Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN ĐỐI VỚI LÔ HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 23. Đăng ký kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP

1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra cho 01 (một) lô hàng xuất khẩu bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bảng kê chi tiết lô hàng theo mẫu tại Phụ lục 8a ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra đến Cơ quan kiểm tra bằng một trong các hình thức như: gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc Fax, thư điện tử, đăng ký trực tuyến (sau đó Cơ sở gửi 01 Giấy đăng ký kiểm tra cho Cơ quan Kiểm tra).

3. Xử lý hồ sơ đăng ký:

Trong vòng 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan kiểm tra xem xét và hướng dẫn chủ hàng bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

b) Đối với lô hàng thuộc hình thức kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm, thời điểm kiểm tra không muộn hơn 02 (hai) ngày làm việc sau khi Cơ quan kiểm tra nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký hoặc được Cơ quan kiểm tra và chủ hàng thống nhất theo đăng ký của chủ hàng.

Điều 24. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra hồ sơ: là hình thức chỉ kiểm tra hồ sơ đăng ký của chủ hàng, đối chiếu với các thông tin có liên quan về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở sản xuất lô hàng và xem xét cấp giấy chứng nhận CL, ATTP mà không thực hiện kiểm tra tại hiện trường.

2. Kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm: là hình thức kiểm tra hồ sơ đăng ký của chủ hàng và thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng tại hiện trường.

Điều 25. Chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm

1. Kiểm tra giảm: áp dụng đối với các Cơ sở đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây trong thời gian 12 (mười hai) tháng trước thời điểm được xem xét kiểm tra giảm lô hàng:

a) Có điều kiện bảo đảm ATTP xếp loại “A”;

b) Không có lô hàng bị Cơ quan kiểm tra phát hiện hoặc cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về CL, ATTP;

c) Không bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm quy định về bảo đảm CL, ATTP.

2. Kiểm tra thông thường: là chế độ kiểm tra áp dụng đối với Cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP (loại A hoặc B).

3. Kiểm tra chặt: là chế độ kiểm tra áp dụng đối với cơ sở thuộc một trong các trường hợp:

a) Điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở xếp loại C nhưng chưa bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP;

b) Có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo CL, ATTP.

4. Tần suất kiểm tra:

a) Tần suất kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng đối với các Cơ sở nêu tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Cơ sở thuộc chế độ kiểm tra lô hàng nêu tại điểm b khoản 3 Điều này, Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các lô hàng sản xuất hoặc lô hàng xuất khẩu của nhóm sản phẩm tương tự của Cơ sở để phân tích chỉ tiêu bị cảnh báo theo quy định của thị trường. Cơ sở được dỡ bỏ chế độ kiểm tra chặt khi kết quả kiểm tra 5 (năm) lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu và kết quả thẩm tra của cơ quan kiểm tra về các biện pháp khắc phục của Cơ sở đạt yêu cầu;

c) Cơ sở bị hủy bỏ chế độ kiểm tra giảm đối với lô hàng xuất khẩu khi không đáp ứng một trong các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều này.

5. Thủ tục thực hiện kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 26. Cấp Giấy chứng nhận CL, ATTP

1. Lô hàng của Cơ sở thuộc hình thức kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu: Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp Giấy chứng nhận CL, ATTP (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) theo mẫu tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ hàng trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ và thông tin phục vụ cho việc chứng nhận.

2. Lô hàng của Cơ sở thuộc hình thức kiểm tra nêu tại khoản 2 Điều 24 Thông tư này: Kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cho lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo thời hạn sau:

a) Không quá 01 (một) ngày làm việc đối với lô hàng dạng tươi, sống;

b) Không quá 07 (bảy) ngày làm việc đối với lô hàng dạng sản phẩm khác;

c) Trường hợp phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm bên ngoài, cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cho chủ hàng không quá 1 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ kết quả kiểm nghiệm.

3. Đối với lô hàng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu mẫu Giấy chứng nhận riêng (sau đây gọi tắt là Chứng thư):

a) Chủ hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin bằng văn bản và không muộn hơn 1 (một) ngày làm việc tính từ thời điểm lô hàng được xuất khẩu cho Cơ quan kiểm tra để cấp Chứng thư;

b) Trong thời hạn 1 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin, Cơ quan kiểm tra cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu.

4. Trường hợp chủ hàng có yêu cầu được cấp chuyển tiếp Giấy chứng nhận, chứng thư đối với lô hàng, Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra lô hàng và Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp Giấy chứng nhận, chứng thư chuyển tiếp có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc cấp chuyển tiếp bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Được thực hiện ngay trong ngày nhận được Giấy chứng nhận, chứng thư ban đầu;

b) Giấy chứng nhận, chứng thư cấp chuyển tiếp có nội dung chính xác với nội dung trong Giấy chứng nhận, chứng thư ban đầu.

5. Sau thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ thời điểm lô hàng được kiểm tra, nếu chủ hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan kiểm tra để cấp giấy chứng nhận, chứng thư, chủ hàng phải thực hiện đăng ký kiểm tra lại đối với lô hàng theo quy định nêu tại Điều 23 Thông tư này để được chứng nhận.

Điều 27. Yêu cầu đối với Giấy chứng nhận, chứng thư

1. Mỗi một lô hàng xuất khẩu đăng ký kiểm tra có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thực hiện 01 (một) lần cấp Giấy chứng nhận, chứng thư. Giấy chứng nhận, chứng thư chỉ có giá trị đối với lô hàng được vận chuyển, bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi nội dung đã được kiểm tra, chứng nhận về CL, ATTP.

2. Giấy chứng nhận, chứng thư được đánh số theo quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chứng thư có hình Quốc huy và nội dung, hình thức phù hợp.

4. Cơ quan kiểm tra được cấp thêm các loại giấy chứng nhận khác (không có Quốc huy) theo yêu cầu của chủ hàng hoặc của nước nhập khẩu bảo đảm phù hợp với nội dung đã kiểm tra, chứng nhận lô hàng.

Điều 28. Giám sát lô hàng sau chứng nhận

1. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với Hải quan thực hiện kiểm tra lô hàng tại địa điểm tập kết khi lô hàng chờ làm thủ tục hải quan để xuất khẩu nhằm kiểm tra thông tin lô hàng sau chứng nhận.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan kiểm tra xem xét biên bản làm việc của đoàn kiểm tra để có văn bản thu hồi Giấy chứng nhận, chứng thư (nếu đã cấp) gửi chủ hàng. Đồng thời, đề nghị Hải quan không cho phép thông quan lô hàng. Tùy theo mức độ vi phạm của lô hàng, Cơ quan kiểm tra có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 29. Cấp lại Giấy chứng nhận, chứng thư

1. Khi Giấy chứng nhận, chứng thư bị thất lạc, hư hỏng, chủ hàng có văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan kiểm tra đề nghị để được cấp lại Giấy chứng nhận, chứng thư.

2. Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp lại trong vòng 1 (một) ngày làm việc sau khi nhận được văn bản đề nghị của chủ hàng và bảo đảm:

a) Giấy chứng nhận, chứng thư cấp lại có nội dung chính xác với nội dung của giấy đã cấp cho lô hàng;

b) Giấy chứng nhận, chứng thư được đánh số mới để quản lý và có ghi chú: "Giấy chứng nhận (chứng thư) này thay thế cho Giấy chứng nhận (chứng thư) số …, cấp ngày …”;

Điều 30. Xử lý các trường hợp lô hàng không đạt

1. Lô hàng không đạt về hồ sơ sản xuất, chỉ tiêu cảm quan, ngoại quan:

Sau 1 (một) ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra gửi Thông báo lô hàng không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ hàng.

2. Lô hàng không đạt về chỉ tiêu CL, ATTP sau khi có kết quả kiểm nghiệm:

a) Cơ quan kiểm tra gửi Thông báo lô hàng không đạt cho chủ hàng, nêu rõ lý do không đạt, đồng thời yêu cầu chủ hàng điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục và lập báo cáo giải trình;

b) Sau khi nhận được báo cáo giải trình của chủ hàng/Cơ sở sản xuất lô hàng, Cơ quan kiểm tra tiến hành thẩm tra các nội dung báo cáo khi thực hiện kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với lô hàng xuất khẩu tiếp theo của chủ hàng hoặc kết hợp thẩm tra khi kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất lô hàng không đạt.

3. Trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Thông báo lô hàng không đạt được gửi, nếu chủ hàng có gửi văn bản khiếu nại về kết quả kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 12.2 Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất về điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở có từ 6 (sáu) lô hàng trở lên trong 3 (ba) tháng bị Cơ quan kiểm tra phát hiện vi phạm về chỉ tiêu ATTP theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu;

b) Cơ sở không thực hiện báo cáo giải trình theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra tại Thông báo lô hàng không đạt nêu tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 31. Xử lý lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về CL, ATTP

1. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi có thông tin cảnh báo chính thức của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu Cơ sở sản xuất lô hàng thực hiện:

a) Truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đạt CL, ATTP; thiết lập và thực hiện hành động khắc phục; lập báo cáo đúng thời hạn theo yêu cầu gửi Cơ quan kiểm tra;

b) Tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu tương ứng nếu Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu có yêu cầu hoặc Cơ sở có quá 3 (ba) lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 (sáu) tháng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về CL, ATTP.

2. Sau khi nhận được báo cáo giải trình của Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này và kết quả kiểm tra chặt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư này, Cơ quan kiểm tra thẩm tra các nội dung báo cáo của Cơ sở, thực hiện kiểm tra đột xuất tại Cơ sở (khi cần thiết).

3. Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi kết thúc thẩm tra, Cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở.

4. Trong trường hợp chủ hàng/Cơ sở báo cáo không đầy đủ các nội dung hoặc không thực hiện báo cáo đúng thời hạn theo yêu cầu, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu chủ hàng thực hiện lại hoạt động khắc phục hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 55/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/08/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: 05/09/2011
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH