Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 56/2012/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 2.

KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI

Điều 5. Giấy tờ cần thiết khi xe vào kiểm định

1. Kiểm định lần đầu lập Hồ sơ phương tiện

Khi kiểm định lần đầu lập Hồ sơ phương tiện, chủ xe cần có các giấy tờ sau:

a) Bản chính giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc một trong các giấy tờ còn hiệu lực sau để xuất trình:

- Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ.

- Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của cơ quan cho thuê tài chính.

- Giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe (có đủ chữ ký, dấu).

b) Bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực để xuất trình.

c) Giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện để nộp, gồm một trong các giấy tờ sau:

- Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với xe cơ giới nhập khẩu; bản sao chụp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước;

- Bản sao có chứng thực quyết định tịch thu bán đấu giá của cấp có thẩm quyền đối với xe cơ giới bị tịch thu bán đấu giá và văn bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới của Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với trường hợp xe cơ giới bị tịch thu bán đấu giá chưa có dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định hoặc có dữ liệu không phù hợp.

- Bản sao có chứng thực quyết định thanh lý đối với xe cơ giới của lực lượng quốc phòng, công an; bản sao có chứng thực quyết định bán xe dự trữ Quốc gia.

d) Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo để nộp (đối với xe cơ giới mới cải tạo).

đ) Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của cần cẩu, xi téc, bình nhiên liệu CNG, LPG được trang bị, lắp đặt trên xe cơ giới được cấp theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải để xuất trình.

2. Kiểm định các lần tiếp theo

Khi xe cơ giới vào kiểm định, chủ xe phải xuất trình các giấy tờ nêu tại điểm a, b, d và điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 6. Nội dung kiểm định

1. Hạng mục và phương pháp kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới khi kiểm định thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT).

2. Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định. Trường hợp xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định thì được kiểm tra sự làm việc và hiệu quả phanh trên đường thử ngoài dây chuyền. Đối với xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo, vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện đưa xe tới Đơn vị đăng kiểm thì được kiểm định ngoài Đơn vị đăng kiểm; trình tự, cách thức thực hiện theo quy định tạikhoản 3 Điều 8 của Thông tư này.

Điều 7. Đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định

1. Xe cơ giới mới đăng ký biển số, khi kiểm định lần đầu để lập Hồ sơ phương tiện thực hiện tại Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam trên cùng địa phương với địa chỉ chủ xe trong giấy đăng ký xe.

2. Xe cơ giới kiểm định các lần tiếp theo (kể cả có bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện) được thực hiện tại bất kỳ Đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước.

Điều 8. Trình tự, cách thức thực hiện

1. Lập Hồ sơ phương tiện

Xe cơ giới kiểm định lần đầu, nếu có đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Thông tư này thì Đơn vị đăng kiểm kiểm tra, lập Phiếu lập Hồ sơ phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và nhập thông tin vào Chương trình Quản lý kiểm định.

2. Kiểm định tại dây chuyền kiểm định

a) Tổ chức, cá nhân đưa xe cơ giới và các giấy tờ theo quy định tạiĐiều 5 của Thông tư nàyđến Đơn vị đăng kiểm để kiểm định.

b) Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại; nếu đầy đủ, hợp lệ thì thu phí và kiểm định.

c) Xe cơ giới kiểm định đạt tiêu chuẩn, Đơn vị đăng kiểm thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Trả Giấy chứng nhận; Hóa đơn thu phí đăng kiểm, lệ phí cấp Giấy chứng nhận cho chủ xe và dán Tem kiểm định cho phương tiện.

Nếu xe cơ giới chỉ có Giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe, Đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định, nếu đạt thì chỉ dán Tem kiểm định và cấp Giấy hẹn trả Giấy chứng nhận cho chủ xe theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này. Khi chủ xe xuất trình giấy đăng ký xe thì Đơn vị đăng kiểm trả Giấy chứng nhận.

d) Xe cơ giới kiểm định có kết quả không đạt, Đơn vị đăng kiểm thông báo hạng mục kiểm tra không đạt của xe cho chủ xe biết để sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại, đồng thời thông báo phương tiện không đạt trên Chương trình Quản lý kiểm định.

3. Kiểm định ngoài Đơn vị đăng kiểm

a) Chủ xe có văn bản đề nghị nêu rõ lý do kiểm định ngoài Đơn vị đăng kiểm kèm theo danh sách xe cơ giới đề nghị kiểm định gửi Đơn vị đăng kiểm.

b) Đơn vị đăng kiểm kiểm tra, xem xét theo đề nghị của chủ xe, nếu đúng đối tượng và đủ điều kiện đường thử thì trong vòng 5 ngày làm việc gửi văn bản đề nghị kiểm định ngoài Đơn vị đăng kiểm kèm theo danh sách xe cơ giới về Cục Đăng kiểm Việt Nam qua đường bưu điện.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, xem xét hồ sơ, trong vòng 5 ngày làm việc có văn bản hướng dẫn gửi Đơn vị đăng kiểm để kiểm định.

d) Đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định xe cơ giới và thực hiện các quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều này.

4. Ghi nhận bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện khi xe cơ giới có thay đổi thông tin hành chính, thông số kỹ thuật.

Chủ xe đưa xe cơ giới cùng các giấy tờ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này và tài liệu kỹ thuật liên quan của xe cơ giới đến các Đơn vị đăng kiểm trên cả nước để kiểm định và ghi nhận thay đổi.

a) Trường hợp xe cơ giới đến Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện: Đơn vị đăng kiểm kiểm tra giấy tờ và đối chiếu với Chương trình Quản lý kiểm định, nếu đầy đủ, họp lệ thì ghi nhận bổ sung, sửa đổi vào Hồ sơ phương tiện, Chương trình Quản lý kiểm định và thực hiện kiểm định theo quy định; nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại.

b) Trường hợp xe cơ giới đến Đơn vị đăng kiểm không quản lý Hồ sơ phương tiện:

- Đơn vị đăng kiểm kiểm tra giấy tờ và đối chiếu với Chương trình Quản lý kiểm định. Nếu đầy đủ, hợp lệ thì kiểm định và nhập yêu cầu bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện vào Chương trình Quản lý kiểm định, đồng thời gửi giấy tờ liên quan đến nội dung bổ sung, thay đổi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện và lưu Bản sao vào Hồ sơ kiểm định.

- Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện kiểm tra giấy tờ và yêu cầu bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện trên Chương trình quản lý kiểm định. Nếu đầy đủ, hợp lệ thì chấp nhận bổ sung, sửa đổi Hồ sơ phương tiện và lưu giấy tờ vào Hồ sơ phương tiện. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì yêu cầu Đơn vị đăng kiểm đã kiểm định sửa chữa khắc phục.

Thông tư 56/2012/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 56/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 71 đến số 72
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra