Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 2621/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ MỨC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất về: bảo vệ rừng, phát triển rừng; khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch; tiêm phòng gia súc, gia cầm quy định tại Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2621/QĐ-TTg).

2. Đối tượng áp dụng: hộ gia đình đang sinh sống, có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các huyện nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đất khai hoang: Là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đất phục hoá: Là đất trước đây đã sản xuất nông nghiệp, nhưng đã bị bỏ hoá, nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đất tạo ruộng bậc thang: Là đất được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp và quy hoạch thành ruộng bậc thang được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

1. Hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng

a) Mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

b) Phương thức hỗ trợ:

- Về khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên: áp dụng theo Thông tư liên tịch số 80/2013/TTLT-BTC-BNN ngày 14/6/2013 của liên Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.

- Về trồng rừng và phát triển rừng: áp dụng Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 01/02/2013 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang

a) Mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

b) Phương thức hỗ trợ: áp dụng theo Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT- BTC- BTNMT ngày 18/11/2013 của liên Bộ: Uỷ ban Dân tộc,Tài chính, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số điều của Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

3. Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch

Thực hiện hỗ trợ thông qua dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch quy định tại Điều 4 Thông tư này.

4. Tiêm phòng gia súc, gia cầm

a) Nội dung và mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

Đối với vắc xin tai xanh: chỉ hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho lợn nái, lợn đực giống; đối với vắc xin cúm gia cầm: chỉ hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia cầm tại các xã có ổ dịch cũ, địa bàn xã có nguy cơ cao xảy ra cúm gia cầm.

b) Phương thức thực hiện:

- Vắc xin phục vụ tiêm phòng nhận theo kế hoạch từ Chi cục Thú y do Cục Thú y chuyển tới;

- Hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thống kê số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng loại bệnh nguy hiểm gồm: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng ở trâu bò; dịch tả, dịch tai xanh ở lợn; cúm gia cầm để làm căn cứ hỗ trợ;

- Trước vụ tiêm phòng 03 tháng, Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thống kê và đăng ký số lượng gia súc, gia cầm; tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào số lượng vật nuôi do các xã gửi lên, rà soát các nguồn vắc xin khác nhau tránh gây chồng chéo; tổng hợp nhu cầu vắc xin tiêm phòng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để nhận hỗ trợ vắc xin.

Điều 4. Thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch

1. Điều kiện thực hiện

a) Đối với Dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch:

- Nằm trong kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế;

- Phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương;

- Phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình trong vùng;

- Đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các hộ gia đình trong việc xây dựng và thực hiện dự án.

b) Đối tượng tham gia dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế:

- Có đất đai, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng với nội dung của dự án;

- Có cam kết thực hiện đúng các nội dung sản xuất đã đăng ký.

2. Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Mục tiêu của dự án;

b) Nội dung dự án;

c) Các hoạt động của dự án;

d) Tổ chức thực hiện dự án;

đ) Kiểm tra đánh giá, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện dự án.

3. Hỗ trợ hộ gia đình khi tham gia dự án

a) Nội dung và mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

b) Tùy theo mục đích, nội dung của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương, hộ gia đình tham gia dự án được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư theo quy định sau:

- Giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế nằm trong danh mục giống được phép sản xuất và kinh doanh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phù hợp với qui hoạch, Đề án tái cơ cấu ngành và điều kiện của địa phương;

- Phân bón theo định mức kỹ thuật áp dụng cho từng giống cây trồng.

4. Phương thức hỗ trợ

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện: căn cứ qui hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư được duyệt và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã: căn cứ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế của huyện, xây dựng dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế trên địa bàn xã.

Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án áp dụng theo nội dung thủ tục hành chính quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT ngày 5 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 04 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hồ sơ gửi thẩm định theo mẫu quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg; đề xuất điều chỉnh, bổ sung để thúc đẩy việc thực hiện hỗ trợ;

- Tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo kết quả gửi về cơ quan thường trực thực hiện Nghị quyết 30a;

- Hướng dẫn các địa phương sơ kết, tổng kết theo định kỳ và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sơ kết, tổng kết việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Quy định một số mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 2621/QĐ-TTg.

b) Chỉ đạo và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ:

- Hướng dẫn chi tiết hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho huyện nghèo phù hợp với thực tiễn của địa phương; hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình sản xuất để thực hiện các nội dung phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tăng cường công tác khuyến nông, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình; kiểm tra thực hiện dự án trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Định kỳ 6 tháng và 01 năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

c) Phân bổ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cho các huyện nghèo, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện nghèo tổ chức thực hiện hiệu quả hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Ban hành kế hoạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch trên địa bàn huyện.

b) Tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm ngư nghiệp trên địa bàn huyện.

c) Thẩm định, phê duyệt dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo qui hoạch của xã.

d) Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; định kỳ 6 tháng và 01 năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn gửi về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

4. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm ngư nghiệp trên địa bàn xã.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế trên địa bàn xã.

c) Tổ chức thực hiện dự án dân chủ, công khai, đúng đối tượng.

d) Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; định kỳ 6 tháng và 01 năm báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn xã về Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2015. Thông tư này thay thế những nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3 và 6 Mục II Thông tư số 08/2009/TT- BNN ngày 26/02/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008. Nội dung hỗ trợ lãi suất quy định tại Quyết định số 2621/QĐ-TTg thực hiện theo Thông tư số 28/2014/TT-NHNN ngày 1/10/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 9 tháng 4 năm 2009 quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

2. Các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) để bổ sung, điều chỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 2621/QĐ-TTg sửa đổi mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 52/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 83 đến số 84
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản