Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187-TTg/NC

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1966

THÔNG TƯ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ ĐẾN TUỔI GIÀ YẾU

Việc củng cố cấp xã là một khâu quan trọng trong việc kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở nông thôn. Trong tình hình chiến tranh hiện nay, để đáp ứng nhu cầu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, việc củng cố cấp xã lại càng cấp thiết và quan trọng, vì cấp xã là cấp cơ sở có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt công tác sản xuất, chiến đầu và bảo đảm đời sống nhân dân ở nông thôn.

Để tăng cường sự lãnh đạo ở cấp xã, một mặt các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã nhất là những cán bộ giữ chức vụ chủ chốt ở xã, nhằm không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác của cán bộ, mặt khác cần bố trí lại cán bộ cho hợp lý để tận dụng được khả năng của mỗi người.

Hiện nay ở nhiều xã có một số cán bộ chủ chốt do tuổi già, sức yếu mà năng lực có bị hạn chế. Đối với số đồng chí này, các địa phương cần chú trọng bồi dưỡng, giúp đỡ để không ngừng phát huy tác dụng của các đồng chí, dù ở cương vị công tác nào, Tuỳ điều kiện sức khỏe và khả năng của mỗi đồng chí mà phân công cho thích hợp để tạo điều kiện cho các đồng chí làm tốt nhiệm vụ được giao phó. Đối với các đồng chí đã quá già yếu thì có thể để các đồng chí thôi giữ chức vụ xã, nhưng phảitìm mọi cách giải quyết cho tốt về mặt tinh thần và đời sống theo hoàn cảnh của mỗi nơi.

Đối với các cán bộ giữ chức vụ chủ chốt ở xã như bí thư, phó bí thư Đảng uỷ, Đảng ủy viên (hay chi ủyxã nơi chưa có Đảng uỷ), Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban hành chính, Phó Ban liên lạc mặt trận xã, bí thư, phó bí thư thanh niên, hội trưởng, phó hội trưởng phụ nữ xã, trưởng, phó ban các ban chuyên môn, khi thôi giữ chức vụ ở xã thì các địa phương cần thi hành đúng chính sách sau đây.

Trước hết, cần nhận thấy rằng những cán bộ thuộc loại cán bộ đã có quá trình hoạt động, đã có những cống hiến nhất định đối với cách mạng và đã có tích luỹ được nhiều kinh nghiệm công tác. Tuy đã đến tuổi già yếu, được thôi giữ chức vụ ở xã, nhưng số đồng chí vẫn mong muốn làm việc này, việc khác theo khả năng còn cho phép để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Do đó, các địa phương, chủ yếu là cấp xã, cần hết sức coi trọng các đồng chí, quan tâm thường xuyên bồi dưỡng các đồng chí về các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm tạo điều kiện giúp đồng chí tiếp tục phát huy tác dụng tích cực của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ và quần chúng ở xã. Cần chú trọng tranh thủ ý kiến, tận dụng những hiểu biết và kinh nghiệm của các đồng chí về những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng và củng cố phong trào ở địa phương. Khi có hội nghị quan trọng của xã hoặc trong những dịp kỷ niệm lớn tuỳ từng trường hợp cụ thể, nên mời các đồng chí đó đến dự để tham khảo ý kiến. Đối với các đồng chí đã có nhiều thành tích trong quá trình hoạt động nhưng chưa được khen thưởng một cách thích đáng, thì cần đề nghị khen thưởng theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Đi đôi với việc đối xử, động viên về mặt tinh thần như trên, các địa phương cần quan tâm giúp đỡ về mặt vật chất, chủ yếu là phải dựa vào chi bộ Đảng và hợp tác xã để giải quyết những khó khăn về đời sống của các đồng chí.

Đối với gia đình các đồng chí thì địa phương cần bàn bạc với ban quản trị hợp tác xã đã bố trí công việc cho những người trong gia đình để tăng thu nhập. Nếu bản thân các đồng chí có khả năng ấy còn có khả năng lao động, thì có thể giúp đỡ, sắp xếp để các đồng chí làm nhưng công việc nhẹ thích hợp như trồng cây, làm những nghề thủ công nhẹ nhàng để đảm bảo đời sống. Khi gia đình các đồng chí gặp khó khăn, túng thiếu vì ốm đau, tai nạn… thì cần chú ý điều hoà lương thực hoặc bán lương thực và giúp đỡ chu đáo.

Nếu bản thân các đồng chí ấy bị ốm đau, thì cần giới thiệu đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, bệnh xá ở địa phương hoặc khi các đồng chí chết thì cần giúp đỡ gia đình chôn cất chu đáo. Trong các trường hợp này, các địa phương có thể vận dụng các chế độ đã quy định trong Thông tư số 18-TT/LB ngày 25-8-1965 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế như đối với cán bộ xã tại chức.

Riêng đối với các đồng chí đã giữ chức vụ bí thư, phó bí thư Đảng uỷ (hay chi ủy xã nơi chưa có Đảng ủy) Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, thường trực Đảng ủy xã mà trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp, sau khi các đồng chí đã thôi giữ chức vụ ở xã, nếu gia đình không đủ lao động để nuôi dưỡng hoặc đời sống gặp quá nhiều khó khăn, thì trong những kỳ xét trợ cấp khó khăn cho cán bộ xã, ủy ban hành chính xã cần xem xét từng trường hợp cụ thể và đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh trợ cấp khó khăn theo như chế độ chung để bảo đảm đời sồng cho các đồng chí ấy.

Chính sách trên đây áp dụng cho cả những cán bộ xã trước đây đã thực sự giữ chức vụ chủ chốt ở xã và đã liên tục hoạt động cho đến khi nghỉ việc vì già yếu.

Các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ và quần chúng ở xã để mọi người nhận thức đúng và chấp hành tốt những chính sách trên đây, hết sức giúp đỡ các đồng chí già yếu thôi giữ chức vụ ở xã.

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng các ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành thông tư này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 187-TTg/NC-1966 về chính sách đối với cán bộ xã đến tuổi già yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 187-TTg/NC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/10/1966
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản