Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 531-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

I. TÌNH HÌNH CÁN BỘ XÃ

Cán bộ xã đã đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng và hiện đang góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có người đã tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa, có người tham gia hoạt động từ kháng chiến và có người tham từ hòa bình tới nay. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cách mạng, của kháng chiến, của kiến thiết hòa bình, anh chị em đã tỏ ra trung thành với cách mạng, tin tưởng ở Đảng và Chính phủ, liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn luôn cố gắng khắc phục khó khăn gian khổ, bền bỉ, tích cực làm nhiệm vụ. Nhiều người đã được tuyên dương, khen thưởng.

Tuy nhiên, trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, cán bộ xã cũng như cán bộ các cấp khác, đều còn nhiều chỗ yếu, chỗ kém vì trình độ chính trị và năng lực công tác chưa cược nâng cao đúng mức. Lại thêm cán bộ xã, trong công tác và trong đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tư này vạch một số chủ trương, chính sách nhằm nâng cao một bước trình độ chính trị và năng lực công tác của cán bộ xã, đồng thời nhằm giúp cán bộ xã khắc phục những khó khăn hiện thời. Như vậy để tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ xã. Đó là một điều cốt yếu đảm bảo sự nghiệp hợp tác hóa nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp được tiến hành vững chắc và có kết quả tốt.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ XÃ

Cán bộ xã hầu hết là nông dân lao động, là những người vừa công tác vừa sản xuất, không phải là cán bộ thoát ly sản xuất. Cán bộ xã là sợi giây nối liền nhân dân với Đảng và Chính phủ. Từ trước tới nay, cán bộ xã đã giữ một vai trò quan trọng trong việc động viên, giáo dục, tổ chức nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách ở nông thôn. Hiện nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa nông thôn vào con đường hợp tác hóa, vai trò của cán bộ xã lại càng quan trọng.

Để làm tròn nhiệm vụ, cán bộ xã phải:

- Trung thành với cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm tốt cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm tốt hợp tác hóa nông thôn, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ nông dân, tích cực chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, có nhiệt tình xã hội chủ nghĩa.

- Mật thiết liên hệ với quần chúng, luôn luôn quan tâm đến đời sống của quần chúng, luôn luôn tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, thắc mắc của quần chúng để kịp thời giải quyết và phản ảnh lên cấp trên. Về mọi việc có liên quan đến quần chúng đều phải bàn bạc với quần chúng, phải đi đúng đường lối quần chúng.

- Gương mẫu trong công tác và sản xuất, gương mẫu trong tổ đổi công và hợp tác xã.

- Có ý thưc tổ chức và kỹ thuật.

- Thường xuyên học tập, phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

III. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

1. Giáo dục, bồi dưỡng cán bộ xã:

Để tạo điều kiện cho cán bộ xã có đủ khả năng làm tốt mọi công tác của mình, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng về các mặt chính trị, văn hóa và nghiệp vụ cho cán bộ xã là rất quan trọng.

Về chính trị: Nâng cao trình độ chính trị và nhận thức về chính sách cho cán bộ xã, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, chủ yếu giáo dục cán bộ về các vấn đề cơ bản của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Dựa vào phương hướng chung đề ra trên đây và căn cứ tình hình cụ thể từng nơi, trình độ cán bộ, hoàn cảnh công tác khác nhau và yêu cầu của nhiệm vụ từng thời gian, để định chương trình, kế hoạch giáo dục cho sát.

Việc giáo dục cán bộ xã cần được tiến hành một cách thường xuyên, chủ yếu là huyện tổ chức từng đợt học tập tại xã sau từng vụ mùa. Đối với cán bộ chủ chốt, ngoài việc học tập tại xã, tỉnh cần tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày để bồi dưỡng thêm.

Về văn hóa: Bồi dưỡng từng bước, nâng cao dần trình độ văn hóa cho cán bộ xã.

Thanh toán nạn mù chữ cho tất cả cán bộ chưa biết chữ và bổ túc cho cán bộ đã biết chữ.

Ở miền xuôi thanh toán xong nạn mù chữ cho cán bộ xã trong năm 1958. Trong kế hoạch ba năm, bổ túc cho cán bộ xã tới trình độ lớp 2.

Ở miền núi (kể cả vùng rẻo cao) trong kế hoạch ba năm tất cả cán bộ xã phải được thanh toán xong nạn mù chữ.

Những cán bộ chủ chốt và những cán bộ cũ hoạt động lâu năm nhưng trình độ văn hóa còn kém phải được bổ túc văn hóa trước. Cần đặc biệt chú ý cán bộ phụ nữ.

Việc bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ xã chủ yếu là mở những lớp tại xã, ngoài giờ sản xuất, để anh chị em có thể vừa học tập, vừa công tác, vừa sản xuất. Ở nơi nào có điều kiện thì nên mở lớp tập trung. Đối với miền núi, cần có kế hoạch, tổ chức những lớp tập trung ngắn ngày cho cán bộ chủ chốt.

Về nghiệp vụ: Cán bộ xã, nói chung, phải biết công việc chung của xã. Để góp phần vào công việc chung, cán bộ xã phải được phân công chuyên trách những ngành, những công tác nhất định về kinh tế, văn hóa, nội chính, chủ yếu về kinh tế. Cho nên cán bộ xã phải được giáo dục và bồi dưỡng về nghiệp vụ để làm tốt công tác của mình.

Phương pháp chủ yếu là tỉnh, huyện mở những lớp ngắn ngày để giáo dục, bồi dưỡng cán bộ xã về nghiệp vụ.

Tóm lại, việc giáo dục, bồi dưỡng về các mặt trên đây cần làm thường xuyên, có lãnh đạo thống nhất về nội dung và kế hoạch; phải thích hợp với từng nơi, từng lúc và với trình độ của từng loại cán bộ.

2. Đào tạo và đề bạt cán bộ xã:

Việc đào tạo, đề bạt cán bộ xã phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và đường lối nông thôn của Đảng. Đào tạo, đề bạt cán bộ trước mắt là nhằm phục vụ cho việc phát triển phong trào đổi công, hợp tác, đẩy mạnh sản xuất. Phải chú trọng đúng mức bộ đội phục viên, thương binh, phụ nữ. Chú ý đào tạo cán bộ cho từng vùng: miền núi, miền biên giới, miền biển, vùng công giáo, v.v...

Tiêu chuẩn đề bạt cán bộ xã là đức và tài thể hiện trên ba mặt chủ yếu:

- Kiên quyết chấp hành các chính sách.

- Có khả năng đoàn kết, động viên, tổ chức nhân dân làm tốt mọi công tác; được nhân dân tín nhiệm.

- Tương đối có năng lực đảm đương được nhiệm vụ.

Căn cứ vào phương hướng trên, các ngành, các cấp cần định yêu cầu và kế hoạch cụ thể cho sát với tình hình và thực hiện từng bước.

Trước hết phải tìm hiểu tình hình tư tưởng và khả năng cán bộ để giao công tác cho thích hợp. Qua công tác, cần chú ý giáo dục, bồi dưỡng thêm những cán bộ hiện có và đúng những cán bộ đó để dìu dắt, bồi dưỡng những cán bộ mới.

3. Chấn chỉnh tổ chức và lề lối làm việc để bảo đảm cho cán bộ xã vừa công tác vừa sản xuất:

Để giảm bớt những khó khăn của cán bộ xã trong công tác, đồng thời để giúp cho cán bộ xã có đủ thì giờ sản xuất, cần phải chấn chỉnh tổ chức và lề lối làm việc ở xã, đi đôi với việc cải tiến lề lối làm việc của các cấp trên đối với xã. Vì vậy, cần nghiên cứu và chấn chỉnh các tổ chức ở xã theo nguyên tắc: đơn giản, gọn nhẹ, ít người chạy việc. Tránh xu hướng ở trên có bộ phận gì, ở xã phải có bộ phận ấy, làm cho bộ máy xã cồng kềnh, không hợp lý, bận nhiều người mà việc không chạy.

Ở xã, cần hạn chế đến mức tối thiểu cán bộ thường trực. Cần quy định chế độ hội nghị, sinh hoạt, tránh hội họp nhiều để đảm bảo thì giờ sản xuất và sức khỏe của cán bộ và nhân dân. Đối với cán bộ làm nhiệm vụ thường trực, mỗi ngày ít nhất phải đảm bảo nửa ngày sản xuất. Còn cán bộ không thường trực thì làm công tác ngoài giờ sản xuất. Cần giáo dục cho nhân dân tôn trọng nội quy làm việc và thì giờ sản xuất của cán bộ xã. Cán bộ trên về xã cũng phải hết sức tôn trọng nội quy ấy và thì giờ sản xuất của cán bộ xã.

Các cấp trên, nhất là các ngành ở cấp trung ương cần sửa đổi lề lối làm việc để tránh tình trạng đưa công việc về xã quá nhiều, dồn dập, có khi lại trái ngược với nhau, gây khó khăn lớn cho cán bộ xã trong công tác và sản xuất.

4. Bảo đảm đời sống cho cán bộ xã, quy định chế độ thù lao cấp phí cho cán bộ xã:

Cán bộ xã là những người không thoát ly sản xuất, phải vừa sản xuất, vừa công tác, cho nên cần bảo đảm thì giờ sản xuất của cán bộ xã như những điều đã vạch ra trong điểm 3. Về phần cán bộ xã, anh chị em phải kiên quyết xếp đặt công tác và thì giờ để sản xuất. Phải dựa vào sản xuất để sống và cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, vì cán bộ xã phải hy sinh một phần thì giờ để làm công tác xã, phục vụ nhân dân, cho nên chúng ta phải chú ý giáo dục nhân dân giúp đỡ cán bộ xã: giúp đỡ trong sản xuất, trong công tác và khi cán bộ ốm đau, sinh đẻ. Cấp tỉnh và cấp huyện cần căn cứ vào tình hình của địa phương mà giáo dục nhân dân tự nguyện tự giác tìm mọi cách giúp cán bộ xã. Trong tổ đổi công, trong hợp tác xã, việc giúp đỡ này có nhiều cách thực hiện thuận tiện, đặc biệt lúc cán bộ xã quá bận công tác, lúc phải đi công tác xã, lúc ốm đau, sinh đẻ. Về phần Chính phủ, để giúp giải quyết một phần những khó khăn của cán bộ xã, Chính phủ đã ban hành thông tư số 403-TTg ngày 14 tháng 08 năm 1958 quy định số thù lao và cấp công tác phí, hội nghị phí cho cán bộ xã. Những quy định trên chỉ có thể giải quyết một phần những khó khăn của một số cán bộ xã. Để căn bản giải quyết vấn đề đời sống của cán bộ xã, anh chị em phải ra sức sản xuất và đồng bào xã phải có sự giúp đỡ cần thiết. Miễn là anh chị em gương mẫu trong công tác, trong sinh hoạt, một lòng phục vụ quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân nhất định cũng một lòng ủng hộ và giúp đỡ anh chị em về mọi mặt.

5. Công tác quản lý cán bộ xã:

Để thực hiện tốt những chủ trương, chính sách trên đây, cần tăng cường công tác quản lý cán bộ xã nhằm theo dõi, tìm hiểu, nắm tình hình cán bộ xã về các mặt. Căn cứ vào tình hình tổ chức và khả năng quản lý cán bộ hiện nay, việc quản lý cán bộ xã quy định như sau:

- Các cán bộ chủ chốt ở xã do Ủy ban Hành chính tỉnh quản lý.

- Các cán bộ khác ở xã do Ủy ban Hành chính huyện quản lý.

- Các ngành chuyên môn ở tỉnh và huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Hành chính tỉnh và huyện quản lý cán bộ xã thuộc ngành mình.

Trên đây, Thủ tướng phủ quy định một số chủ trương, chính sách đối với cán bộ xã và công tác ở xã. Các Bộ, các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh cần nghiên cứu các chủ trương, chính sách ấy và hướng dẫn việc thực hiện. Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện toàn bộ chủ trương chính sách này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 531-TTg năm 1958 về chính sách đối với cán bộ xã do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 531-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/12/1958
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản