Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

MỤC 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN

Điều 9. Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận

1. Các Cơ sở thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thủy sản lập 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra và gửi cho Cơ quan kiểm tra theo phân cấp nêu tại Điều 5 Thông tư này để được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATTP.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra theo mẫu nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở (không áp dụng đối với tàu cá);

c) Báo cáo hiện trạng về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này (không áp dụng đối với tàu cá);

d) Bảng tổng hợp kế hoạch HACCP cho nhóm sản phẩm tương tự đăng ký kiểm tra (áp dụng đối với các Cơ sở thuộc diện bắt buộc phải xây dựng và thực hiện Chương trình đảm bảo CL, ATTP theo nguyên tắc HACCP theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02 - 02: 2009/BNNPTNT);

3. Đối với các Cơ sở đăng ký kiểm tra sau khi khắc phục sai lỗi của lần kiểm tra trước, Cơ sở chỉ lập hồ sơ bao gồm 01 (một) báo cáo kết quả khắc phục các sai lỗi theo mẫu nêu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cơ quan kiểm tra.

4. Hồ sơ đăng ký kiểm tra được gửi đến Cơ quan kiểm tra bằng một trong các hình thức như: gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc Fax, thư điện tử, đăng ký trực tuyến (sau đó Cơ sở gửi 01 Giấy đăng ký kiểm tra hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi tới Cơ quan kiểm tra, các hồ sơ còn lại Cơ sở cung cấp khi Đoàn kiểm tra đến kiểm tra).

Điều 10. Thông báo kế hoạch kiểm tra

1. Cơ quan kiểm tra phối hợp với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá thực hiện việc thống kê, lập danh sách các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này và thông báo kế hoạch kiểm tra đến các cơ sở bằng một trong các hình thức gửi trực tiếp, fax, email.

2. Đối với các Cơ sở có đăng ký kiểm tra:

a) Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra của Cơ sở, Cơ quan kiểm tra phải xem xét, hướng dẫn Cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

b) Nếu hồ sơ đăng ký phù hợp, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra phải thông báo cho Cơ sở thời gian dự kiến tiến hành kiểm tra. Thời gian này không muộn quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.

3. Trường hợp Cơ sở không thực hiện việc đăng ký kiểm tra, Cơ quan kiểm tra vẫn thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đã lập.

4. Đối với tàu cá, Cơ quan kiểm tra trao đổi thống nhất với chủ tàu để xác định khoảng thời gian và địa điểm kiểm tra phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của tàu.

Điều 11. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra đánh giá, phân loại: là hình thức kiểm tra có thông báo trước, kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu về điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở và được áp dụng đối với:

a) Cơ sở thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản nhưng chưa được cấp;

b) Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP;

c) Cơ sở có Giấy chứng nhận ATTP còn hiệu lực ít hơn 6 (sáu) tháng;

d) Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP nhưng thay đổi chủ sở hữu hoặc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng điều kiện sản xuất dẫn đến việc thay đổi khả năng xuất hiện các mối nguy về ATTP so với ban đầu;

đ) Cơ sở bổ sung sản phẩm không thuộc nhóm sản phẩm tương tự đã được chứng nhận;

e) Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư này nhưng có sự thay đổi trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu;

g) Cơ sở đăng ký bổ sung vào danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách;

h) Cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng hoãn kiểm tra định kỳ có thời hạn quá 12 (mười hai) tháng.

2. Kiểm tra định kỳ: là hình thức kiểm tra không báo trước, nhằm giám sát việc duy trì điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP.

3. Kiểm tra đột xuất: là hình thức kiểm tra không báo trước, được áp dụng đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm CL, ATTP hoặc khi có khiếu nại của các tổ chức, cá nhân.

Điều 12. Thành lập Đoàn kiểm tra

1. Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở.

2. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra bao gồm các nội dung sau:

a) Căn cứ kiểm tra;

b) Phạm vi, nội dung, hình thức và thời gian dự kiến kiểm tra;

c) Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của Cơ sở được kiểm tra;

d) Họ tên, chức danh, đơn vị công tác của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn;

đ) Trách nhiệm của Cơ sở được kiểm tra và Đoàn kiểm tra.

3. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra phải được thông báo tại Cơ sở khi bắt đầu kiểm tra.

Điều 13. Nội dung, phương pháp kiểm tra

1. Nội dung kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở bao gồm:

a) Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và người trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh về bảo đảm ATTP thủy sản;

b) Chương trình quản lý chất lượng;

c) Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

d) Lấy mẫu để thẩm tra hiệu quả hoạt động tự kiểm soát về ATTP của Cơ sở khi cần thiết (không áp dụng trong trường hợp Cơ quan kiểm tra là Ủy ban nhân dân cấp xã). Trường hợp có lấy mẫu thẩm tra, Đoàn kiểm tra phải lập phiếu lấy mẫu kiểm nghiệm có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra và người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở;

2. Phương pháp kiểm tra, hướng dẫn đánh giá đối với các Cơ sở thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Biên bản kiểm tra

1. Biên bản kiểm tra bảo đảm:

a) Thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra theo mẫu quy định và được lập tại Cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra;

b) Ghi rõ các hạng mục không bảo đảm ATTP và thời hạn khắc phục các sai lỗi;

c) Nêu kết luận chung về điều kiện bảo đảm ATTP và mức xếp loại đối với Cơ sở theo quy định tại Điều 15 Thông tư này;

d) Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi;

đ) Có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở. Đóng dấu giáp lai Biên bản kiểm tra hoặc Trưởng đoàn ký từng trang Biên bản kiểm tra trong trường hợp cơ sở không có con dấu.

e) Được lập thành 2 (hai) bản: 1 (một) bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 1 (một) bản lưu tại Cơ sở, trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.

2. Nếu đại diện Cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra và không có ý kiến về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ là: “Đại diện Cơ sở được kiểm tra không ký biên bản” và nêu rõ lý do đại diện Cơ sở không ký. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên của Đoàn kiểm tra.

Điều 15. Phân loại điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở

Áp dụng các mức phân loại đối với Cơ sở về điều kiện bảo đảm ATTP như sau:

1. Loại A (tốt): áp dụng đối với Cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP, không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng;

2. Loại B (đạt): áp dụng đối với các Cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP, có ít lỗi nặng và không có lỗi nghiêm trọng;

3. Loại C (không đạt): áp dụng đối với các Cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng hoặc có lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục, sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm.

4. Mức phân loại cụ thể đối với từng loại hình Cơ sở theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 16. Xử lý kết quả kiểm tra

Trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thẩm tra biên bản kiểm tra của Đoàn kiểm tra, xử lý kết quả và gửi kết quả kiểm tra trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Cơ sở, cụ thể như sau:

1. Kiểm tra, đánh giá phân loại:

a) Cơ sở đạt yêu cầu (loại A hoặc B): Ban hành Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cấp Giấy chứng nhận ATTP có thời hạn 3 (ba) năm kể từ ngày cấp theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và 01 (một) mã số duy nhất cho Cơ sở theo hệ thống mã số quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này khi chủ cơ sở có đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận ATTP.

b) Cơ sở không đạt (loại C): Thông báo kết quả kiểm tra và và yêu cầu Cơ sở có báo cáo kết quả khắc phục cụ thể. Tùy theo mức độ sai lỗi của cơ sở, Cơ quan kiểm tra quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức kiểm tra lại. Nếu tại thời điểm kiểm tra lại, Cơ sở vẫn không đủ điều kiện ATTP (xếp loại C), Cơ quan kiểm tra thu hồi Giấy chứng nhận ATTP (nếu cơ sở đã được cấp) và thông báo cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử phạt hành chính, đồng thời thông báo tới cơ quan chức năng xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho Cơ sở.

2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất:

a) Đối với Cơ sở có kết quả đạt (xếp loại A hoặc B): Thông báo cho Cơ sở về kết quả kiểm tra và tần suất kiểm tra áp dụng trong thời gian tới;

b) Đối với Cơ sở xuống loại C: Thực hiện theo quy định nêu tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp có thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm khi kiểm tra, nếu kết quả kiểm nghiệm phát hiện vi phạm các quy định về ATTP hoặc có khả năng dẫn đến nguy cơ không bảo đảm ATTP, Cơ quan kiểm tra yêu cầu Cơ sở báo cáo kết quả thực hiện hành động khắc phục, bao gồm việc truy xuất, thu hồi sản phẩm theo quy định hiện hành, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện hành động khắc phục khi cần thiết.

Điều 17. Cập nhật danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu

1. Cơ sở được bổ sung vào danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách nếu đáp ứng các điều kiện:

a) Đăng ký kiểm tra với Cơ quan kiểm tra theo các thủ tục quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng phù hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu và lưu trữ đầy đủ hồ sơ thực hiện ít nhất là 30 (ba mươi) ngày có sản xuất tính đến thời điểm kiểm tra;

c) Được Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra và chứng nhận đáp ứng các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu tương ứng.

2. Cơ sở bị đưa ra khỏi danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách trong trường hợp: Khi Cơ sở có văn bản gửi cơ quan kiểm tra đề nghị rút tên ra khỏi danh sách thị trường xuất khẩu hoặc Cơ sở vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này.

3. Thời điểm Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện cập nhật danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào thị trường theo quy định của từng nước nhập khẩu hoặc theo trình tự thủ tục đã được thoả thuận với cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu.

Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 55/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/08/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 05/09/2011
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH