Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 1967 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪNTHI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 187-TTg/NC NGÀY 10-10-1966 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ ĐẾN TUỔI GIÀ YẾU

Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo và chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ xã để anh chị em làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ngày 10-10-1966, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành thông tư số 187-TTg/NC về chính sách đối với cán bộ xã đến tuổi già yếu. Việc làm này càng nói lên sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với cán bộ xã. Thông tư này được thi hành tốt sẽ có tác dụng động viên đối với đội ngũ cán bộ xã, chẳng những đối với số cán bộ xã đã đến tuổi già yếu mà ngay cả đối với anh chị em hiện đang công tác, làm cho anh chị em phấn khởi vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác được giao.

Việc đối xử, động viên về mặt tinh thần đối với cán bộ xã già yếu là một vấn đề rất quan trọng. Các địa phương cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể để làm tốt theo đúng tinh thần thông tư của Thủ tướng Chính phủ nói trên. Về chế độ đãi ngộ về mặt vật chất đối với anh chị em này Liên bộ hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây để các địa phương nghiên cứu thi hành.

I. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ VỀ MẶT VẬT CHẤT ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ ĐẾN TUỔI GIÀ YẾU ĐƯỢC THÔI GIỮ CHỨC VỤ CÔNG TÁC Ở XÃ

A. CHẾ ĐỘ GIÚP ĐỠ ĐỜI SỐNG KHI GẶP KHÓ KHĂN.

Đối với các cán bộ xã đang giữ những chức vụ chủ chốt ở xã như bí thư, phó bí thư đảng ủy, đảng ủy viên (hay chi ủy viên xã nơi chưa có đảng ủy), chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban hành chính xã, trưởng, phó ban liên lạc Mặt trận xã, bí thư, phó bí thư thanh niên, hội trưởng, phó hội trưởng phụ nữ xã, trưởng, phó ban các ban chuyên môn xã đến khi già yếu được thôi giữ chức vụ công tác ở xã, nếu gặp khó khăn về đời sống, các địa phương cần hết sức quan tâm giúp đỡ, chủ yếu là dựa vào chi bộ Đảng và hợp tác xã để giải quyết những khó khăn cho anh chị em. Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã cần bàn bạc với ban quản trị hợp tác xã có kế hoạch sắp xếp công việc sản xuất cho những người trong gia đình được thích hợp để tạo điều kiện tăng thêm thu nhập. Nếu bản thân anh chị em còn có khả năng lao động thì cần chú ý giúp đỡ sắp xếp vào làm những công việc nhẹ nhàng thích hợp như trồng cây, làm các nghề phụ, nghề thủ công hoặc công tác văn phòng, kế toán v.v… để anh chị em có thêm công điểm, bảo đảm đời sống lâu dài. Khi gia đình anh chị em gặp khó khăn, túng thiếu vì thiếu sức lao động, vì ốm đau hoặc vì tai nạn bất thường thì cần điều hòa lương thực hoặc bán lương thực và giúp đỡ chu đáo.

B. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ KHI ỐM ĐAU, CHẾT VÀ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN.

Các cán bộ xã thuộc đối tượng nói trên đến khi già yếu được thôi giữ chức vụ công tác ở xã có đủ hai điều kiện sau đây thì được hưởng chế độ đãi ngộ khi ốm đau, chết, khi gặp khó khăn trong đời sống.

1. Tính đến ngày nghỉ việc, phải có ít nhất 5 năm công tác liên tục giữ các chức vụ ấy và trong quá trình hoạt động giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, được quần chúng tín nhiệm. Ví dụ: đồng chí A, 2 năm làm xã đội trưởng, 3 năm là ủy viên Ủy ban hành chính xã hoặc đồng chí B, 3 năm ủy viên Ủy ban hành chính xã, 2 năm đảng ủy viên. Riêng đối với cán bộ xã ở miền núi và đối với cán bộ nữ của xã thì phải có ít nhất 4 năm liên tục giữ các chức vụ ấy. Ví dụ: đồng chí C, 2 năm làm hội trưởng phụ nữ xã, 2 năm là đảng ủy viên hoặc ủy viên Ủy ban hành chính xã.

Trường hợp thời gian giữ các chức vụ ấy không đủ, nhưng nếu có những thành tích xuất sắc được tặng thưởng các loại huân chương, kể cả huân chương Kháng chiến và huân chương Chiến thắng thì cũng được xét hưởng chế độ;

2. Nghỉ việc vì tuổi già yếu và phải được huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện hoặc cấp tương đương quyết định cho nghỉ.

1. Chế độ đãi ngộ khi ốm đau:

Khi bị ốm đau, anh chị em được giới thiệu đi khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện, bệnh xá ở địa phương. Nếu xét phải nằm điều trị thì bệnh viện, bệnh xá cần cố gắng sắp xếp cho anh chị em vào điều trị.

Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, bệnh xá, anh chị em được cấp tiền ăn, tiền bồi dưỡng và thuốc men theo như chế độ đối với cán bộ xã đang công tác bị ốm đau quy định trong thông tư số 18-TT/LB ngày 25-8-1965 của Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế, nhưng tối đa mỗi lần không quá 3 tháng kể từ ngày vào bệnh viện. Sau 3 tháng, nếu xét thấy bệnh cần điều trị nữa thì bệnh viện, bệnh xá vẫn tiếp tục chữa nhưng gia đình phải đài thọ tiền ăn. Trường hợp gia đình quá túng thiếu không thể đài thọ được thì Ủy ban hành chính xã đề nghị, Ủy ban hành chính huyện xét và quyết định có thể cho kéo dài thời hạn trợ cấp tiền ăn. Riêng đối với cán bộ xã ở miền núi thì vẫn được tiếp tục miễn không phải trả viện phí.

Trường hợp bệnh viện, bệnh xá không có đủ giường bệnh, anh chị em phải chữa ngoại trú thì bệnh viện, bệnh xá cấp thuốc theo khả năng hiện có và cần theo dõi người bệnh trong thời gian chữa bệnh.

2. Chế độ trợ cấp chôn cất:

Khi anh chị em vì bị ốm đau hoặc bị tai nạn rủi ro, bị tai nạn chiến tranh mà chết thì Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã cần hết sức giúp đỡ gia đình chôn cất chu đáo. Sau khi chính quyền xã và hợp tác xã đã cố gắng giải quyết, nếu gia đình vẫn còn có nhiều khó khăn, túng thiếu thì sẽ được xét trợ cấp tiền chôn cất theo như chế độ đối với cán bộ xã chết quy định trong thông tư số 18-TT/LB ngày 25-8-1965 của Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế.

3. Chế độ trợ cấp khó khăn:

Riêng đối với các đồng chí đã giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, thường trực đảng ủy xã (hay chi ủy xã nơi chưa có đảng ủy), chủ tịch Ủy ban hành chính xã,đến khi già yếu được thôi giữ chức vụ công tác ở xã, ngoài việc được hưởng sự giúp đỡ về đời sống khi gặp khó khăn như đã quy định ở điểm A phần I trên đây, nếu gia đình không có đủ lao động để nuôi dưỡng hoặc đời sống gặp quá nhiều khó khăn túng thiếu thì được xét trợ cấp khó khăn theo chế độ chung đối với cán bộ xã đang công tác.

Đối với các đồng chí này, ngoài việc cần phải có những điều kiện như quy định ở điểm B trên đây, còn phải là cán bộ mà trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp được tặng thưởng từ huy chương Kháng chiến hoặc huy chương Chiến thắng hạng II trở lên hoặc có nhiều thành tích xuất sắc được tặng thưởng các loại huân chương sau hòa bình thì mới được xét hưởng trợ cấp khó khăn nói trên.

Việc trợ cấp khó khăn, tùy từng trường hợp cụ thể Ủy ban hành chính xã đề nghị, Ủy ban hành chính huyện xét và báo cáo Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo nguyên tắc: thiếu nhiều xét trợ cấp nhiều, thiếu ít xét trợ cấp ít, không thiếu không xét trợ cấp. Mức độ trợ cấp cho mỗi người tối đa không quá 12đ00 một tháng. Thời gian được trợ cấp sẽ tùy hoàn cảnh cụ thể của từng người, từng địa phương mà quyết định, nhưng phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và kịp thời, tránh xét trợ cấp tràn lan hoặc để chậm trễ. Việc tiến hành xét trợ cấp có thể làm từng quý hoặc 6 tháng làm một lần.

Mọi chi phí về trợ cấp khó khăn, trợ cấp ốm đau và chôn cất cho cán bộ xã già yếu được thôi giữ chức vụ công tác ở xã nói trên đều do ngân sách địa phương đài thọ (ghi vào loại 6, khoản 66, hạng 3 của dự toán ngân sách địa phương).

Cần chú ý, những cán bộ xã thuộc đối tượng được xét cho hưởng các chế độ trên đây phải là những người sau khi nghỉ việc phải luôn luôn giữ được đạo đức, phẩm chất cách mạng của người cán bộ. Những người tự ý bỏ việc hoặc thôi việc vì bị kỷ luật thì không được xét để cho hưởng các chế độ này.

Ủy ban hành chính huyện cần có kế hoạch quản lý chặt chẽ danh sách những cán bộ xã thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn, trợ cấp ốm đau và chôn cất quy định trong thông tư này để tránh mọi sự nhầm lẫn trong khi thi hành.

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này được thi hành bắt đầu từ ngày ban hành.

Những quy định trong thông tư này cũng áp dụng đối với cán bộ thị trấn.

Những cán bộ xã, thị trấn trước đây đã giữ các chức vụ chủ chốt ở xã như đã nói trên và liên tục hoạt động cho đến ngày nghỉ việc vì già yếu trước ngày ban hành chính sách này tính đến ngày nghỉ việc, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp khó khăn, ốm đau, chôn cất nói trên cũng được xét hưởng các chế độ quy định trong thông tư này kể từ ngày có quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương.

Thông tư này cần được quán triệt đầy đủ trong cán bộ và phổ biến những điểm cần thiết trong nhân dân để việc thi hành được tốt. Trong khi thi hành nếu có khó khăn mắc mứu gì cần kịp thời phản ánh về Liên bộ để nghiên cứu; giải quyết. Nếu có kinh nghiệm gì đề nghị trao đổi để Bộ kịp thời phổ biến cho các nơi.

Các cơ quan trung ương có hệ thống tổ chức chân rết ở xã mà sinh hoạt phí của cán bộ xã do ngành dọc đài thọ hoặc do tập thể hợp tác xã đài thọ, khi ban hành các chế độ đối với cán bộ già yếu nghỉ việc thuộc ngành mình ở xã, đề nghị cần trao đổi với Liên bộ để có sự thống nhất về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ các ngành ở xã.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Tô Quang Đẩu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 
 


Đào Thiện Thi

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỬ TRƯỞNG
 


 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 22-TT/LB năm 1967 chính sách đối với cán bộ xã đến tuổi già yếu do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 22-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/09/1967
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Nguyễn Văn Tín, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 07/09/1967
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản