Hệ thống pháp luật

Điều 18 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 18. Lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ

1. Lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương sử dụng vốn nhà nước (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này), bao gồm: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, các nguồn vốn từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc lập kế hoạch bảo trì đối với hệ thống đường địa phương thuộc phạm vi quản lý;

c) Nội dung kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm bao gồm: kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên công trình, kế hoạch sửa chữa công trình đường bộ theo từng tuyến (đoạn tuyến) và các công tác khác (nếu có). Kế hoạch bảo trì công trình đường bộ phải nêu được đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình chủ yếu; đơn vị, khối lượng, kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện và mức độ ưu tiên.

2. Phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước;

a) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương do Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập, trình và các trường hợp khác theo thẩm quyền;

b) Việc phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống đường địa phương sử dụng các nguồn vốn ngân sách của địa phương và Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 hàng năm;

b) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ trước ngày 15 tháng 7; tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 8 hàng năm;

c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải thông báo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước gửi cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì công trình đường bộ;

d) Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức rà soát danh mục dự án, hạng mục và khối lượng công trình cấp thiết phải làm, chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, trình Bộ Giao thông vận tải chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, giao dự toán thu chi ngân sách cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước:

a) Kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ Giao thông vận tải quyết định việc điều chỉnh kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương.

b) Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì hệ thống đường địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

5. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch bảo trì đối với công trình đường bộ do doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác nhưng không theo hình thức Hợp đồng dự án thực hiện như sau: doanh nghiệp tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt trong trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước để quản lý bảo trì; doanh nghiệp tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch bảo trì trong trường hợp sử dụng vốn của doanh nghiệp.

6. Đối với công trình BOT và công trình dự án khác, kế hoạch bảo trì và chi phí bảo trì công trình đường bộ hằng năm phải được quy định trong Hợp đồng dự án, làm căn cứ cho việc bảo trì công trình đường bộ trong giai đoạn khai thác công trình. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án để thỏa thuận trước khi phê duyệt triển khai thực hiện.

Trường hợp Hợp đồng dự án chưa quy định kế hoạch bảo trì và chi phí bảo trì công trình đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án căn cứ định mức kinh tế-kỹ thuật hiện hành, suất vốn bảo trì của công trình đường bộ tương tự để bổ sung vào Hợp đồng dự án.

7. Việc lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 52/2013/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/12/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH