Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Điều 32. Cơ sở được kiểm tra về điều kiện bảo đảm ATTP

1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện việc đăng ký kiểm tra theo trình tự, thủ tục và hồ sơ quy định tại Điều 9, Thông tư này. Chấp hành việc kiểm tra theo kế hoạch của Cơ quan kiểm tra kể cả khi chưa làm thủ tục đăng ký;

b) Cung cấp danh sách và bố trí những người có thẩm quyền đại diện cho Cơ sở để làm việc với Đoàn kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm tra khi làm việc tại Cơ sở;

c) Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, mẫu thử nghiệm theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra hoặc Kiểm tra viên độc lập và chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu đã cung cấp;

d) Duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm ATTP đã được chứng nhận;

đ) Thực hiện việc sửa chữa, khắc phục các sai lỗi đã nêu trong Biên bản kiểm tra và các thông báo của Cơ quan kiểm tra theo đúng thời hạn yêu cầu;

e) Ký tên vào Biên bản kiểm tra.

2. Quyền hạn:

a) Có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả kiểm tra trong biên bản kiểm tra;

b) Khiếu nại về kết quả kiểm tra đối với Cơ sở;

c) Phản ảnh kịp thời cho thủ trưởng Cơ quan kiểm tra về những hành vi tiêu cực của Đoàn kiểm tra hoặc của Kiểm tra viên.

Điều 33. Chủ hàng/chủ cơ sở sản xuất lô hàng

1. Trách nhiệm:

a) Đăng ký kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP lô hàng với Cơ quan kiểm tra theo thủ tục và hồ sơ quy định tại Điều 23 Thông tư này;

b) Tạo điều kiện cho kiểm tra viên của Cơ quan kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lấy mẫu và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan (trường hợp lô hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra tại hiện trường và lấy mẫu kiểm nghiệm);

c) Không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm, thông tin ghi nhãn khác với nội dung đã đăng ký và được kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP;

d) Thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối với lô hàng không đạt CL, ATTP, lô hàng bị trả về hoặc triệu hồi theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra và cơ quan có thẩm quyền;

đ) Nộp phí và lệ phí kiểm tra chứng nhận theo quy định tại Chương V.

2. Quyền hạn:

a) Được áp dụng chế độ kiểm tra giảm lô hàng nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được nêu tại khoản 1 Điều 25 Thông tư này;

b) Yêu cầu Cơ quan kiểm tra cung cấp các thông tin, quy định, mẫu biểu liên quan đến việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP sản phẩm thủy sản theo quy định của Thông tư này;

c) Bảo lưu ý kiến khác với kết quả kiểm tra;

d) Trưng cầu giám định;

đ) Khiếu nại, tố cáo về mọi hành vi sai trái của kiểm tra viên, Cơ quan kiểm tra, phòng kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Kiểm tra viên

1. Khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, Kiểm tra viên có trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp, căn cứ kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở; kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo quy định tại Thông tư này;

b) Bảo mật các thông tin liên quan đến sản xuất kinh doanh của Cơ sở, chủ hàng theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Chấp hành sự phân công của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả công việc do mình thực hiện trước Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra và trước pháp luật khi tiến hành kiểm tra;

2. Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, kiểm tra viên có quyền:

a) Yêu cầu Cơ sở/chủ hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, mẫu vật (nếu có) phục vụ cho nhiệm vụ kiểm tra;

b) Ra vào nơi sản xuất, bảo quản, kho hàng; xem xét hồ sơ, lấy mẫu, chụp ảnh, sao chép, ghi chép các thông tin cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ kiểm tra;

c) Lập biên bản và niêm phong mẫu vật (nếu có) trong một thời gian cần thiết và đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý nếu có bằng chứng về việc Cơ sở/chủ hàng vi phạm các quy định có liên quan đến bảo đảm ATTP;

d) Bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo với thủ trưởng Cơ quan kiểm tra trong trường hợp chưa nhất trí với ý kiến kết luận của người trực tiếp phân công nhiệm vụ nêu tại điểm c khoản 1 Điều này;

đ) Từ chối thực hiện kiểm tra trong trường hợp chủ hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định nêu tại điểm c khoản 1 Điều 32 và điểm b khoản 1 Điều 33 Thông tư này.

Điều 35. Trưởng Đoàn kiểm tra

1. Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, Trưởng Đoàn kiểm tra có các trách nhiệm như một Kiểm tra viên nêu tại khoản 1 Điều 34 Thông tư này và các trách nhiệm khác như sau:

a) Điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn kiểm tra để thực hiện đầy đủ các nội dung đã ghi trong quyết định kiểm tra;

b) Xử lý các ý kiến, kết quả kiểm tra của các thành viên trong Đoàn kiểm tra và đưa ra kết quả cuối cùng;

c) Rà soát, ký biên bản kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng Cơ quan kiểm tra và trước pháp luật về kết quả đã được Đoàn kiểm tra thực hiện.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Trưởng Đoàn kiểm tra có các quyền hạn như một Kiểm tra viên nêu tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này và các quyền hạn khác như sau:

a) Đề xuất với Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ban hành quyết định điều chỉnh thành viên Đoàn kiểm tra để thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu trong quyết định kiểm tra;

b) Đưa ra kết luận cuối cùng của Đoàn kiểm tra về kết quả kiểm tra.

Điều 36. Cơ quan kiểm tra địa phương

1. Trách nhiệm:

a) Lập kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này; tổ chức thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản đối với các Cơ sở theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

b) Lưu trữ hồ sơ có liên quan đến hoạt động kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận đúng quy định; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác các vấn đề có liên quan đến việc kiểm tra, chứng nhận do cơ quan mình thực hiện khi Cơ quan kiểm tra cấp trên yêu cầu;

c) Bảo mật các thông tin có liên quan đến bí mật sản xuất kinh doanh của Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận;

d) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp và báo cáo bằng văn bản cho Cơ quan kiểm tra cấp trên;

đ) Đề xuất nhu cầu đào tạo, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do Cơ quan kiểm tra cấp trên tổ chức;

2. Trách nhiệm của Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh:

Ngoài các nội dung trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh còn có các trách nhiệm sau:

a) Phối hợp với các Cơ quan kiểm tra của các tỉnh/thành phố khác thực hiện kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP của tàu cá theo quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư này;

b) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp và báo cáo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản về kết quả kiểm tra, chứng nhận; tình hình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận trên địa bàn tỉnh/thành phố; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để triển khai hiệu quả công tác này;

c) Hàng năm, phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cơ quan kiểm tra khác tại địa phương thống nhất danh sách các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng kiểm tra của từng cơ quan trên địa bàn quản lý;

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP thủy sản cho các cán bộ kiểm tra cấp huyện/xã trong địa bàn tỉnh.

đ) Cập nhật thường xuyên và công bố danh sách Cơ sở đủ và chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện truyền thông tại địa phương.

3. Quyền hạn:

a) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện của Cơ quan kiểm tra cấp dưới;

b) Yêu cầu các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận thực hiện việc đăng ký kiểm tra để được cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định tại Điều 10 Thông tư này và thực hiện việc khắc phục các sai lỗi về điều kiện bảo đảm ATTP đã nêu trong Biên bản kiểm tra;

c) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận ATTP cho các Cơ sở thuộc đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận;

d) Đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các Cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm ATTP.

Điều 37. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố

1. Chỉ định Cơ quan thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP các Cơ sở theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này và thông báo cho Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

2. Chỉ định Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP các Cơ sở trong phạm vi được phân công, phân cấp của Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã trong trường hợp Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã chưa đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn hỗ trợ các Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã nâng cao năng lực và tổ chức bàn giao nhiệm vụ ngay sau khi Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã đủ năng lực thực hiện.

3. Hướng dẫn thống nhất hệ thống mã số cho các Cơ sở nêu tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này trên địa bàn tỉnh/thành phố theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này theo phạm vi được phân công, phân cấp trong địa bàn tỉnh/thành phố.

5. Đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung các các quy định, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác kiểm tra và chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Điều 38. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Trách nhiệm:

a) Thống nhất công tác quản lý kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP đối với các Cơ sở trên phạm vi cả nước; công tác kiểm tra, chứng nhận lô hàng; định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP thủy sản của các Cơ quan kiểm tra;

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm tra viên chất lượng, ATTP thủy sản, chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, chứng nhận lô hàng;

c) Lập và thông báo kế hoạch kiểm tra đối với các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này;

d) Lưu trữ đầy đủ hồ sơ có liên quan đến kết quả kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở theo phân công đúng quy định; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm tra chứng nhận khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu;

đ) Tổ chức việc kiểm tra và chứng nhận ATTP thủy sản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này;

e) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra; nội dung của Giấy Chứng nhận, chứng thư và Thông báo lô hàng không đạt;

g) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại của chủ hàng đối với việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP thủy sản do cơ quan mình tiến hành; Bồi thường vật chất cho chủ hàng về hậu quả do những sai sót trong việc kiểm tra và chứng nhận theo quy định của pháp luật hiện hành;

h) Bảo mật thông tin liên quan đến bí mật sản xuất kinh doanh của các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận;

i) Hàng năm, chủ trì phối hợp với các Cơ quan kiểm tra nêu tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này thống nhất danh sách các Cơ sở thuộc phạm vi kiểm tra của hai cơ quan trên địa bàn;

k) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần và khi có yêu cầu công bố danh sách các Cơ sở đã được chứng nhận và chưa được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP thuộc phạm vi được phân công, phân cấp trên phạm vi cả nước;

l) Công bố danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu phải lập danh sách theo thời hạn đã thống nhất với cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu;

m) Tập hợp và lập danh mục các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và nước nhập khẩu về điều kiện bảo đảm CL, ATTP thủy sản thông báo đến các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất áp dụng.

2. Quyền hạn:

a) Kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh/huyện/xã trong phạm vi cả nước;

b) Lấy mẫu và kiểm tra lô hàng theo quy định tại Thông tư này; Từ chối việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP trong trường hợp chủ hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định nêu tại khoản 1 Điều 33;

c) Yêu cầu các Cơ sở thuộc phạm vi được phân công kiểm tra, chứng nhận thực hiện khắc phục các sai lỗi về điều kiện bảo đảm ATTP đã nêu trong Biên bản kiểm tra; điều tra nguyên nhân lây nhiễm, thiết lập biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các Cơ sở có lô hàng bị Cơ quan kiểm tra và Cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về CL, ATTP theo quy định tại Thông tư này;

d) Thông báo tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP lô hàng và đề nghị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu bỏ tên Cơ sở ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách nếu Cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc vi phạm quy định nêu tại Điều 19 và điểm b khoản 1 Điều 31 Thông tư này;

đ) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận ATTP cho các Cơ sở thuộc đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận; Xử lý đối với các trường hợp Cơ sở vi phạm quy định của Thông tư này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật;

e) Lập hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định của Thông tư này.

Điều 39. Phòng kiểm nghiệm

1. Trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng quy trình kiểm nghiệm, đảm bảo năng lực thiết bị kiểm nghiệm, bảo mật thông tin của Chủ hàng theo quy định của pháp luật;

b) Đảm bảo kết quả kiểm nghiệm chính xác, khách quan;

c) Thông báo kết quả đúng hạn cho Cơ quan kiểm tra;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm;

đ) Tham gia vào các chương trình thử nghiệm thành thạo theo yêu cầu của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản;

e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm đúng quy định và xuất trình khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu;

g) Bồi thường vật chất cho Chủ hàng về hậu quả do những sai sót trong việc kiểm nghiệm do mình thực hiện theo các quy định hiện hành.

2. Quyền hạn:

a) Từ chối các mẫu không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Từ chối kiểm nghiệm đối với các mẫu, chỉ tiêu ngoài phạm vi được chứng nhận;

b) Được cung cấp các thông tin và tạo điều kiện về đào tạo nhằm nâng cao năng lực kiểm nghiệm;

c) Thu phí, lệ phí kiểm nghiệm theo quy định hiện hành.

Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 55/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/08/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 05/09/2011
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH