BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 59-TC-VP-TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 1958 |
VỀ VIỆC TRÍCH 10% THUẾ RƯỢU THU CỦA TƯ NHÂN THÙ LAO CHO NGÂN SÁCH XÃ
Thuế rượu là một nguồn thu lớn trong thuế hàng hóa, nhưng hầu hết rải rác ở nông thôn, một số hộ sản xuất rượu có đăng ký, tập trung vào một số thôn xã có nghề nấu rượu lâu đời, còn một số phân tán ở các thôn xã khác.
Ngoài ra còn rất nhiều nhà nấu rượu lậu để bán hoặc để “tự túc ” nhất là trong dịp Tết. Riêng tỉnh Nam định, theo tài liệu liên hệ trong lớp học tập chính sách rượu của cán bộ xã, đã có 7.000 nhà nấu lậu, theo tài liệu của Chi cục thống kê số nhà nấu lậu còn nhiều hơn. Có thôn hàng trăm nhà nấu lậu, trong đó có nhiều gia đình cán bộ thôn xã cũng nấu lậu.
Công tác chống nấu, bán, uống rượu lậu thuế ở nông thôn, đụng chạm đến quyền lợi, tập quán lâu đời của một số lớn nông dân. Cho nên đơn độc cán bộ ngành Rượu không thể làm nổi mà cần phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Bộ, Chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cán bộ thôn, xóm, xã cũng như đông đảo quần chúng.
Để động viên chính quyền và đoàn thể nhân dân xã lãnh đạo và tích cực tham gia chống rượu lậu, tăng thu cho công quỹ, xây dựng ngân sách xã, trên cơ sở đó hạn chế dần việc nấu và uống rượu bừa bãi ở nông thôn, tiết kiệm thóc gạo và tạo điều kiện giáo dục cải tạo các nhà sản xuất rượu ở nông thôn được tốt hơn, Bộ quyết định trích 10% thuế rượu thu của tư nhân để thù lao cho xã và quy định chế độ thù lao cho cán bộ xã được ủy nhiệm giúp cán bộ ngành rượu quản lý kiểm soát các hộ lẻ tẻ.
1) Thù lao cho xã 10% thuế rượu của tư nhân.
Kể từ tháng 6 năm 1958, sẽ trích 10% tổng số thuế rượu thu của tư nhân (trước khi điều tiết cho tổng dự toán tỉnh) và ở tỉnh nào thì thù lao cho các xã trong tỉnh đó. Số tiền này sẽ tập trung về tỉnh do Ủy ban hành chính phân phối lại cho các xã theo phương châm xã thu nhiều hưởng nhiều, thu ít hưởng ít, những xã không thu cũng được hưởng vì những xã này cũng có trách nhiệm chống lậu và có chống lậu có kết quả thì mới có thị trường để tiêu thụ rượu có thuế.
NGUYÊN TẮC PHÂN PHỐI LẠI CHO CÁC XÃ
a) Đối với các xã có hộ sản xuất rượu đăng ký:
Được hưởng một tỉ lệ sau đây so với số thuế rượu thu trong xã:
- Phần thu từ 2 triệu đồng trở xuống được hưởng 5%.
- Phần thu từ trên 2 triệu đồng lên đến 10 triệu đồng: được hưởng 1%.
- Phần thu từ trên 10 triệu đồng trở lên được hưởng 0,5%.
Thí dụ: - xã Hưng trạch tỉnh Quảng bình mỗi tháng thu 1.442.200 đồng thì được hưởng
đồng
- Xã Vũ thành tỉnh Hà nam mỗi tháng thu được 7.391.300 đồng thì được hưởng:
2.000.000 đồng được hưởng 5% = 100.000 đồng
5.391.300 đồng được hưởng 1% = 53.913 đồng
cộng:.. 153.913 đồng
- Xã Thanh mai tỉnh Hà đông mỗi tháng thu 13.825.600 đồng thì được hưởng:
2.000.000 đồng được hưởng 5% = 100.000 đồng
8000.000 đồng được hưởng 1% = 80.000 đồng
3.825.600 đồng được hưởng 0,5% = 19.128 đồng.
cộng:…… 199.128 đồng
b) Đối với những xã không có hộ sản xuất rượu đăng ký:
Sau khi phân phối cho những xã có thu thuế và thù lao cho cán bộ ủy nhiệm quản lý thì phần còn lại sẽ chia đều cho các xã không có hộ sản xuất rượu đăng ký, kể tất cả những xã trong khu vực rượu tư nhân cũng như các xã trong khu vực bán rượu Quốc doanh trong tỉnh.
Đối với xã có 1, 2 hộ mà số tiền thuế thu ít quá, tỉ lệ được hưởng không bằng các xã không có hộ sản xuất đăng ký, thì được hưởng bằng những xã trên.
Thí dụ: Tỉnh Hà nam tháng 2-1958 thu được 29.000.000 đồng thuế rượu:
Trích 10% thù lao cho Ngân sách xã là: 2.900.000 đồng.
Thù lao cho 11 xã có thu thuế rượu 835.740 đồng
Thù lao cho 18 cán bộ xã được ủy nhiệm quản lý… 144.000 đồng
Cộng ... 979.740 đồng
Tiền thù lao thuế rượu của toàn tỉnh… 2.900.000 đồng
Thù lao cho xã và có thu và cán bộ ủy nhiệm quản lý… 979.740 đồng
Còn lại 1.920.260 đồng.
Tổng số xã của tỉnh Hà nam là 134, trừ 11 xã thu nhiều đã được thù lao theo tỉ lệ phân phối:
Còn lại 123 xã, mỗi xã được hưởng:
1.920.260đ. : 123 = 15.092 đồng.
Đối với một số tỉnh, thành phố đã thống nhất kinh doanh toàn tỉnh, toàn thành, không thu thuế rượu tư nhân nữa thì tổng dự toán tỉnh và thành phố đó được hưởng cả số thuế thu vào rượu mà địa phương bắt lậu, không phải nộp về Trung ương nữa.
Để khuyến khích cán bộ xã tích cực chống lậu bảo vệ khu vực rượu quốc doanh, Ủy ban hành chính tỉnh sẽ trích 30% số thuế thu vào số rượu lậu bắt được ở các xã trong trường hợp các xã hoặc tự động hoặc phối hợp với cán bộ rượu để bắt lậu. Số tiền này là tiền thù lao cho xã đó sung vào ngân sách xã. Cơ quan rượu sẽ trích ngay số tiền thù lao nói trên giao cho xã phần còn lại nộp về tỉnh (Sở dĩ định tỉ lệ thù lao 30% số thuế là vì tiền thuế thu vào rượu bắt lậu rất ít vả lại những xã trong các tỉnh này không được hưởng thù lao thuế rượu thu của tư nhân).
Riêng đối với tỉnh Kiến an, chỉ có một huyện thu thuế rượu tư nhân, còn bốn huyện đã thống nhất kinh doanh thì chỉ sử dụng 10% thuế rượu tư nhân để thù lao cho các xã và cán bộ ủy nhiệm quản lý trong huyện đó thôi. Còn các xã trong khu vực quốc doanh của bốn huyện khác thì áp dụng theo như đã quy định trên đây cho các xã thuộc các tỉnh, thành phố đã hoàn toàn thống nhất kinh doanh rượu.
2) Thù lao cho cán bộ xã được ủy nhiệm quản lý.
Nguồn thu về thuế rượu tuy tập trung vào một số thôn, nhưng cũng còn nhiều hộ có đăng ký ở phân tán lẻ tẻ trong các thôn cách nhau rất xa.
Cán bộ ngành rượu không quản lý thường xuyên hết cả các hộ được, mà đối với các hộ ở lẻ tẻ thường phải thu thuế theo lối định kỳ, còn việc quản lý, kiểm soát thì giao cho Ủy ban hành chính xã. Vì không có chế độ thù lao và chưa quy định trách nhiệm rõ ràng nên Ủy ban hành chính xã thường coi nhẹ việc này, để cho các nhà sản xuất lợi dụng nấu lậu.
Nay cần ủy nhiệm rành mạch cho cán bộ xã quản lý các hộ lẻ tẻ, phân tán để cán bộ rượu có thể chuyên chú việc quản lý các nơi sản xuất tập trung, cũng như liên lạc với các xã cùng làm nhiệm vụ chống lậu và tổ chức quản lý thị trường rượu tư nhân. Những cán bộ được ủy nhiệm quản lý sẽ được hưởng một số tiền thù lao hàng tháng là 3% số thuế thu ở xã đó, nhưng không quá 10.000 đồng.
Số tiền này do Ủy ban hành chính tỉnh cấp và trích trong số tiền thù lao về thuế rượu của toàn tỉnh, trước khi chia đều cho các xã không có hộ sản xuất đăng ký (như nói ở đoạn b trên đây).
Số cán bộ này do Chi sở rượu, căn cứ vào nhu cầu công tác, xét và đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh duyệt y. Cán bộ ủy nhiệm quản lý chỉ làm nhiệm vụ quản lý và chống lậu, trong các nhà sản xuất có đăng ký và nói chung trong thôn xóm, còn việc thu thuế vẫn do cán bộ rượu phụ trách.
Quy định như vậy để tránh tiền thuế đọng lại ở cán bộ xã.
Chế độ làm việc của cán bộ ủy nhiệm quản lý do Sở rượu Trung ương quy định.
Tiền thù lao về thuế rượu của xã nào sung vào ngân sách xã đó.
Thông tư này chỉ áp dụng ở các tỉnh đã thống nhất kinh doanh rượu, đối với các tỉnh miền núi sẽ nghiên cứu sau.
Sở rượu Trung ương có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn việc thi hành thông tư này.
Bộ mong Ủy ban hành chính tỉnh thảo luận với các ngành liên quan; tổ chức phổ biến và thi hành Thông tư này có kết quả tốt.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Nghị định 220-TC-NĐ năm 1956 về ấn định tạm thời thuế suất thuế hàng hóa đánh vào cồn thường, và rượu ta nấu bằng ngô, khoai, săn, các thứ hoa quả và rỉ đường do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.
- 2Nghị định 296-TTg năm 1957 về việc ghi thêm một số loại hàng vào biểu thuế hàng hóa và sửa đổi lại thuế suất thuế hàng hóa đối với một số lọai hàng hóa do Thủ tướng ban hành
- 1Điều lệ tạm thời số 898-TTg về việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2Nghị định 220-TC-NĐ năm 1956 về ấn định tạm thời thuế suất thuế hàng hóa đánh vào cồn thường, và rượu ta nấu bằng ngô, khoai, săn, các thứ hoa quả và rỉ đường do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.
- 3Nghị định 296-TTg năm 1957 về việc ghi thêm một số loại hàng vào biểu thuế hàng hóa và sửa đổi lại thuế suất thuế hàng hóa đối với một số lọai hàng hóa do Thủ tướng ban hành
Thông tư 59-TC-VP-TT năm 1958 về việc trích 10% thuế rượu thu của tư nhân thù lao cho ngân sách xã do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 59-TC-VP-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/05/1958
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 03/06/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định