn cứ vào nguyên tắc chính sách đã ban hành theo Nghị định 250-TTg đồng thời cũng xuất phát từ tình hình thực tế quan hệ lương ở các cơ quan chính quyền, đoàn thể.

Trong việc sắp xếp và điều chỉnh lương cho cán bộ nhân viên ở các cơ quan còn tồn tại những bất hợp lý, đời sống cán bộ, nhân viên còn gặp khó khăn nhưng đó là những bất hợp lý, những khó khăn chung cần có kế koạch giải quyết dần khi có điều kiện, nhưng không phải vì thế mà duy trì khoản trợ cấp chênh lệch cho một số quân nhân phục viên chuyển ngành.

II. – CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THÔI VIỆC

Điều 15 bảng điều lệ quy định :”Trong thời hạn chưa quá 6 tháng chuyển sang công tác ở một cơ quan, nếu quân nhân phục viên trở về địa phương sản xuất thì được hưởng các khoản tiền trợ cấp như quân nhân phục viên về địa phương trừ những khoản đã được hưởng khi mới chuyển ngành. Nếu đã chuyển ngành được quá 6 tháng thì quân nhân phục viên hưởng theo chế độ chung của cơ quan sử dụng”.

Để việc thi hành điều khoản này được đúng cần hiểu rõ tác dụng của thời hạn 6 tháng là để quân nhân phục viên chuyển ngành tìm hiểu công việc mới, mặt khác được cơ quan sử dụng giúp đỡ hướng dẫn về nghiệp vụ, nhưng trong thời gian này nếu quân nhân phục viên thấy không thích hợp với công tác mới, nếu về địa phương sản xuất thì thích hợp hơn thì được trợ cấp về sản xúât 100.000 đ như điều 2 Nghị định 111-NĐ của Bộ Quốc phòng đã quy định trừ các khoản phụ cấp về thâm niên, chức vụ đã lĩnh khi phục viên để chuyển ngành. Quá 6 tháng người quân nhân phục viên chuyển ngành đã trở thành một cán bộ, nhân viên của ngành công tác mới, nếu vì một lý do nào đó mà được thôi việc thì được trợ cấp theo chế độ trợ cấp chung áp dụng cho cán bộ, nhân viên thôi việc.

Tóm lại trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phục viên chuyển ngành, bản thân người quân nhân phục viên có thể cân nhắc, suy nghĩ để hoặc về sản xuất, hoặc cố gắng đi sâu vào nghiệp vụ của ngành công tác mới ; cơ quan sử dụng cần tranh thủ giúp đỡ thiết thực quân nhân phục viên trong việc ấy.

*

Trên đây Bộ chúng tôi giải thích thêm hai vấn đề đã quy định trong Thông tư 29-TT/LB. Để việc thi hành bản điều lệ và Thông tư 29-TT/LB được đúng đắn, chúng tôi đề nghị các Bộ, các cơ quan trung ương, các khu, thành phố, tỉnh phổ biến chu đáo các văn bản ấy làm cho mọi quân nhân phục viên chuyển ngành nhận thức được đầy đủ chính sách, tránh có những thắc mắc không đúng.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tổ Quang Đẩu